Trường tư không xếp môn tự chọn xen lẫn thời khóa biểu chính khóa

05/10/2024 06:36
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Các môn học không bắt buộc tại các trường tư thục thu hút đông đảo học sinh tham gia vì đáp ứng được nhu cầu của người học, không cần xếp xen TKB chính khóa.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết phản ánh bức xúc của phụ huynh ở nhiều trường công lập về việc môn tự chọn (STEM, kỹ năng sống, tiếng Anh với giáo viên nước ngoài...) được xếp xen vào thời khóa biểu chính khóa.

Đáng chú ý, số lượng học sinh trong các trường công lập tự nguyện đăng ký, có nơi lên đến 99,8%.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia giáo dục băn khoăn rằng, nếu việc sắp xếp các môn tự chọn xen vào thời khóa biểu chính khóa tạo ra tình trạng “miễn cưỡng tự nguyện” cho phụ huynh, nhà trường cần điều chỉnh lại.

Bàn về vấn đề này, đại diện một số cơ sở giáo dục tư thục đã chia sẻ một số kinh nghiệm khi triển khai các môn tự chọn trong nhà trường.

Môn không bắt buộc được sắp xếp riêng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Việt Anh 5 (Trà Vinh) thông tin, thời khóa biểu năm học 2024-2025 của nhà trường được sắp xếp như sau:

Khối tiểu học: 35 tiết/ tuần, 5 ngày/tuần, 7 tiết/ngày.

Khối trung học: 40 tiết/tuần, 5 ngày/tuần, 8 tiết/ngày.

Theo đó, lớp 1, 2 tăng 8 tiết/tuần, lớp 3 tăng 7 tiết/tuần, lớp 4, 5 tăng 5 tiết/tuần. Các lớp trung học tăng 11 tiết/tuần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số tiết/tuần cho các môn học, các tiết tăng thêm chủ yếu ở các môn Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, tiếng Anh.

Đối với các môn tự chọn, khối 1 và 2 có môn Tin học, tiếng Anh; khối trung học có môn học tự chọn là Kỹ năng sống.

Các tiết tăng thêm và môn học tự chọn thuộc kế hoạch dạy học của nhà trường, được xếp công khai trên thời khóa biểu, tất cả học sinh trường đều tham gia và nhà trường không thu phí riêng.

Việc triển khai giảng dạy STEAM tại trường hiện nay chưa tổ chức thành các tiết học riêng, chủ yếu được dạy lồng ghép trong các môn học, hoặc tổ chức dưới hình thức ngoại khóa do giáo viên nhà trường thực hiện.

Cô Trần Thị Thu Hà liên cấp việt anh 5.jpg
Cô Trần Thị Hà (bên phải), Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Việt Anh 5 (Trà Vinh). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Mộng Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Quảng Nam) cho biết, ngoài số tiết học được quy định trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh sẽ học thêm tiếng Anh tăng cường và các môn năng khiếu. Đối với những môn năng khiếu, nhà trường không sắp xếp vào thời khóa biểu chính khóa, mà sẽ dạy riêng 1 buổi vào cuối tuần.

Đối với hoạt động STEM, ở cấp trung học phổ thông sẽ không dạy riêng mà kết hợp trong các môn học khác với giáo viên phụ trách. Nhà trường sẽ tổ chức một ngày hội cho học sinh trưng bày các sản phẩm STEM. Những sản phẩm có chất lượng tốt sẽ được lựa chọn để học sinh báo cáo, thuyết trình. Điều này tạo rất nhiều hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.

“Thời khóa biểu được xếp theo tuần, cân đối giữa các môn học để tránh quá tải, chương trình năng khiếu giảng dạy với học sinh lớp 10 và tiếng Anh tăng cường với học sinh lớp 10 và 11.

Theo tôi, thời khóa biểu nên sắp xếp cân đối với các khung giờ cũng như nguồn lực của nhà trường để tránh xung đột về thời gian, cần có sự linh hoạt, điều chỉnh và cân bằng. Đặc biệt, không nên xếp quá nhiều tiết để giảm tải áp lực cho học sinh” - cô Hoa chia sẻ.

Vị phó hiệu trưởng nói thêm: “Chúng tôi linh hoạt sử dụng đội ngũ giáo viên của cơ sở và giáo viên thuê ở bên ngoài. Nếu giáo viên của nhà trường có thể đảm nhận việc dạy tiếng Anh tăng cường và các môn năng khiếu, nhà trường sẽ không cần thuê đội ngũ bên ngoài. Chỉ khi nào thiếu nguồn lực, nhà trường mới phải đi thuê.

Với chương trình tiếng Anh tăng cường, chúng tôi kết hợp cả đội ngũ giáo viên của cơ sở lẫn giáo viên người Việt Nam và giáo viên người bản ngữ của các trung tâm tiếng Anh uy tín ở địa phương”.

Cô Hoàng Thị Kim Khánh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Văn Lang (Quảng Ninh) bày tỏ: “Với Kỹ năng sống, nhà trường không dạy thành một nội dung riêng rẽ, mà lồng ghép trong các hoạt động giáo dục. Với các hoạt động giáo dục khác, khi nhà trường tổ chức, luôn thu hút được phần lớn học sinh tham gia. Các em đều rất nhiệt tình và thích thú với những hoạt động này.

Bởi vì, trước khi chúng tôi định đưa vào nhà trường hoạt động giáo dục nào, nhằm mục đích gì... đều có sự cân nhắc, lựa chọn, tính toán, nên thiết thực và đảm bảo tính thu hút. Ngoài ra, các thầy cô luôn luôn đổi mới, sáng tạo, thay đổi linh hoạt hình thức dạy học để tạo sự hấp dẫn cho quá trình giảng dạy.

Đối với môn STEM, giáo viên của nhà trường trực tiếp tham gia giảng dạy nên không cần phải thuê đối tác bên ngoài. Thời gian đầu, cũng có một số khó khăn với đội ngũ giáo viên vì phải tiếp cận, làm quen, nghiên cứu cách giảng dạy. Hiện tại, chúng tôi không gặp vấn đề gì về số lượng hay chất lượng đội ngũ dạy môn STEM”.

Văn Lang Quảng Ninh STEM.jpg
Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Văn Lang (Quảng Ninh) là một trong số ít các trường sớm triển khai giáo dục STEM tại Hạ Long. Ảnh: Website nhà trường.

Trao đổi rõ với phụ huynh từ đầu năm học, không có hiện tượng “miễn cưỡng tự nguyện”

Cô Trần Thị Hà nói: “Trong quá trình hoạt động (từ năm học 2023-2024 đến nay), nhà trường chưa ghi nhận phản ánh của phụ huynh về kế hoạch dạy học nêu trên. Nhà trường không gặp khó khăn khi thực hiện kế hoạch dạy học, vì trường tổ chức dạy học cả ngày (học sinh ăn và nghỉ trưa tại trường), đảm bảo thời gian và đội ngũ giáo viên”.

Vị hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, vì Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Việt Anh 5 là trường tư thục, nên khi chọn trường cho con em vào học, phụ huynh đã tìm hiểu và được tư vấn kỹ càng về hoạt động trường cũng như các môn học, do đó, không có tình trạng “miễn cưỡng tự nguyện”.

Học sinh trường Việt Anh 5 Trà Vinh 2.jpg
Học sinh Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Việt Anh 5 (Trà Vinh). Ảnh: NTCC

Với Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Quảng Nam), cô Nguyễn Thị Mộng Hoa bày tỏ: “Đầu năm học, nhà trường sẽ tư vấn cho phụ huynh, học sinh lựa chọn tổ hợp môn học cũng như các môn năng khiếu.

Chúng tôi triển khai 6 môn năng khiếu, bao gồm: mỹ thuật, võ thuật, thanh nhạc, cờ vua, dancer và MC. Các em học sinh tự lựa chọn theo sở thích và có sự xác nhận từ phía phụ huynh.

Một mặt, vì là trường tư thục, có nguồn kinh phí tự thu chi, nên chúng tôi chủ động sắp xếp, triển khai việc dạy các môn năng khiếu và tiếng Anh tăng cường. Mặt khác, là các môn học này phù hợp với nhu cầu của học sinh nên các em tự nguyện đăng ký.

Đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai dạy chương trình năng khiếu, nên cũng chưa phát sinh vấn đề bất cập nào. Chỉ có một vướng mắc nhỏ, số lượng học sinh của từng lớp năng khiếu chưa đồng đều, có môn có nhiều, có môn quá ít. Trong tương lai, nhà trường có thể sẽ tách các lớp quá đông 2-3 lớp, tùy thuộc vào điều kiện kinh phí”.

HS Trường THPT Hà Huy Tập.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Quảng Nam). Ảnh minh họa: Website nhà trường.

Theo cô Hoàng Thị Kim Khánh, vì là trường tư thục, nên Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Văn Lang (Quảng Ninh) được chủ động thực hiện, triển khai các hoạt động giáo dục.

“Tại nhà trường, chúng tôi cố gắng sắp xếp sao cho hài hòa, hợp lý, phụ huynh, học sinh cảm thấy vui vẻ, hưởng ứng, thầy cô cũng được tạo điều kiện, không gặp những trở ngại.

Các vấn đề liên quan đến lựa chọn tổ hợp, môn học không bắt buộc đều được nhà trường triển khai, thông báo rõ ràng trong buổi họp phụ huynh. Sau khi đảm bảo được sự thống nhất với phụ huynh mới tiến hành thực hiện” - cô Khánh cho biết thêm.

Hồng Linh