Thượng tôn pháp luật hay thượng tôn… kỷ luật?

03/06/2021 06:37
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỷ luật người vi phạm quy định là cần thiết nhưng quan trọng hơn là việc kỷ luật phải đúng luật, làm sao để người nhận án kỷ luật và dư luận tâm phục, khẩu phục.

Nhiều tờ báo đề cập chuyện Thanh tra viên chính Lê Hồng Sâm, công chức Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I) thuộc Thanh tra Chính phủ trong sáu năm (từ 01/01/2013 đến ngày 31/12/2018) ra nước ngoài 27 lần không báo cáo, xin phép cơ quan, thời gian đi là 69 ngày, trong đó có 45 ngày làm việc và 24 ngày nghỉ.

Điều đáng nói là có thời điểm đương sự đi nước ngoài (không báo cáo, không xin phép) khi đang là thành viên đoàn Thanh tra Chính phủ.

Thông tin từ báo Thanhnien.vn cho biết đảng viên Lê Hồng Sâm đã bị kỷ luật đảng:

“Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy yêu cầu đồng chí Lê Hồng Sâm nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm của mình; thực hiện nghiêm túc quy định về điều đảng viên không được làm”. [1]

Về phía chính quyền, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối công chức Lê Hồng Sâm. [1]

Trụ sở Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Baogiaothong.vn)

Trụ sở Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Baogiaothong.vn)

Khoản 2, điều 35, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (2011) quy định hình thức kỷ luật đảng viên chính thức chỉ gồm bốn mức: “khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ”, không có hình thức “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Với 27 lần ra nước ngoài trong 6 năm, tạm tính bình quân thì vị Thanh tra viên chính này có ba năm ra nước ngoài mỗi năm 05 lần, ba năm ra nước ngoài mỗi năm 04 lần.

Tờ báo của Bộ Giao thông còn tiết lộ những thông tin gây sốt: “Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông cho biết, lý do bà Sâm đi nước ngoài nhiều lần trong thời gian ngắn như vậy là vì sinh đẻ”. [2]

Nếu quả vì chuyện “sinh đẻ” nên phải ra nước ngoài liên tục thì có lẽ dư luận cũng nên thông cảm hơn là phê phán.

Thế nhưng có phải kỷ luật ngoài chuyện là biện pháp nhắc nhở, răn đe còn phải mang tính “nhân văn” nên Thanh tra Chính phủ áp dụng hình thức “khiển trách” công chức Lê Hồng Sâm mặc dù hành vi vi phạm của đương sự lặp lại 27 lần trong thời gian dài tới 06 năm!

Cố gắng tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy một văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ dành riêng cho việc quản lý cán bộ ra nước ngoài vì việc riêng.

Tuy nhiên có thể tìm thấy khá nhiều quy định của Đảng, chính quyền cấp tỉnh và cấp bộ về quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài không phải vì hoạt động công vụ.

Ngày 31/03/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 1085/QĐ-TCHQ kèm theo “Quy chế đi nước ngoài giải quyết việc riêng đối với công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong ngành Hải quan”;

Ngày 16/01/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy chế đi nước ngoài giải quyết việc riêng đối với công chức, viên chức thuộc bộ”;

Ngày 27/04/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND “Quy định quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài”.

Chọn ba cơ quan nêu trên là có lý do bởi bao gồm cả cơ quan trung ương (Bộ, Tổng cục) và chính quyền địa phương.

Vậy Thanh tra Chính phủ (cơ quan ngang bộ) có ban hành một văn bản tương tự như các đơn vị nêu trên nhằm quản lý cán bộ thanh tra ra nước ngoài vì việc riêng?

Gõ cụm từ “Quy chế đi nước ngoài giải quyết việc riêng” (theo mẫu của Tổng cục Hải quan và Bộ Khoa học và Công nghệ) trong mục Văn bản pháp luật, loại văn bản là Quyết định tại “'Cổng Thông tin điện tử Thanh tra chính phủ”, cho đến ngày 02/06/2021 nhận được kết quả là “Không có văn bản nào”. [3]

Tìm hiểu trong Thông tư số 01/2021/TT-TTCP “Quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân” không thấy có bất kỳ điều khoản nào đề cập đến chuyện cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ đi nước ngoài vì việc riêng.

Cả hai đạo luật liên quan đến cán bộ, công chức và viên chức đều không có điều khoản nào nói đến chuyện cán bộ, công chức đi nước ngoài bằng kinh phí tự túc.

Nếu công chức Lê Hồng Sâm không vi phạm quy định nội bộ của Thanh tra Chính phủ (vì chưa có quy định?) mà là vi phạm các quy định khác thì việc kỷ luật cần viện dẫn các quy định này. Rất mong các tờ báo nổi tiếng hoặc chính Thanh tra Chính phủ đăng tải nguyên văn nội dung quyết định kỷ luật.

Mục d, khoản 1, điều 26 Quy định 102/QĐ-TW (ban hành năm 2017) quy định:

“Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt”.

Hình thức khiển trách nêu trong Quy định 102/QĐ-TW áp dụng cho đảng viên chứ không phải của chính quyền áp dụng cho công chức, viên chức hoặc người lao động.

Xét trường hợp một công chức thanh tra khi đang là thành viên đoàn Thanh tra Chính phủ nhưng lại ra nước ngoài không báo cáo tổ chức thì đây không phải là vi phạm bình thường và hình thức kỷ luật không thể chỉ ở mức khiển trách.

Xét đến khía cạnh kinh tế thì một công chức nhà nước cỡ chuyên viên chính, thanh tra viên chính hoặc giảng viên chính nếu chỉ dựa vào thu nhập từ lương liệu có đủ chi phí cho năm chuyến ra nước ngoài trong một năm (chưa nói đến sự tốn kém khá lớn nếu thực hiện điều trị liên quan đến sinh đẻ)?

Vấn đề sẽ trở nên đặc biệt khi đương sự vừa là đảng viên vừa là công chức thuộc Thanh tra Chính phủ bởi ở vị trí này người cán bộ phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế nội bộ.

Nếu sự vi phạm chỉ diễn ra nhất thời và không gây hậu quả nghiêm trọng thì người viết tán đồng hình thức xử lý kỷ luật là “khiển trách” (chứ không phải là “rút kinh nghiệm sâu sắc”).

Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc cơ quan công quyền xử lý cán bộ, công chức vi phạm quy định không thể vượt quá khuôn khổ các điều khoản của pháp luật, trong đó có Luật Cán bộ, công chức. Những quy định nội bộ trái với các điều luật đã ban hành đều phải hủy bỏ.

Vụ kỷ luật công chức Lê Hồng Sâm tại Thanh tra Chính phủ khiến người viết có đôi chút băn khoăn, mong được giải thích:

Thứ nhất là vì sao sự việc diễn ra trong suốt 6 năm, từ năm 2013 đến năm 2018 nhưng phải đến năm 2021 mới bị phát hiện, xem xét và công bố hình thức kỷ luật (quyết định kỷ luật có hiệu lực từ ngày 14/05/2021).

Liệu có chuyện công tác quản lý cán bộ bị buông lỏng hay do cơ quan chưa ban hành quy định cán bộ đi nước ngoài phải báo cáo cơ quan nên chưa thể xử lý?

Nếu tính từ khi phát hiện vi phạm (đầu năm 2013) đến ngày công bố kỷ luật 14/05/2021 là gần 09 năm, đây là khoảng thời gian của hai nhiệm kỳ Thanh tra Chính phủ, chưa kể nhiệm kỳ đang được kiện toàn đầu năm 2021.

Thứ hai, từ ngày 01/01/2013 đến 30/06/2020 Trung ương đã ban hành 78 văn bản liên quan đến quản lý cán bộ, đảng viên và việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xin giới thiệu vài văn bản: [4]

Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm;

Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên;

Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm;

Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm;…

Văn bản chỉ đạo, điều hành nhiều như vậy nhưng thật khó tưởng tượng ngay tại cơ quan đầu não về thanh tra lại không phát hiện sai phạm lặp đi lặp lại tới 27 lần của một cán bộ trong cơ quan và vì sao vụ việc đã kết thúc từ năm 2018 lại được khơi dậy vào dịp này?

Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét một số quy định của pháp luật hiện hành.

Khoản 1, điều 5 “Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật” trong Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/09/2020 “Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức” quy định:

“Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thực hiện theo Điều 80 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”.

Khoản 16, điều 1 Luật số 52/2019/QH14 “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12” quy định “Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật” cán bộ, công chức như sau:

“Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm… Thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau: 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách”…

“Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày”.

Từ thông tin báo chí có được, mốc thời gian cuối cùng mà công chức Lê Hồng Sâm thực hiện hành vi vi phạm là trong năm 2018 nhưng cụ thể là vào thời điểm nào, có phải đúng là ngày 31/12/2018 hay sớm hơn vài tháng?

Ngay cả khi công chức Lê Hồng Sâm từ nước ngoài trở về chuyến cuối cùng vào ngày 31/12/2018 thì thời hiệu xử lý kỷ luật 02 năm (tính từ thời điểm có hành vi vi phạm) tức là từ ngày 31/12/2018 đến hết ngày 31/12/2020.

Sau ngày 31/12/2020 công chức Lê Hồng Sâm sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Mặt khác, bộ phận chức năng thuộc Thanh tra Chính phủ phát hiện công chức Lê Hồng Sâm vi phạm quy định từ khi nào? Đây là mốc thời gian rất quan trọng bởi quyết định kỷ luật (hình thức khiển trách) phải được công bố trong vòng 90 ngày kể từ ngày phát hiện sai phạm.

Người viết cho rằng kỷ luật người vi phạm quy định là cần thiết nhưng quan trọng hơn là việc kỷ luật phải đúng luật và làm sao để người nhận án kỷ luật và dư luận tâm phục, khẩu phục.

Nói cách khác, kỷ luật người mắc sai phạm là cần thiết nhưng pháp luật phải thượng tôn./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/khien-trach-mot-can-bo-cua-thanh-tra-chinh-phu-27-lan-di-nuoc-ngoai-khong-xin-phep-1391855.html

[2] https://www.baogiaothong.vn/mot-can-bo-cua-thanh-tra-chinh-phu-di-nuoc-ngoai-27-lan-de-sinh-de-d509368.html

[3] https://thanhtra.gov.vn/web/guest/van-ban-phap-luat

[4] https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/thong-ke-cac-van-ban-cua-dang-lien-quan-den-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-(ban-han-91842953.htm

Xuân Dương