Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi của công ty Hào Dương

05/11/2013 15:46
Ngọc Luân
(GDVN) - Có thể nói, hành vi liên tục xả nước thải công nghiệp không đạt tiêu chuẩn ra môi trường của công ty thuộc da Hào Dương – KCN Hiệp Phước - TP. HCM đang là vấn đề nóng nhất trong dư luận những ngày vừa qua. Trước những sai phạm quá rõ ràng, cũng như thái độ trơ trẽn, trây ì của doanh nghiệp này, điều người dân quan tâm nhất lúc này, đặc biệt là bà con nhân dân sống trên lưu vực sông Đồng Điền – huyện Nhà Bè, là lãnh đạo TP. HCM sẽ xử lý Hào Dương như thế nào? Hào Dương có còn được “dung túng” cho những hành vi xem thường pháp luật nữa hay không?

Phải có chế tài nghiêm khắc

Hôm qua, ngày 4/11/2013, tin từ UBND TP. HCM cho biết, Chủ tịch UBND TP. HCM - Lê Hoàng Quân đã ra công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phải có quyết định đình chỉ ngay hoạt động sai phạm của công ty CP thuộc da Hào Dương để xử lý theo quy định pháp luật.

Họng xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý - nguy hại ra sông Đồng Điền của công ty Hào Dương bị phát hiện
Họng xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý - nguy hại ra sông Đồng Điền của công ty Hào Dương bị phát hiện 

Với việc bị phát hiện xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền vào đêm 24/10/2013 vừa qua, cũng là lần thứ 10 công ty này bị bắt quả tang với cùng một hành vi gây ô nhiễm môi trường, UBND thành phố cho rằng, mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc nhưng công ty này vẫn không chấp hành, chưa tự giác khắc phục hậu quả mà còn cố tình tái phạm, coi thường pháp luật, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong khu vực.

Theo đó, Sở Tài nguyên - Môi trường phải xử lý hoặc áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc, buộc khắc phục hậu quả một cách triệt để, xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, và báo cáo UBND thành phố trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công văn này ban hành.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra các hành vi vi phạm của công ty Hào Dương trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là môi trường.

Cũng trong ngày hôm qua, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết, đơn vị này sẽ không khai quật hệ thống đường ống ngầm xả nước thải ô nhiễm ở công ty Hào Dương nữa vì lãnh đạo công ty này đã ký vào biên bản xác nhận việc xả lén của mình.

Hệ thống xử lý nước thải của công ty Hào Dương chủ yếu có nhiệm vụ "tạm chứa" để chờ cơ hội công ty bơm thẳng ra môi trường
Hệ thống xử lý nước thải của công ty Hào Dương chủ yếu có nhiệm vụ "tạm chứa" để chờ cơ hội công ty bơm thẳng ra môi trường  

Những ngày tới, cơ quan điều tra sẽ tập trung làm việc với các cán bộ, công nhân liên quan để xác định khối lượng nước thải chưa qua xử lý mà công ty Hào Dương đã xả ra sông Đồng Điền.

“Việc xác định khối lượng nước thải xả ra môi trường rất quan trọng, bởi dựa vào đó sẽ tính toán và truy thu số tiền mà Hào Dương đã thu lợi từ việc không xử lý nước thải. Số tiền này có thể dùng vào mục đích khắc phục môi trường hay bồi thường thiệt hại cho người dân giống như vụ Vedan những năm trước” – đại diện đơn vị này cho biết.

Trong cuộc họp đối thoại giữa công ty CP thuộc da Hào Dương và Ban quản lý KCN Hiệp Phước do Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức trước đó, ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đã khẳng định sai phạm của công ty Hào Dương là hết sức nghiêm trọng và cần phải xử lý ở khung hình phạt cao nhất.

Hào Dương đang đẩy khó cho KCN Hiệp Phước.

Theo báo cáo của Công ty Hào Dương, trong sáu tháng đầu năm lượng nước thải sản xuất trung bình của công ty phát sinh 700 - 800 m3/ngày.

Thế nhưng, sau khi bị bắt quả tang xả nước thải ra sông, Công ty Hào Dương bất ngờ đề nghị chuyển giao cho KCN Hiệp Phước xử lý lượng nước thải lên đến 2.000 m3/ngày.

Ông Tăng Văn Đức - Chủ tịch HĐQT công ty Hào Dương luôn múa mép bao biện cho hành vi độc ác của mình.
Ông Tăng Văn Đức - Chủ tịch HĐQT công ty Hào Dương luôn múa mép bao biện cho hành vi độc ác của mình.

Bộ mặt xảo trá của công ty này còn lộ rõ khi vừa qua, ông Tăng Văn Đức - chủ tịch HĐQT công ty Hào Dương, còn múa mép: “Vụ việc xả nước thải ra sông vừa qua là hết sức bậy, không thể chấp nhận được, ban lãnh đạo chúng tôi không cho phép.” (!?)

Ngay sau đó, kẻ đạo đức giả này liền nêu lên khó khăn khi cho rằng, cuối năm 2012, KCN Hiệp Phước khống chế chỉ được xả thải vào hệ thống xử lý nước thải của KCN tối đa 1.200 m3/ngày, trong khi công ty dù đã giảm tối thiểu công suất chỉ còn 1/3 so với thiết kế, nhưng cũng phải xả ra 1.500 m3/ngày. Thêm vào đó, yêu cầu của KCN là lượng nước thải phải có nồng độ muối dưới 1.000 mg/lít, trong khi nước sông Đồng Điền hàm lượng muối đã là 2.500mg/lít.

Trao đổi với PV, ông Đoàn Hồng Tâm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước cho biết, từ khi bị phát hiện quả tang hành vi xả thải lén ra môi trường đến nay, lượng nước thải và nồng độ ô nhiễm nước thải của Hào Dương đấu nối về nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN là tăng đột biến.

Cụ thể, theo ông Tâm, lượng nước thải từ Hào Dương về hệ thống xử lý tập trung trước đây chỉ khoảng 1.000 m3/ngày thì hiện nay đã tăng lên 1.4000 m3/ngày, nồng độ ô nhiễm, đặc biệt là không chỉ độ mặn tăng rất cao từ 6.000 - 8.000 mg/lít, vượt tiêu chuẩn cho phép gấp 5 đến 7 lần, mà cả hàm lượng đạm, nitơ... đều cao gấp nhiều lần quy chuẩn.

“Vì nồng độ ô nhiễm tăng cao nên KCN phải thu phí xử lý nước thải của Hào Dương 10.000 đồng/m3, cao hơn giá xử lý nước thải của các doanh nghiệp khác khoảng 6.000 đồng/m3” – ông Tâm thông tin.

Người dân sống trên lưu vực sông Đồng Điền vô cùng bức xúc, họ mong chờ một hình phạt thích đáng cho các tội lỗi mà công ty này gây ra với môi trường sống của họ
Người dân sống trên lưu vực sông Đồng Điền vô cùng bức xúc, họ mong chờ một hình phạt thích đáng cho các tội lỗi mà công ty này gây ra với môi trường sống của họ 

Với khối lượng 1.000 - 1.200 m3/ngày thì KCN có thể cố gắng hòa loãng với nước thải có hàm lượng muối thấp từ các công ty khác để xử lý, nhưng về lâu dài thì không thể, vì hàm lượng muối cao khiến vi sinh bị ức chế, không thể phân hủy chất thải, làm hỏng hết hệ thống xử lý.

Vì vậy, KCN Hiệp Phước đã khuyến cáo Hào Dương phải có lộ trình cụ thể để xử lý vấn đề này, nhưng gần như Hào Dương đã không làm gì suốt 2 năm qua.

Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo công ty Hào Dương còn giở trò ma mãnh khi tiếp tục… “hứa”: nếu KCN Hiệp Phước chấp nhận cho Hào Dương xả thải 2.500 m3/ngày với chất lượng nước thải như hiện tại vào hệ thống, thì trong vòng 6 tháng công ty sẽ mua máy móc thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn tại nhà máy.

Vậy nhưng, không hiểu từ duyên cớ gì mà phía KCN Hiệp Phước lại tình nguyện “mang gông vào cổ” mình khi chấp thuận lời hứa hẹn này của Hào Dương, đồng ý xử lý lượng nước thải như hiện tại cho Hào Dương trong 6 tháng nữa. (?)

“Từ những vi phạm liên tục và kéo dài như thời gian qua, có thể thấy hành vi của Hào Dương là hoàn toàn cố ý, xem thường luật pháp và thách thức công luận. Thế mà, có vẻ như các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khiến doanh nghiệp vi phạm có cách nghĩ: cứ gây ô nhiễm môi trường, nếu chẳng may bị phát hiện và công luận phản ứng dữ dội, người dân kêu la thì cùng lắm chỉ trả tiền bồi thường là xong! Việc cơ quan chức năng không xử lý hình sự loại tội phạm này khiến một bộ phận doanh nghiệp xâm hại môi trường có tâm lý khi chưa bị phát hiện thì vẫn “yên tâm” vi phạm, doanh nghiệp bị phát hiện và bị xử phạt nhiều lần vẫn tái phạm, thậm chí tái phạm nghiêm trọng hơn.” – luật sư Hà Hải – Đoàn luật sư TP. HCM bức xúc chia sẻ.  


Ngọc Luân