Loạn thông tin về Đàn Xã Tắc?

26/04/2013 09:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều Giáo sư, nhà nghiên cứu Sử học đã lên tiếng yêu cầu Hà Nội có phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc khi xây cầu vượt qua khu vực này. Thế nhưng, lại có một Giáo sư trong giới khảo cổ cho rằng, Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc. Rồi đây không biết những tranh luận về Đàn Xã Tắc sẽ còn đi đến đâu?

Suốt cả tháng qua, dư luận Thủ đô đã chia làm hai nhánh, một bên thì yêu cầu phải bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc và điều chỉnh lại dự án giao thông; còn một bên thì quyết giữ phương án này xây cầu vượt với cái lý “bảo tồn và phát triển hài hòa” hay “phải nghiêng về bên nào có lợi hơn”. Cho tới ngày hôm qua, ông Nguyễn Thế Thảo cũng chỉ nói chung chung là phải đảm bảo phát triển và bảo tồn song song, các sở ngành liên quan cần phối hợp tổ chức hội thảo để lấy ý kiến tham gia của các hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa, ý kiến cộng đồng.

Rốt cuộc, cho tới bây giờ cũng chưa ra được một kết quả gì!

Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc.
Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc.

Trước đó, GS.TS Trần Lâm Biền đã nói rất thẳng: “Tốt nhất là nên né đi không nên vượt lên đầu Tổ tiên. Đàn Xã Tắc là đàn gắn với Tổ tiên, gắn với trời đất. Giờ chúng ta dùng cây cầu cao hơn cả trời đất thì nước này lụi bại à? Chỗ ấy là Đàn Xã Tắc để thờ trời đất, xây cây cầu cao hơn trời đất thì chúng ta sống hay chết?”.

Ngay cả với giả thiết cây cầu đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc, tức là mố cầu nằm ngoài di tích, GS Trần Lâm Biền vẫn cho rằng đây là việc cần tránh. Ông nói: “Tế cây cầu và những người đi trên cầu trong lúc người ta làm lễ. Hơn nữa, lễ tế là tế những người ở thế giới bên kia cho nên việc tế lễ lúc bấy giờ sẽ không khác gì việc: Chúc cho những người đang đi trên cầu lúc ta lễ sang thế giới bên kia, tức là chúc cho người ta chết”.

Còn GS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thì khuyên rằng: “Nên dừng dự án lại, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn. Di tích quốc gia theo Luật Di sản bao gồm vùng lõi và vùng đệm, cả trên mặt đất và cả trong lòng đất, cả di tích, di vật và thiên nhiên cảnh quan. Việc xây cây cầu sắt khổng lồ nằm đè lên trên di tích, dù có không đụng chạm gì đến những hiện vật đã được lấp cát ở bên dưới thì cũng vẫn là một sự xâm hại di tích và xét cho cùng là hành động bất chấp pháp luật, không còn lương tâm, đạo lý để phá hoại mồ mả, hồn cốt của tổ tông”.

Rồi thì một loạt các nhà sử học nổi tiếng khác như GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS Lê Văn Lan, Nhà sử học Dương Trung Quốc… đều đã lên tiếng yêu cầu thành phố Hà Nội cần phải nghiên cứu lại các phương án, không làm tổn hại tới Đàn Xã Tắc. Thậm chí, ngày hôm qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam còn gửi một văn bản tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn Thể thao & Du lịch để đề xuất hướng đi cho cái nút giao thông đang rối như canh hẹ.

Nhưng trong lúc nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra quan điểm cần phải bảo tồn di tích này thì ngày hôm qua Ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo Cổ học đã khiến cho nhiều người choáng váng với khẳng định: “Tại Ô Chợ Dừa không có Đàn Xã Tắc”.

Ông Hảo cho rằng, có hai vết tích xây dựng, một của thời Lý, một của thời Lê. Hai dấu tích của hai lớp này lại hoàn toàn giống nhau về hình dáng kiến trúc, về vật liệu kiến trúc, nhưng cùng không phải là bề mặt của Đàn Xã Tắc. Bề mặt Đàn Xã Tắc phải là gò đất cao, bên trên là đất 5 màu, nhưng trong khi tìm thấy 4 nền gạch, diện tích của mỗi cái nền quá nhỏ so với Đàn Xã Tắc. Cụ thể hơn, dấu tích của bề mặt xây dựng thời Lê, lộ ra 3 cái nền ở gần nhau: một nền hình vuông (rộng gần 7m2); một nền chưa làm lộ hết (rộng gần 5m2); một nền hình chữ nhật (rộng trên 15m2). Trong cùng một mặt bằng xây dựng của một thời kỳ (thời Lê) lại có tới 3 cái Đàn Xã Tắc liền kề nhau thì thật là vô lý”.

Cuối cùng, ông Hảo chốt lại rằng: “Nhà khoa học khi nói phải có cơ sở, không phải rằng cứ khoác lên mình chiếc áo khoa học rồi nói gì cũng bắt người khác phải nghe. Đã không đưa ra cơ sở khẳng định ở Ô Chợ Dừa có Đàn Xã Tắc thì không thể đè ra nói đây là Đàn Xã Tắc được”.

Phát biểu này của ông Hảo như một “quả bom” làm chấn động giới nghiên cứu sử và văn hóa dân gian. Vậy là, bây giờ người ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu phát biểu này của ông Hảo có đáng tin hay không? Ông Hảo nguyên là Viện phó Viện Khảo Cổ học, xét về kinh nghiệm và trình độ, có lẽ chẳng mấy người dám nghi ngờ phát biểu của ông. Nhất là khi làm công tác khoa học, người ta không thể nói bừa.

Nhưng nếu ông Hảo đúng, thì một loạt các giáo sư, nhà nghiên cứu khác đã sai khi khẳng định di tích này là Đàn Xã Tắc? Rồi, một loạt các cơ quan quản lý khác, từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho tới UBND TP Hà Nội (ngày ấy do ông Nguyễn Quốc Triệu làm Chủ tịch) cũng nhầm lẫn? Cũng chẳng ai muốn tin những giả thuyết này là đúng. Không lẽ với sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý "cỡ bự" từ Bộ tới địa phương và hàng loạt nhà khảo cứu mà lại ra kết luận sai?

Rồi đây không biết những tranh luận về Đàn Xã Tắc sẽ còn đi đến đâu?

Ngọc Quang