Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam hỗ trợ cho chiến lược châu Á?

26/09/2014 08:00
Đông Bình
(GDVN) - Báo Anh và Nhật Bản đã đăng các bài viết đánh giá, nhận định của họ rất đáng chú ý, nhưng ở góc độ Việt Nam phải nhìn nhận cho đúng đắn.
Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Trong hình là máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Mỹ (ảnh tư liệu)
Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Trong hình là máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Mỹ (ảnh tư liệu)

Ngày 24 tháng 9, một loạt các tờ báo điện tử Trung Quốc đã đăng lại bài viết trên báo Anh và Nhật Bản về khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Để khách quan nhất, báo GDVN xin đăng lại toàn bộ nội dung hai bài báo được đăng tải trên tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc để bạn đọc rộng đường tham khảo. Quan điểm của hai bài báo không đại diện cho báo GDVN, nhưng đáng để suy nghĩ, nhìn nhận về một số góc nhìn từ các nước.

BBC Anh: Mỹ có thể hủy bỏ vũ khí đối với Việt Nam

BBC Anh ngày 24 tháng 9 đưa tin, hai quan chức cao cấp của chính quyền Obama giấu tên nói với hãng tin Reuters Anh rằng, Washington đang thảo luận vấn đề nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Việt nam, có thể sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay.

Quan chức cao cấp Mỹ biết được nội tình cho hay, trong lô vũ khí đầu tiên có thể bán cho Việt Nam có máy bay trinh sát P-3 phi vũ trang sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ tuyến đường bờ biển. Loại máy bay này còn có thể giúp Việt Nam giám sát hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Theo bài báo, mặc dù Mỹ vẫn bày tỏ quan tâm đến một số vấn đề của Việt Nam, nhưng Washington cho rằng tăng cường quan hệ Mỹ-Việt phù hợp với chính sách quay trở lại châu Á của Tổng thống Obama.

Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm Việt Nam, trong đó có đến thăm vịnh Cam Ranh (ảnh tư liệu)
Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm Việt Nam, trong đó có đến thăm vịnh Cam Ranh (ảnh tư liệu)

Trong 20 năm qua, Mỹ và Việt Nam không ngừng khôi phục quan hệ và liên hệ trên các phương diện, đặc biệt là trong hai tháng qua, quan chức cấp cao hai nước đã có các cuộc gặp gỡ ngoại giao và quân sự dồn dập.

Hai quan chức công nghiệp quân sự Mỹ cho biết, dự kiến "không lâu nữa sẽ" hủy bỏ cấm vận.

Reuters cho biết, tháng 5 năm 2014, Việt Nam đã "trở tay không kịp" vì giàn khoan Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) ở khu vực lãnh hải của Việt Nam.

Bài báo cho rằng, Việt Nam đã bắt đầu tiến trình hiện đại hóa quân sự với hàng chục tỷ USD, nhưng khả năng giám sát quân sự của Việt Nam còn hạn chế.

Báo Nhật kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam

Trang mạng "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản ngày 18 tháng 9 cũng đăng bài viết của nhà nghiên cứu quốc phòng Paul Liv cho rằng, Mỹ đã đến lúc dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí đối với Việt Nam.

Theo bài viết, hiện nay, Mỹ một mặt cắt giảm mạnh ngân sách quân sự, một mặt lại đối mặt với các nguy cơ cũ và mới ở các nơi trên thế giới.

Trong tình hình này, Mỹ cần đối tác mạnh, đặc biệt là ở châu Á, Trung Quốc dồn dập xâm phạm lãnh thổ nước khác, đe dọa hiện trạng. Vì vậy, Mỹ cần dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và tăng cường ràng buộc.

Làm như vậy không chỉ có thể giúp Việt Nam trở nên mạnh mẽ, để họ gần gũi hơn với Mỹ và có thể cải thiện tình hình trong nước.

Tháng 12 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tháng 12 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)

Bài viết cho rằng, Trung Quốc là một mối đe dọa ngày càng lớn. Ngân sách quân sự của họ đứng thế hai thế giới, hầu như còn nhiều hơn tổng số chi tiêu quân sự của 24 nước Đông Á, Nam Á còn lại.

Trung Quốc sử dụng ngân sách khổng lồ, đã xây dựng lực lượng tấn công tầm xa gây ấn tượng sâu sắc, đã triển khai rất nhiều vũ khí ngăn chặn Mỹ xâm nhập vùng biển, vùng trời xung quanh.

Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng hung hăng thúc đẩy bành trướng chủ quyền ở khu vực, một mặt Bắc Kinh "đầy tự tin" với sức mạnh quân sự của họ, mặt khác còn do họ nghi ngờ quyết tâm của Mỹ không đủ vững chắc.

Biển Đông là khu vực tồn tại "tranh chấp biên giới" giữa nhiều nước, có hơn một nửa hàng hóa trên thế giới được vận chuyển qua đây, nguồn lợi thủy sản phong phú, còn có thể có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ.

Tháng 1 năm 2014, Trung Quốc bắt đầu yêu cầu tàu nước ngoài phải được phê chuẩn mới có thể tiến hành đánh bắt cá (trái phép) ở 90% Biển Đông do họ nhận thuộc về mình.

Từ tháng 5 đến trung tuần tháng 7, Trung Quốc thâm nhập (bất hợp pháp) khu vực trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, đã hạ đặt (bất hợp pháp) một giàn khoan thăm dò dầu khí nhà nước. Trong thời gian này, Trung Quốc còn đâm va tàu thuyền Việt Nam, đâm chìm một tàu (tàu cá).

Tháng trước, khi Mỹ và Philippines yêu cầu tất cả các bên yêu sách chủ quyền "đóng băng" tất cả hành vi khiêu khích ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố có kế hoạch xây dựng hải đăng trên các đảo ở đó, có ý đồ qua đó để chứng minh quyền lợi tự nhận đối với những đảo đó là hợp lý.

Tuần trước, Việt Nam phê phán Trung Quốc quấy rối tàu cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp (quần đảo này của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1974), đồng thời đánh ngư dân trên tàu.

Từ ngày 13 - 16 tháng 8 năm 2014, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)
Từ ngày 13 - 16 tháng 8 năm 2014, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)

Bài viết cho rằng, Hà Nội có thể trở thành một lực lượng mạnh kiềm chế Bắc Kinh. Dân số Việt Nam xếp thứ 13 thế giới (gần 100 triệu người), binh lực tại ngũ đứng thứ 11 thế giới.

Ngoài ra, dự đoán đến năm 2025, kinh tế Việt Nam có thể xếp thứ 17 thế giới. Trên thực tế, Việt Nam gần với chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng với mức lương tương đối thấp, là một cơ sở chế tạo có sức hấp dẫn thay thế Trung Quốc.

Trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2012, chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng 130% - về tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trong GDP, Việt Nam đã là nước cao thứ hai Đông Nam Á, Việt Nam đang dựa vào chi tiêu quân sự tăng để tiến hành xây dựng hiện đại hóa hải quân và không quân.

Vị trí địa lý của Việt Nam có giá trị chiến lược rất quan trọng: Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên bộ dài gần 800 dặm Anh, đồng thời tiếp giáp Biển Đông. Một điểm quan trọng nhất ở chỗ, Việt Nam nhất quán cứng rắn với Trung Quốc, trong cuộc đối đầu dài 75 ngày với Trung Quốc vào mùa hè năm nay.

Bài viết cho rằng, nhưng, hoạt động xâm lược của Trung Quốc hoàn toàn không thể làm cho Washington và Hà Nội chính thức liên minh đối phó Bắc Kinh đã trở thành tất yếu.

Thứ hai, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cũng là một trong những nguồn đầu tư ngày càng quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn có thể lợi dụng thủ đoạn kinh tế để gây ảnh hưởng đối với Việt Nam.

Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 8, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)
Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 8, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)

Thứ ba, Việt Nam và Mỹ không có bất cứ hiệp ước quốc phòng nào, cũng tận mắt thấy phản ứng yếu ớt gần đây của Washington ở các khu vực trên thế giới, bao gồm năm 2012, Trung Quốc ăn cướp lãnh thổ (bãi cạn Scarborough) từ tay Philippines. Cho nên, Hà Nội nghi ngờ đối với khả năng Washington ủng hộ mình phản đối Bắc Kinh. Trừ phi hành vi thù địch của Trung Quốc leo thang, nếu không Việt Nam rất có thể đi "con đường trung gian" giữa Mỹ và Trung Quốc để đạt được lợi ích từ các bên.

Mặc dù vậy, bài viết cho rằng, nếu có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Mỹ vẫn hứa hẹn thông qua tăng cường sức mạnh quân sự của Việt Nam, kéo Việt Nam về phía Mỹ và làm đối tác của Mỹ, từ đó áp chế có hiệu quả hành vi "tùy tiện làm theo ý mình" của Trung Quốc. Việt Nam nếu có thể được Mỹ giúp đỡ, tăng cường khả năng chấp pháp, giám sát và tác chiến phi đối xứng trên biển, thì có thể ứng phó tốt hơn với hoạt động xâm phạm của Trung Quốc.

So với Nga - nước cung ứng vũ khí hàng đầu của Việt Nam, ưu thế của Mỹ ở chỗ có thể giúp Quân đội Việt Nam thực hiện cải tạo hiện đại hóa hiệu quả cao - đây là vì công nghệ của Mỹ tiên tiến hơn, đồng thời có thể giành được ưu đãi giá cả mức độ lớn hơn, còn khả năng Mỹ khuất phục trước sức ép của Trung Quốc, không cung cấp vũ khí tiên tiến cho Việt Nam là tương đối thấp.

Khi Washington bắt đầu vũ trang cho Hà Nội, hợp tác quân sự của hai nước cũng nhất định sẽ tăng mạnh. Chẳng hạn, Mỹ khi đó sẽ đào tạo người Việt Nam sử dụng các trang bị có liên quan, để trang bị kiểu Mỹ có thể sử dụng ở Việt Nam, có thể còn được xây dựng hạ tầng cơ sở ở nước này.

Tháng 7 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ (ảnh tư liệu)
Tháng 7 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, theo tuyên truyền của báo TQ: quan hệ hợp tác giữa Quân đội Việt Nam với Quân đội Mỹ và các đồng minh khu vực này cũng sẽ tăng lên. Trên cơ sở đó, Việt Nam có lẽ cuối cùng sẽ tiến hành diễn tập tác chiến liên hợp với Mỹ và đối tác, tăng số lần thăm đối với cảng của Mỹ (hiện chỉ giới hạn 1 năm 1 lần), tiến tới cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của họ (đàm phán có liên quan ít nhất được khởi động vào năm 2012).

Đông Bình