Ngày của thầy cô, ai tổ chức?

11/11/2014 09:50
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Ngày của thầy cô cũng do thầy cô tạo nên. Có nhà trường, thầy cô giáo còn bị “khổ” hơn, khi phải lo đi mời mọc và chờ đợi các vị lãnh đạo huyện, tỉnh… đến dự.

Băn khoăn trên của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc-một tác giả quen thuộc với độc giả trên Báo Giáo dục Việt Nam- với tư cách là một người trong cuộc. Thầy Ngọc thẳng thắn nhìn vào sự thật và các cung cách tổ chức ngày lễ thầy cô hàng năm.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả.

20/11 hằng năm, trở thành ngày hội, ngày tôn vinh, ngày tri ân của cả xã hội, các thế hệ học trò dành cho các thầy cô giáo trong ngành Giáo dục. 

Là thầy cô giáo, ai cũng cảm thấy tự hào, vinh dự trong ngày này nhận được nhiều sự quan tâm, chúc mừng từ chính quyền địa phương, phụ huynh, đặc biệt là các em học sinh mà mình đã dày công dạy dỗ. 

Cách tri ân của học sinh, phụ huynh đối với thầy, cô giáo bây giờ khá đa dạng và khác xưa rất nhiều. Chị Trương Thị Mỹ Trang, ở thị trấn Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) có 2 con đang học tiểu học và trung học cơ sở cho biết: "Các cháu còn nhỏ, không tự đi thăm thầy, cô được nên tôi thường dẫn cháu đến nhà thầy cô chủ nhiệm chúc mừng ngày này, vừa để biết về thầy, cô giáo vừa nắm thêm thông tin về học tập, rèn luyện đạo đức của con cái mình. Món quà tặng cũng đơn giản thôi, ngoài bó hoa, tấm thiệp là xấp vải hay bộ bình ly….”

Một bức tranh trên báo tường của học trò tiểu học, chào mừng thầy cô nhân ngày 20/11
Một bức tranh trên báo tường của học trò tiểu học, chào mừng thầy cô nhân ngày 20/11

Ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…phụ huynh, học sinh thì thiết thực, gọn nhẹ hơn với thầy cô giáo trong ngày 20/11. 

Phụ huynh Nguyễn Hồng Tịnh, 34 tuổi, ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh bộc bạch:” Mấy năm nay, đến ngày này, nhà tôi và nhiều phụ huynh ở đây đã quen chúc mừng và gởi thầy cô giáo bằng phong bì, vài ba trăm ngàn gì đó…. Thầy cô giáo tiện sử dụng hơn, chứ mua tặng vật dụng, vải vóc…thì không biết thầy cô có thích không, đã có hay chưa.” 

Ở bậc tiểu học, thầy cô nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh nhiều hơn, còn bậc THCS và THPT do dạy học theo môn, có nhiều giáo viên, vả lại là học sinh đã lớn nên các em tự đến thăm thầy, cô. 

Ngày của thầy cô, ai tổ chức? ảnh 2Thầy cô và những chuyến đò mải miết sang sông

(GDVN) - Năm tháng qua đi, trên dòng đời tấp nập, thầy vẫn thầm lặng đưa từng chuyến đò sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người.

Thầy Bùi Văn Thuận, ở trường THPT huyện Chư Sê ( Gia Lai) tâm sự: "Đến nay, tôi có gần 20 năm dạy học. 20/11, năm nào cũng vậy, tôi rất vui vì nhận được rất nhiều tin nhắn, lời chúc mừng từ các thế học trò, nhất là các em đã trưởng thành, ở xa. Còn các em đang học thì kéo đến nhà thầy, chúc mừng, uống nước chè, hàn thuyên cả buổi. Tôi nghĩ, nhà giáo tuy còn nghèo khó về vật chất nhưng có lúc rất vui, rất giàu có về mặt tinh thần, nhất là ngày 20/11.”

Nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các nơi rất quan tâm chú trọng đến ngày Tết này của thầy cô giáo. Nhiều nhà trường có quỹ phúc lợi, tiết kiệm chi được từ nguồn tự chủ thường tặng quà, cho tiền và tổ chức buổi gặp mặt, tọa đàm thân mật, ý nghĩa cho thầy cô giáo. 

Tuy nhiên, một số trường vẫn còn nặng nề, hình thức trong tháng tri ân thầy cô. Tổ chức quá nhiều hoạt động phong trào, thi đua, các đợi kiểm tra…những tưởng là tốt, là thi đua nhưng vô hình chung làm gia tăng thêm áp lực, căng thẳng, mỏi mệt cho giáo viên.

Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, không ít chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa chủ động trong thiết kế, tổ chức buổi tọa đàm, gặp mặt giáo viên của trường, địa phương. Mọi công việc chuẩn bị, tổ chức buổi tọa đàm đó trao trọn cho nhà trường, thầy cô tự lo liệu. Như vậy, ngày của thầy cô cũng do thầy cô tạo nên. Có nhà trường, thầy cô giáo còn bị “khổ” hơn, khi phải lo đi mời mọc và chờ đợi các vị lãnh đạo huyện, tỉnh… đến dự. 

Đúng ra, 20/11, cái ngày mà cả xã hội, các thế hệ học trò tôn vinh, tri ân thầy cô giáo thì người thầy, người cô phải được chính quyền địa phương hay Ban đại diện cha mẹ học sinh của từng trường đứng ra tổ chức, trân trọng mời đến dự, chúc mừng chứ. Cả nước này, từ lâu nay, có bao nhiêu nơi, địa phương làm được việc đúng đắn và ý nghĩa ấy? 

Tôi thiết nghĩ, đã đến lúc, cả nước, các địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần thống nhất đứng ra tổ chức tốt, trang trọng buổi gặp mặt, tọa đàm cho thầy cô giáo các trường, các bậc học. Đó là biểu hiện cụ thể, thiết thực nhất của sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo. 

ĐỖ TẤN NGỌC