Ngoại trưởng Singapore: Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thống trị Đông Á

28/08/2015 07:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là trở thành thế lực thống trị ở Đông Á. Bắc Kinh đã chẳng có gì phải giấu diếm ý đồ muốn loại bỏ Mỹ ra khỏi khu vực.
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam, ảnh: The Online Citizen.
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam, ảnh: The Online Citizen.

The Straits Times ngày 28/8 đưa tin, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết nước này sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tằng về việc đứng về phía Mỹ - Nhật hay Trung Quốc. Một quốc gia nhỏ như Singapore sẽ có nhiều áp lực trước sự điều chỉnh quan hệ giữa 3 nước lớn trong khu vực và Biển Đông sẽ trở thành ví dụ điển hình cho sự điều chỉnh đó.

Ông K. Shanmugam nói với Câu lạc bộ Báo chí Singapore ngày hôm qua rằng, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là trở thành thế lực thống trị ở Đông Á. Bắc Kinh đã chẳng có gì phải giấu diếm ý đồ muốn loại bỏ Mỹ ra khỏi khu vực khi đưa ra một "câu thần chú" mới: Châu Á cho người châu Á.

Tuy nhiên Mỹ là một thế lực thống trị hiện tiền không thích bị thách thức, ông lưu ý. Thêm vào xu thế đối đầu này là Nhật Bản, một đồng minh an ninh của Mỹ và có mối quan hệ phức tạp riêng với Trung Quốc. Nhật Bản mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Đông Nam Á đối phó với một Trung Quốc đang lên.

Bắc Kinh đang nỗ lực hướng tới mục tiêu của mình bằng cách xây dựng các mối liên hệ kinh tế với các nước trong khu vực, bao gồm sáng kiến "một vành đai, một con đường" và thành lập ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Trong khi đó Singapore đang được hưởng lợi trong mối quan hệ tốt đẹp với cả 3 cường quốc.

"Tôi không chắc chắn liệu chúng ta có còn không gian sang trọng như trong quá khứ khi chúng ta làm bạn với các nước. Trong vài năm tới, do sự cạnh tranh của các nước này họ sẽ sớm nói chuyện với chúng ta về lựa chọn, hoặc là bạn đứng về phía chúng tôi, hoặc là bạn chống lại chúng tôi'", ông K. Shanmugam lo ngại.

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành thế lực thống trị Đông Á. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành thế lực thống trị Đông Á. Ảnh: Reuters.

Ngoài Biển Đông, Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) với tốc độ chóng mặt trong khi Bắc Kinh không phủ nhận khả năng sẽ đặt các căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo, ví dụ như đường băng trên đá Chữ Thập (thuộc Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam - PV).

Ngoại trưởng Singapore cho rằng, có thể Trung Quốc sẽ không ngăn chặn hoạt động giao thông hàng hải, thương mại ở Biển Đông. Về hải quân, Trung Quốc còn kém xa người Mỹ, nhưng họ không thích tàu Mỹ tiến đến quá gần tiền đồn của họ. Vì vậy Bắc Kinh lắp đặt tên lửa và các vũ khí khí tài quân sự khác trên đảo nhân tạo (bất hợp pháp) để tạo ra mối uy hiếp ngăn chặn bất kỳ chỉ huy nào của hải quân Mỹ.

Tuy nhiên Mỹ đã phản ứng bằng cách điều động máy bay giám sát tiến gần các đảo nhân tạo này. Singapore đã kêu gọi các bên làm dịu căng thẳng - kết quả của sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực. Ông Shanmugam lưu ý, trước đó Hoa Kỳ đã cố gắng ngăn chặn Singapore hỗ trợ AIIB, nhưng Singapore lại là một trong những nước đầu tiên tham gia.

Ngoại trưởng Shanmugam nói rằng, phản ứng của Singapore với các nước lớn là để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên Singapore là nước nhỏ và phụ thuộc Mỹ về công nghệ và quốc phòng, phụ thuộc vào Trung Quốc và Nhật Bản về thương mại và đầu tư nên sẽ luôn luôn phải chịu áp lực, đòi hỏi ngành ngoại giao nước này phải hết sức khôn khéo và ý chí mạnh mẽ để vượt qua.

Cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Singapore là phải có một nền quốc phòng mạnh mẽ, ông K. Shanmugam nhấn mạnh. Đồng thời Singapore cũng đã xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN để duy trì hòa bình và giải quyết tranh chấp. Ở cấp độ toàn cầu, Singapore đã cố gắng tạo dấu ấn lớn thông qua việc tích cực tham gia các tổ chức khác nhau của Liên Hợp Quốc.

Hồng Thủy