Những thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình

15/06/2015 10:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Dưới thời ông Tập Cận Bình, chủ nghĩa thực dụng hiện nay đã chiếm ưu thế hơn hẳn ý thức hệ hay nguồn gốc xuất thân của các đối tác trong chính sách đối ngoại.
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.

Thực dụng với láng giềng, đặt lợi ích lên trên hết

South China Morning Post ngày 14/6 bình luận, dưới thời ông Tập Cận Bình, chủ nghĩa thực dụng hiện nay đã chiếm ưu thế hơn hẳn ý thức hệ hay nguồn gốc xuất thân của các đối tác trong chính sách đối ngoại Trung Quốc hiện hành. Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách không can thiệp vào công việc nước khác nếu thấy cần thiết để bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của họ và mưu cầu một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Xu thế này biểu hiện rõ nét trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phe đối lập Myanmar và là người đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vì đấu tranh cho tự do, dân chủ ở quốc gia láng giềng phía Tây Nam Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của ông Tập Cận bình đã có sự sẵn sàng hợp tác, trao đổi ý kiến với các chính trị gia mà không có gì trở ngại về ý thức hệ hay nguồn gốc xuất thân của họ.

Trung Quốc đã và đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng đến Myanmar thông qua cách tiếp cận thực dụng và nhiều sắc thái tự do. Myanmar là một mắt xích quan trọng trong chiến lược "một vành đai, một con đường" mà Tập Cận Bình khởi xướng. Với cuộc bầu cử sắp diễn ra cuối năm nay, mặc dù bà Aung San Suu Kyi có khả năng bị cấm tranh cử, nhưng Liên đoàn Quốc gia dân chủ Myanmar do bà đứng đầu có cơ hội tốt để trở thành lực lượng chính trị đối lập mạnh mẽ trong Quốc hội.

Khi lực lượng quân sự nắm mọi quyền hành đối với Myanmar, Trung Quốc có quan hệ khá tốt với quốc gia láng giềng này. Nhưng quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng kể từ khi chính quyền quân sự được thay thế bằng chính phủ cải cách trong năm 2011. Myanmar có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp phương Tây đến quốc gia này làm ăn, đầu tư từ Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Tâm lý chống Trung Quốc cũng gia tăng và đây là nhân tố chủ yếu dẫn đến việc Myanmar đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ. Quan hệ giữa 2 nước gần đây căng thẳng hơn nữa khi giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân ly khai người Hán ở Kokang giáp biên với Vân Nam, Trung Quốc đã gây ra các vụ bom rơi đạn lạc sang lãnh thổ láng giềng, gây một số thương vong cho dân Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình tiếp bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình tiếp bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: SCMP.

Tập Cận Bình đã nói với bà Aung San Suu Kyi, Bắc Kinh cam kết thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Naypiydaw bất luận tình hình nội bộ Myanmar có thay đổi thế nào đi nữa. Ông Bình cũng lưu ý với lãnh đạo đối lập Myanmar, láng giềng thì không thể lựa chọn. South China Morning Post bình luận, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách "không can thiệp công việc nội bộ nước khác" nếu thấy cần thiết để bảo vệ "lợi ích" của Bắc Kinh.

Đổi sách lược với Hoa Kỳ, "nắm đấm" đi trước ngoại giao theo sau

Đa Chiều ngày 14/6 bình luận, Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ. Ông Long không phải Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đầu tiên của Trung Quốc thăm Hoa Kỳ, nhưng lại là nhân vật quyền lực số 2, tướng lĩnh số 1 đầu tiên trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc thăm Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ leo thang trên Biển Đông, việc Trung Nam Hải phái ông Long đi Hoa Kỳ là có "thâm ý", đặc biệt hơn nữa nó diễn ra trước khi ông Tập Cận Bình sang Washington năm nay, Đa Chiều lưu ý.

Từ khi lên nhậm chức, ông Tập Cận Bình vẫn chưa thăm chính thức Hoa Kỳ. Những tướng tiền nhiệm của ông Long như Trương Vạn Niên, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu đều thăm Mỹ sau khi thủ trưởng của họ là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã công du Washington trước đó. Phạm Trường Long thì khác, ông được Tập Cận Bình phái qua Mỹ "đánh trận mở màn" trước khi ông Bình chính thức sang Nhà Trắng hội đàm với Obama.

Đáng chú ý đây không phải lần đầu tiên. Tháng trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã đẩy Phạm Trường Long ra gặp ông John Kerry trước rồi ông Bình mới tiếp Ngoại trưởng Mỹ sau. Đa Chiều bình luận, Tập Cận Bình đã ngày càng chú trọng sử dụng sức mạnh quân sự, thủ đoạn quân sự để tạo ra thế chiến lược có lợi cho Trung Quốc. Nói cách khác, thủ đoạn quân sự và ngoại giao quân sự đã trở thành phương thức chủ yếu Tập Cận Bình đối phó với các xu thế quốc tế.

Ông Phạm Trường Long và ông Ash Carter. Ảnh: DW/DPA/S. Thew.
Ông Phạm Trường Long và ông Ash Carter. Ảnh: DW/DPA/S. Thew.

Ở Hoa Đông, sau khi Trung Quốc tuyên bố (đơn phương) áp đặt vùng nhận diện phòng không, các vụ chiến đấu cơ Trung - Mỹ giáp mặt nhau có lúc chỉ cách nhau 30 mét trở thành chuyện cơm bữa. Ngoài Biển Đông, trong vụ Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) năm ngoái, quân đội Trung Quốc cũng không ngần ngại điều động máy bay tàu chiến ra đối đầu với các lực lượng chức năng Việt Nam, Đa Chiều tiết lộ.

Gần đây nhất là máy bay do thám Hải quân Hoa Kỳ khi trinh sát trên không phận quốc tế sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), hải quân Trung Quốc cũng đã tìm mọi cách ngăn cản.

Đa Chiều dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các tướng nước này rằng: "Quân đội các anh trên chiến trường không giành được gì thì đừng đòi hỏi những cán bộ ngoại giao chúng tôi dùng miệng mà lấy được". Tuy nhiên Đa Chiều không dẫn nguồn tuyên bố này của bà Oánh nói ra trong hoàn cảnh nào, bao giờ và ở đâu.

Tờ báo của người Hoa hải ngoại kết luận rằng, Tập Cận Bình phái Phạm Trường Long đi Mỹ trên thực tế đồng nghĩa với sự thay đổi của Trung Nam Hải trong đối sách với Hoa Kỳ, thủ đoạn quân sự đã trở thành "quả đấm trước tiên", sau mới đến ngoại giao.

Hồng Thủy