Quân đội Iraq tiến vào thủ đô Baghdad: Nguy cơ đảo chính

11/08/2014 13:24
Nguyễn Hường
(GDVN) - Đây là một diễn biến đáng "lo ngại" và có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Iraq không muốn bàn giao quyền lực theo cách hòa bình.

Quân đội, lực lượng an ninh Iraq cùng với xe tăng đã tiến vào thủ đô Baghdad hôm 10/8 trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại quốc gia này đang ngày càng sâu sắc.

Theo CNN, xe tăng quân sự đã được triển khai tới một số khu vực trung tâm thủ đô Baghdad cũng như một số khu vực ở Vùng Xanh, nơi có nhiều tòa nhà chính phủ, trụ sở quân sự và đại sứ quán Mỹ.

Lính Iraq tại trung tâm Baghdad.
Lính Iraq tại trung tâm Baghdad. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nouri al-Maliki cáo buộc tân Tổng thống Fuad Masum vi phạm hiến pháp khi cho phép mở rộng thời hạn cho các liên minh chính trị lớn của Iraq đề cử ứng cử viên Thủ tướng thay thế ông.

Lý do chính xác của động thái triển khai quân đội vào Baghdad không rõ ràng. CNN dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự, Trung tá về hưu Rick Francona cho biết, đây là một diễn biến đáng "lo ngại" và có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Iraq không muốn bàn giao quyền lực theo cách hòa bình. 

"Ông Maliki từ chối từ chức và giờ lại huy động không chỉ lực lượng quân sự trung thành với mình và còn các đơn vị khác đem xe tăng vào đường phố. Một số cây cầu đã bị đóng cửa. Có vẻ như ông ấy đang cố gắng đóng cửa thành phố để đối đầu với Tổng thống. Đây không phải là một dấu hiệu tốt", Francona nói.

Tướng Hải quân nghỉ hưu James Williams cho biết, sự tăng cường an ninh tại Baghdad cũng có thể là phản ứng với những mối đe dọa từ nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

"Nó có thể là sự biểu dương lực lượng. Nếu quân đội đã được triển khai để bảo vệ các tòa nhà chính phủ, thì có thể IS đang tiến tới gần (Baghdad) hơn mọi người nghĩ. Nhưng đó cũng có thể là biểu hiện của một cuộc đảo chính sắp diễn ra", ông nói thêm. 

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki.
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki.

Phóng viên Michael Holmes của đài CNN cho biết, Thủ tướng Iraq có thể đang chuẩn bị cho một trận chiến chính trị của mình.

"Ông ấy không thể rời đi mà không chiến đấu. Đây là người đàn ông thực sự đang cảm thấy mình bị bao vây trong lúc này... Ông là người nắm bắt quyền lực và muốn giữ nó", Holmes nói.

Các nhà lập pháp Iraq trước đó đã bầu ông Masum, một chính trị gia kỳ cựu người Kurd và là thành viên Quốc hội Iraq từ năm 2005, vào vị trí Tổng thống hồi tháng trước.

Trong khi đó, Thủ tướng Maliki đã bác bỏ các kêu gọi từ chức và từ chối bước xuống sau một loạt chỉ trích không có biện pháp hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa chia cắt đất nước của nhóm IS.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp chính trị ở Iraq bằng cách thành lập chính phủ mới để kết thúc khủng hoảng trong nước. 

Trong tuyên bố hôm 10/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Iraq và sẽ hỗ trợ tân Tổng thống Masum, đồng thời lên án mọi nỗ lực thay đổi chính phủ Baghdad bằng ép buộc hay vi hiến. 

Theo Francona, các quan chức Mỹ đã đặt niềm tin vào ông Maliki trong nhiều năm và có có thể đã đánh giá sai ông này.

"Hầu hết mọi người nghĩ rằng sẽ có sự chuyển đổi chính phủ hòa bình. Ông ấy (Maliki) đã làm hai nhiệm kỳ rồi. Nhưng giờ ông ấy lại kiên quyết không từ chức. Điều này là phản ứng rất xấu", ông Francona nói./.

Nguyễn Hường