Quyên sinh vì... áp lực

27/01/2015 09:35
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: "Dù tự tử ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì đó cũng là một hành động dại dột".

Trong báo cáo hồi đầu năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, qua khảo sát ở 172 quốc gia thì trung bình 40 giây lại có một người tự tử, chủ yếu tập trung vào các quốc gia Trung Đông và châu Á. Đây là báo cáo đầu tiên của WHO về số người chết do tự tử, trong đó đáng lưu ý con số này còn cao hơn tất cả nạn nhân của các cuộc chiến tranh và thảm họa thiên nhiên hàng năm.

Tại Việt Nam, những năm gần đây cũng xảy ra hàng loạt vụ tự tử với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nhiều vụ việc đau lòng khi người mẹ quyên sinh ôm theo cả những đứa con còn rất nhỏ, và cũng có cả những vụ việc cán bộ nhà nước tự tử dù đang đảm trách những vị trí quan trọng mà nhiều người mong muốn đạt được.

Vậy nguyên nhân nào khiến con người ta muốn tự kết liễu đời mình? Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ của Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (một chuyên gia đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này).

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, chỉ khi nào nhận biết được giá trị của chính mình thì con người ta sẽ không còn hành động dại dột. Ảnh: Ngọc Quang.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, chỉ khi nào nhận biết được giá trị của chính mình thì con người ta sẽ không còn hành động dại dột. Ảnh: Ngọc Quang.

Sử dụng cán bộ không đúng sở trường là rất nguy hiểm

Qua kinh nghiệm nghiên cứu, ông thấy các trường hợp tự tử xuất phát từ những nguyên nhân phổ biến nào?

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Chúng ta thấy rằng hiện tượng tự tử xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới chứ không riêng ở quốc gia nào, nhưng mức độ thì khác nhau, các tình huống cũng khác nhau. Người thì do thiếu hiểu biết. Người thì bị áp lực đến từ bức xúc trong đời sống gia đình. 

Người thì bị ảnh hưởng bởi áp lực công việc, và cũng có những trường hợp do bất đồng trong quan hệ xã hội có liên quan tới danh dự cá nhân... dù tự tử ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì đó cũng là một hành động dại dột.

Chuyện tự tử cũng gắn liền với tâm lý lứa tuổi mà người lớn chúng ta đã thấy những câu chuyện đau lòng. Cách đây gần chục năm, đã có vụ việc nhiều cháu học sinh nữ ở một trường phổ thông tại khu vực Cổ Nhuế (Hà Nội) rủ nhau uống thuốc ngủ tự tử. 

Rất may là sau đó thì sự việc được kịp thời phát hiện và các cháu được cứu sống. Tôi có gặp và hỏi chuyện, các cháu trả lời hết sức đơn giản, đó là vì không thể chịu được lúc nào cũng bị phê bình, khiển trách, trong đấy có cả những đay nghiến, trì triết.

Đấy là một thí dụ điển hình diễn biến của tâm lý lứa tuổi (tuổi mới lớn) mà người ta quen gọi là “tâm lý lứa tuổi”. 

Ở lứa tuổi vị thành niên, tâm sinh lý đang biến động nhanh mà nhiều người hay ví von “sớm nắng chiều mưa”, còn trong nghiên cứu tâm lý thì chúng tôi nói là “chợt nắng chợt mưa”. Ai cũng phải trải qua một giai đoạn như vậy và thực tế hàng ngày ở đâu đó vẫn xảy ra những sự cố đáng tiếc, đấy là vì các cháu không được chuẩn bị tốt cho tâm lý lứa tuổi, nên gặp phải những chuyện ngược với diễn biến tâm lý thì lập tức nảy sinh suy nghĩ cực đoan.

Ở lứa tuổi lớn hơn chút nữa thì sẽ gặp phải những vấn đề đến từ quan hệ tình cảm nam nữ, áp lực từ công việc, thậm chí là có những trường hợp còn bị lừa lọc cả về tiền bạc lẫn tình cảm, bị lợi dụng lòng tốt… nhưng đó là những chuyện mà tất cả mọi người đều có thể gặp phải, nó cũng chỉ có tính chất tức thời, xảy ra trong một giai đoạn ngắn.

Tuy nhiên, có một dạng tự tử đang xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia đang trên đà phát triển mà Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt, đấy là hội chứng trầm cảm, nó xuất phát từ những căng thẳng trong công việc, lâu ngày bị tích tụ lại, không tìm được lối thoát và chỉ muốn chết.

Nghiên cứu diễn biến tâm lý của những trường hợp như vậy, chúng tôi nhận thấy ở họ có một điểm chung đấy là chán tất cả mọi thứ, ngay cả những chuyện cơ bản nhất với mỗi con người là chuyện ăn – ngủ thì họ cũng chán; không muốn gần gũi chia sẻ với ai; trong đầu lúc nào cũng vang lên một ý nghĩ “thôi chết đi cho xong”. Đấy là những diễn biến cuối cùng của chứng trầm cảm.

Điều đáng tiếc là trong số những người có hành động dại dột lại có cả những người từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng ở một cơ quan, tổ chức nào đó. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Nhìn từ bên ngoài thì sẽ hấy có rất nhiều nguyên nhân, như là áp lực công việc quá lớn và không tìm được lối thoát cho bản thân, và thậm chí có cả chuyện cho rằng bị ảnh hưởng tới danh dự, trong khi đó họ thiếu sự sẻ chia của lãnh đạo, của đồng nghiệp cho nên áp lực ấy không được giải tỏa. Nó tích tụ lại trong một thời gian dài và dẫn đến trầm cảm cho chính người đó.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nghiên cứu tâm lý, tôi gọi đúng bản chất là người đó "thiếu tự tin", không hiểu được thấu đáo giá trị cuộc sống, giá trị của bản thân mình với gia đình và với xã hội, dẫn tới quẫi trí và tìm đến cái chết. Thực tế khi đã ở vào các cương vị lãnh đạo thì đều phải chịu áp lực từ nhiều phía, nhưng nếu anh là người vững vàng thì sẽ từng bước để vượt qua áp lực, chứng minh được năng lực của mình.

Tôi cũng xin nói thêm, hiện nay có một vấn đề rất nguy hiểm, đấy là có những cán bộ được đặt vào những vị trí quản lý không đúng sở trường, vì vậy khi có sự cố xảy ra thì họ lúng túng, đồng thời lúc đó lại bị cấp trên chỉ trích, cấp dưới không tín nhiệm thì dễ sinh ra những suy nghĩ lệch lạc.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất nhận định, hội chứng trầm cảm đang xảy ra phổ biến tại các nước đang phát triển. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất nhận định, hội chứng trầm cảm đang xảy ra phổ biến tại các nước đang phát triển. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Việt Nam cần có nghiên cứu đánh giá về các vụ tự tử

Trong cuộc đời làm nghiên cứu tâm lý, ông đã bao giờ trực tiếp đối diện với những trường hợp muốn tự tử chưa? Nếu có thì trước những tình huống ấy, ông khuyên họ điều gì?

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Trong suốt nhiều năm nghiên cứu tâm lý học, tôi đã gặp rất nhiều cảnh ngộ khác nhau, trong số đó có hai trường hợp mà tôi còn nhớ tới bây giờ: Trường hợp thứ nhất là một người phụ nữ từng đứng ở cầu Chương Dương tới 11 lần với ý định nhảy xuống sông Hồng tự vẫn. Trường hợp thứ hai là một người đàn ông từng 4 lần đứng trên đê dẫn ra cầu Chương Dương với ý định lao vào xe tải tự tử.

Hai người này đã đến gặp tôi và kể về câu chuyện của họ. Người phụ nữ ở tuổi ngoài 50 cảm thấy vô cùng thất vọng vì sau nhiều năm chung sống, cuối cùng khi về già thì người chồng lại bội bạc, đi tìm người phụ nữ khác. Con thì đã lớn nhưng hư hỏng. Chị ta cảm thấy rất cô đơn, thấy mình hy sinh vô ích và muốn chết cho xong.

Còn người đàn ông kia thì bị lừa hết cả gia sản. Ông ta buồn rầu vì bị một người phụ nữ lừa (người phụ nữ đó không phải vợ). Ông ta nghĩ mình thua một người phụ nữ thì nên chết quách đi.

Tôi đã trò chuyện với họ để họ tự nhận ra được giá trị của bản thân mình, từ đó họ tự điều chỉnh chất lượng cuộc sống. Tôi muốn gửi tới các bạn trẻ một thông điệp: "Không ai thương mình bằng chính mình. Không ai yêu mình bằng chính mình. Không ai có trách nhiệm với mình bằng chính mình".

Xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện rất thú vị là có một nhà báo ở Mỹ xin được 2 suất học bổng, họ dành cho 2 học sinh của Việt Nam (11 tuổi) và nhờ tôi tìm giúp, chỉ hỏi đúng một câu: "Ai quan trọng bậc nhất đối với cháu?". Câu trả lời rất đơn giản thôi, đó là: "Mình là người quan trọng nhất với chính mình", ấy vậy mà tôi đã phải đi đến 18 trường ở nhiều địa phương khác nhau mới chọn được 2 cháu (1 cháu ở Hà Nội, 1 cháu ở Phú Thọ). Tôi đã hỏi nhiều sinh viên đại học, hầu hết đều trả lời sai.

Báo cáo của WHO chỉ ra rằng, đa phần các vụ tự tử rơi vào các nước đang phát triển ở Trung Đông và Châu Á. Ngay như Nhật Bản thì mỗi năm cũng có tới 3000 người chết vì tự tử (nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông). Theo ông, vì sao ở khu vực châu Âu ít xảy ra các vụ việc tự tử?

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Chúng ta thấy rằng những nước phát triển ở khu vực châu Âu ít xảy ra chuyện tự tử, vì ở một trình độ phát triển cao, con người tìm thấy giá trị của chính mình. Họ được dạy từ khi còn rất bé, lúc ngồi trên ghế nhà trường cũng đã được trang bị kiến thức tâm lý đầy đủ. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng luôn hiểu rằng chính họ là giá trị lớn nhất trong cuộc đời, cho nên họ vượt qua được áp lực xung quanh.

Tuy nhiên, khu vực châu Á hay Trung Đông thì đang trong giai đoạn phát triển, trình độ dân trí thấp hơn nhiều so với khu vực châu Âu, do đó dễ hiểu vì sao đa phần các vụ tự tử lại rơi vào khu vực này.

Tôi rất tiếc là ở Việt Nam chưa có nghiên cứu đánh giá nào về vấn đề này. Tôi hy vọng trong tương lai gần, sẽ phải có một tổ chức đứng ra nhận trách nhiệm và thực hiện, bởi vì trong tiến trình phát triển chúng ta cần phải rút ra bài học của những quốc gia đã đi trước, mà Nhật Bản là một thí dụ điển hình.

Ở các nước tiên tiến thì ngay từ trường phổ thông trở đi đã có bộ môn tâm lý và còn có riêng một phòng trợ giúp cho học sinh. Em nào căng thẳng có thể tới đó để trao đổi và nghe tham vấn của giáo viên tâm lý. Điều quan trọng nhất là các nút thắt phải được gỡ ra đúng lúc thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ngọc Quang (Thực hiện)