TQ đưa tin về các hoạt động trái phép ở Biển Đông nhằm mục đích gì?

15/05/2013 14:01
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Với việc chủ động đưa các thông tin về các hoạt động trên Biển Đông, Trung Quốc đang muốn thể hiện quyết tâm làm bá chủ Biển Đông và trấn an dư luận trong nước.
TS. Trần Công Trục (Ảnh: Tuấn Nam)
TS. Trần Công Trục (Ảnh: Tuấn Nam)

Ngày 14/5, tờ báo Vietnamplus đưa tin: “Vào lúc 16h45’ (giờ địa phương) ngày 13/5, tàu cung cấp hậu cần F8138 trong số 32 chiếc của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã đến địa điểm đánh cá đầu tiên thuộc vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mạng Hải Nam thông báo tin trên và cho biết số tàu còn lại cũng sẽ lần lượt đến đây trong thời gian sau đó.

Đến 17h 20’ cùng ngày, tàu cung cấp hậu cần F8138 đã thả neo tại 6 độ 01 phút vĩ Bắc, 108 độ 48 phút kinh Đông. Như vậy, sau khi di chuyển trong vòng 8 ngày (mất khoảng 173 giờ), với hơn 860 hải lý, đội tàu cá 32 chiếc của tỉnh Hải Nam đã đến địa điểm đánh cá này”.

Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết: "Gần đây có rất nhiều thông tin do các phương tiện thông tin truyền thông của Trung Quốc đăng tải có  liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Như việc Trung Quốc huy động 32 tàu cá xuống đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa, cùng các thông tin liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc; hoạt động của các tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, kể cả việc tàu hải giám sử dụng vòi rồng để xua đuổi tàu cá của các nước khác…. 

Về những hoạt dộng này, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt nam đã lên tiếng. Tất nhiên, tuỳ theo vụ việc mà nội dung và tính chất của phản ứng có mức độ khác nhau, đảm bảo tính khách quan và thích hợp. Bên cạnh đó, đã có không ít những phân tích, bình luận khá sâu sắc của các học giả, chính khách trong, ngoài nước.

Nhiều ý kiến cho rằng những thông tin do Trung Quốc công bố là có thật. Bởi vì, những hoạt đông này diễn ra tiếp sau sự kiện Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc ban hành quy hoạch phát triển hải dương 5 năm lần thứ 12 mà nội dung chủ yếu là hoạt động thăm dò , khai thác tài nguyên biển...  Các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây rõ ràng là sự cụ thể hóa quy hoạch mang tầm cỡ quốc gia này".

TS. Trần Công Trục nói tiếp: "Tuy nhiên dư luận còn đặt câu hỏi rằng tại sao những thông tin này không xuất phát từ các nước khác có các lực lượng đang hoạt động trong Biển Đông và việc Trung Quốc chủ động đưa tin phải chăng họ đang nhằm vào các mục đích khác nữa…?

Theo tôi, những băn khoăn nói trên có thể nói là rất thực tế. Qua diễn biến của tình hình từ trước đên nay trên Biển Đông, không loại trừ khả năng Trung Quốc đang bắn một mũi tên nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau: mục tiêu thứ nhất, họ muốn cho các nước thấy quyết tâm chiến lược của Trung Quốc không có gì thay đổi, rằng họ muốn các nước khác phải chấp nhận yêu sách phi lý của họ trong Biển Đông.

Thứ 2, họ muốn “bắn” tín hiệu cho các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản… rằng Trung Quốc không có bất kỳ sự nhân nhượng nào trong quyết tâm làm bá chủ Biển Đông để thử phản ứng của các nước này.

Thứ 3 là nhằm  gây sức ép để các nước trong khu vực ASEAN buộc phải  chấp nhận yêu sách biên giới biển “lưỡi bò” trước khi ngồi vào đàm phám về COC có lợi cho họ và thứ 4 là nhằm trấn an dư luận trong nước đang bức xúc bởi  lâu nay đã bị mê hoặc bởi luận điệu tuyên truyền rằng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trong hầu hết Biển Đông đang bị xâm phạm…".

Trong một động thái khác, mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin lúc 3h sáng 11/5 khi 32 tàu cá Trung Quốc đã chính thức xâm nhập trái phép vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị 2 "tàu công vụ nước ngoài" tập kích vào đội hình cơ động của 32 tàu cá Trung Quốc để kiểm tra khám xét, buộc 32 tàu cá Trung Quốc phải cơ động theo đường zic zắc vòng tránh, nhưng cũng có lúc 1 tàu công vụ tiến sát tàu cá TQ chỉ cách 3 - 4 mét.

Trước ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ thực hư việc lấy lý do "do đêm tối, thời tiết xấu", cánh phóng viên, ngư dân Trung Quốc không nhìn rõ "tàu công vụ nước nào" nhưng lại khẳng định trên tàu có vũ khí, đó là tàu công vụ dài 33 mét, màu trắng và không phải tàu cá, TS. Trục cho biết: "Trung Quốc tiến xuống Trường Sa đã vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và một số nước có liên quan.

Việc các lực lượng của các quốc gia làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của mình là một điều đương nhiên và còn rất ít so với những gì Trung Quốc đã làm. Tôi nghĩ rằng việc đó là có thật và hoan nghênh điều đó"
Hồng Chính Quang