“Bãi có thổ công, Bia có hà bá” và chuyện cơ cấu lại một ngành công lực

08/04/2018 07:06
Xuân Dương
(GDVN) - Cốt lõi của uy tín nằm ở năng lực từng cán bộ, chiến sĩ chứ không phải số lượng đông đảo hay cấp bậc cao.

Một bãi trông giữ xe mỗi tháng thu khoảng 700 triệu đồng, một năm thu gần chục tỷ đồng mà không nộp đồng thuế nào, đó là ý kiến của Thượng tá Đỗ Hồng Minh, Phó trưởng Công an quận Đống Đa được Dantri.com.vn tường thuật.

Lợi nhuận cực lớn bị lực lượng chức năng xem xét khiến có đối tượng dọa giết Phó công an quận, khiến lãnh đạo công an phường phải thốt lên: “Lãnh đạo Công an quận còn bị doạ thì chúng tôi bị coi chẳng ra gì”. [1]

Việc xuất hiện tình trạng một số đối tượng chống người thi hành công vụ gần đây có phải là do người dân kém hiểu biết pháp luật - trong đó có cả hiện tượng coi thường luật pháp - hay cũng còn có nguyên nhân từ hoạt động của lực lượng này?

Ai “chống lưng” cho bãi xe không phép siêu lợi nhuận hoạt động? (Ảnh: Báo Xây dựng)
Ai “chống lưng” cho bãi xe không phép siêu lợi nhuận hoạt động? (Ảnh: Báo Xây dựng)

Karl Marx viết: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm”.

Dựng lên vài dãy lán sơ sài trông giữ xe, mỗi năm thu gần chục tỷ đồng không phải nộp thuế, lợi nhuận ấy không phải là 300% mà là “lợi nhuận tuyệt đối”, bị treo cổ còn không sợ thì chuyện “dọa giết” công an chắc cũng không có gì lạ.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vốn là Giám đốc Công an Hà Nội, đầu năm 2017 đã từng đề cập chuyện quán bia vỉa hè và các bãi trông giữ xe có sự “chống lưng” của Công an và cán bộ lãnh đạo địa phương.

“Bãi có thổ công, Bia có hà bá” và chuyện cơ cấu lại một ngành công lực ảnh 2

Cả nước ngó mặt Thủ đô và "nguyên tắc không đổ lỗi cho thế hệ trước”

Tường thuật ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung, báo điện tử Congly.vn - cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao - chạy tít:

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Công an "chống lưng" quán bia, bãi giữ xe có Bí thư, Chủ tịch”. [2]

Có lẽ ít người dành thời gian phân tích rạch ròi phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung nên bài báo đã chạy tít bài để mọi người nhìn nhận cho rõ ràng: “bia vỉa hè” thì do Công an “chống lưng”, bãi giữ xe thì có Bí thư, Chủ tịch.

Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu đến nay đã hơn một năm và nguyên văn lời ông Chung liên quan đến chuyện trông giữ xe được Congly.vn tường thuật như sau:

Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch ngồi đây có dám cam đoan với tôi là không có bãi đỗ xe của người nhà không?

Có đấy, đều có cả. Các đồng chí phải là người quán triệt, phải về giáo dục người nhà thì sẽ đỡ đi.

Nếu lần này không làm tôi sẽ chỉ đích danh từng người, chỗ nào có Bí thư, Chủ tịch nào, chỗ nào có trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có người nhà”.

Tại bất kỳ địa bàn nào, Bí thư, Chủ tịch là cấp cao nhất, vậy nên từ cảnh báo của Chủ tịch Chung, có thể thấy nếu có bãi trông giữ xe nào đó được các vị ấy “quan tâm, giúp đỡ” thì các vị cấp dưới như lãnh đạo công an có nên làm khó và có thể làm khó?

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều lần cảnh báo hiện tượng “vua con” xuất hiện tại cơ quan và địa phương, người xưa cũng có câu thành ngữ về điều này: “Đất có thổ công, sông có hà bá”.

Cảnh báo của Chủ tịch Chung có nên hiểu là: “Bãi có thổ công, Bia có hà bá”?

Việc người dân phản ứng thái quá đến mức đe dọa tính mạng người thực thi công vụ cần phải tìm căn nguyên từ cả hai phía: dân và cán bộ.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, là câu nói hàm ý là phải xem xét bản thân trước, xem xét người khác sau. 

Người dân nói chung ít được học hành nghiêm chỉnh về luật pháp như cán bộ, nhất là cán bộ thuộc các lực lượng bảo vệ pháp luật.

“Bãi có thổ công, Bia có hà bá” và chuyện cơ cấu lại một ngành công lực ảnh 3Chủ tịch Hà Nội chỉ rõ thế lực bảo kê bãi xe, bùa hộ mệnh là "giấy phép tạm"?

Những bức xúc dồn nén hàng ngày dễ làm bột phát phản ứng tiêu cực, đôi khi vượt quá khuôn khổ cho phép.

Tuy nhiên đây chỉ là con số rất nhỏ trong hơn 90 triệu người Việt.

Chuyện dân chống lại người thừa hành công vụ thực sự chỉ là cá biệt.

Ngược lại, chuyện “tham nhũng vặt” chốn công quyền được xem là hiện tượng khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng.

Năm 2011, số người phải “lót tay” khi xin việc vào cơ quan Nhà nước là 29%, đến năm 2012 con số này tăng lên đến 44%. [3]

Đến năm 2016 chuyện “tham nhũng vặt” không dừng ở mức 44% mà: “Tham nhũng vặt đã trở thành 'tập quán' ”. [4]

Đối với lực lượng quản lý trật tự, an toàn giao thông, “tham nhũng vặt” thể hiện qua việc “làm luật” trên các tuyến giao thông từ Bắc vào Nam - cả thủy và bộ.

Tại Hà Nội, báo Nhandan.com.vn ngày 15/3/2018 có bài: “Tạm đình chỉ công tác 20 CSGT (cảnh sát giao thông) liên quan vụ nghi làm luật”. [5]

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, báo Tuoitre.vn viết: “Cảnh sát giao thông 'làm luật' ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất”. [6]

Vấn đề là những người vi phạm pháp luật có bị xử lý nghiêm minh, không phân biệt dân hay cán bộ?

Có một câu nói thế này: “khi văn chương không mô tả hết được vẻ đẹp của tình yêu thì thơ lên tiếng, khi thơ bất lực thì âm nhạc trả lời”.

Ở Thủ đô, đã có trường hợp ngôn ngữ bất lực nên “thơ” phải vào cuộc và do đó trên mạng xã hội xuất hiện “câu thơ”: “Vung tay chạm má, đá chưa trúng người”!

Có ý kiến cho rằng dân phản ứng là do pháp luật không nghiêm, nói thế không đúng ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, sự nghiêm minh của pháp luật ngoài phụ thuộc vào các điều khoản ghi trong các văn bản quy phạm pháp luật còn phụ thuộc rất nhiều vào người thừa hành công vụ.

Trong đa số trường hợp, sự không nghiêm minh đến từ cách xử lý của người thừa hành công vụ chứ không phải từ những điều khoản trong luật.

Thứ hai, người dân cần phải nhận thức rõ việc tuân thủ các quy định ghi trong luật và các văn bản quy phạm pháp luật.

Pháp luật có thể có một số điều khoản lạc hậu cần được bổ sung, thay đổi nhưng khi chưa kịp thay đổi thì cả dân và cơ quan công vụ đều buộc phải tuân thủ.

Cũng nên nói rõ, người thừa hành công vụ ở đây không chỉ có Công an mà còn bao gồm cán bộ các lực lượng Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm sát, Tòa án, người đứng đầu các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền,…

Có một tín hiệu đáng mừng là vừa qua Bộ Công an đã chủ động xây dựng đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Tinh thần cốt lõi của đề án được nêu trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an như sau: “Xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tăng cường cho cơ sở theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" ”.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an “tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là hết sức cần thiết bởi cho đến nay niềm tin vào thể chế chính trị của nhân dân bị giảm sút có một phần bắt nguồn từ niềm tin vào lực lượng công an.

Có thể nêu một ví dụ khá điển hình về sự không tinh gọn và bất hợp lý trong bộ máy tổ chức ngành Công an:

Tỉnh Nghệ An diện tích lớn nhất cả nước (16.494 km2), dân số khoảng 3 triệu người, Giám đốc Công an hàm đại tá trong khi nhiều địa phương (trừ hai thành phố đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) diện tích chưa đến 1.000 km2, dân số xấp xỉ 1 triệu người Giám đốc cũng hàm đại tá, có nơi diện tích chỉ bằng một phần sáu, dân số chỉ bằng một nửa Nghệ An nhưng Giám đốc Công an mang hàm thiếu tướng.

Người dân đánh giá cao nghiệp vụ, uy tín của lực lượng cảnh sát hình sự nhưng lại có phần chưa hài lòng về lực lượng cảnh sát giao thông, tại sao vậy? Không thể phủ nhận những cống hiến thầm lặng, có khi là hy sinh tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công an trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, điều tra, truy bắt tội phạm…

Uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và công an nói riêng không phải là xử lý được nhiều vụ việc mà là ngăn chặn không để xảy ra vụ việc.

Cốt lõi của uy tín đó nằm ở năng lực từng cán bộ, chiến sĩ chứ không phải số lượng đông đảo hay cấp bậc cao.

Tại nhiều nước phương Tây, lực lượng cảnh sát tuần tra, bám địa bàn đa phần là hạ sĩ quan hoặc cấp úy, gần như không có sĩ quan cấp trung tá, thượng tá cầm gậy điều khiển giao thông.

Trong xu hướng “tinh gọn, hiệu quả”, thiết nghĩ nên chú ý đến thu nhập cho cán bộ, chiến sĩ công an theo việc làm chứ không phải theo cấp hàm.

Có nhất thiết một đồn cảnh sát khu vực số sĩ quan cấp úy, cấp tá nhiều hơn hẳn hạ sĩ quan và chiến sĩ?

Gần đây, việc Chủ tịch nước tước danh hiệu công an nhân dân và cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam hai nghi phạm (nguyên thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên trung tướng Phan Văn Vĩnh) là tin buồn nhiều hơn vui bởi cấp bậc ngày càng cao của các đối tượng phạm tội.

Có thể thấy từ lời nói đến việc làm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng không có vùng cấm.

Cuộc chiến này chắc chắn không dừng lại chừng nào những kẻ “trót nhùng chàm” vẫn tìm đủ mọi cách hạ cánh an toàn hoặc tấp tểnh con đường xuất ngoại. 

Bằng cách kỷ luật hoặc khởi tố, bắt tạm giam một số tướng, tá - cả quân đội và công an - có thể thấy không có nơi ẩn nấp cho những kẻ vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm mà làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các hoạt động ấy góp phần nâng cao uy tín của lực lượng vũ trang chứ không làm giảm sút như có người nghĩ.

Trong định hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, người viết cho rằng cấp phường, xã là quan trọng nhất.

Khi người dân có thể chỉ đích danh các đối tượng nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp trên địa bàn thì không lý gì chính quyền phường, xã - trong đó có trách nhiệm của công an - lại không biết.

Đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền để phản ánh những khó khăn, phức tạp, hiểm nguy, sự cống hiến, hy sinh to lớn của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Công an trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự.Mới đây Bộ Công an công bố Công điện số 795/BCA-V11, trong công điện có đoạn:

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỷ cương, kỷ luật, phong cách ứng xử văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Công an…”.

“Tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỷ cương, kỷ luật, phong cách…” là cần thiết nhưng chưa đủ.

Kỷ luật trong lực lượng vũ trang phải là kỷ luật sắt, không vì bảo vệ cán bộ, chiến sĩ mà bao che sai phạm.

Chính việc bảo vệ cán bộ bởi các hình thức kỷ luật phổ biến là “rút kinh nghiệm” - cả bên dân sự lẫn lực lượng vũ trang - đã khiến tình trạng vi phạm có chiều hướng gia tăng.

Khiến cho đối tượng bị xử lý có cả Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị, thiếu tướng, trung tướng,…

Muốn khỏi bệnh thì phải uống “thuốc đắng”, thậm chí phải cắt bỏ những bộ phận bị hoại tử, muốn lấy lại niềm tin của người dân thì phải chấn chính cả đội ngũ, cả lực lượng, không thể để “bầy sâu” làm rầu nồi canh.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dantri.com.vn/xa-hoi/dep-bai-xe-khung-pho-truong-cong-an-quan-dong-da-bi-doa-giet-20180404092714505.htm

[2] http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/chu-tich-nguyen-duc-chung-cong-an-chong-lung-quan-bia-bai-giu-xe-co-bi-thu-chu-tich-199694.html

[3] http://vtv.vn/trong-nuoc/tham-nhung-vat-trong-khu-vuc-cong-dang-gia-tang-88648.htm

[4] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tham-nhung-vat-da-tro-thanh-tap-quan-1080455.tpo

[5] http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35792602-tam-dinh-chi-cong-tac-20-csgt-lien-quan-vu-nghi-%E2%80%9Clam-luat%E2%80%9D.html

[6] https://tuoitre.vn/canh-sat-giao-thong-lam-luat-o-cua-ngo-tan-son-nhat-canh-sat-giao-thong-lam-luat-o-cua-ngo-tan-son-nhat-20170907080305831.htm

Xuân Dương