1. Vé trông giữ xe ô tô giả Sau thời gian dài lập chuyên án trinh sát, sáng 21/2/2012, tổ công tác Đội Giao thông Bưu điện bắt quả tang đối tượng Nguyễn Huy Sỹ (SN 1985) và thu giữ được hơn 10 tập vé trông ô tô giả, số lượng hơn 1.000 chiếc. (Ảnh: ANTĐ). |
Nhìn hình thức của 2 loại vé: vé giả của đường dây Nguyễn Huy Sỹ và vé do Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội phát hành, rất khó phân biệt thật - giả. Thậm chí, vé do nhóm đối tượng Sỹ “ấn hành” còn có cảm giác “thật” hơn. Trên tấm vé này in đậm dòng chữ “Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Công ty Khai thác điểm đỗ xe”. Vé cũng có mã số thuế, ký hiệu của từng chiếc và con dấu đỏ ghi “Cục thuế TP Hà Nội”. Trong khi đó, quá trình đến tìm hiểu ở một số điểm trông giữ xe “chính danh”, nhận thấy nhiều tấm vé “xịn” do Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội ấn hành lại chẳng hề có con dấu nào. (Ảnh: ANTĐ) |
2. Sổ đỏ giả Thời gian gần đây, đã có một số vụ dùng sổ đỏ giả để lừa đảo với thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điển hình nhất là vụ án Lê Bá Quỳ cùng đồng phạm đã làm giả 21 sổ đỏ để lừa vay tiền của 6 ngân hàng với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng. |
Trước đây các đối tượng làm giả sổ đỏ dùng thủ đoạn tẩy nội dung trên sổ đỏ thật hoặc sử dụng "phôi sổ đỏ" để điền nội dung mới. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số, việc làm giả sổ đỏ được các đối tượng thực hiện đơn giản hơn. |
Rất dễ dàng để có thể tìm ra được hàng chục đầu mối làm sổ đỏ trên mạng internet với giá từ 5-7 triệu đồng, trong thời gian từ 2 đến 3 ngày. Mặc dù, các thông tin rao làm sổ đỏ thể hiện công khai, tuy nhiên khi nhóm phóng viên tiếp cận thì cách thức của các đối tượng này rất tinh vi: Tất cả giao dịch qua thư điện tử với các số điện thoại thay đổi liên tục. Lúc nào làm xong sổ, đối tượng chuyển qua thư điện tử cho khách hàng xem trước, sau đó chuyển trả sổ qua bưu điện là nguyên tắc mà các đối tượng làm sổ đỏ giả đưa ra để tránh các cơ quan điều tra. |
3. Giấy phép lái xe giả Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh TT-Huế, từ đầu năm 2009 đến 9/2011, qua tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1A, lực lượng CSGT đã phát hiện và thu giữ khoảng 250 giấy tờ giả, trong đó có hơn 200 GPLX giả. (Ảnh: Thái Bình) |
Toàn bộ số GPLX giả này đều được các đối tượng sử dụng công nghệ cao như dùng máy photo màu, sau đó giả chữ ký và khuôn dấu của cơ quan chức năng; hay dùng GPLX thật (đã cũ) tẩy xoá, sửa chữa; đồng thời, sử dụng kỹ thuật sao chụp chữ ký, dấu tròn hết sức tinh vi. Khi chỉ nhìn lướt qua các GPLX giả này rất khó có thể phát hiện được đâu là thật, đâu là giả. |
Không chỉ ở thành phố mà cả các vùng núi, vùng sâu vùng xa cũng xuất hiện tình trạng giấy phép lái xe giả. Giá của những loại giấy phép giả này được các đối tượng bán đủ loại theo kiểu "nhìn mặt đặt tên". Cũng giấy phép lái xe môtô có những đối tượng chỉ bán 100 - 200 nghìn đồng/chiếc, nhưng có đối tượng bán tới 1-2 triệu đồng/chiếc. |
4. Hóa đơn giả Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay việc dùng hóa đơn đặt in đang diễn ra bình thường nhưng luôn cảm thấy lo lắng về việc hóa đơn bị làm giả. Theo các doanh nghiệp, điều này hoàn toàn có cơ sở bởi công nghệ làm giả hiện nay rất tinh vi, giấy tờ và con dấu đều có thể bị làm giả không mấy khó khăn. |
Dưới góc nhìn của nhà in, ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc Công ty in Tài chính, chi nhánh TP.HCM nhận định rằng, với công nghệ in mà không ít nhà in nhỏ đang áp dụng để in hóa đơn thì việc làm giả là rất dễ dàng. Theo ông Minh, những nhà in này sử dụng công nghệ in lazer như in các sản phẩm bình thường rồi mua máy đóng số nhảy bán tràn lan ngoài thị trường về đóng bằng tay, cách mà nhiều người cũng có thể làm được. |
“Đây là những máy đóng số nhảy có nguồn gốc từ Trung Quốc, có giá khoảng 10 triệu đồng/máy trong khi các công ty in lớn, muốn đảm bảo phải dùng máy đặt riêng với nhà sản xuất, đóng số tự động với giá lên tới hàng tỉ đồng”, ông Minh phân tích. Khi bị phát hiện, người in hóa đơn giả bị phạt tới 100 triệu đồng. |
5. Vàng giả Ông Vũ Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu khẳng định với trang tamnhin.net: Làm vàng giả rất dễ vì người ta có thể lợi dụng tính chất lý hóa của nguyên tố vàng để độn thêm nguyên tố Vonfram nhằm tạo ra loại vàng giả giống hệt vàng chất lượng 999 hoặc 9999. |
Khi nung với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh vonfram chưa đủ nhiệt độ nóng chảy tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram. Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được. |
Ông Vũ Minh Châu cho rằng, mỗi lượng vàng độn, kẻ gian có thể lãi từ 7 đến 10 triệu đồng (1 lượng vàng 9999 có thể độn đượckhoảng 20% vonfram, tương đương khoảng 2 chỉ vàng thật. Trong khi đó, giá trị của vonfram rất thấp. Hiện nay, ở Việt Nam kim loại này có giá chưa đến 100 nghìn đồng/kg. |
6. Tiền giả Ngày 11/2 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Từ lời khai của các đối tượng Công an huyện Tân Uyên còn tiếp nhận 35 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng mà các đối tượng đã sử dụng mua hàng, trả tiền cho nhiều người trước đó. |
Để phân biệt, trước hết cần đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dây an toàn (dây bảo hiểm). Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền: hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo; dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh. Ở tiền giả: không có hình bóng chìm và dây an toàn; hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy. |
Thứ hai: Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI) và yếu tố IRIODIN. Ở tiền thật yếu tố OVI có màu vàng đất khi nhìn thẳng và chuyển dần sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng. Yếu tố IRIODIN là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ tiền. Ở tiền giả: không có yếu tố mực đổi màu, hoặc in giả màu vàng/xanh lá cây nên không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; không có dải màu vàng lấp lánh khi chao nghiêng tờ tiền. |
Thứ ba: Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền: kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn (ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo); kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả: không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn, nếu có chỉ là các nét dập thô, không tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn (DOE) như tiền thật. |
Dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (tại các vị trí: dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...). Ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này. Ở tiền giả: chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật. |
Khuê Hạ (Tổng hợp)