Kiên quyết không đầu tư dự án BOT mới vào tuyến đường độc đạo

06/06/2019 10:59
Diệu Linh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Quốc hội, Thường vụ Quốc hội.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Văn Thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo Quốc hội một số nội dung liên quan.

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian qua, ngành giao thông nổi lên một số vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém, vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết các nút thắt cho các vùng, các địa phương và của quốc gia.

Vấn đề xử lý các tồn tại của các dự án đầu tư theo hình thức BOT đường bộ, đường hàng không. Các vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cả đường bộ, đường hàng không, được dư luận, cử tri đặc biệt quan tâm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, Chính phủ đang tập trung giải quyết các tồn tại bất cập trong các dự án BOT giao thông, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân.

"Cần tiếp tục rà soát để đảm bảo thực hiện những dự án hoạt động trong thời gian quá độ, đồng thời kiên quyết không đầu tư những dự án mới vào tuyến đường độc đạo, đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Quốc hội, Thường vụ Quốc hội; rà soát lại các quy hoạch kết cấu hạ tầng", ông Dũng thông tin.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo tại Quốc hội. ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo tại Quốc hội. ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội bức xúc vì quản lý yếu kém khiến nhiều công trình đội vốn, chậm tiến độ

Trong những năm qua, nhà nước đã dành nhiều ngân sách và huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Từ đó, tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam có sự thay đổi nhanh chóng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn những hạn chế bất cập như các vị đại biểu đã chất vấn.

Quyền của dân, không thể xem thường
Quyền của dân, không thể xem thường

Trước hết, hệ thống hạ tầng giao thông hiện còn chất lượng thấp. Kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần phải giải quyết. Ở đây, về đường bộ, hiện nay tổng đường bộ của Việt Nam khoảng 295.000 km, nhưng chúng ta mới có 977 km đường cao tốc thôi.

Như vậy thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Mục tiêu đến năm  2020 chúng ta phải có 2.000 km đường cao tốc.

Hệ thống sân bay, cảng biển có bước phát triển nhưng tình trạng quá tải tại một số sân bay như sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài hiện nay có xu hướng quá tải.

Hệ thống đường sắt Việt Nam được xây dựng cách đây hàng trăm năm, rất cũ kỹ và thiếu an toàn. Giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác một cách có hiệu quả ở nhiều khu vực.

Việc kết nối các loại hình giao thông với nhau cũng như việc kết nối với các khu vực kinh tế, các khu vực đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Việc đầu tư hạ tầng cho vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc, kết nối giao thông giữa khu vực Tây Nguyên với khu vực duyên hải miền Trung với thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn.

Hạ tầng các đô thị lớn đầu tư chậm, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị, dẫn đến ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại những đô thị lớn.

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội rất bức xúc về tình trạng quản lý đầu tư, xây dựng các công trình ngành giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém, tình trạng tăng vốn, đội vốn ở nhiều công trình trọng điểm, nhiều công trình chậm tiến độ, chất lượng thấp, quản lý đầu tư vận hành, khai thác các dự án BOT giao thông còn nhiều bất cập, một số dự án gây bức xúc cho nhân dân và có nơi còn tạo ra điểm nóng.

Nợ của ngành giao thông quá lớn, nhiệm kỳ sau chưa chắc đã trả hết
Nợ của ngành giao thông quá lớn, nhiệm kỳ sau chưa chắc đã trả hết

Còn những lo ngại về chọn nhà đầu tư kém năng lực, công tác quản lý xe vận tải còn nhiều lúng túng đặc biệt là xe hợp đồng điện tử, tình trạng trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phức tạp cả trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Nhiệm vụ trong thời gian tới là khắc phục những hạn chế, yếu kém như đã nêu như các vị đại biểu đã chất vấn. 

Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành giao thông đã được bố trí vốn trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cũng như các dự án dở dang, dự án hợp tác công tư, trong đó đẩy nhanh lựa chọn các nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất như ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

"Tôi khẳng định quan điểm của Chính phủ là lựa chọn các nhà đầu tư công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật để hạn chế, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng, ưu tiên các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ năng lực.

Đối với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải là nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng. Các khâu không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, phải tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải cơ bản hoàn thành những tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ vào năm 2020.

Thủ tướng đã có kế hoạch bố trí vốn hỗ trợ và sẽ báo cáo Quốc hội cụ thể những vấn đề phát sinh", Phó Thủ tướng cho biết.

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, điển hình của cách làm ăn gian dối khi chủ đầu tư chỉ một lớp nhựa rồi lập trạm thu phí như đầu tư tuyến đường mới. Ảnh: Vũ Phương.
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, điển hình của cách làm ăn gian dối khi chủ đầu tư chỉ một lớp nhựa rồi lập trạm thu phí như đầu tư tuyến đường mới. Ảnh: Vũ Phương. 

Cương quyết xử lý sau phạm các dự án BOT

Trước đó, khi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Phó đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình - ông Bùi Văn Phương nhắc lại kết quả kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của những dự án này.

Sáng nay (6/6) báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa... 

Đồng thời, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.

Ông Phương đặt câu hỏi: “Vì sao hai bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán Nhà nước không cương quyết thì có phải người dân phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không? Có lợi ích nhóm ở đây hay không?”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: “Chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của Kiểm toán nhà nước. Ngay khi dự án BOT triển khai, Bộ Giao thông Vận tải và chủ các doanh nghiệp BOT đã chủ động mời Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán, thậm chí mời cả công an. Không phải như thông tin là Bộ Giao thông không muốn mời kiểm toán. Số liệu các dự án BOT được kiểm toán là gần như 100%”.

Về con số 222 năm, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết đã cung cấp thông tin. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, Bộ sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư, nhà đầu tư triển khai xong thì phải thực hiện công tác quyết toán. Căn cứ vào quyết toán thực tế để điều chỉnh lại hợp đồng, hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí.

“Kiểm toán căn cứ vào số liệu mới phê duyệt thì dự án hoàn toàn có thể được điều chỉnh do khối lượng công việc phát sinh, không đúng thực tế. Số liệu 222 năm là đúng, nhưng đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán và cho thu phí là giảm chứ không phải như số liệu của kiểm toán”, ông Thể cho biết.

Tuy nhiên, sau trả lời này, Đại biểu Bùi Văn Phương bấm nút nói: “Bộ trưởng vừa trả lời là Bộ không hề né tránh việc kiểm toán các dự án BOT giao thông mà đã chủ động mời Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán các dự án thì có lẽ trả lời của Bộ trưởng không thật chính xác vì tôi đang ngồi cạnh Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Thưa Bộ trưởng, chỉ có mời kiểm toán 3 dự án: Hầm Đèo Cả, Trung Lương-Mỹ Thuận và Bắc Giang – Lạng Sơn. Trước đó, thì Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạc và Đầu tư là không được kiểm toán các dự án BOT giao thông”.

Diệu Linh