Chuyên gia chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp của ông Thản

10/07/2017 06:29
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia bất động sản, dù có bị khởi tố hay không nhưng doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản phải thực hiện nghĩa vụ với người mua nhà.

Trước thông tin cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hà Nội có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can điều tra liên quan đến tội trốn thuế và vi phạm các quy định về quản lý nhà ở của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm chủ khiến người dân đang sống tại các dự án do doanh nghiệp này xây dựng lo lắng.

Những lo lắng của người dân xuất phát từ việc nhiều dự án do doanh nghiệp đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ với người mua nhà.

Điển hình nhất là việc lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thực hiện thủ tục để người dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (cách gọi thông thường: “sổ hồng” – phóng viên).

Một góc tòa nhà CT10A - Khu đô thị Đại Thanh, ảnh Hoàng Lực.
Một góc tòa nhà CT10A - Khu đô thị Đại Thanh, ảnh Hoàng Lực.

Bảo vệ quyền lợi người mua nhà

Phản ánh với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Phương Nga – Trưởng Ban đại diện cư dân toàn nhà CT10B (một trong 6 tòa nhà thuộc Khu đô thị Đại Thanh do Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư) cho biết, người dân rất quan tâm tới thông tin cơ quan công an có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can làm rõ vi phạm tại dự án của ông Lê Thanh Thản.

Theo bà Nga sự quan tâm người dân xuất phát từ những tồn tại đang diễn ra tại Khu đô thị Đại Thanh.

Thứ nhất là nguy cơ cháy nổ và điều kiện phòng cháy chữa cháy; Thứ hai người dân mua các căn hộ tại tầng 2 đến tầng 4, tầng 30 đến tầng 32 của các tòa nhà không được cấp sổ hồng.

“Tôi và hộ dân sống không chỉ ở CT10B này mà cả người dân các toàn nhà khác quan tâm nếu khởi tố vụ án, khởi tố bị can làm rõ vi phạm tại dự án của ông Lê Thanh Thản, nhưng sau đó những bất cập như phòng cháy chữa cháy, cấp sổ hồng của cư dân có được giải quyết không? Ai giải quyết cho cư dân”, bà Nga lo lắng.

Theo phản ánh của người dân, tầng 1 các tòa nhà tại Khu đô thị Đại Thanh được bán hoặc cho thuê làm ki-ốt. Ở những ki-ốt này làm hệ thống mái che dẫn đến nguy cơ khi xảy ra hỏa hoạn thì phương tiện chữa cháy khó tiếp cận tòa nhà - ảnh: Hoàng Lực
Theo phản ánh của người dân, tầng 1 các tòa nhà tại Khu đô thị Đại Thanh được bán hoặc cho thuê làm ki-ốt. Ở những ki-ốt này làm hệ thống mái che dẫn đến nguy cơ khi xảy ra hỏa hoạn thì phương tiện chữa cháy khó tiếp cận tòa nhà - ảnh: Hoàng Lực

Trước những lo lắng của người dân, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với những vấn đề như người dân Khu đô thị Đại Thanh đưa ra thì chủ đầu tư dự án đang sai phạm quá lớn.

Ông Đực cho biết, nguyên tắc được cấp sổ hồng là doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện đúng các quy định như đóng tiền sử dụng đất, không còn nợ thuế, được cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, môi trường, giao thông, điện lực… xác nhận các điều kiện. 

Cuối cùng, Sở Xây dựng tổng hợp các yếu tố, nếu xét thấy đầy đủ mới quyết định cho đưa vào sử dụng, lúc đó mới được làm sổ hồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì chủ đầu tư tại dự án chung cư Đại Thanh mắc hàng loạt sai phạm: Xây dựng khi chưa có quyết định giao đất; Chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chuyển nhượng bất hợp pháp, chưa nộp tiền sử dụng đất.

Chuyên gia chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp của ông Thản ảnh 3

Nếu khởi tố doanh nghiệp, quyền của người mua nhà ở Đại Thanh được đảm bảo?

Như vậy rõ ràng Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên mắc nhiều sai phạm nhưng lại ung dung đưa dự án vào sử dụng trong khi điều kiện như phòng cháy chữa cháy không đảm bảo.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng dự án vẫn được đưa vào sử dụng, trách nhiệm giám sát của cơ quản lý nhà nước ở đâu?

Trở lại câu chuyện trách nhiệm của doanh nghiệp nếu bị khởi tố điều tra, ông Đực cho biết: “Nếu xảy ra truy tố doanh nghiệp thì ai chịu trách nhiệm nhiệm người đó sẽ bị truy tố còn công ty đó phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục còn thiếu cho người dân”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, dù những sai phạm của doanh nghiệp ông Thản có bị khởi tố hay không vẫn phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với người mua nhà.

Cụ thể, về phòng cháy chữa cháy cần xử lý nghiêm bằng cách xử phạt hành chính ở mức cao. Đồng thời yêu cầu khắc phục những sai phạm này trong thời gian nhất định và tiến hành kiểm tra đảm bảo hoạt động tốt.

Ngoài xử phạt cần có biện pháp phòng bằng cách tăng cường giám sát, thanh tra kiểm tra tránh việc vi phạm rồi mới xử lý.

“Tóm lại xử lý sai phạm doanh nghiệp đồng thời buộc doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi cư dân, người mua nhà”, ông Liêm khẳng định 

Sai phạm lớn

Liên quan đến vấn đề cấp sổ hồng tại dự án Đại Thanh, ông Đực cho biết, theo thông tin báo chí thì dự án này được cấp phép xây 29 tầng nhưng chủ đầu tư tự ý xây vượt tầng lên 32 tầng. 

Tương tự theo thiết kế từ tầng 2 đến tầng 5 khu thương mại dịch vụ nhưng lại chuyển đổi công năng chuyển sang căn hộ bán cho người dân.

“Phải khẳng định đây là những hành vi cố tình vi phạm của chủ đầu tư vì thế phải xử lý thật nghiêm”, ông Đực nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh Nguyên Vũ/ Báo Người tiêu dùng
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh Nguyên Vũ/ Báo Người tiêu dùng

Theo ông Đực với phần diện tích căn hộ xây vượt tầng không yêu cầu tháo dỡ nhưng phạt nặng chủ đầu tư bằng cách tính toán diện tích xây vượt tầng trái phép. Căn cứ vào đó đưa ra mức xử phạt bằng 50% số tiền bán từ phần diện tích sai phép. 

Ví dụ đơn giá bán 10 triệu đồng/m2, chủ đầu tư xây sai phạm 1.000 m2, như vậy số tiền bán từ diện tích sai phạm là 10 tỷ đồng, cơ quan quản lý nhà nước phải xử phạt thu về 5 tỷ đồng. 

Riêng với tầng được thiết kế dịch vụ thương mại nhưng chủ đầu tư lại cố tình sửa thành căn hộ bán cho cư dân, ông Đực cho rằng đây là sai phạm nghiêm trọng,nhưng khó xử lý.

“Thiết kế tầng thương mại dịch vụ để phục vụ người dân sống ở chung cư nhưng doanh nghiệp lại sửa thành căn hộ để bán có nghĩa dân cư không được phục vụ, trong khi lại bị tăng lượng căn hộ lên. Điều này làm nghẽn mạch hạ tầng kỹ thuật xã hội, đây là sai phạm lớn”, ông Đực nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn vai trò phần diện tích sử dụng làm khu thương mại dịch vụ, ông Đực cho hay, về nguyên tắc bất cứ dự án chung cư nào phải có tầng dịch vụ thương mại phục vụ người dân. Nếu chủ đầu tư tự sửa số tầng dịch vụ thành căn hộ để bán khiến số căn hộ tăng lên.

Khi tăng số căn hộ, tăng lượng cư dân kéo theo phải tăng lên diện tích trường học, bệnh viện, tăng nhu cầu giao thông… điều này ảnh hưởng lớn đến quy hoạch phát triển đô thị. Người dân sống ở dự án không có tầng dịch vụ thương mại là mất quyền lợi, lợi ích đáng ra được hưởng.

Với sai phạm này về nguyên tắc phải đền lại người dân đã mua, phục hồi các tầng căn hộ trở thành tầng thương mại dịch vụ. 

Tuy nhiên điều này rất khó, vì thế phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ ngay gần kề phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.

Mai Anh