Ngay khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai lấy ý kiến cho Dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; trong đó có đề cập đến kế hoạch bố trí ngân sách để xử lý nợ xấu đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của giới chuyên gia.
Bên cạnh ý kiến đồng thuận, có chuyên gia cho rằng nợ xấu là lỗi của ngân hàng không thể mang tiền ngân sách nhà nước ra "cứu", nhất là khi ngân sách eo hẹp và cần chi cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như hiện nay.
Dùng hay không dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu ngành ngân hàng đang trở thành tâm điểm tranh luận gay gắt giữa các chuyên gia - ảnh nguồn Vneconomy. |
Dùng ngân sách thế nào để tránh "ném tiền qua cửa sổ"
Bày tỏ quan điểm việc nên hay không nên sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức - Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho biết: “Tôi hoàn toàn nhất trí, trừ không có tiền phải chịu còn ngân sách có tiền thì việc sử dụng ngân sách giải quyết nợ xấu là đúng và hợp lý và cần làm”.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức đặt ra câu hỏi: Nếu dùng ngân sách xử lý nợ xấu thì cách làm như thế nào, phải thận trọng không thể “ném tiền qua cửa sổ”.
Thực tế từ trước đến nay, chúng ta đã dùng ngân sách xử lý nợ xấu nhiều, khác nhau chỉ là trực tiếp hay gián tiếp và sử dụng hình thức này hình thức kia.
“Việc phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu thực chất cũng là ngân sách, hay việc miễn giảm thuế, giảm phí hỗ trợ bằng cơ chế. Điển hình mua bán nợ đang dùng ngân sách chẳng qua mua nhiều hay mua ít”, Luật sư Đức cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức - ảnh H. Lực |
Luật sư Đức nhấn mạnh: Đừng nói không dùng ngân sách xử lý nợ xấu mà ngược lại phải dùng, cả thế giới không đất nước nào không dùng ngân sách để xử lý, vấn đề dùng thế nào, dùng bao nhiêu ngân sách xử lý.
“Ở đây không phải xóa nợ cho ngân hàng mà nợ xấu là “ung nhọt” cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng ngân hàng. Mình bỏ tiền của mình ra để trả nợ cho mình, trả nợ cho sai lầm của cả nền kinh tế. Mà nền kinh tế là của chung, không riêng ai”, Luật sư Đức nói.
Dùng ngân sách xử lý nợ xấu có giống "lấy của người nghèo chia cho người giàu"?Kiểm toán nhà nước: VAMC xử lý nợ xấu ngân hàng chưa hiệu quả |
Theo ông Đức, hiện tại nhiều ý kiến hiểu nhầm cho rằng nợ xấu là của ngành ngân hàng, của ngân hàng gây ra nên đưa quan điểm không dùng tiền ngân sách.
Tất nhiên sai lầm của ngân hàng là có, nợ xấu là do ngân hàng gây ra nhưng chỉ là thứ yếu, còn cái chính là anh vay vốn không trả nợ, cái chính là nền kinh tế không hiệu quả, vỡ nợ, yếu kém, tham nhũng… Từ đây, dẫn đến ngân hàng mất vốn, mất lãi.
“Ngân hàng chỉ là trung gian lấy tiền của dân, của nền kinh tế cho vay, cấp vốn cho nền kinh tế. Khi hai đầu huy động và cho vay xấu thì ngân hàng phải chịu”, Luật sư Đức cho biết thêm.
Ngân sách cứu nợ xấu nên đầu tư giao thông
Quan điểm ngược lại việc dùng ngân sách xử lý nợ xấu, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công cho rằng: “Nguyên tắc không dùng ngân sách xử lý nợ xấu".
Vị chuyên gia này cho rằng, ngân sách hiện nay đang eo hẹp, không thể dùng xử lý nợ xấu trong khi rất nhiều khoản đầu tư đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông đang cần vốn.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, nếu ngân sách có tiền nên sử dụng đầu tư hạ tầng giao thông cơ bản, giao thông huyết mạch nền kinh tế. Trong khi chúng ta đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống giao thông bằng các dự án BOT giao thông. Tuy nhiên do quản lý và cách làm không hợp lý dẫn đến mức phí cao hơn sức mua của dân.
Từ đó nhiều dự án BOT giao thông đáng nhẽ sẽ tạo sức bật cho kinh tế vùng miền có dự án thì việc mức phí cao, mức phí liên tục tăng vô tình lại trở thành gánh nặng.
Đặt vấn đề, ngân sách nên xử lý nợ xấu hay đầu tư giao thông cơ bản, Luật sư Đức cho hay, nếu ngân sách có nhiều muốn làm gì cũng dễ, có thể xây vườn hoa, tượng đài… còn ngân sách hạn hẹp như hiện nay nên dùng ngân sách xử lý nợ xấu. Nếu ngân sách quá eo hẹp thì đành phải chịu.
“Ngân sách eo hẹp như hiện nay thì cần xử lý nợ xấu đầu tiên chứ không phải đầu tư BOT. Vì muốn xây BOT phải là nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có vốn, lãi suất tín dụng phải thấp... Trong khi không xử lý nợ xấu tất cả cùng chết, doanh nghiệp chết, nền kinh tế chết không hồi phục được, không xử lý được tồn đọng”, Luật sư Đức đưa quan điểm.
Nợ xấu cao, lãi suất ngân hàng không giảm được, doanh nghiệp không tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh được. Ngân hàng hiện nay yếu, ngân hàng yếu không thể kỳ vọng là bệ đỡ cho nền kinh tế thì không hy vọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo ông Đức, có thể dùng ngân sách xử lý nợ xấu nhưng ngân hàng nào sai phạm vẫn xử lý. "Xử lý nợ xấu cứu nền kinh tế" và "sai phạm ngân hàng bị xử lý" là hai chuyện khác nhau.
“Nếu bây giờ anh bị ung thư vì ăn thức ăn kém chất lượng, thức ăn đấy anh không làm ra, giờ anh bị ung thư cứu hay không? Hay để cho chết. Câu trả lời là phải cứu”, Luật sư Đức ví von.