Chiều ngày 18/3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức họp báo công bố số tiền hỗ trợ khẩn cập 16 tỉnh tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, hiện nay, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang trải qua đợt ảnh hưởng nặng nề của thiên tai hạn hán và ngập mặn.
BIDV tổ chức họp báo công bố thông tin hỗ trợ khắc phục hạn hán - Ảnh H.Lực |
Tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ đang bước vào cao điểm của mùa khô, tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt, cháy rừng liên tiếp.
Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, tình trạng hạn hán và ngập mặn đang ngày càng lan rộng và gây ra hâu quả nghiêm trọng, nước ngọt cho đời sống và sản xuất khan hiếm trầm trọng.
Dù đã chủ động ứng phó với thiên tai nhưng thiệt hại ở nhiều nơi vẫn khá nặng nề. Nhiều địa phương người dân phải hứng từng giọt nước để sinh hoạt.
Trước tình hình đó, mặc dù các địa phương đã chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tuy nhiên những thiệt hại do thời tiết ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Với mong muốn góp phần giúp người dân khắc phục khó khăn, BIDV đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 23 tỷ đồng cho 16 tỉnh gồm 5 tỉnh Tây Nguyên, 2 tỉnh Nam Trung Bộ và 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Xuân Hoàng Phó Tổng giám đốc BIDV phát biểu tại buổi họp báo. |
Trong đó 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và 2 tỉnh Nam Trung Bộ Ninh Thuận, Bình Thuận được BIDV hỗ trợ 14 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ đồng/tỉnh).
9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Vĩnh Long được hỗ trợ 9 tỷ đồng, tương đương mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.
Theo ông Trần Xuân Hoàng 10 tỷ đồng đã được BIDV trao cho các địa phương tại Hội nghị công tác của Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
“Ngay trong hôm nay, BIDV sẽ triển khai trao tiền cho các địa phương để kịp thời giúp đỡ đồng bào đang gặp khó khăn, ổn định cuộc sống”, ông Trần Xuân Hoàng nói.
Ông Trần Xuân Hoàng nhấn mạnh hỗ trợ trên của BIDV là gói cứu trợ khẩn cấp giúp đồng bào vùng hạn hán, xâm nhập mặn ổn định cuộc sống.
“Tiếp theo đây chúng tôi sẽ chỉ đạo các chi nhánh tại các tỉnh vùng hạn hán, xâm nhập mặn để đánh giá tác động thiệt hại do thời tiết lên khách hàng của BIDV.
Tùy trên mức độ thiệt hại sẽ có chính sách gia hạn trả nợ với trường hợp do hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng sản xuất, ảnh hưởng đến trả nợ của khách hàng. Với doanh nghiệp người dân muốn có thêm vốn phục hồi sản xuất sau hạn hán, xâm nhập mặn chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ”, ông Trần Xuân Hoàng cho biết.
Đánh giá việc làm của BIDV, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Hàng năm ngành ngân hàng dành hàng ngàn tỷ đồng tham gia hoạt động an sinh xã hội, trong đó BIDV một trong ngân hàng đi đầu trông các hoạt động an sinh xã hội với đóng góp hàng trăm tỷ mỗi năm.
“Trong lúc hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến đồng bào 16 tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ việc làm của BIDV rất thiêng liêng, BIDV là đơn vị đầu tiên ngành ngân hàng đứng ra ủng hộ đồng bào, cũng xin cám ơn Hội đồng quản trị, ban điều hành và cán bộ công nhân viên BIDV đã đóng góp giúp cho vị thế, uy tín của ngành ngân hàng nâng lên qua hoạt động an sinh xã hội”, ông Tân cho biết.
Theo ông Tân việc làm BIDV sẽ được công đoàn Ngân hàng Nhà nước tuyên tuyền để các đơn vị khác học tập.
“Qua sáng kiến hộ trợ của BIDV công đoàn Ngân hàng Nhà nước rất mong công đoàn cấp cơ sở các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng khác có những hành động thiết thực hỗ trợ đồng bào vùng hạn hán, xâm nhập mặn”, ông Tân cho biết.