Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết: “Sáng 1/12, Cục quản lý cạnh tranh đã tiến hành họp về vụ việc của Khải Silk. Mọi thông tin chúng tôi đã gửi thành văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chờ ý kiến của Bộ trưởng lúc đó chúng tôi sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí”.
Tại Hà Nội, khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau những ngày Khaisilk “treo đầu dê bán thịt chó” bị phát hiện, tại cửa hàng số 113 Hàng Giai vẫn còn biển hiệu Khaisilk. Tuy nhiên, theo người dân sống gần đây cho biết, mọi hoạt động của cửa hàng này đã tạm dừng.
Cửa hàng Khaisilk 26 Nguyễn Thái Học cũng đóng cửa. Người dân sống ở đây cho biết, chỉ nhà hàng Khải Brothers hoạt động, còn cửa hàng lụa Khaisilk ở cùng địa chỉ này đã ngừng hoạt động từ lâu.
Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy các cửa hàng thuộc hệ thống Khaisilk đều trong tình trạng đóng cửa.
Theo đó, tối 30/11, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt trước Văn phòng và đồng thời là cửa hàng của Khaisilk tại số 101 Đồng Khởi (phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Ghi nhận của phóng viên, biển hiệu Khaisilk đã được dỡ bỏ.
Thay vào đó, chủ nhà đã treo bảng cần cho thuê mặt bằng sau khi xảy ra bê bối của Khaisilk.
Một người dân ở đây cho hay, từ lúc cơ quan chức năng ập vào kiểm tra hàng hóa của Khaisilk tại cửa hàng này, toàn bộ hàng hóa được đưa đi đâu không rõ và cửa hàng cũng không có nhân viên đến nữa.
Ngoài cửa hàng trên đường Đồng Khởi, Khaislik còn có cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) và đường Võ Văn Tần (quận 3) cũng trong tình trạng đóng cửa.
Biển hiệu Khaisilk ở 101 Đồng Khởi (Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đã bị gỡ xuống và thay bằng thông báo của chủ nhà cho thuê mặt bằng. Ảnh: Đan Quỳnh. |
Vào cuối tháng 10/2017, thông tin bất ngờ thương hiệu Khaisilk chuyên bán các mặt hàng lưu niệm làm từ lụa tơ tằm của các làng nghề nổi tiếng Việt Nam có cả sản phẩm lựa tơ tằm đội lốt hàng Việt, nhưng nhập từ Trung Quốc.
Cụ thể, Đội 14 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, phối hợp với C46 (Bộ Công An) đã có cuộc kiểm tra tại cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai, Hà Nội.
Tại đây, lực lượng chức đã phát hiện gian lận thương mại, làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tại cửa hàng này.
Cơ quan chức năng đã thu giữ số sản phẩm có dấu hiệu vi phạm với giá trị 30 triệu đồng từ cửa hàng.
Trước đó, ngày 23/10, trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.
Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”.
Ngay sau đó, Văn phòng Bộ xin truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý”.
Văn phòng Bộ cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường khẩn trương báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10/2017.
Không ít kiều bào sống và làm việc tại nước ngoài khi biết tin về Khaisilk nhập cả lụa Trung Quốc về thay bằng nhãn “made in Vietnam” đã vô cùng choáng váng và thất vọng.
Trước đó, nhiều người vẫn tin rằng ôngHoàng Khải là một doanh nhân làm ăn chân chính bằng những sản phẩm của Việt Nam đã trở nên giàu có tại Việt Nam như thế nào.
Cửa hàng Khaisilk số 26 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) đã gỡ biển hiệu Khaisilk và ngừng hoạt động, còn nhà hàng Khải Brothers vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: V.P |
Khi bê bối Khaisilk bị vỡ lở, nhiều ý kiến chia sẻ, vai trò của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Quản lý thị trường quá ở đâu. Thậm chí nhiều câu hỏi ghi vấn đặt ra những đơn vị này bảo kê, bao che cho các sai phạm của Khaisilk.
Cách đây không lâu, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng có báo cáo gửi Cục Quản lý thị trường kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).
Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng “gây bão”, trong văn bản nêu do sơ xuất trong quản lý và trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn "Khaisilk Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.
Có thể nói báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội được cho rằng vô trách nhiệm, cố tình né trách nhiệm, bởi không nhân viên nào tự ý khi mà chủ không ra lệnh.
Báo cáo trên của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội như coi thường và thách thức dư luận.
Trong câu chuyện này, Chi cục Quản lý thị trường phải có trách nhiệm khi không phát hiện ra sai phạm của Khaisilk trong suốt nhiều năm, mà phải đến khi khách hàng phát hiện thì mới vào cuộc kiểm tra.
Ngay sau khi bế bối Khaisilk “khăn ta lẫn khăn tàu” xảy ra, ông Hoàng Khải đã lên tiếng thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Chủ thương thiệu Khaisilk biện minh rằng, khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của ông còn hạn chế.
Đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk.