Ngày 25/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - ông Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.
Ghi nhận những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia một số hạn chế cần sớm khắc phục: Đến nay các quy định về thực hiện chức năng điều phối, giám sát thị trường tài chính và giám sát chung thị trường tài chính vẫn chưa được ban hành, tiến độ báo cáo và chất lượng báo cáo giám sát của Ủy ban còn chậm so với quy định.
Chất lượng báo cáo giám sát và việc điều phối hoạt động giám sát còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. (Ảnh: TTXVN). |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô, chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong phản ứng chính sách kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Riêng trong năm 2016 này, Ủy ban cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho Chính phủ hoạch định, triển khai hệ thống các giải pháp thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016- 2020; đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu chính sách về bảo đảm an toàn nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC, phát hành trái phiếu Chính phủ trong cân đối với chính sách tiền tệ, định hướng tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; định hướng hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về điều phối giám sát và giám sát chung thị trường tài chính, làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan chung và cơ quan giám sát chuyên ngành, vai trò của từng cơ quan trong giám sát an toàn vĩ mô của hệ thống tài chính.
Cần phân tích và đánh giá sâu hơn về thị trường chứng khoán, bảo hiểm và các dòng vốn chu chuyển giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Đề xuất các công cụ xác định rủi ro hệ thống đối với thị trường tài chính và rủi ro an toàn vĩ mô, các chỉ tiêu đánh giá an toàn hệ thống tài chính, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế giám sát chung và và giám sát chuyên ngành phù hợp với điều kiện Việt Nam, hướng dần theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu ủy ban phải củng cố, kiện toàn tổ chức, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành cơ quan hữu quan để điều phối tốt hoạt động giám sát và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh và an toàn.