Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng chế độ quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tập trung triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm.
Không giải ngân kế hoạch vốn ngoài nước nguồn ngân sách trung ương năm 2017 vượt tổng mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
Quản lý chặt chẽ, đúng quy định và hạn chế các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, xử lý vi phạm trong công tác quyết toán dự án hoàn thành.
Điều hành chi trong phạm vi dự toán được giao. Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; lồng ghép các chính sách, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện;
Giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên đã có trong dự toán của các bộ, cơ quan và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thủ tướng yêu cầu quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, chống lãng phí, tham nhũng. ảnh minh họa: TTXVN. |
Các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn tiền lương trong năm 2017, bao gồm cả tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của cơ quan, đơn vị, 50% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2016 theo chế độ; đồng thời thực hiện điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình, khuyến khích các địa phương tăng nguồn thu để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Đối với những địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương mà vẫn không cân đối được nguồn, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần kinh phí tiền lương tăng thêm năm 2017.
Ngân sách trung ương không hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cho các địa phương có dư nguồn cải cách tiền lương hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chuyển nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho nhiệm vụ khác trong giai đoạn 2017 - 2020.
Đảm bảo cân đối ngân sách địa phương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, tổ chức chi ngân sách theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền thông qua và khả năng thu ngân sách.
Điều hành chi trong phạm vi dự toán chi được giao và tiến độ một số nguồn thu gắn liền với dự toán chi đầu tư phát triển (thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết,...); phấn đấu tăng thu vượt dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định và chủ động dành nguồn để thực hiện các chính sách Nhà nước đã ban hành, giảm nguồn ngân sách trung ương phải hỗ trợ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.
Rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định của từng cấp chính quyền địa phương các cấp.
Trường hợp ngân sách địa phương dự kiến bị giảm thu, phải chủ động dành nguồn dự phòng ngân sách địa phương và sử dụng các nguồn tài chính khác của địa phương để bù đắp hoặc phải điều chỉnh để giảm chi tương ứng.
Cắt giảm dự toán một số khoản chi thường xuyên
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác quản lý, điều hành kiểm soát chi ngân sách.
Thực hiện cắt giảm dự toán đối với các khoản dự toán chi thường xuyên đã được giao từ đầu năm nhưng đến hết năm ngân sách theo quy định vẫn còn dư dự toán, trừ các khoản mới bổ sung trong năm và các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Thực hiện đánh giá đầy đủ các tác động lên nợ công, nợ chính quyền địa phương và khả năng trả nợ trong trung hạn của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trước khi thực hiện các khoản vay mới.
Các địa phương thực hiện huy động để bù đắp bội chi ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; bố trí chi trả nợ lãi trong chi cân đối ngân sách địa phương; chi trả nợ gốc ngoài chi cân đối ngân sách địa phương được bố trí từ nguồn vay, bội thu ngân sách cấp tỉnh, kết dư ngân sách cấp tỉnh và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công,...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017;
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để quyết định thời điểm, mức điều chỉnh, hạn chế tác động lớn đến mặt bằng giá cả thị trường chung, sản xuất và đời sống nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tập trung triển khai phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để đảm bảo phù hợp với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Không sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Thực hiện chuyển giao vốn cổ phần hóa về trung ương theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.