Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ khi thành lập (tháng 3/2017) đến quý 3/2018, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh, kiểm tra 3.687 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn Thành phố và xử phạt vi phạm hành chính 623 cơ sở với tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng.
Trong đó, đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở; buộc tháo gỡ quảng cáo 1 cơ sở; thu hồi, tiêu hủy 34,6 tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc và 233.230 đơn vị sản phẩm (chai/hộp/viên) thực phẩm khác không đảm bảo chất lượng.
Nhiều trẻ em nghi bị ngộ độc thực phẩm đang được cấp cứu tại Bệnh viện quận Tân Phú. |
Ngoài ra, đến nay Ban Quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp 288 giấy chứng nhận cho 142 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng hơn 120.503 tấn/năm.
Đến cuối năm 2019, sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát theo chuỗi thực phẩm an toàn.
Liên quan vụ việc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại quận Tân Phú xảy ra ngày 28/10/2018, ngày 29/10/2018 Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồng Tiến và phát hiện công ty nàyđã vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ngày 31/10/2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này với tổng số tiền là 84 triệu đồng.
Khay chứa bơ dùng để làm bánh có côn trùng tại cơ sở của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồng Tiến. |
Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồng Tiến đã vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm:
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cụ thể: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 1134/GCNATTP-SCT do Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 19/10/2015, có hiệu lực đến ngày 19/10/2018, đã hết hạn; Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;
Khu vực sản xuất, kho chứa đựng thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, cụ thể: trong khay chứa bơ dùng để làm bánh có côn trùng;
Không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nhà vệ sinh, thay đồ bảo hộ, cụ thể: phòng thay đồ bảo hộ chung với nhà vệ sinh.
Theo đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định xử phạt theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10 vừa qua.
Các quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP có các mức xử phạt mạnh hơn, mang tính răn đe nhiều hơn.
Đây được xem là những quy định cần thiết nhằm siết chặt hơn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Các thành viên Hội đồng nhân Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát tại một quầy bán rau củ quả ở chợ Bến Thành. |
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn luôn là vấn đề nóng bỏng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bởi lẽ mọi sản phẩm được chế biến từ thực phẩm đều đi đến dạ dày của con người. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong toàn xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn rộng lớn có số lượng dân tập trung lớn nhất cả nước, vì vậy kiểm tra xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm cần phải được đặc biệt chú trọng. Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố, do nhu cầu sử dụng các suất ăn công nghiệp trên địa bàn thành phố rất cao, nhiều cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp vì ham lợi nhuận mà không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm, những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến sưc khỏe của người dân cần phải được xử lý một cách nghiêm khắc.