Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe
Ngày 1/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ngân hàng VietinBank, Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng học đường: Cẩm nang bữa ăn tiêu chuẩn trong trường học”.
Đây là hội thảo lần thứ hai trong chuỗi Dự án “Vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng học đường” mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đang thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức về đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nhận thức về tiêu chuẩn dinh dưỡng hợp lý trong các bữa ăn học đường.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. |
Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi quá cao
Tình trạng suy dinh dưỡng dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ, đặc biệt là tăng trưởng chiều cao và suy giảm trí thông minh, dẫn tới những ảnh hưởng lâu dài trong học tập.
Do đó, bắt buộc phải xây dựng được chế độ ăn của trẻ sao cho hợp lí, cung cấp đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng.
Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2015, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong ba thập kỷ qua đã được cải thiện đáng kể.
Tính từ năm 2000 đến năm 2015, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 33.8% xuống còn 14.1%, tương tự tỉ lệ thấp còi (chiều cao thấp so với tuổi) cũng giảm từ 36.5% xuống còn 24.5%.
Tuy nhiên, nếu tính theo tỉ lệ này, hiện tại cứ 4 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Nguyên nhân là do tỉ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam vẫn còn cao.
Trẻ cần được chăm sóc khoa học ngay từ những năm tháng đầu đời, để đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh, đầy đủ trí lực cho cả một chặng đường dài. |
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, Bác sĩ Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng quốc gia (Viện dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, mỗi loại thực phẩm chứa tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau, do đó phải phối hợp một cách khoa học để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
“Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng hay còn được gọi là 'nạn đói tiềm ẩn', nghĩa là không dễ dàng để phát hiện ra.
Đầu tiên là thiếu Vitamin A, sẽ dẫn đến khô loét giác mạc và thậm chí có thể dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện kịp thời. Có những cháu sau được ra viện, thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, nhưng hai cặp mắt của cháu thì mù vĩnh viễn.
Đau lòng hơn là mù lòa do các nguyên nhân khác thì còn có thể chữa được, nhưng riêng mù lòa do thiếu Vitamin A, mà đã đến giai đoạn khô loét giác mạc rồi, thì không một biện pháp nào có thể chữa trị được nữa ”, bác sĩ Hải cho biết.
Tuy nhiên, nếu bổ sung Vitamin A quá nhiều cũng gây cho trẻ nhiều căn bệnh khác đó là “thừa Vitamin A, làm cho trẻ bị vàng da, vàng mắt, Vitamin A đặc biệt có nhiều trong cà rốt, bí đỏ, dầu gấc…”. Vì vậy, cần phải lưu ý, bổ sung vitamin một cách đủ liều lượng.
Tiếp theo là thiếu kẽm, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ Hải cho hay: “Theo điều tra của viện dinh dưỡng, có đến 70% trẻ em Việt Nam ở trong tình trạng thiếu kẽm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn, còi cọc, chậm lớn ở trẻ”.
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng xấu tới quá trình tăng trưởng chiều cao ở trẻ là thiếu canxi.
“Thiếu canxi, hay còn gọi là thiếu Vitamin D. Nước ta là một nước nhiệt đới quanh năm có ánh nắng mặt trời, thế nhưng tình trạng thiếu Vitamin D ở trẻ vẫn còn đến 62%.
Vấn đề ở chỗ Vitamin D không có hoặc có rất ít trong thức ăn, mà ở ánh nắng mặt trời, các cháu phải được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong khi đó, hiện nay các cháu không có một sân chơi nào để có thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hoặc được tắm nắng.
Vitamin D còn có thể truyền từ mẹ sang con, do đó bản thân các bà mẹ cho con bú mà thiếu Vitamin D thì sẽ dẫn đến việc không cung cấp đủ Vitamin D cho con trong những tháng đầu. Vậy nên nhiều trẻ dù rất bụ bẫm vẫn bị còi xương, suy dinh dưỡng”, bác sĩ Hải cho biết.
Cần đảm bảo dinh dưỡng ổn định, không gây ảnh hưởng tới quá trình học tập của trẻ. |
Cần bổ sung chất gì cho con trẻ?
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng vận động của từng trẻ.
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, ở độ tuổi mẫu giáo (từ 3 – 5 tuổi), nhu cầu về năng lượng, các cháu cần 1200 – 1300 kilocalo mỗi ngày. Trẻ bắt đầu vào tiểu học (khoảng 6 – 7 tuổi), ở những trẻ nếu vận động nhẹ hoặc vận động ít chỉ cần khoảng 1200 đến 1300 kilocalo.
Nhưng nếu hoạt động trung bình, hoạt động tương đối nhiều thì cần 1300 đến 1500 kilocalo, đặc biệt những trẻ yêu thích thể dục thể thao, thường xuyên vận động nặng cần nhu cầu năng lượng khá cao.
Học sinh cuối cấp tiểu học (từ 8 – 10 tuổi), nếu ít vận động cần khoảng 1500 – 1600kilocalo, 1700 – 1800 nếu hoạt động trung bình và 1900 – 2000 kilocalo nếu hoạt động nhiều.
Do đó, nếu trẻ ít vận động mà ăn nhiều sẽ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì là điều đương nhiên. Ăn đủ và hợp lý sẽ giúp con cao lớn và phát triển khỏe mạnh mà không lo thấp còi hay thừa cân béo phì.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Phan Huy Khôi – Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát cung cấp thông tin: Theo khảo sát của tập đoàn, trong thời gian từ 01/06/2016 - 22/03/2017, lượng thảo luận về ngành thực phẩm chiếm 15% trong tổng thảo luận về 7 nhóm ngành (giải trí, công nghệ, thực phẩm, thời trang may mặc, y tế, tài chính ngân hàng, bất động sản) trên mạng xã hội. Trong đó, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành chủ đề được thảo luận nhiều trên các bản tin truyền hình/ trang tin/ mạng xã hội trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán. Điều đó cho thấy cả xã hội luôn rất quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Hiểu được vấn đề này, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang sử dụng công nghệ Aseptic - công nghệ đầu tiên tạo ra sản phẩm hoàn toàn vô trùng với tiêu chuẩn 3 không: Không chất bảo quản, không màu công nghiệp, không chì nhằm tạo ra thực phẩm, chất uống vô trùng có giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe. |
Đó là nhu cầu về năng lượng còn về chất thì sao? Đầu tiên là về chất đạm, nhu cầu này khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi. Ở độ tuổi mẫu giáo, các cháu cần trung bình khoảng 1,5g/1kg đạm/ngày. Tỉ lệ đạm động vật phải chiếm khoảng 60%.
Đối với học sinh gần vào lứa tuổi của học sinh tiểu học (giao động từ 6 – 7 tuổi), cần nhu cầu 30 – 33g đạm/ngày. 8 – 9 tuổi thì cần 40g và 9 – 10 tuổi thì cần đến 50g.
Với những trẻ ở độ tuổi 10 – 11 tuổi thì nhu cầu về chất đạm gần như ngang bằng với người lớn (50g protein và 50g đạm/ngày).
Chất dinh dưỡng thứ 2 là chất béo. Nhu cầu về chất béo cần được áp dụng theo tỷ lệ quy định, đảm bảo ở mức 31 - 56% trong khẩu phần ăn.
Chất dinh dưỡng thứ 3, cung cấp năng lượng cho các con hoạt động hằng ngày, hay còn gọi là Gluxit (chất bột đường), đây là chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng chính trong các bữa ăn hằng ngày của các cháu.
Ngoài 3 chất dinh dưỡng kể trên, chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng để con phát triển chiều cao là Vitamin và khoáng chất, không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày (bao gồm Vitamin A, Vitamin B, Vitamin K).
Đặc biệt trong các bữa ăn, cần quan tâm hàng đầu về vấn đề năng lượng và protein. Đặc biệt là các cháu ở lứa tuổi tiểu học, đang ở lứa tuổi phát triển nhanh.
Bác sĩ Hải nêu thí dụ xây dựng bữa ăn đa dạng, kích thích ăn uống ở trẻ nhỏ. Ví dụ thực đơn ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo:
Chia ra nhiều bữa chính và bữa phụ (6 bữa/ngày). Sáng: ăn cháo; Giữa sáng: Sữa chua hoặc hoa quả; Trưa: Cơm (chỉ cần nửa bát cơm là đủ), những món ăn cung cấp chất đạm có thể là đậu phụ, thịt, cá, canh rau cải, tôm…
Giữa chiều: Ăn hoa quả và uống sữa; bữa tối: Ăn cơm và tối trước khi đi ngủ có thể uống thêm ly sữa.
“Với thực đơn này đã có thể cung cấp được đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Không cho con ăn thịt, cá quá nhiều, khuyến khích con ăn nhiều rau, củ” bác sĩ Hải nói.
Cũng tại hội thảo, ông Daeffler Ludovic - Trưởng phòng vận hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cung cấp thực phẩm The Caterers chia sẻ thêm một vài kinh nghiệm xây dựng thực đơn trong trường học, trong đó đặc biệt lưu ý tới một số tiêu chí:
Về mặt chất lượng, để đảm bảo tốt cho sức khỏe, đủ chất dinh dưỡng cho trẻ (cân bằng 5 nhóm dinh dưỡng: protein, gluxit, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó còn có sữa và các chế phẩm từ sữa), hạn chế các món ăn chiên, rán, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.
Lựa chọn thực phẩm theo mùa để thực phẩm luôn giữ được độ tươi mới, giàu chất dinh dưỡng đồng thời cũng giảm bớt về mặt chi phí cho các trường.
Bên cạnh yêu cầu đảm bảo về chất, thực đơn hàng ngày của trẻ cũng cần đảm bảo đầy đủ về lượng theo đúng như tiêu chuẩn viện dinh dưỡng quốc gia đã công bố.