Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Câu chuyện an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề nóng bỏng thường trực, liên quan tới tất cả mọi người, mọi gia đình. An toàn thực phẩm cũng là đề tài nóng được tranh luận tại nghị trường Quốc hội. Thực tế, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sớm quan tâm tới vấn đề này.
Chưa đầy một tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định triệu tập và chủ trì hội nghị toàn quốc về an toàn thực phẩm, với sự tham gia của các bộ, ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước.
Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 13 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
An toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng trước tình trạng cơ quan chức năng liên tục phát hiện thực phẩm "bẩn" hiện nay - ảnh Báo Sức khỏe và Đời sống. |
Sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ đã tạo ra sự biến chuyển, trong năm 2016, toàn quốc ghi nhận 174 vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2015, số vụ ngộ độc đã giảm 5 vụ (2,8%), số mắc giảm 998 người (18,0%), số đi viện giảm 1.169 người (22,7%) và số tử vong giảm 11 người (47,8%).
Dù đạt được những chuyển biến trong năm qua tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết được rốt ráo, tận gốc vấn đề, bảo đảm an toàn từng bữa ăn cho mọi người dân, đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể trường học vẫn là bài toán không giải quyết.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tại Hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” Thạc sĩ Cao Văn Trung - Phó phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cho rằng, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chiếm tỷ lệ thấp (chiếm 3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm.
Hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức - ảnh: Hoàng Lực. |
Tuy nhiên đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp vì thế hậu quả gây ra nghiêm trọng hơn.
Thạc sĩ Trung cho biết, trong giai đoạn 2010 – 2015, toàn quốc đã ghi nhận 1.027 vụ ngộ độc thực phẩm với 32.434 người mắc. Riêng năm 2016, toàn quốc ghi nhận 174 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.554 người mắc, trong đó 7 vụ gộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn trường học làm 346 người đi viện.
Theo đại diện cục An toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất ghi nhận vào tháng 3 và tháng 10, ít nhất vào giai đoạn học sinh được nghỉ hè. Ngộ độc bếp ăn trong trường học chủ yếu do vi sinh vật chiếm ngoài ra còn có độc tố tự nhiên, hoá chất…
Thạc sĩ Cao Văn Trung - Phó phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) - ảnh: Hoàng Lực. |
Thạc sĩ Trung cho biết, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm do nguồn thực phẩm cung cấp không đảm bảo. Qua trình sơ chế, chế biến thủ công, không hợp vệ sinh không đảm bảo về an toàn thực phẩm.
“Nguyên nhân sâu sa do chính quyền địa phương, ban giám hiệu tại các trường học chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa thường xuyên kiểm tra quy trình sơ chế, chế biến thức ăn.
Mặt khác nhiều nơi cơ quan chức năng còn hạn chế trình độ, năng lực dẫn đến hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm chưa cao”, Thạc sĩ Trung cho biết.
Đấu tranh phòng ngừa khó
Liên quan công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm bẩn Đại úy Phạm Thế Anh - Phòng Cảnh sát môi trường (PC49 - Công an Thành phố Hà Nội) cho biết, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 912 trường mầm non và 714 trường tiểu học, trong đó hầu hết các trường đều có bếp ăn tập thể phục vụ các cháu học sinh.
“Dù thời gian qua chưa phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm trong trường học nhưng không vì thế có thể chủ quan”, Đại úy Phạm Thế Anh cho biết.
Theo Đại úy Nguyễn Thế Anh hiện các trường đang áp dụng hai hình thức tổ chức bếp ăn tập thể: Thứ nhất nhà trường tự mua thực phẩm và chế biến món ăn cho học sinh; Thứ hai, nhà trường thuê công ty nấu tại trường hoặc nấu chín từ nơi khác sau đó mang đến phục vụ học sinh.
Hãy nói không với thực phẩm bẩn trong trường học |
Đại úy Phạm Thế Anh cho biết, trong mỗi hình thức trên đều có những thuận lợi, khó khăn riêng.
Cụ thể, với hình thức nhà trường tự mua, tự chế biến thức ăn cho học sinh nhà trường có thể đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào, kiểm soát được việc sơ chế, chế biến món ăn.
“Nhờ đó nhà trường có thể chăm chút hơn cho học sinh, tuy nhiên hình thức này lại gây khó khăn cho nhà trường vì tốn thêm nhân công, chi phí.
Chỉ những trường có đủ điều kiện vật chất, số lớn số lượng học sinh ăn bán trú nhiều mới thực hiện được hình thức này”, Đại úy Anh cho biết.
Trong khi với hình thức thuê doanh nghiệp ngoài theo Đại úy Anh nhà trường sẽ khó kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, khó theo dõi được quy trình sơ chế và chế biến món ăn.
“Doanh nghiệp được thuê nấu, phục vụ bữa ăn vì mục đích kinh doanh, vì lợi nhuận kinh tế nên có thể không thực hiện đúng quy định cũng như thỏa thuận giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc nhập thực phẩm an toàn, không tuân thủ đầy đủ quy trình sơ chế, chế biến món ăn”, Đại úy Anh nêu lên nguy cơ.
Để khắc phục vấn đề này đại diện Phòng cảnh sát môi trường (Công an Thành phố Hà Nội) cho rằng nhà trường cần nêu cao giám sát nguồn gốc thực phẩm, phụ huynh học sinh cần tham gia theo dõi quy trình sơ chế và chế biến món ăn.
Đại úy Phạm Thế Anh - Phòng Cảnh sát môi trường (PC49 - Công an Thành phố Hà Nội) - ảnh - Hoàng Lực |
Nêu lên những khó khăn trong việc phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm trong trường học Đại úy Phạm Thế Anh cho hay, hầu hết vi phạm an toàn thực phẩm nói chung chỉ được phát hiện sau khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
“Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học tùy hình thức tổ chức bếp ăn để kiểm tra đánh giá nguồn thực phẩm, tìm hiểu khâu nào do sơ chế, hay chế biến. Dựa trên kết luận và căn cứ vào thiệt hại để xử lý. Với hình thức thuê doanh nghiệp tổ chức nấu ăn rất khó để kiểm tra xử lý vì trên giấy tờ các công ty này đều có đủ thủ tục, về hợp đồng đều có đủ giấy tờ ”, Đại úy Anh cho biết.
Để phát hiện vi phạm cơ quan chức năng phải theo dõi hoặc có nguồn thông tin riêng mới phát hiện vi phạm. Do đó để đấu tranh với những vi phạm an toàn thực phẩm cần sự chung tay của cộng đồng.
Tăng mức phạt tiền về xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm |
Bên cạnh những khó khăn trong phát hiện xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, Đại úy Phạm Thế Anh cho rằng hiện chế tài xử phạt hành vi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay còn thấp. Mức xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng chưa đủ sức răn đe.
Dẫn chứng cụ thể, Đại úy Phạm Thế Anh cho biết, năm 2016 Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Thành phố Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần rau củ quả Trung Thành (Đông Anh - Hà Nội).
Qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp này thu mua rau không rõ nguồn gốc cung cấp cho một số trường học tại quận Tây Hồ trong đó có trường tiểu học Phú Thượng nhưng chỉ xử phạt 3 triệu đồng, mức xử phạt này quá thấp với lợi nhuận doanh nghiệp đạt được.
“Chế tài xử phạt không có sức răn đe chỉ từng 3 -5 triệu nếu tịch thu giấy phép họ có thể xin cấp lại được, đó là chưa kể hộ kinh doanh cá thể. Nếu lử lý không tạo được răn đe ngay từ đầu doanh nghiệp dễ nhờn luật, hoặc né tránh”, Đại úy Anh nêu thực tế.
Vai trò lớn của nhà trường
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể tại trường học phòng, chống ngộ độc Thạc sĩ Cao Văn Trung khẳng định vai trò của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường rất lớn.
Theo ông Trung nhà trường khi tổ chức bếp ăn tập thể đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người.
“Điển hình là quy định bếp ăn tập thể phải có tủ lưu mẫu, các món ăn sử dụng phải được lưu mẫu đề phòng nếu xảy ra ngộ độc có thể tìm nguyên nhân do thức ăn nào và truy nguồn gốc thực phẩm do đơn vị nào cung cấp”, ông Trung cho biết.
Cùng với cơ sở vật chất, yếu tố quan trọng nữa là con người. Theo đó các trường phải cử giáo viên, cán bộ tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, am hiểu kiến thức an toàn thực phẩm.
“Với bếp ăn tập thể trong trường học vai trò hiệu trưởng rất quan trọng, hiệu trưởng phải am hiểu an toàn thực phẩm, có kiến thức an toàn thực phẩm thì khi kiểm tra mới phát hiện cấp dưới làm sai, làm không đúng”, ông Trung khẳng định.
Bên cạnh nhà trường, ông Trung cho rằng vai trò chính quyền địa phương rất quan trọng. Riêng bếp ăn tập thể trong nhà trường được phân cấp giao cho ủy ban nhân dân các cấp quản lý.
Do đó để đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ quan cần thực hiện triệt để quy trình, kỹ thuật và nội dung kiểm thực 3 bước: Bước 1 (khi nhập thực phẩm) phải kiểm tra thực tế nơi sản xuất thực phẩm, kiểm tra hồ sơ, phiếu hoặc thẻ hàng, kiểm tra trực tiếp thực phẩm bằng cảm quan, có thể lấy mẫu xét nghiệm nhanh và ghi chép vào phiếu kiểm thực;
Bước 2, trước khi nấu và chế biến, tất cả nguyên liệu, thực phẩm phải được kiểm tra và ghi chép vào phiếu kiểm thực;
Bước 3, trước khi ăn, tất cả thức ăn phải được kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm để lưu và ghi chép đầy đủ vào phiếu kiểm thực.