Trong thời gian qua với nỗ lực của toàn ngành y tế, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã có những tiến bộ khá rõ nét.
Trong tất cả các dịch vụ thì đích cuối cùng vẫn phải là sự hài lòng của con người. Đánh giá gần đây nhất của UNDP qua chỉ số PAPI độc lập thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh đạt được 76% và Tổ chức sáng kiến Việt Nam đánh giá 3.000 người dân ra viện, phỏng vấn người nhà sau 2 tuần thì tỷ lệ hài lòng với bệnh nhân nội trú là 80%.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 27/11, Bộ trưởng Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để đạt được đích cuối cùng đó, rất nhiều giải pháp đồng bộ:
Một là vấn đề giảm tải bước đầu có kết quả giảm tải khá rõ, đặc biệt tuyến tỉnh và tuyến trung ương thì có 37/39 bệnh viện có giảm tải là không còn nằm ghép trong 24h.
Hai là ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong khám chữa bệnh để người dân được thụ hưởng mà kỹ thuật đó ngang tầm quốc tế và đồng thời chuyển giao những kỹ thuật này cho tuyến tỉnh như tim hở, can thiệp tim mạch, nội soi xuống tuyến tỉnh và nhiều tuyến tỉnh kể cả vùng miền núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có thể làm các kỹ thuật cao, thậm chí cả thụ tinh nhân tạo, mổ tim hở và có bệnh viện tỉnh đã ghép tạng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh |
Ba là ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm, phân hạng bệnh viện và công khai, minh bạch trên cơ quan truyền thông, đã làm được gần hết toàn bộ bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh về vấn đề này.
Xây dựng nhiều bệnh viện mới, đặc biệt tuyến tỉnh, tuyến huyện, và tuyến trung ương thì xây mới, nâng cấp sửa chữa nhiều tạo nên bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh, sạch, đẹp. Đề án xanh, sạch, đẹp, đổi mới toàn diện thái độ, phong cách... hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được triển khai quyết liệt trong toàn ngành.
Các bệnh viện rộng rãi, khang trang, ứng dụng công nghệ thông tin, có nơi chờ, có lấy số, có quạt, có người hướng dẫn, có bộ phận tiếp dân, có đường dây nóng để phản ánh. Vào bệnh viện bây giờ bộ mặt cũng khá khang trang.
Vấn đề tiêu chuẩn nhà vệ sinh bệnh viện, tổ chức "Ngày nhà vệ sinh bệnh viện", Bộ Y tế rất quyết liệt vấn đề này, vấn đề nhỏ nhưng rất quyết định đối với chất lượng bệnh viện. Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là Giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, khoa nào để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, trưởng khoa đó ở bẩn.
Ngành y tế đã lập đường dây nóng, trong thời gian qua cũng xử lý kỷ luật khoảng 10 ngàn cán bộ y tế từ tuyến xã lên trung ương với các hình thức kỷ luật cho đến nghỉ việc và chuyển việc. Phải nói những quyết liệt đó và cũng lắp camera ở các khoa khám bệnh và những nơi mà có thể xảy ra những vấn đề, có thái độ.
Bộ trưởng Y tế phát biểu tại Quốc hội sáng 27/11/2018. ảnh: quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng, chất lượng khám chữa bệnh tăng giúp cho tái đầu tư, giảm bớt ngân sách. Chất lượng bệnh viện tốt thì cũng thu hút người tham gia bảo hiểm, đẩy tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm vừa qua vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Tăng cường xã hội hóa và kết hợp công - tư, khuyến khích bệnh viện tư nhân tạo điều kiện đó để nhiều hình thức lựa chọn cho người dân và cũng rút bớt quá tải.
Ngành y tế cũng quyết liệt làm là đề án thí điểm, đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá và sau khi tốt nghiệp thì đào tạo luôn chuyên khoa I mất 2 năm, thời gian khá dài và xung phong lên các bệnh viện ở vùng 62 huyện nghèo, đối với nam thì công tác tại đó 3 năm, nữ 2 năm thì kết quả này được các huyện miền núi rất hoan nghênh và đã giải quyết rất nhiều khó khăn tại các vùng 62 huyện nghèo.
Thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội về tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã tham mưu và Chính phủ đã ra Nghị quyết, quyết định 2348 để tăng cường y tế cơ sở thì đã gần như nối mạng 100% các cơ sở khám chữa bệnh đối với bảo hiểm xã hội.
Đối với trạm y tế xã thì bắt đầu quản lý hồ sơ sức khỏe và thực hiện xây dựng mô hình bác sỹ gia đình, trước mắt là xây dựng 26 trạm y tế xã điểm kèm theo đó là xây dựng các ODA đã được Chính phủ ủng hộ để có thể tăng cường y tế cơ sở, đặc biệt ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều tiêu chí, chất lượng bệnh viện đã được ban hành ngang tầm quốc tế như là hơn 7.000 hướng dẫn quy trình chuyên môn đã được ban hành. Đấy là một số các kết quả cơ bản và vấn đề chính là sự hài lòng của người bệnh trong thời gian qua đã tăng lên rõ rệt và cũng được nhân dân, qua khảo sát độc lập đánh giá cao.
Một số hạn chế tiếp tục được khắc phục
Bên cạnh những mặt đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn đề cập tới một số hạn chế:
Thứ nhất, vấn đề quá tải tại các bệnh viện Trung ương tuyến cuối ở khoa khám bệnh. Có những bệnh viện có đến 5.000, 6.000 người. Nguyên nhân ở đây là người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến dưới. Điển hình như dịch tay, chân, miệng vừa qua thì độ 1, độ 2 đáng lẽ là ở nhà cũng vào trong viện nằm và gây sự quá tải không cần thiết, gây nhiễm trùng chéo và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tăng tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân nặng.
Nội dung Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết |
Thứ hai, chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, chưa đảm bảo được tỉ lệ 3 điều dưỡng, 1 bác sĩ và một bệnh vào thì có đến 3, 4 người nhà vào và người dân vẫn phải chăm sóc chứ không phải là bệnh viện toàn diện. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó cơ chế tài chính chưa thể đủ chi trả để có đủ chất lượng cán bộ.
Thứ ba, các đại biểu đã nói rất nhiều về chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều giữa các miền. Việc này các đại biểu đã phát biểu, chúng tôi đã tiếp thu.
Trong xây dựng đề án sắp tới, chất lượng khám chữa bệnh giữa vùng thành thị với vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện nhiều, đó là đề án đưa bác sĩ trẻ đến vùng huyện và phải là bác sĩ giỏi, tăng cường cơ sở vật chất và ODA ưu tiên cho vùng núi. Đây là những điểm cơ bản.
Một hạn chế nữa là nhân lực, số lượng, chất lượng chưa đảm bảo, chế độ, chính sách cũng còn khó. Mô hình đào tạo hiện nay của ngành y tế phải cố gắng, nếu không thì chưa hội nhập được, mặc dù chất lượng tốt nhưng chưa chuẩn theo quốc tế hiện nay. Đó là những hạn chế cơ bản.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 20, 21 và các Nghị quyết 68 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ:
Thứ nhất, giải quyết bằng giải pháp "kiềng ba chân". Chân trái là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, bởi nếu bị nặng thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém và nằm lâu.
Vì vậy phải bằng chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với mô hình y học gia đình, gắn với trạm y tế xã, phường và phòng khám bác sĩ gia đình. Bộ Y tế đang xây dựng mẫu 26 mô hình điểm giống như mô hình của các nước đang phát triển một cách toàn diện cả con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nhân lực.
Đối với các nước có thu nhập bình quân khoảng 15.000 - 17.000 đôla mất 10 năm mới xây dựng tương đối mô hình này. Nhưng Việt Nam sẽ phấn đấu với mức thu nhập GDP khoảng 2.500 - 3.000 trong 10 năm cũng xây dựng được mô hình này. Trong 5 năm tới sẽ có mô hình cơ bản và 20 năm sau sẽ nhân rộng trong toàn quốc.
Mỗi chúng ta khi bị ốm, mệt mỏi, bệnh tật phải khám sức khỏe sàng lọc để phát hiện sớm, phải đến trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình đó bằng mọi cơ chế, kể cả kết hợp công tư, kể cả xã hội hóa. Mong rằng Chính phủ sớm phê duyệt hai ODA đang xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Đó là giải pháp số 1, chính là Nghị quyết 20 là chăm sóc con người khi chưa bị bệnh bằng y tế cơ sở.
Chân kiềng thứ hai bên phải đó là khi bị bệnh, vào bệnh viện phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh.
Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng của nước ngoài.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn một ngày không xa những người nước ngoài công tác tại Việt Nam và người Việt Nam không phải ra nước ngoài mà chữa tại Việt Nam. Việc này chúng tôi nghĩ trong tầm tay của nền y tế Việt Nam hiện nay, nhưng phải có nhiều chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính.
Chúng tôi sẽ có những chuyên đề báo cáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, về giá dịch vụ, về lộ trình, về xã hội hóa, về kết hợp công tư, về các mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay. Nếu chúng ta không đẩy mạnh bảo hiểm tư nhân mạnh mẽ và bổ sung thì không thể nào chi trả được với bảo hiểm xã hội mệnh giá thấp”.
Chân kiềng thứ ba không thể không có đó là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Thứ nhất, về nhân lực, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục đại học, chúng tôi đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế.
6 năm ra trường phải học thêm 1 năm nữa là internhip, tức là phải thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề, với đánh giá của Hội đồng giáo dục quốc gia độc lập, sau đó học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề, như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế.
Đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu, còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ.