Chiến dịch này nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết không để bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ phát động "Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết 2018". |
Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018 bao gồm các hoạt động: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà tại trường học; Thực hành tiêm vét vắc xin phòng sởi cho trẻ tại Trạm Y tế; thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng ở hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng.
Thông qua chiến dịch truyền thông này, ngành Y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống bệnh dịch. Nếu không có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương thì công tác phòng, chống dịch bệnh khó có thể thành công.
Bộ trưởng thăm hỏi động viên người dân. |
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như bệnh tay chân miệng năm 2017 bùng phát tại khu vực Tây Thái Bình Dương với số mắc cao ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc), Malaysia và vẫn ghi nhận số mắc cao trong năm 2018; đối với bệnh sốt xuất huyết, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương trong đó có các quốc gia như Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Lào, Căm pu chia, Trung Quốc, Úc. Bên cạnh đó, bệnh sởi đã ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khu vực châu Âu số mắc tăng 2,6 lần, khu vực Tây Thái Bình Dương tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự ủng hộ của các Ban, ngành, đoàn thể, ngành Y tế đã nỗ lực làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng. Hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9).
Các bệnh dịch lưu hành trong nước đã được khống chế và kiểm soát tốt, số mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2018, số mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017 và giai đoạn 2013 - 2017, các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại, sốt rét, bạch hầu, ho gà... cũng ghi nhận số mắc giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Tuy vậy trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đồng dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn bùng phát cục bộ.
Trong khi đó, hoạt động phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch chưa triệt để; tỷ lệ tiêm chủng còn thấp; chưa quyết liệt trong các hoạt động dự phòng; kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường dịch bệnh, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy), còn phó mặc cho ngành Y tế.