Vinashin, Vinalines phá sản thì ai trả nợ?

21/03/2017 07:00
Như Hải
(GDVN) - Ông Phan Thanh Bình nêu vấn đề này khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sáng 20/3.

Có luật nhưng tại sao nợ công lại tăng nhanh?

Tại tờ trình về dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi của Chính phủ, một trong những nội dung đang được quan tâm đó chính là việc xác định phạm vi nợ công.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng: "Hiện nay, Luật Quản lý nợ công hiện hành quy định nợ công gồm: Nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; và nợ của chính quyền địa phương.

Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng: Quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta".

Cách tính phạm vi nợ công là một vấn đề rất quan trọng (ảnh minh họa: nguồn tuoitre.vn).
Cách tính phạm vi nợ công là một vấn đề rất quan trọng (ảnh minh họa: nguồn tuoitre.vn).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết: "Qua tổng kết 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công cũng như trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan để xây dựng Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), còn một số ý kiến liên quan đến phạm vi nợ công, như:

Cần xác định nợ công có bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức kinh tế khác của nhà nước hay không;

Cần đưa các khoản nợ xây dựng cơ bản và nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ bảo hiểm xã hội vào nợ công;

Xác định nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thuộc nợ công hay không...".

Vinashin, Vinalines phá sản thì ai trả nợ? ảnh 2Chính phủ không thể "nai lưng" trả nợ thay doanh nghiệp

Liên quan đến các vấn đề này, Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: "Hiện, đánh giá là nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, nợ chính phủ vượt trần.

Luật này có giải quyết được bất cập của thực trạng hiện hành không.

Từ khi có luật 2009 đến nay, đúng ra có luật phải hạn chế được nợ công tăng nhanh nhưng lý do tại sao có luật nhưng nợ công lại tăng nhanh, do tổ chức thực hiện luật hay bản thân luật có vấn đề, nếu lỗi do luật thì ở vấn đề nào và luật sửa đổi có khắc phục được?

Cách tính nợ công như thế nào. Tôi băn khoăn những khoản nợ không nằm trong ba khoản trong báo cáo giải trình nhưng cuối cùng nhà nước phải trả".

Cùng quan điểm, Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:“Đề nghị định nghĩa rõ về khu vực công đến tài chính công và nợ công.

Nếu xếp doanh nghiệp nhà nước và cả ngân hàng nhà nước vào khu vực công thì nợ dù có bảo lãnh hay không cũng là nợ công và khi những doanh nghiệp này phá sản thì nhà nước phải bảo lãnh và trả nợ. Như Vinashin, Vinalines phá sản thì ai trả? Chính phủ phải trả.

Sự thống nhất của luật này với hệ thống các luật khác trong hệ thống tài chính. Chúng ta có nhiều hệ thống tài chính, có lẽ chúng ta nên nắn lại nợ của Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức, quỹ bảo hiểm.

Sự mất khả năng chi trả của các lĩnh vực hạ tầng khác trong nền kinh tế đều ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. như vậy thì nợ của đất nước được nhìn nhận ở luật nào?".

Nhiều tổ chức quốc tế xem nợ doanh nghiệp nhà nước là nợ công

Vinashin, Vinalines phá sản thì ai trả nợ? ảnh 3Nhóm lợi ích hốt tiền từ dự án "bánh vẽ", nhà nước và nhân dân cùng gánh hậu quả

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra, Bộ Tư pháp cho rằng: "Việc không đưa nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công là phù hợp với pháp luật hiện hành, bảo đảm tách biệt trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trả nợ của nhà nước và của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế theo định nghĩa phổ biến về nợ công của các tổ chức quốc tế uy tín (IMF, OECD và WB) thì các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước vẫn xếp vào nợ công vì cuối cùng thì nhà nước vẫn đảm bảo khả năng trả nợ nhằm đảm bảo an sinh và trật tự xã hội.

Hơn nữa, việc không trả được nợ của doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số tín nhiệm của Chính phủ đối với thi trường vốn quốc tế.

Vì vậy, nếu không điều chỉnh trong dự thảo luật thì vẫn cần có trong quy định pháp luật khác để quản lý chặt chẽ các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước tập trung về thẩm quyền, đối tượng, lĩnh vực vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước".

Như Hải