Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban thường vụ nhiệm kỳ II

05/07/2023 10:17
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 05/7, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban thường vụ Hiệp hội nhiệm kỳ II (2020 - 2025).

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; cùng các phó Chủ tịch: Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Giáo sư Trình Quang Phú, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo, Phó Giáo sư Trần Quang Quý, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Giáo sư Lê Quang Sơn, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình và các Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Hội nghị Ban thường vụ được tổ chức để Hiệp hội cùng nhìn nhận lại tình hình và kết quả thực hiện công tác trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận những việc làm đã làm được, xem xét những việc chưa làm được và trao đổi, đề xuất các giải pháp để cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2023.

Hội nghị Ban thường vụ Hiệp hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với hình thức trực tuyến. Ảnh: PM

Hội nghị Ban thường vụ Hiệp hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với hình thức trực tuyến. Ảnh: PM

Tại Hội nghị, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình triển khai và kết quả hoạt động của Hiệp hội trong 6 tháng đầu năm, dự kiến các công việc chính trong 6 tháng cuối năm 2023.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, về công tác tổ chức, trong 6 tháng đầu năm, Hiệp hội luôn duy trì được sự ổn định và tiếp tục phát triển.

Hiệp hội đã xây dựng dự thảo và tổ chức trao đổi Đề án xây dựng và phát triển Hiệp hội trong những năm tới với các mục tiêu: Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Hiệp hội; sắp xếp, tăng cường năng lực nhân sự cơ quan Thường trực, góp phần đưa Hiệp hội trở thành một tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động thực chất, khoa học, hiệu quả.

Dự thảo Đề án này đã được Thường trực Hiệp hội tổ chức tọa đàm trao đổi, tiếp nhận các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa để có được một dự thảo Đề án tốt trình Đại hội lần thứ 3 của Hiệp hội.

Thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội đã ký quyết định đổi tên Ban Hỗ trợ Câu lạc bộ khối trường thành Ban Công tác hội viên cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hiệp hội đã có thêm 02 hội viên mới. Như vậy, tổng số hội viên của Hiệp hội tới nay là 371, trong đó số hội viên tổ chức là các trường đại học, cao đẳng là 327, còn lại là hội viên tổ chức liên kết và hội viên cá nhân.

Về nghiên cứu đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp, kiến nghị với các cấp quản lý, Hiệp hội đã có nhiều góp ý, đề xuất nhằm xem xét giải quyết các khó khăn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên. Trong 6 tháng qua, Hiệp hội đã chủ động triển khai nhiều công việc quan trọng và đạt được hiệu quả bước đầu đáng khích lệ.

Trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt tình hình và nguyện vọng của các trường hội viên, nhận thấy trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã và đang xuất hiện những vấn đề nóng cần được các cấp quản lý nhà nước xem xét giải quyết, lãnh đạo Hiệp hội đã chủ động liên hệ mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tới thăm và làm việc với lãnh đạo Hiệp hội. Hiệp hội cũng đã gửi công văn đề nghị để được gặp và báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Tuy nhiên, cho đến nay Hiệp hội vẫn chưa nhận được hồi âm về các đề nghị này.

Những vấn đề nóng cần được Đảng và Nhà nước quan tâm kịp thời, đó là sự đầu tư đúng mức để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, là thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục, là cơ cấu hệ thống giáo dục đào tạo, quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, trong đó có hệ thống các cơ sở sư phạm và các trường đại học địa phương, về cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, hội nhập khu vực, quốc tế; là chất lượng của hệ cao đẳng hiện nay,…

Hiệp hội đã bày tỏ quan điểm của mình tới Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (CV 02/HH-NC&PTCS ngày 16/01/2023); đồng thời Hiệp hội gửi văn bản (CV 01/HH-NC&PTCS ngày 16/01/2023) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức và sắp xếp lại các trường cao đẳng sư phạm.

Ngày 15/5/2023, Hiệp hội đã có công văn số 30/HH-NC&PTCS, trong đó trình bày thêm về việc cần thiết phải khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng cho các cơ sở giáo dục đại học. Đây là vấn đề rất quan trọng cần được Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét giải quyết.

Về tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia và tọa đàm khoa học hàng tuần, ngày 12/5/2023 Hiệp hội phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”.

Hội thảo được xem là một hoạt động quan trọng trong Chương trình công tác năm 2023 của Hiệp hội. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 101 tham luận khoa học của các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, giảng viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong cả nước gửi về, và đã lựa chọn ra 91 báo cáo phù hợp để in thành Kỷ yếu. Viện Nghiên cứu giáo dục và kinh tế quốc tế - đơn vị trực thuộc Hiệp hội đã hỗ trợ một phần kinh phí in Kỷ yếu phục vụ hội thảo.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của một số Bộ, Ban ngành Trung ương, đăng ký tham dự trực tiếp tại Cần Thơ, gồm: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các chuyên gia giáo dục và 280 đại biểu là lãnh đạo, giảng viên đến từ các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp trên cả nước. Các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Chụp màn hình

Các đại biểu tham dự Hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Chụp màn hình

Bên cạnh đó, Thường trực Hiệp hội thường xuyên tổ chức các tọa đàm khoa học vào thứ Sáu hàng tuần.

Nhiều vấn đề thuộc khoa học giáo dục được trình bày và trao đổi rất nhiệt tình, trách nhiệm, như: Vấn đề liên quan tới liên thông của các trường cao đẳng lên đại học; Triết lý giáo dục; Chuẩn bị một số nội dung để Chủ tịch phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 – 2026; Phân luồng và liên thông theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED; Trí tuệ nhân tạo; Những nội dung cơ bản trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch các trường cao đẳng sư phạm địa phương theo hướng sáp nhập vào các trường đại học trung ương và vào các trường cao đẳng nghề ở địa phương.

Do có những đóng góp tích cực với ngành giáo dục và xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 - 2026. Đây là cơ hội để Chủ tịch Hiệp hội thay mặt Hiệp hội báo cáo trực tiếp những vấn đề nóng, quan trọng về giáo dục mà bấy nay đã và đang quan tâm.

Ngày 21/4/2023, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội được mời tham dự và báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng phối hợp tổ chức.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội đã tham dự Hội thảo khoa học do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tại Phú Yên về chiến lược phát triển du lịch của địa phương.

Hiệp hội đã tham dự triển lãm Infocomm tại Bangkok, Thái Lan ngày 24-26/5/2023.

Về hoạt động của các câu lạc bộ và tổ chức trực thuộc, Hiệp hội có 24 pháp nhân trực thuộc gồm 01 tạp chí, 23 viện và trung tâm; trong đó có 01 viện mới thành lập trong 6 tháng đầu năm 2023. Nhìn chung, các tổ chức trực thuộc đã khắc phục khó khăn để triển khai hoạt động và đã có được một số chuyển biến tích cực.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã truyền thông kịp thời những vấn đề về giáo dục đại học, những ý kiến đóng góp của Hiệp hội đối với hành lang pháp lý của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; đồng thời phản ánh, đưa tin trung thực, khách quan các diễn biến tích cực, những hạn chế, tiêu cực trong toàn ngành.

Tạp chí đã tập trung thực hiện các bài viết tuyên truyền, góp ý, phản biện chính sách, đặc biệt là việc thúc đẩy chủ trương tự chủ đại học theo Nghị quyết 19-NQ/TW; Luật Giáo dục đại học sửa đổi; Nghị định 99/2019/NĐ-CP; góp ý về hoạt động của Hội đồng trường; nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học; hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và đã kiểm định chất lượng được 10 cơ sở giáo dục đại học; 29 chương trình đào tạo trình độ đại học và 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ.

Các viện, trung tâm trực thuộc đã có nhiều hoạt động khởi sắc, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội.

Hiện tại Hiệp hội có 24 câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt khá đều đặn, nề nếp. Trong số đó có khá nhiều câu lạc bộ đã thực sự chủ động trong mọi hoạt động của mình, đây là xu hướng phát triển tốt mà Hiệp hội mong muốn, là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các câu lạc bộ trong những năm tới.

Chia sẻ về dự kiến các công việc chính trong 6 tháng cuối năm 2023, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai những phần còn lại của Chương trình công tác năm 2023, đồng thời sẽ điều chỉnh và bổ sung thêm một số nội dung theo yêu cầu của thực tế.

Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu nắm bắt tình hình đổi mới giáo dục đại học, nghiên cứu và đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mới có liên quan đến 6 vấn đề nóng mà Hiệp hội trước đây đã báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành liên quan.

Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn vai trò của của Đảng bộ, Chi bộ trong việc lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ theo Quyết định 97-QĐ/TW ngày 22/3/2004 của Ban bí thư.

Đề nghị ban hành Quy định về trình tự giải quyết hiệu quả công việc trong mối quan hệ giữa 5 chủ thể liên quan trong trường: Nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp, Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu.

Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW. Kiến nghị cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đề nghị xem xét lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch các cơ sở sư phạm đào tạo giáo viên các bậc học, các vấn đề cần quan tâm của khối trường cao đẳng, trong đó có vấn đề chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Cùng với đó, Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất và kiến nghị giải pháp cụ thể để củng cố, duy trì phát triển một số trường thuộc địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tục nghiên cứu trao đổi mô hình trường đại học không vì lợi nhuận ở 3 miền và nghiên cứu đề xuất chủ trương chuyển đổi một số trường công lập đang gặp khó khăn về tuyển sinh sang trường hoạt động không vì lợi nhuận.

Tổ chức hội thảo trao đổi về các vấn đề đặt ra của khối trường cao đẳng. Tiếp tục tổ chức tọa đàm của Thường trực Hiệp hội vào thứ Sáu hàng tuần.

Hiệp hội cũng tiếp tục thực hiện các công việc thường xuyên với chất lượng ngày càng tốt, thiết thực.

Phạm Minh