“Aero India- 2013” tại Bangalore: Triển vọng hợp tác rất lớn

10/02/2013 07:00
Theo VOR/RIA
(GDVN) - Trong mấy năm tới, Nga và Ấn Độ sẽ phát triển hợp tác trong khuôn khổ đề án thiết kế chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm T-50.
Tại căn cứ không quân Ấn Độ ở Bangalore sắp kết thúc cuộc triển lãm “Aero India- 2013”. Theo truyền thống, cuộc triển lãm này khơi dậy sự quan tâm của các nhà sản xuất và nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự.

Máy bay thế giới tại triển lãm hàng không Aero India- 2013
Máy bay thế giới tại triển lãm hàng không Aero India- 2013

Các nước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương đang gia tăng chi phí quân sự, vì thế vai trò của các Diễn đàn vũ khí châu Á sẽ tăng lên.

Các nhà sản xuất Nga coi thị trường châu Á là địa bàn hoạt động quen thuộc và gần gũi. Trong thời kỳ hậu Xô Viết, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á mua nhiều loại vũ khí và kỹ thuật quân sự của Nga.

Rõ ràng là, quá trình đổi mới lực lượng vũ trang ở châu Á sẽ tiếp tục. Trong số các đối tác châu Á của Nga, Ấn Độ chiếm vị trí đặc biệt. Sự hợp tác với nước này đã bắt đầu vào thập niên 60.

Hiện nay, Nga và Ấn Độ cùng thực hiện các hợp đồng đã được ký kết trước đây, kể cả văn kiện gần đây nhất – vào tháng 12 năm 2012 hai bên đã ký hợp đồng về cung cấp cho Ấn Độ thêm 42 bộ phụ kiện để lắp ráp máy bay tiêm kích Su-30MKI.

Tổng khối lượng đơn đặt hàng về máy bay loại này cho Không quân Ấn Độ là 250 đơn vị, một nửa trong số đó đã được chuyển giao cho phía Ấn Độ.

Trong mấy năm tới, Nga và Ấn Độ sẽ phát triển hợp tác trong khuôn khổ đề án thiết kế chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm T-50.


Trong những năm 2020, Không quân Ấn Độ sẽ nhận 200-250 máy bay loại này. Chi phí của Không quân Ấn Độ cho đề án này, kể cả dịch vụ bảo dưỡng, cung cấp các máy móc thiết bị và vũ khí, có thể vượt quá 40 tỷ dollar.

Trong lĩnh vực phòng không, Ấn Độ theo truyền thống dựa vào các phát minh của mình cũng như vào sự đối tác với Israel.

Tuy nhiên, Nga dự định thử vận may tại cuộc đấu thầu tiếp theo, và sẽ giới thiệu với phía Ấn Độ phiên bản xuất khẩu của tổ hợp S-300 - một trong những tổ hợp tốt nhất trong số các hệ thống phòng thủ tên lửa được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm ngắn.

Khó có thể dự đoán về kết quả của cuộc đấu thầu này. Kinh nghiệm cho thấy rằng, ở Ấn Độ, qúa trình tổng kết kết quả kể từ ngày công bố có thể kéo dài gần 10 năm.

Cũng giống như các nước lớn đang phát triển, Ấn Độ quan tâm nhiều hơn đến sự hợp tác trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, chứ không phải chỉ riêng nhập khẩu vũ khí. Hiện nay, trong số các đề án chung của Nga và Ấn Độ, ngoài máy bay T-50, còn có tên lửa "BrahMos", kể cả tên lửa siêu thanh "BrahMos-2" và máy bay vận tải đa năng MTS / MTA.


Các đề án này đòi hỏi thời gian khá dài và chi phí lớn. Đối với Ấn Độ, sự hợp tác với Nga tạo khả năng truy cập vào công nghệ quân sự hiện đại mà không có hạn chế nghiêm trọng như trong sự hợp tác với EU và Mỹ. Đối với Nga, sự hợp tác mang lại lợi nhuận nhờ xuất khẩu và phát triển công nghệ cao.

Tại cuộc triển lãm ở Bangalore Nga chưa ký kết hợp đồng với các đối tác của mình, nhưng, theo lời người dẫn đầu phái đoàn "Rosoboronexport" Victor Komardin, có triển vọng tốt để ký hợp đồng về cung cấp 12 máy bay trực thăng Mi-17V-5 cho Bộ Nội vụ Ấn Độ.

Chủ tịch Tập đoàn chế tạo máy bay quốc gia Nga Mikhail Pogosyan cho biết, hãng hàng không Interjet của Mexico sẽ nhận hai máy bay Sukhoi Superjet-100 vào giữa năm nay.

Ngoài ra, Nga sẽ tham gia một số cuộc đấu thầu ở Ấn Độ. Chẳng hạn, về cung cấp máy bay trực thăng cho lực lượng hải quân Ấn Độ và máy bay đổ bộ cho Bộ Nội vụ Ấn Độ. Nga sẽ tiếp tục phát triển sự hợp tác với Ấn Độ trong tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp hàng không.
Theo VOR/RIA