Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Theo đó, chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh bao gồm:
1. Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số: V.07.07.24 (từ hệ số lương 2,34 đến 4,98).
2. Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số: V.07.07.23 (từ hệ số lương 4,00 đến 6,38)
3. Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số: V.07.07.22 (từ hệ số lương 4,40 đến 6,78).
Trường học có giải pháp tình thế khi chưa có viên chức tư vấn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, tại các trường phổ thông công lập, công tác tư vấn học sinh vẫn đang do các giáo viên kiêm nhiệm, nên thường thiếu kỹ năng và kinh nghiệm chuyên sâu.
Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội, học sinh có nhiều kênh tiếp xúc và tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nhiều lứa tuổi, tình trạng học sinh bị stress, gặp vấn đề về khủng hoảng tâm lý cũng không ít nên học sinh nhu cầu tư vấn trong quá trình học là rất lớn.
Trong khi đó, các thầy cô kiêm nghiệm thường chỉ tư vấn cho các em dưới góc độ của một giáo viên, chứ không phải dưới góc độ của một bác sĩ tâm lý, một chuyên gia tâm lý học.
Vì thế, từ đầu năm học, nhà trường đã có giải pháp tình thế là bỏ kinh phí mời một chuyên gia tâm lý hỗ trợ học sinh 2 buổi/tuần. Các em học sinh sẽ đăng ký bằng cách quét mã QR. Qua thực tế triển khai tại nhà trường, đã cho thấy có rất nhiều học sinh đăng ký, và thể hiện các em có rất nhiều vấn đề khúc mắc, cần được tháo gỡ, giải tỏa. Thậm chí, có những trường học học sinh bị người thân xâm hại tình dục, khi có chuyên gia tâm lý, các em mới có thể chia sẻ.
Phòng Hỗ trợ tâm lý học đường của nhà trường đã hỗ trợ rất nhiều trong việc giải tỏa tâm lý cho học sinh, giúp các em vượt qua khủng hoảng, quay trở lại học tập bình thường. Từ sau khi phòng này hoạt động, chúng tôi chợt nhận ra, có biết bao nhiêu góc khuất mà các thầy cô không thể biết được hết. Mặc dù chuyên gia tâm lý ngay lập tức không hỗ trợ các em giải quyết được vấn đề, nhưng chính việc tâm sự, chia sẻ đã khiến các em giải tỏa được bế tắc. Nói như vậy, để thấy vai trò của Phòng Hỗ trợ tâm lý học đường là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, theo tôi, việc có thêm vị trí việc làm đối với viên chức tư vấn cũng là một bước tiến rất lớn, góp phần tháo gỡ những khó khăn ở các nhà trường, nếu có thể tuyển được những người đúng chuyên môn”.
“Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng, sau khi có vị trí việc làm “danh chính ngôn thuận” cho viên chức tư vấn trong trường phổ thông công lập, các cơ sở giáo dục sẽ tuyển dụng được đội ngũ được đào tạo bài bản, có trình độ, chuyên môn phù hợp, để làm tốt công tác tư vấn cho học sinh.
Đồng thời, khi có một vị trí việc làm chính thức, sẽ giảm bớt công việc của các thầy cô kiêm nhiệm trước đó, tạo thuận lợi cho các nhà trường” - cô Nguyễn Thị Vân Hồng bày tỏ.
Mặt khác, nữ Hiệu trưởng cũng băn khoăn: “Có quy định mới, song, yêu cầu đối với viên chức tư vấn ở đây không chỉ là tư vấn về tâm lý, mà còn có rất nhiều khía cạnh khác, từ sức khỏe, học tập, định hướng nghề nghiệp...
Đội ngũ tư vấn tâm lý đó có đáp ứng được khối lượng công việc lớn như vậy trong nhà trường hay không; và trước tiên là có muốn ứng tuyển vào các trường phổ thông công lập hay không... đó lại là một “bài toán” phía sau. Bởi, theo tôi, chế độ đãi ngộ cho nhân viên tư vấn tâm lý trong trường công lập chắc chắn không thể cạnh tranh với chế độ ở các trường tư, hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý tư nhân”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Bích Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) bày tỏ: “Trong trường tiểu học hiện nay, quả thực cần có một nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh. Vì số lượng trẻ có các biểu hiện, vấn đề về tâm lý khá nhiều, nhất là đối với học sinh lớp 4, lớp 5, đã bắt đầu có những sự thay đổi về hình thể, tâm lý, phát triển nhanh hơn so với trước đây. Khi trẻ ngày càng dễ tiếp cận với những hiện tượng tiêu cực được lan truyền trên các trang mạng xã hội, cũng có một mặt nào đó ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.
Đặc biệt, trong chương trình giáo dục phổ thông ở bậc tiểu học hiện nay, chưa có một chương trình trọn vẹn liên quan đến vấn đề an toàn sử dụng các trang mạng xã hội, mà chủ yếu được các nhà trường thực hiện một cách lồng ghép, khó tránh khỏi việc học sinh sẽ tiếp cận những thông tin tiêu cực. Vì vậy, cần thiết có một nhân viên tư vấn tâm lý, một mặt giúp các em học sinh có thể nhìn nhận tích cực và giúp định hướng nội dung... bên cạnh việc tư vấn, tháo gỡ những vấn đề, khúc mắc khác của các em”.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Trường Tiểu học Ngọc Lâm, nữ Hiệu trưởng cho biết: “Những năm qua, nhà trường đã thành lập Phòng Tư vấn tâm lý học đường, phân công nhiệm vụ cho hai thành viên phụ trách, gồm nhân viên y tế và giáo viên Tổng phụ trách Đội.
Bên cạnh đó, hằng năm, nhà trường đã liên hệ Khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), hỗ trợ các thầy cô trong vấn đề tư vấn tâm lý cho học sinh. Cứ vào đầu năm học, đại diện Khoa sẽ có những buổi trao đổi, bồi dưỡng cho các thầy cô trong vấn đề nhận thức và kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ học sinh, làm sao có thể gợi mở vấn đề, giải quyết vấn đề. Đặc biệt, tùy vào thời điểm, trong xã hội đang có những vấn đề nổi cộm gì, sẽ tập trung chủ đề vào nội dung liên quan nhiều hơn”.
“Có lẽ không riêng tôi, mà với tất cả các cán bộ quản lý đều mong muốn sớm có vị trí việc làm này, sẽ tuyển được đội ngũ chuyên nghiệp để hỗ trợ các hoạt động giáo dục trong nhà trường ngày một bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn” - cô Nguyễn Thị Bích Huyền bày tỏ.
Có viên chức tư vấn, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nhà trường
Chia sẻ về thông tin trong dự thảo, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cũng đánh giá: “Việc có thêm vị trí việc làm này là một thay đổi tích cực, hỗ trợ rất nhiều về vấn đề tư vấn tâm lý cho học sinh tại các trường phổ thông công lập.
Trước đây, công tác tư vấn cho học sinh thường do giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm công tác Đoàn, Đội... kiêm nhiệm, nên có thể chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu chia sẻ, trao đổi của các em học sinh.
Tới đây, khi có vị trí việc làm chính thức, viên chức tư vấn lại được tuyển dụng từ đội ngũ được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn về tâm lý, công tác xã hội,... sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các trường, vừa là công tác tư vấn cá nhân cho từng học sinh, vừa tạo cơ hội tổ chức các diễn đàn, hội thảo, chuyên đề về tư vấn cho cả phụ huynh, học sinh trong nhà trường”.
“Đặc biệt, trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường như thời gian qua, thậm chí, có những em học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, chịu ảnh hưởng về tâm lý, thể chất, mà chưa biết chia sẻ cùng ai, có em lại có tâm lý e ngại nếu tâm sự với thầy cô... nên khi có viên chức tư vấn tâm lý trong nhà trường, trong mắt các em học sinh, đây sẽ giống như một chuyên gia, có thể dễ dàng bộc bạch hơn.
Bên cạnh đó, viên chức tư vấn này cũng có thể hướng dẫn, tư vấn cho đội ngũ giáo viên trong trường cách tiếp cận và chia sẻ với học sinh, phụ huynh một cách phù hợp nhất... Như vậy, các thầy cô cũng có thể kịp thời nắm bắt tâm lý học sinh, phần nào ngăn chặn những vụ việc tiêu cực như trong thời gian qua” - bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết thêm.
Về quy định xếp lương đối với viên chức tư vấn trong trường phổ thông công lập, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông bày tỏ: “Tôi cho rằng, mức lương tương ứng cho các vị trí việc làm này cũng tương ứng với các giáo viên khác, hoàn toàn phù hợp cho các bạn trẻ khi ra trường muốn ứng tuyển.
Chúng tôi đều mong mỏi Thông tư sớm được ban hành, có hiệu lực, để tạo thuận lợi cho các nhà trường ngay từ năm học tới”.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Bích Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm cũng bày tỏ băn khoăn: “Để tư vấn tâm lý học đường, phải là người “có nghề”. Tức là, đầu tiên là phải được đào tạo bài bản; thứ hai là có kinh nghiệm thực tế, có thể tích lũy trong quá trình giảng dạy và chia sẻ với học sinh thì mới dễ dàng đáp ứng.
Nhưng, hiện nay, tuyển một nhân viên tư vấn như vậy sẽ rất khó. Bởi, để có thể đào tạo bài bản, đáp ứng vị trí việc làm này, cũng cần có thêm một khoảng thời gian, mà khi sinh viên ra trường, lại còn quá trẻ, liệu có đủ các kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm để xử lý tình huống hay không?
Mặt khác, số lượng biên chế cũng đang là một vấn đề trong mỗi cơ sở giáo dục, bởi dù sao, ngành giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương chung. Khi có thêm vị trí việc làm này, cần tính toán ra sao để vừa đảm bảo có nhân viên tư vấn mà vẫn đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy trong nhà trường, cũng là một “bài toán” mà chúng tôi quan tâm”.
Có vị trí việc làm, trường đại học đào tạo đội ngũ bài bản hơn
Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) cũng có một số chia sẻ.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao phân tích: “Chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ em nói chung, cũng như các em học sinh nói riêng, đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các kỳ họp Quốc hội khóa XIV. Song, thời điểm đó còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có vị trí việc làm cho nhân viên tư vấn học đường.
Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, là một niềm vui rất lớn, minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề chăm sóc sức khỏe, bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ những năm qua đang theo một chiều hướng gia tăng theo những biến đổi của xã hội, nhất là sau đại dịch Covid-19. Theo một khảo sát đáng tin tưởng, có khoảng 20% trẻ vị thành niên Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Và có một nghịch lý, chỉ có khoảng 5% phụ huynh học sinh cho rằng con em mình cần sự giúp đỡ chuyên môn, bởi theo thói quen, dường như chỉ tập trung lo lắng sức khỏe về mặt thể chất, mà chưa chú ý nhiều về mặt tinh thần...
Bản thân tôi công tác trong ngành giáo dục, có thể thấy, vấn đề xuất hiện ở các em học sinh thường là rối loạn lo âu, bị áp lực học tập dẫn đến trầm cảm, thậm chí có em muốn tự tử... Chính vì vậy, theo tôi, các em học sinh thực sự rất cần được chăm lo sức khỏe tinh thần”.
Nữ đại biểu cũng chia sẻ thêm: “Thực tế hiện nay, các trường phổ thông cũng đã bố trí giáo viên kiêm nhiệm, thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, nhưng theo tôi, đây chỉ là một hình thức “chữa cháy”, vì lĩnh vực này rất khó, cần có sự đào tạo bài bản, có chuyên môn, không chỉ cần có kiến thức, mà cần có kỹ năng tiếp cận để các em học sinh chủ động giãi bày, chia sẻ. Chưa kể, chế độ cho nhiệm vụ này hiện nay cũng chưa cao, nên cũng không thể đòi hỏi các thầy cô đáp ứng được hết nhu cầu tư vấn của học sinh, vì còn phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy...
Do đó, khi có được một vị trí việc làm chính thức như vậy, sẽ có nhiều thuận lợi.
Khi có vị trí việc làm, các cơ sở giáo dục đại học cũng hướng tới đào tạo bài bản cho lĩnh vực này, để cung cấp nhân lực cho các trường phổ thông công lập”.
Tuy nhiên, Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng chỉ ra thêm một bất cập nữa: “Có những trường có tổng số cả nghìn học sinh, nhưng chỉ có một biên chế cho nhân viên tư vấn, thì khối lượng công việc cũng sẽ rất lớn, có thể dẫn đến quá tải.
Chính vì vậy, chúng ta có thể tháo gỡ bằng cách, nhân viên tư vấn là người phụ trách chính, nhưng tổ tư vấn tâm lý học đường trước đó, cũng như tập thể cán bộ, giáo viên, nhất là lãnh đạo trường phải đặc biệt quan tâm và cùng tìm hiểu, nắm bắt tình hình học sinh trong trường, có thể kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường từ các em... để can thiệp kịp thời. Như vậy, sẽ góp phần giảm gánh nặng cho các nhân viên tư vấn”.
Bên cạnh mức lương hấp dẫn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, quan trọng nhất là làm thế nào để nhân viên tư vấn trong nhà trường yên tâm công tác?
“Thứ nhất, đó là sự linh hoạt, quan tâm của chính các cơ sở giáo dục, của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương, có thêm những chế độ khuyến khích, động viên. Thứ hai, là do chính bản thân nhân viên tư vấn, phải chọn được người thực sự yêu nghề, gắn bó với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thì mới trụ được” - nữ đại biểu cho biết thêm.