Máy bay J-20, J-31 Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào động cơ Nga nhiều năm

12/10/2013 07:13
Việt Dũng
(GDVN) - Năm 2010, quan chức Trung Quốc cho rằng có thể lệ thuộc động cơ Nga trong 5 năm tiếp theo, nhưng đến nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng trong 5-8 năm tới.
Mô hình máy bay chiến đấu tiên tiến AFC Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Bắc Kinh ngày 25 tháng 9 năm 2013
Mô hình máy bay chiến đấu tiên tiến AFC Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Bắc Kinh ngày 25 tháng 9 năm 2013

Trang mạng "Kính tiềm vọng 2" Nga ngày 9 tháng 10 đưa tin, Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc và đại diện chính thức bộ phận xuất khẩu của tập đoàn này gần đây nói với tờ "Jane's Defense Weekly" Anh rằng, tập đoàn này chuẩn bị duy trì dây chuyền sản phẩm xuất khẩu hiện nay trong tương lai lâu dài, đồng thời tích cực nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo có thể tranh đoạt thị trường quốc tế với "máy bay chiến đấu tấn công toàn cầu" F-35 của Mỹ.

Nhưng, theo bài báo, Công nghiệp hàng không Trung Quốc và đại diện công nghiệp hàng không Nga cũng xác nhận, trong tương lai gần, chương trình máy bay tiêm kích của Trung Quốc vẫn sẽ lệ thuộc vào động cơ do Nga chế tạo.

Căn cứ vào thông tin của báo Anh, chương trình máy bay tiêm kích của Trung Quốc vẫn sẽ bị lệ thuộc vào động cơ Nga. Tháng 11 năm 2010, Tư lệnh Không quân Trung Quốc cho biết, doanh nghiệp cung ứng động cơ hàng không Nga có thể hoàn toàn yên tâm, Trung Quốc có thể tiếp tục đặt đơn hàng "cứng" với phía Nga, ít nhất là trong 5 năm tới.

Đến cuối tháng 9 năm 2013, đại diện công nghiệp hàng không Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục sử dụng động cơ của Nga, ít nhất tiếp tục dùng trong 5-8 năm tới, bởi vì việc nghiên cứu chế tạo và sản xuất động cơ hàng không trong nước vẫn là thách thức lớn nhất của Công ty động cơ trong tập đoàn.

Mô hình máy bay AFC
Mô hình máy bay AFC

Hiện nay, động cơ RD-93 được Nga trưng bày tại Triển lãm hàng không Bắc Kinh được bọc bằng vải để che không cho người đến xem chụp ảnh. Được biết, nguyên nhân là máy bay trang bị động cơ này có thể là máy bay chiến đấu tàng hình mới mà đại diện công nghiệp hàng không Trung Quốc gọi là "khái niệm máy bay chiến đấu tiên tiến" (AFC), dự kiến sẽ lắp 2 động cơ.

Trước đó, loại máy bay tiêm kích này cũng được gọi là J-31 và "công trình 310". Đại diện công nghiệp hàng không Trung Quốc chỉ ra, mục đích nghiên cứu chế tạo loại máy bay chiến đấu này là để cung ứng cho thị trường nước ngoài, cạnh tranh với F-35, ban đầu không có ý định cung cấp cho Không quân Trung Quốc.

Giống như máy bay chiến đấu JF-17 Thunder/FC-1 Kiêu Long do Trung Quốc và Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo, sản xuất, việc nghiên cứu chế tạo "khái niệm máy bay chiến đấu tiên tiến" có thể cũng sẽ có sự tham gia của đối tác nước ngoài.

Mặc dù loại máy bay này sẽ dùng để tranh giành thị trường với F-35 Mỹ, nhưng, điểm khác với thông tin trên truyền thông trước đó là, Trung Quốc tạm thời còn chưa có kế hoạch nghiên cứu chế tạo phiên bản hải quân của "khái niệm máy bay chiến đấu tiên tiến". Thông tin này hầu như cũng được đưa tin lần đầu tiên.

Máy bay chiến đấu AFC
Máy bay chiến đấu AFC

Có tin cho rằng, máy bay J-20 với tư cách là một đại diện tiêu biểu khác của công nghiệp hàng không Trung Quốc, cần được trang bị động cơ 117S do công ty Saturn Nga nghiên cứu chế tạo, tương đồng với động cơ của máy bay chiến đấu Su-35 và T-50.

Căn cứ vào tài liệu tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden, chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Trung Quốc là vết nhơ trong lịch sử tình báo Mỹ. Báo cáo chính thức của giới tình báo Mỹ chỉ ra, máy bay chiến đấu J-31 và J-20 Trung Quốc lạc hậu xa so với đối thủ cạnh tranh Mỹ, bất kể là về trình độ tàng hình hay về phát triển công nghệ có liên quan. Nhưng, việc thúc đẩy chương trình máy bay tiêm kích thế hệ mới của Trung Quốc tương đối nhanh chóng, vượt xa dự kiến của Mỹ.

Máy bay chiến đấu AFC
Máy bay chiến đấu AFC
Việt Dũng