Trần Hổ: Công nghiệp quân sự muốn sống và tồn tại phải biết "tạo máu"

11/02/2013 07:20
Đông Bình
(GDVN) - Những cửa ải lớn quan trọng của công nghiệp quân sự Trung Quốc là vấn đề công nghệ lõi, tự chủ sáng tạo và khả năng tự tạo máu.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc

Tân Hoa xã vừa đăng bài viết của tướng học giả Trung Quốc Trần Hổ cho rằng, trong thời gian gần đây, ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đã đem lại một loạt sự ngạc nhiên, vui mừng cho người dân nước này. Rất nhiều trang bị mới, đặc biệt là những trang bị mới mang tính đột phá, “lấp chỗ trống” đã ra đời. Điều này được báo Trung Quốc tuyên truyền là hiện tượng “bùng nổ”.

Rất nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã ra sức đưa tin tuyên truyền cho vấn đề này, rất nhiều chuyên gia cũng viết bài, trả lời phỏng vấn để phân tích, giải thích về nó. Nhưng, Trần Hổ cho rằng, cần phải có một tâm trạng bình thản, bình tĩnh hơn để xem xét hiện tượng “bùng nổ” này.

Trên thực tế, con đường phía trước của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc hiện nay vẫn gập ghềnh và lâu dài.

Ở một ý nghĩa nào đó, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc vẫn còn nhiệm vụ nặng nề, lâu dài. Trần Hổ cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc muốn phát triển bền vững trong tương lai thì cần phải giải quyết 3 vấn đề nan giải lớn sau đây:

Thứ nhất, cần phải tiếp tục công phá hoặc vượt qua một số trở ngại công nghệ cốt lõi to lớn đặt ra hiện nay. Chẳng hạn động cơ hàng không, bất kể là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được chế tạo thành công hay máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 đang bay thử, dư luận đều nghi ngờ về khả năng của nó và đặt câu hỏi: “Động cơ thế nào?”.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Động cơ nội địa của Trung Quốc có thể lắp cho những trang bị như thế hay không? Có thể cung cấp động lực cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, cho máy bay vận tải cỡ lớn hay không? Những trang bị hàng không lớn này có “trái tim Trung Quốc” đủ sức sống hay không?

Trên thực tế, những vấn đề này đều đã cho thấy một vấn đề cốt lõi, đó là hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc vẫn đang đối mặt với trở ngại công nghệ trong một số vấn đề công nghệ lõi quan trọng.

Muốn thực sự nghiên cứu phát triển được những sản phẩm có bản quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ, tự chủ, muốn thực sự đi từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do” trong quá trình nghiên cứu phát triển trang bị mới, thì phải đột phá những trở ngại công nghệ quan trọng này. Đây là một vấn đề nan giải lớn đầu tiên phải giải quyết hiện nay của các doanh nghiệp và con người ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc.

Thứ hai, nâng cao khả năng “tự chủ sáng tạo”. Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chủ trương, tăng cường khả năng tự chủ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học quốc phòng và công nghiệp quốc phòng. Khả năng tự chủ sáng tạo thực chất là một lĩnh vực ở cấp độ cao hơn được xây dựng trên cơ sở tự chủ sản xuất, tự chủ nghiên cứu phát triển.

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc vừa bay thử thành côngcó dáng dấp của máy bay vận tải Ucraina, Nga, Mỹ
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc vừa bay thử thành côngcó dáng dấp của máy bay vận tải Ucraina, Nga, Mỹ

Trần Hổ cho rằng, nếu bình tĩnh nhìn lại những gì TQ gọi là vui mừng, những sản phẩm của hiện tượng “bùng nổ” nêu trên thì sẽ phát hiện, thực ra những sản phẩm đó phần lớn đều ít nhiều nằm trong trạng thái “tự chủ  phát triển”, thậm chí cá biệt nằm trong một giai đoạn của “tự chủ sản xuất”. Muốn thực sự đi vào giai đoạn “tự chủ sáng tạo” thì còn phải đi một con đường dài.  

Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là bất kể là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20, J-31 hay máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 đang bay thử, chúng đều không thể nói là sản phẩm của “tự chủ sáng tạo”. Bởi vì, công nghệ tương ứng đã sớm ra đời ở nước khác, việc Trung Quốc nghiên cứu phát triển chúng là để “lấp chỗ trống”, là “đuổi theo" - thực tế là công nghệ sao chép.

Trong một số chương trình lớn, như tàu sân bay Liêu Ninh chính thức biên chế cho hải quân, thực ra, về việc nghiên cứu phát triển, sản xuất tàu sân bay, Trung Quốc còn phải trải qua hai giai đoạn là tự chủ sản xuất và tự chủ nghiên cứu phát triển.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ

Chẳng hạn, “máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm” thực ra là do Mỹ đưa ra. Với ý tưởng và khái niệm như vậy, Mỹ đã nghiên cứu phát triển được máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 và F-35, chúng đã được công nhận trên phạm vi thế giới, các nước khác đều đang đuổi theo, đang nghiên cứu phát triển theo hướng đó.

Trong tương lai, tự chủ sáng tạo của công nghiệp quân sự Trung Quốc đòi hỏi Trung Quốc phải tự đưa ra được những ý tưởng, khái niệm như vậy, sản xuất được những sản phẩm “tiêu chuẩn về ngành nghề” mang tính thế giới. Chỉ có đạt được trình độ như vậy, mới có thể gọi là thực sự đạt tự chủ sáng tạo. Rõ ràng, Trung Quốc còn có một khoảng cách dài với “tự chủ sáng tạo”.

Thứ ba, nâng cao và tăng cường chức năng tự “tạo máu”. Ngoài việc đột phá những trở ngại công nghệ quan trọng và thực hiện tự chủ sáng tạo, ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc thực ra còn đang đối mặt với một vấn đề nan giải quan trọng, đó chính là tăng cường khả năng tự “tạo máu”.

Nhìn vào phạm vi thế giới, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự cỡ lớn không thể dựa đơn thuần vào đầu tư của nhà nước và đơn đặt hàng của quân đội nước mình để duy trì sự phát triển. Nếu không có khách hàng rộng lớn hơn, nếu không có khả năng chiếm được thị trường quốc tế, thì những doanh nghiệp công nghiệp quân sự cỡ lớn này không thể phát triển bền vững.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ

Chẳng hạn, công nghiệp hàng không châu Âu, từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, luôn ở trong một trạng thái suy yếu tương đối. Nghiên cứu nguyên nhân của họ, trong đó có một nhân tố quan trọng là thị phần của họ trên thị trường quốc tế. Sau khi một loại trang bị chiếm được thị phần tương đối tốt trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp công nghiệp quân sự sẽ đi vào một thời kỳ phát triển nhanh chóng.

Ví dụ như công ty hàng không Dassault của Pháp. Nếu sản phẩm của họ không thể chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường quốc tế, thì năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất của doanh nghiệp này sẽ nhanh chóng thu hẹp. Chỉ dựa vào đầu tư của nhà nước và đơn đặt hàng của quân đội nước mình để duy trì sự tồn tại và phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp quân sự là một vấn đề không thể tưởng tượng được.

Lấy một ví dụ khác, ngành công nghiệp quân sự của Liên Xô cũ đứng hàng đầu thế giới, bất kể là về quy mô hay chất lượng, đều có thể sánh ngang với ngành công nghiệp quân sự của Mỹ - một ngành công nghiệp quân sự được gọi là mạnh nhất thế giới. Nhưng họ thiếu khả năng tự “tạo máu”, vì vậy trong Chiến tranh Lạnh kéo dài, trong cuộc cạnh tranh, chạy đua lâu dài, họ không những thất bại mà còn gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

Máy bay chiến đấu dòng Su của Nga chiếm thị phần lớn trên thị trường hàng không quốc tế.
Máy bay chiến đấu dòng Su của Nga chiếm thị phần lớn trên thị trường hàng không quốc tế.

Một bài học như vậy có thể nói là khá sâu sắc. Vì vậy, đối với ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc, làm thế nào để nâng cao và tăng cường chức năng tự “tạo máu” là cửa ải khó khăn lớn thứ ba phải vượt qua trong tương lai của Trung Quốc.

Trần Hổ cho rằng, chỉ có công phá được ba cửa ải khó khăn trên, giải quyết được những trở ngại công nghệ quan trọng, giải quyết được khả năng tự chủ sáng tạo và giải quyết được chức năng tự “tạo máu”, ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc mới có thể thực sự trở thành một ngành hàng đầu, dẫn trước trên phạm vi thế giới. Nhìn từ góc độ như vậy, ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc còn có nhiệm vụ nặng nề và lâu dài trong tương lai.

Đông Bình