Trung Quốc tìm cách đối phó với chiến lược hướng Đông của Mỹ:

Trung Quốc có đủ khả năng nâng tầm phóng tên lửa diệt hạm đối phó Mỹ?

17/06/2013 13:52
Việt Dũng
(GDVN) - Khả năng nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm... của Trung Quốc gây lo ngại cho Mỹ, nhưng các nước trong khu vực có thể liên kết đối phó.
Ngày 12 tháng 6, trang mạng tạp chí "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản đăng bài viết nhan đề "Tại sao nói Trung Quốc có thể sẽ giới hạn tầm phóng của sát thủ tàu sân bay?" của nhà nghiên cứu Harry Katsianis thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ.

Quân đội Mỹ đánh giá cự ly dò tìm của radar Trung Quốc
Quân đội Mỹ đánh giá cự ly dò tìm của radar Trung Quốc

Bài viết cho rằng, gần đây Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc mang tên "Báo cáo phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc năm 2013".

Mặc dù báo cáo năm 2012 bị một số người chỉ trích cho rằng, so với báo cáo mấy năm trước, báo cáo năm 2012 thiếu chi tiết và nội dung mang tính thực chất, nhưng báo cáo mới năm 2013 toàn diện hơn nhiều, đã tiến hành phân tích cân bằng đối với sức mạnh quân sự Trung Quốc đang nổi lên.

Báo cáo Mỹ rất lo ngại

Tác giả bài báo cho rằng, khi đọc báo cáo này, có một đoạn gây chú ý, nhưng khi đó hoàn toàn không tìm hiểu, nghiên cứu chi tiết hàm nghĩa thực sự trong đó. Một phần chi tiết công bố về "sát thủ tàu sân bay" Trung Quốc (tức tên lửa chống hạm DF-21D) đã gây chú ý.

Báo cáo viết: "Xu thế hiện nay trong chế tạo vũ khí trang bị của Trung Quốc sẽ làm cho Quân đội Trung Quốc có thể triển khai một loạt hành động quân sự ở các khu vực châu Á ngoài Đài Loan, khu vực biển Đông, khu vực Tây Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương trong tương lai.

Các hệ thống trang bị then chốt đã triển khai hoặc đang nghiên cứu phát triển gồm tên lửa đạn đạo (trong đó có phiên bản chống hạm), tên lửa hành trình tấn công đối đất và chống hạm, tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến mặt nước hiện đại và 1 tàu sân bay".

Bài viết chỉ ra, mặc dù cách sử dụng từ ngữ đoạn này hoàn toàn không "chém đinh chặt sắt", nhưng thực sự có khả năng - đó chính là trong tương lai Trung Quốc có thể sẽ nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm tăng mạnh tầm phóng.

Mặc dù theo dự đoán của đa số báo cáo (gồm báo cáo của Bộ Quốc phòng), tầm phóng của tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc "vượt 1.500 km", nhưng xét thấy Trung Quốc có thể nghiên cứu phát triển được tên lửa chống hạm, đã giải quyết được thách thức tấn công tàu di chuyển trên biển (hoàn toàn không phải việc dễ dàng), vì vậy lực lượng tên lửa của Bắc Kinh có thể sẽ bắt đầu tính toán gia tăng tầm phóng cho tên lửa chống hạm.

Tăng cường tính năng, phá vỡ cục diện

Bài viết cho rằng, đúng như Ericson công bố báo cáo trên tờ "China in Brief" gần đây cho rằng: "Nếu hoàn thành triển khai tác chiến tên lửa đạn đạo chống hạm tạo nên thách thức ban đầu, thì Trung Quốc có thể lựa chọn nghiên cứu phát triển phiên bản tên lửa đạn đạo chống hạm khác có đặc điểm khác nhau, rất có thể đóng vai trò bổ sung.

Cùng với việc Trung Quốc đang từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở tình báo dùng để dẫn đường cho tên lửa đạn đạo chống hạm bắn trúng mục tiêu, các phiên bản tương lai có thể nhanh chóng gia nhập lực lượng tác chiến với mức độ bố trí sẵn sàng chiến đấu cao hơn.

Tính tiên tiến trong nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm có thể sẽ trở thành tư tưởng chính của chương trình trang bị của Trung Quốc trong tương lai, điều này hoàn toàn không phải là trường hợp đặc biệt".

Bài viết cho rằng, Trung Quốc nắm giữ thuần thục khả năng công nghệ tên lửa đạn đạo chống hạm, cộng với Trung Quốc sau này có thể nghiên cứu phát triển được phiên bản mới có tầm phóng xa hơn - điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng khu vực rộng lớn, không chỉ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà sẽ còn ảnh hưởng đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Rất nhiều học giả cho rằng, lực lượng chống can dự/ngăn chặn khu vực với hạt nhân là tên lửa của Trung Quốc, xa nhất cũng có thể đưa vũ lực "lan tỏa" tới khu vực cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.500 km, tức là tầm phóng của tên lửa DF-21D. Mặc dù mấy năm gần đây sức mạnh quân sự được tăng cường, nhưng Hải quân và Không quân Trung Quốc đều không thể đưa sức mạnh quân sự "lan tỏa" tới khu vực giữa Thái Bình Dương.

Quả thực, Hải quân Trung Quốc đã xâm nhập Ấn Độ Dương, nhưng ở khu vực tác chiến này Hải quân Trung Quốc rất khó sánh ngang với Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C Trung Quốc

Sở hữu tên lửa đạn đạo chống hạm về lý thuyết có thể tấn công một số khu vực quan trọng, sẽ giúp cho Bắc Kinh có thể đem sức mạnh quân sự "lan tỏa" tới rất nhiều khu vực trên thế giới.

Nếu Trung Quốc có thể triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm, từ đó kiềm chế được Hải quân Ấn Độ, Hải quân Indonesia, thậm chí Hải quân Australia, thì môi trường an ninh khu vực có thể sẽ chuyển biến rất mạnh.

Theo bài viết, điều này cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho Mỹ. Trong giai đoạn hiện nay, Hải quân Mỹ cơ bản an toàn ở khu vực giữa Thái Bình Dương, không có đối thủ cạnh tranh ngang ngửa nào thách thức được vị thế chủ đạo của họ.

Tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm phóng xa hơn có thể sẽ làm cho Quân đội Mỹ mất đi một khu vực an toàn tiềm năng, đồng thời buộc lực lượng tác chiến rời xa hơn các khu vực có tình hình căng thẳng như biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời tiếp tục đe dọa cam kết của Mỹ đối với Đài Loan.

Nhìn ở góc độ lâu dài hơn để xem xét: Khi chấm dứt dựa vào Trân Châu Cảng, Hải quân Mỹ cũng sẽ không an toàn? Đây là một ý nghĩ đáng sợ.

Tiến trình nghiên cứu phát triển có thể tạm dừng

Bài viết chỉ ra, xét tới tất cả tình hình nêu trên, Trung Quốc có thể sẽ muốn tạm dừng nghiên cứu phát triển phiên bản tên lửa đạn đạo chống hạm như vậy. Chỉ có mối đe dọa chung mới có thể đoàn kết các nước có cạnh tranh lợi ích với nhau. Mặc dù quan hệ Ấn-Mỹ ấm lên, nhưng New Delhi không hề chấp nhận hoàn toàn chiến lược chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á của Mỹ như Washington mong muốn.

Ấn Độ phải chăng sẽ thay đổi thái độ, tranh thủ xây dựng quan hệ quân sự vững chắc hơn với Mỹ, thậm chí có thể sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ? New Delhi phải chăng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Nhật Bản và các nước khác gây lo ngại cho Trung Quốc về an ninh, đặc biệt là tham vọng bá quyền của TQ? Quan điểm này hoàn toàn không phải không có khả năng.

Các nước khác của khu vực này phải chăng sẽ có dự định tương tự, cân nhắc tăng cường quan hệ với Washington, bày tỏ quan tâm lớn hơn tới hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ chế tạo, hoặc cân nhắc phát triển lực lượng tên lửa của mình và tăng cường sức mạnh quân sự thông thường? Nhật Bản và Hàn Quốc phải chăng sẽ gác lại quan hệ căng thẳng gần đây, xuất phát từ mối lo ngại chung để xây dựng quan hệ quân sự vững chắc hơn, đề phòng trong lúc nguy cấp Washington không thể dễ dàng ra tay cứu giúp?

Thực sự mà nói, tình hình này có thể còn rất xa. Trung Quốc có thể sẽ không ý thức được tính cần thiết nâng tầm phóng cho "sát thủ tàu sân bay" , đồng thời thỏa mãn với sự tăng trưởng sức mạnh quân sự liên tục của họ trên các lĩnh vực.

Có quan điểm cho rằng, Bắc Kinh có thể thậm chí không nắm chắc công nghệ tên lửa đạn đạo chống hạm hiện có. Nhưng, điều có thể xác định là, công nghệ tên lửa, bất kể là tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình, đều sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn cho hạm đội tàu chiến mặt nước trong tương lai, cho dù không phải là "sát thủ tàu sân bay".


Việt Dũng