Sử sách Việt Nam ghi nhận câu chuyện Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) lãnh đạo dân chúng lấn biển, khai hoang, lập ra hai huyện Tiền Hải - Thái Bình và Kim Sơn - Ninh Bình.
Thủa mới khai hoang mở đất, Kim Sơn chỉ có 1.200 nhân khẩu, đến nay huyện này có 27 xã, thị trấn, chiều dài của huyện tính từ xã Xuân Thiện (giáp Yên Khánh) tới xã Kim Đông (giáp biển) là 32 km, chiều rộng tính từ xã Lai Thành (giáp Thanh Hoá) đến Thượng Kiệm (giáp sông Đáy) là 8,5 km.
Kim Sơn ngày nay rộng trên 213 km2 và có trên 175 nghìn nhân khẩu. [1]
Thế giới hiện đại ghi nhận câu chuyện “mở mang bờ cõi” của “con rồng châu Á” Singapore.
Cùng với việc nhập khẩu cát, đất từ nước ngoài, lấy đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển, việc sử dụng chất thải bồi lấp đã nâng diện tích quốc gia thành phố này từ 581,5 km² lên 719,1 km2.
Có dấu hiệu làm giả hồ sơ nguồn gốc cát ở dự án lấp biển lớn nhất miền Trung |
Một chương trình truyền hình quốc tế đã giới thiệu hoạt động của một nhóm sinh viên Singapore tại “đảo rác” Semakau.
Đây là hòn đảo được chính quyền chọn làm nơi chôn rác thải sau khi chế biến.
Theo ước tính mỗi ngày quốc gia này thải ra khoảng hơn 20.000 tấn rác.
Số rác được tái chế chiếm 60%, số còn lại khoảng gần 8.000 tấn được đốt thành tro và hơn 500 tấn không thể đốt hoặc tái chế.
Tro và rác không tái chế được mang ra đảo chôn lấp.
Các sinh viên được yêu cầu quan sát hoạt động của sinh vật biển ven bờ tại khu vực chôn lấp chất thải, hình ảnh quay được cho thấy cỏ biển, sao biển, rạn san hô, cua, tôm và một số loài thủy sinh phát triển rất tốt, hòn đảo rác này đã trở thành điểm du lịch cho những người muốn tìm hiểu tự nhiên như tìm hiểu đa dạng sinh học ven bờ, lội nước trong các bãi sú, vẹt…
Tại Việt Nam trong khi xảy ra chuyện hút trộm cát từ Cửa Đại, Quảng Nam mang ra Đà Nẵng bán cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng khu đô thị thì Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đang cho phép thực hiện một công việc hết sức khó hiểu.
Ngày 23/6/2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc ký Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 chất nạo vét luồng phục vụ nhà máy này xuống khu vực biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Khu vực biển dự kiến sẽ được nạo vét phục vụ cho việc xây dựng hoạt động của nhà máy Vĩnh Tân 1. (Ảnh: Tiến Thành/VnExpress.net) |
Tiếp đó Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (thực chất là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2) cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét (cách khu bảo tồn Hòn Cau khoảng 10 km).
Theo lý giải của chính quyền địa phương được VnExpress.net đăng tải thì “Nó (chất thải nạo vét) không chứa chất độc hại hay phóng xạ vượt chuẩn Việt Nam. Khối lượng trên không thể đổ lên đất liền vì có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường". [1]
“Không chứa chất độc hại hay phóng xạ vượt chuẩn Việt Nam” nghĩa là có chứa nhưng chưa vượt chuẩn hay hoàn toàn không chứa?
Nếu có chứa nhưng chưa “vượt chuẩn” thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương đã đánh giá tác động đến môi trường chưa khi cả triệu tấn chất thải đổ xuống một chỗ?
Đổ lên đất liền gây nhiễm mặn đất đai thì có thể hiểu, điều kỳ lạ là chính quyền địa phương sợ đổ lên đất liền “gây ô nhiễm môi trường” nên đồng ý cho đổ xuống biển và theo lý của họ môi trường biển sẽ không bị ô nhiễm?
Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường |
Quả là một sự lý giải không thể kỳ lạ hơn?
Nếu những người làm Tài nguyên - Môi trường chịu khó đọc lại lịch sử đất nước hoặc tìm hiểu cách làm của Singapore, chắc chắn họ sẽ có phương án tốt nhất trong việc xử lý chất thải nạo vét tại khu vực các nhà máy nhiệt điện đã và sẽ đưa vào hoạt động.
Thay vì đổ xuống biển, cũng là để không làm nhiễm mặn đất, hãy lựa chọn một khu vực ven biển để đổ chất thải, tốt nhất là chở ra Đà Nẵng bán cho cơ sở san lấp mặt bằng.
Với tổng chất thải nạo vét vào khoảng 3,4 triệu mét khối, nếu chở ra Đà Nẵng bán cho doanh nghiệp đang lấn biển thay thế cho việc mua trộm cát, dễ dàng thấy rằng nếu chiều sâu bồi lấp là 2,5 mét thì số chất thải này có thể bồi lấp một diện tích có kích thước 3.400 x 400 mét.
Quả là lý tưởng nếu có mảnh đất dài 3,4 km rộng 400 mét ngay bên bờ biển.
Có thể có người sẽ cho rằng không kinh tế vì vận chuyển quá xa. Nên biết Singapore từng đưa tàu ra nước ngoài mua cát từ việc nạo vét luồng lạch trên biển của một nước khác đem về bồi đắp thêm diện tích, thế thì con đường mà họ phải đi là xa hay gần?
Nếu người ta có thể đi quá xa như vậy thì việc chở chất nạo vét từ Bình Thuận ra Đà Nẵng tại sao Việt Nam không thể làm?
Trả lời câu hỏi này có thể có hai lý do:
Thứ nhất, nếu chất nạo vét gần khu vực nhà máy có chứa các thành phần độc hại rò rỉ từ nhà máy được đổ ven bờ thì rất dễ bị phát hiện.
Thứ hai, vận chuyển đi xa chắc chắn sẽ tốn kém, ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị kinh doanh.
Nên biết “nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào tháng 7/2015, có công suất 1.200 MW với 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư 1,75 tỷ USD, theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). [2]
Người Việt không lạ hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông, để tối đa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp BOT đã gây bức xúc cho người dân trong việc đặt trạm thu phí như ở cầu Bến Thủy, cầu Rác, cầu Việt Trì,…
Doanh nghiệp Việt còn thế thì không thể không đặt câu hỏi với doanh nghiệp láng giềng, khi người ta đang xuất khẩu công nghệ lạc hậu sang các quốc gia nghèo hơn, vừa nhằm cải thiện môi trường nội địa, vừa thu lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Chuyện về "thanh tra môi trường” ở hồ nước thải Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Ngay tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, ô nhiễm không khí đã đến mức báo động đỏ thì việc quan tâm đến ô nhiễm môi trường nước khác ở mức nào?.
Liệu các các chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương đã được trang bị đầy đủ cả về nhận thức lẫn cơ cấu phòng vệ nhằm bảo vệ thiên nhiên, môi trường đất nước mình?
Ngày 24/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam. Xin trích dẫn ý kiến của Thủ tướng:
“Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy về vấn đề môi trường. Phát triển kinh tế với gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”. [3]
Trở lại câu chuyện nhấn chìm chất thải ở vùng biển Vĩnh Tân, một bài viết trên báo điện tử Thanhnien.vn cho biết:
“Số liệu của tổ chức này (Tổ chức Hàng hải quốc tế - IMO) tổng hợp, lượng bùn thải đã giảm từ 21 triệu tấn năm 1975 xuống còn 1 triệu tấn vào năm 2009.
Nghĩa là lượng thải của cả thế giới hằng năm hiện nay cũng chỉ tương đương với lượng bùn thải xuống biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thải xuống biển”. [4]
Cứ cho việc nạo vét luồng lạch là cần thiết, nhưng với doanh nghiệp này, chúng ta có nên quá dễ dãi khi cho phép họ đổ chất thải nạo vét xuống ngay cạnh khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda là “những khu vực có các rạn san hô quý hiếm và hệ sinh thái rạn san hô với đa dạng sinh học rất cao”. [4]
Khi một lượng chất thải lớn như vậy đổ xuống biển, chắc chắn đáy biển sẽ bị bao phủ kín trên một diện tích không xác định bởi trong lòng biển luôn tồn tại các dòng hải lưu, các sự nhiễu động từ thiên nhiên như thủy triều, dông bão…, lấy gì đảm bảo các chất thải này không bị khuếch tán sang khu bảo tồn biển Hòn Cau?
Làm gì trước nguy cơ “Death by China - Chết bởi Trung Quốc” |
Nếu chất nạo vét là không độc hại, tại sao không nghĩ đến việc san lấp ngay ven bờ mở rộng diện tích như cụ Nguyễn Công Trứ đã làm hay như tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện.
Nói đến Quảng Ninh, những ai từng sống ở thành phố Hạ Long mấy chục năm trước đều biết khu vực Bãi Xít - từ cột đồng hồ trung tâm về phía cầu Kinh Liêm, Cọc 3, Cọc 5 vốn là bãi xú vẹt xình lầy, đất đá từ các khai trường than Hà Tu, Hà Lầm,… được vận chuyển ra đây bồi lấp.
Ngày nay đó là đoạn đường đẹp nhất thành phố với những công trình công cộng mọc lên ven núi đá vịnh Hạ Long.
Nếu phải đổ ra biển, sao không mang ra cách bờ hàng trăm cây số, nơi có độ sâu hàng trăm mét mà lại đổ ngay sát khu bảo tồn?
Người viết cho rằng những người ra quyết định hình như vẫn chưa “thấu cảm” - theo cách viết trong đề Văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo - ý kiến rất rõ ràng của Thủ tướng, vẫn cố tình làm cái việc mà dư luận xã hội không ủng hộ.
Đừng để câu chuyện “băm nát Sơn Trà” lặp lại một lần nữa chỉ vì cách nhìn cục bộ, càng không thể để tư duy nhiệm kỳ chi phối cách nghĩ, cách làm - nói như báo Thanhnien.vn “không thể nói việc cấp phép là đúng luật”.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://baoninhbinh.org.vn/nguyen-cong-tru-voi-sy-nghiep-mo-dat-kim-son-20090102100000000p1c87.htm
[4] http://thanhnien.vn/thoi-su/viet-nam-se-lap-ky-luc-xa-thai-xuong-bien-853877.html