Chuyện “tay nhúng chàm” và loài Smart-dê

29/01/2015 07:15
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Chuyện “tay nhúng chàm” của người làm công tác chống tham nhũng là những người thuộc về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chạy theo danh lợi, tiền tài...

“Tay nhúng chàm không thể chống tham nhũng”, câu nói này đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu vào ngày 4/2/2013 tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng [1] và ngày 16/1/2015 tại hội nghị của VKSND Tối cao, Tổng Bí thư nhắc lại: “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng”. [2]

Chuyện “tay nhúng chàm” của người làm công tác chống tham nhũng được Tổng bí thư đặc biệt nhấn mạnh hẳn phải có lý do nào đó. Vấn đề là những người thuộc về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã nêu, không có hay có bao nhiêu phần trăm đang trực tiếp làm công tác phòng chống tham nhũng?

Ông Nguyễn Đức Hà - Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết TƯ4 cho biết, trong ba năm qua, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 50.000 đảng viên [3]. Từ số liệu ông Hà cung cấp, kết hợp với ý kiến nhấn mạnh của Tổng Bí thư, khả năng không có người “tay đã nhúng chàm” trong các cơ quan phòng chống tham nhũng là điều không mấy người dám khẳng định. Nói thế là bởi vì thực tế chỉ khi bị lộ (như các nguyên ủy viên TƯ  Trần Văn Truyền, Hồ Xuân Mãn…) người dân mới được biết họ tham không phải chỉ là đất đai, nhà cửa mà còn tham cả danh hiệu thi đua.

Thông cáo báo chí của Thanh tra Chính phủ cho thấy, chỉ năm 2014 [4], đã phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc.

Chuyện “tay nhúng chàm” và loài Smart-dê ảnh 1Rơi nước mắt đi tìm “Bộ phận không nhỏ”

(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi,Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được

Theo số liệu của Ngân hàng chính sách xã hội, năm 2014 Việt Nam có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã [5], với hơn 50.000 đảng viên bị kỷ luật, chia bình quân mỗi xã có khoảng 05 người.  Thời kháng chiến chống Mỹ, chúng ta nói “ra ngõ gặp anh hùng”, ngày nay nếu nói đến xã là gặp người bị kỷ luật liệu có quá đáng? Vì sao kỷ luật nhiều đảng viên như thế (hơn 50.000 người) mà tham nhũng không có dấu hiệu suy giảm? 

Có phải vì năm con dê (Ất Mùi) sắp đến nên cánh phóng viên muốn tìm “câu chuyện hót” liên quan đến “dê” cho độc giả khỏi phải nhức đầu về chủ đề “cướp, hiếp, giết, chân dài, vòng một khủng…”? Ấy là chuyện Bí thư huyện ủy Thạch Thành, Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Quý để cho 12 con dê xóa đói giảm nghèo của dân “sống nhầm” trong trang trại của mình?

Có trách thì phải trách UBND Thị xã Bỉm Sơn sao không tặng bà con miền núi Thạch Thành loại dê “chậm tiếp thu” mà lại tặng loại Smart-dê (dê thông minh). Vì là Smart-dê nên đương nhiên là chúng thông minh, chúng biết chọn cái trang trại nhà ngang dãy dọc, mái ngói đỏ tươi để mà “thờ phụng” giống như câu “Chim khôn chọn cành mà đậu, người khôn chọn chủ mà thờ”. 

Bị báo chí phanh phui ông Bí thư mới “ngớ ra” là mình “bị nhầm” nên đã quyết định trao trả 12 con Smart-dê cho bà con nghèo. Thật tội nghiệp, bà con nghèo cái nhà để ở còn chẳng ra gì thì lấy đâu trang trại hoành tráng cho dê ở? Dù bà con có cố nuôi nhưng biết đâu bọn Smart-dê lại chẳng “ngựa quen đường cũ”, lại tìm đến cái khu sinh thái giữa rừng nào đó chứ tội gì chúng lại tự gông vào cổ cái danh hiệu “loài dê xóa đói giảm nghèo”?

Nên biết rằng ngày xưa tận bên xứ Tầu, một vị vua có hàng ngàn cung nữ, đám hoạn quan nghĩ kế mỗi đêm để vua ngồi chiếc xe do con dê già kéo, đám cung nữ tìm đủ loại lá ngon để trước cửa buồng, dê ăn lá ở buồng nào thì đêm đó chủ buồng coi như trúng số độc đắc vì được vua ban “mưa móc”. Dê “cao quý” đến nỗi cung nữ trong cung vua còn phải cầu cạnh cho nên dù bác bí thư Thạch Thành không muốn thì đám “đệ tử” chỉ cần rải ít lá trước cửa nhà bác là xong chuyện!

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu…”, quả thật tìm được rồi chụp ảnh cái trang trại của ông Đỗ Minh Quý ở giữa rừng chắc phải tốn khối công sức, trèo đèo lội suối có khi lại còn sứt đầu mẻ trán. Sao cánh nhà báo lại không làm tiếp cái chuyện “đã trót thì phải trét”, tìm thêm cái “tổ ấm nho nhỏ” của bác ấy ở huyện mà giới thiệu cho bà con học tập cách “xóa đói giảm nghèo” của ông Bí thư Đỗ Minh Quý, làm được thế thì quý hóa biết mấy, lúc đó chuyện mấy con Smart-dê chỉ còn là muỗi, ai rỗi hơi mà bàn luận.

Từ chuyện ông Bí thư huyện ủy Thạch Thành và 12 con dê, có lẽ nên sửa câu nói của người xưa thành: “Dê khôn chọn nhà ông Bí, dân khôn đừng phí công chờ”.

Trang trại của Bí thư huyện ủy Thạch Thành Đỗ Minh Quý (ảnh Vietnamnet 23/1/2015)
Trang trại của Bí thư huyện ủy Thạch Thành Đỗ Minh Quý (ảnh Vietnamnet 23/1/2015)

Sở dĩ nói chuyện mấy con Smart-dê ở Thạch Thành, Thanh Hóa chỉ là “muỗi” vì đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, còn chuyện ở tỉnh hoặc to hơn tỉnh mới không phải là “muỗi”. Chẳng hạn chuyện nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam, thiếu tướng Phan Như Thạch xây biệt thự không phép ở chân núi Hải Vân.

Tuoitre.vn viết “làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, gia đình ông Thạch và ông Quang đều thừa nhận sai trái…”. [6] Với những điều mà báo chi công bố, có thể nói tướng Thạch thuộc về một “bộ phận không nhỏ” nhưng không phải là “không biết nằm ở đâu”.

Nhưng biết là một chuyện, biết rồi làm gì lại là chuyện khác. Vấn đề ở đây thuộc về hai phía, người vi phạm và cơ quan xử lý vi phạm.

Một vị thiếu tướng, từng đứng đầu ngành công an một tỉnh, biết việc mình làm là sai trái nhưng vẫn cứ làm, làm sai rồi nhưng lại không muốn sửa sai, đây là sự thoái hóa, biến chất của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” hay tại người mình nó thế?

Chuyện “tay nhúng chàm” và loài Smart-dê ảnh 3Hoa cải, lá cải và … củ cải

(GDVN) - Chỉ có nhờ rau răm mà món dưa cải bắp- rau cần mới dậy mùi, mới đúng hương vị. Và có lẽ vì thế nên chỉ có rau răm mới có thể làm cho củ cải mọc tai?

Người ta không khỏi cảm thấy tiếc cho tướng Thạch, nếu ông tự phá dỡ công trình, tuân thủ các quy định của pháp luật thì dù có bỏ mất một vài tỷ nhưng đổi lại ông không làm khó dễ cho đồng chí, đồng liêu, cho lãnh đạo thành phố, không làm cho con cháu sau này phải mang tiếng và bản thân sẽ nhận được sự thông cảm của nhân dân. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” là điều cổ nhân đã dạy, tiếc rằng làm đến tướng như ông Thạch nhưng hình như lại chưa biết đến lời răn này. Vì một số tiền không phải là quá lớn mà bỏ mất thanh danh cả đời liệu có nên chăng?

Còn về chính quyền thành phố Đà Nẵng, chắc các vị phải rất tự hào khi nhắc đến Đà Nẵng là người ta nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của” và “có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị).

Không hiểu việc lấy đất công xây nhà riêng bất chấp pháp luật của tướng Thạch có được xem là vi phạm nếp sống văn hóa, văn minh đô thị không?

Điều dư luận phần nào yên tâm là ngay sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định “không sợ đụng chạm nếu giải quyết các vụ việc theo đúng pháp luật”. Hy vọng ông Thơ sẽ chọn vụ tướng Thạch và công dân Ngô Văn Quang làm vụ đột phá khởi đầu nhiệm kỳ Chủ tịch của mình.

Tạo nên thương hiệu “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” là công sức mà nhân dân và chính quyền thành phố đổ nhiều mồ hôi, công sức, liệu có nên vì một cá nhân mà thay đổi thương hiệu Đà Nẵng chỉ còn là thành phố “5 không-2 có”?

Thật vui là ngày hôm qua, 28/1, Đà Nẵng đã có quyết định xử lý tháo dỡ biệt thự trái phép của Tướng Thạch, đồng thời ông tướng còn bị phạt tiền và buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu ông không làm, chính quyền làm thì ông phải trả thêm tiền. 

Cả hai vị, Bí thư huyện ủy Quý và Tướng Thạch theo cách nói của Tú Xương trong bài thơ “Chúc tết” đều “bồng bế nhau lên, nó ở non”, đều muốn tránh xa “bụi trần”. 

Còn ông Trần Văn Khâm, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Thái Nguyên thì không thèm lên non, ngay tại trung tâm của thủ đô cách mạng, ông coi quyết định xử phạt của UBND thành phố Thái Nguyên không hơn tờ giấy lộn, chẳng thế mà ông cứ xây, cứ lấn và giờ thì ông đã dọn vào ở.  Với vị quan cấp tỉnh như ông Khâm, chính quyền thành phố Thái Nguyên chắc cũng chỉ như cấp huyện, cấp “muỗi”, cấp phường thì lại còn dưới “muỗi” một bậc nên cứ việc makeno?

Không biết ông Khâm có thuộc diện 50.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật vừa qua không? Nếu ông chưa hề bị kỷ luật thì phải xem có bao nhiêu “tay đã nhúng chàm” ở tỉnh ủy Thái Nguyên chống lưng cho ông chứ chẳng lẽ một mình ông dám cả gan chống lại chính quyền thành phố?

Để kết thúc xin nhắc lại một nhận định mà người viết đã từng nêu “Nhà dột từ nóc vẫn còn có khả năng sửa chữa, nước ngập tới nóc mới là thảm họa vô phương cứu chữa”.

Liệu tình trạng nhiều cán bộ đảng viên, ở cơ sở cũng như cấp cao “tay đã nhúng chàm” đã đến mức “nước ngập tới nóc”?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/108404/tong-bi-thu--tay-nhung-cham-khong-the-chong-tham-nhung.html

[2] http://m.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/217040/tong-bi-thu--khong-khoan-nhuong-voi-tham-nhung.html

[3] http://vov.vn/chinh-tri/khong-chi-dung-o-viec-ky-luat-hon-50000-dang-vien-377946.vov

[4] http://thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/ThongBao/View_Detail.aspx?ItemId=89

[5] http://vbsp.org.vn/

[6] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150123/vua-xu-ly-vua-cho-ton-tai/702453.html

XUÂN DƯƠNG