Phải làm gì khi gặp "em anh Thăng"?

27/01/2015 09:38
GIA BẢO
(GDVN) - Đã có một số cá nhân khi liên hệ công tác, làm việc lại xưng danh là người thân, quen của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Ngày 26/1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có thông báo gửi các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng, các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở GTVT về hiện tượng lợi dụng trong công tác.

Theo đó, thời gian gần đây Bộ GTVT nhận được thông tin phản ánh về hiện tượng có một số người đến (hoặc gọi điện thoại đến) các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở GTVT để liên hệ công tác, làm việc và xưng danh là người thân, quen của đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh: VNE)
Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh: VNE)

“Việc làm này là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đồng chí Bộ trưởng cũng như công việc chung của Bộ; đồng thời gây phiền hà đối với các cơ quan, đơn vị”, công văn nêu rõ.

Để tránh tình trạng lợi dụng uy tín của đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT nhằm mưu lợi cá nhân, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, cũng như giữ gìn kỷ cương trong thực thi công vụ, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị lưu ý:

Không tiếp, làm việc và giải quyết bất kỳ yêu cầu nào của các đối tượng trên; khi xuất hiện những việc nêu trên, cần báo ngay cho Văn phòng Bộ GTVT và cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây không phải lần đầu các quan chức cấp cao bị lợi dụng uy tín.

Từng có "cháu Tướng Nhanh"

Trước đó vào tháng 12/2011, có một đôi nam nữ còn tự xưng là cháu Tướng Nhanh – Nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, sau đó họ còn nhổ nước bọt vào tổ công tác.

Theo Vietnamnet, sự việc xảy ra vào khoảng 15h ngày 13/12/2011 - khi lái xe BMW X6 màu đen, không biển kiểm soát, chở 4 người trên xe đi từ hướng Âu Cơ - Đường Thanh Niên (Hà Nội) bị Tổ công tác Y4/141 CAHN ra hiệu lệnh dừng xe.

Trung tá Vũ Văn Ngoại – Đội phó Đội CSGT số 4, Tổ trưởng tổ Y4/141 CA Hà Nội đã yêu cầu chiếc xe trên dừng lại để kiểm tra. Vừa xuống xe, nam thanh niên lái xe và phụ nữ ngồi ghế phụ lập tức giới thiệu là người nhà bác Nhanh (tức Giám đốc công an Hà Nội khi đó) và anh Chung (Phó Giám đốc Công an Hà Nội – hiện là Giám đốc Công an Hà Nội).

Khi Tổ công tác hỏi quan hệ thân thiết với Ban giám đốc Công an thành phố như thế nào, thì đôi nam nữ này đùng đùng bỏ đi nơi khác, với lý do… bận họp. Sau đó, họ quay trở lại với thái độ bất hợp tác, có những lời lẽ xúc phạm người đang thi hành công vụ.

Đối tượng Nguyễn Thanh Quang tự xưng là cháu tướng Nhanh ký vào biên bản vi phạm (Ảnh: VNN)
Đối tượng Nguyễn Thanh Quang tự xưng là cháu tướng Nhanh ký vào biên bản vi phạm (Ảnh: VNN)

Phải làm gì khi gặp "em anh Thăng"? ảnh 3

Ngành giao thông: Từ tướng đến quân đều “gặp hạn” đầu năm

(GDVN) - Từ Bộ trưởng Đinh La Thăng tới Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường…đều gặp phải những chuyện không ai mong muốn từ những ngày đầu năm.

Rất nhiều người dân chứng kiến hành vi vô văn hóa, coi thường luật pháp của lái xe này đã đề nghị: “Phải cho thằng mất dậy kia một bài học”.  Sợ bị người dân “đòi xử”, lái xe đã cắp cặp lẩn đi nơi khác.

Thấy vậy, người phụ nữ ngồi ghế phụ tiếp tục rút điện thoại gọi “người thân” khác và đề nghị cán bộ CSGT nói chuyện. Trả lời điện thoại, đồng chí CSGT đã nói với người ở đầu dây bên kia không can thiệp cho trường hợp này, bởi thái độ bất hợp tác, thiếu văn hóa, gây khó cho lực lượng. Đồng chí CSGT cũng nói, lãnh đạo công an thành phố chỉ đạo phải xử lý nghiêm trường hợp này...

Tinh tướng bất thành, các đối tượng lại bỏ đi, không ký vào biên bản... Buộc lòng, CSGT tiến hành niêm phong xe, lập biên bản tạm giữ phương tiện, lấy chữ ký của các nhân chứng và gọi xe cẩu tới hiện trường. 

Giả danh con trai lãnh đạo Hà Nội, chiếm đoạt 15.000 USD

Theo VOV, ngày 18/11/2014, TAND TP Hà Nội cũng đã đưa Nguyễn Tiến Anh (SN 1990, trú phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) ra xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Tiến Anh được xác định là giả danh con của một lãnh đạo ở Hà Nội để chiếm đoạt 15.000 USD.

Nguyễn Tiến Anh tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: VOV)
Nguyễn Tiến Anh tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: VOV)

Thông tin tại phiên tòa, Nguyễn Tiến Anh biết Chi cục quản lý thị trường Hà Nội có nhiệm vụ bán đấu giá thanh lý sản phẩm nhãn mác Gucci trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Đây là sản phẩm bị tịch thu trong vụ điều tra kinh doanh trốn thuế tại Công ty Milanno- Vina.

Tiến Anh tìm gặp lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tự giới thiệu là Thanh - con trai của một lãnh đạo ở Hà Nội và đề nghị mua lô hàng thanh lý nói trên.

Tin tưởng Tiến Anh, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội giới thiệu Tiến Anh với cán bộ Đội quản lý thị trường số 14 – Hà Nội để làm việc về lô hàng Gucci thanh lý.

Tuy nhiên, do được định giá 30 tỷ đồng, nên Tiến Anh chưa thỏa thuận được việc mua bán.

Ngày 24/6/2013, Tiến Anh đang ở Singapore gọi điện cho cán bộ Đội quản lý thị trường số 14 – Hà Nội hỏi vay 15.000 USD với lý do cần tiền chữa bệnh.

Mọi thủ tục chuyển tiền được vị cán bộ quản lý thị trường này hoàn tất ngay trong ngày đó.

Khoảng 1 tuần sau, khi vị cán bộ quản lý thị trường số 14 gọi điện hỏi việc chữa bệnh và nhắc trả tiền, Tiến Anh khất lần. Sau vài lần mất liên lạc với Tiến Anh, cán bộ quản lý thị trường số 14 mới vỡ ra, kẻ mình cho mượn tiền không phải là con của một lãnh đạo Hà Nội.

Trước đó, vào tháng 9/2013, ở TP. HCM cũng đã có một vị phó giám đốc tên Bình tự xưng là con nuôi cán bộ cấp cao để lừa chạy dự án. Tuy nhiên, hành vi lừa đảo của hắn đã sớm bị công an lật tẩy.

Bình luận về hiện tượng này, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nêu quan điểm: “Việc có kẻ mạo danh con cháu cán bộ cấp cao không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả thế giới cũng có. Ở Việt Nam, không phải bây giờ mới xuất hiện hiện tượng này. Từ thời phong kiến, chống Pháp, chống Mỹ ở ta đã xuất hiện hiện tượng trên”.

Nói về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, Tướng Cương cho rằng, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, có thể nói quan liêu, tham nhũng trong cơ quan công quyền còn nặng nề, xã hội cũng có bao nhiêu vấn đề phức tạp khác nên mới xảy ra hiện tượng trên.

“Tất nhiên, một số đối tượng lợi dụng uy tín của lãnh đạo cấp cao, đặc biệt mấy vị đang nổi là để chuộc lợi, mưu cầu này kia, đạt được những mục đích không chính đáng. Điều đó cho thấy một số cơ quan công quyền của ta còn kém. Nếu cứ tôn trọng sự thật, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật thì ai lợi dụng được?”, Tướng Cương nhấn mạnh.

Cũng theo Tướng Cương, muốn chấm dứt tình trạng này, những cơ quan nào tiếp nhận thông tin: tôi là bạn, người thân, người quen của ông Đinh La Thăng hay bất kì vị quan chức nào khác…cần kiểm chứng thông tin rồi để đấy.

“Còn một khi đã bị lợi dụng, chứng tỏ phẩm chất, năng lực của người tiếp nhận thông tin trên kém bởi họ đã không làm việc theo đúng các quy định của pháp luật. Nếu họ không sợ bóng, sợ vía cấp trên và cứ làm việc theo đúng quy định của pháp luật thì chẳng có ai lợi dụng được cả”, Tướng Cương khẳng định.

GIA BẢO