“Hoang tin - cùi bắp” và công cuộc xóa nạn “mù họ”

18/08/2016 08:27
Xuân Dương
(GDVN) - Vì sao “cái vi tính” lúc thì dốt, lúc lại khôn thế? Nó chỉ hiểu “tiếng anh, tiếng em” mà không chịu hiểu “tiếng dân”...

“Hoang tin” xảy ra tận biên giới phía Bắc, “hoang tin” là chuyện công an huyện Si Ma Cai gửi thông báo tới các cơ sở trong huyện, rằng theo thông tin từ Công an tỉnh “trong 6 tháng đầu năm 2016 có 16 vụ bắt cóc người, lấy nội tạng xảy ra ở vùng biên giới”.

Cảnh báo cho dân các mối nguy hiểm rình rập là cần thiết, song không có nghĩa là tung tin thất thiệt để rồi sau đó phải đính chính.

Biết đâu chính chúng ta rơi vào âm mưu mà nước ngoài chuẩn bị nhằm làm bất ổn xã hội, khiến người dân vùng biên không dám đi lại, tạo nên một dải biên giới vắng bóng người, phục vụ các mục đích do thám, phá hoại?

Công văn gây hoang mang của Công an huyện Si Ma Cai, Lào Cai (Ảnh: nld.com).
Công văn gây hoang mang của Công an huyện Si Ma Cai, Lào Cai (Ảnh: nld.com).

“Cùi bắp” là chuyện anh Dương Trọng Tiến, người sửa chữa và buôn bán “điện thoại cùi bắp” (ngoài Bắc gọi là điện thoại Cục gạch) ở quận 10 thành phố Hồ Chí Minh bị lập biên bản, bị dọa khởi tố vì tội kinh doanh trái phép.

Nếu sửa chữa, buôn bán điện thoại “cùi bắp” bị khởi tố thì bao nhiêu người trên toàn lãnh thổ Việt Nam  sẽ bị khởi tố, bao nhiêu người sẽ mất kế sinh nhai, thậm chí còn dính vòng lao lý?

Tạo nên một vụ việc trái pháp luật có phải chỉ là sự yếu kém nghiệp vụ hay còn là vấn đề đạo đức công vụ?

Liệu các vụ “cà phê xin chào”, “lều vịt”, “cùi bắp”… chỉ là sự kiện lẻ tẻ xảy ra nơi này nơi khác hay nó vốn bình thường mà trước đây báo chí ít nêu nên người dân ít thấy?

Có một điều không lạ là tác nhân gây nên hai sự kiện “ở hai đầu đất nước” có nét gì đó như câu thành ngữ “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, ấy là lỗi đều dính đến “cái vi tính”?

Sự xa cách về địa lý không làm các sự kiện này tách rời nhau bởi có những điều giống nhau như cùng một đạo diễn.

Sau khi tin tức lan truyền, lý do mà các cơ quan công quyền biện giải sao lại giống như nhiều cơ quan trước đây đến thế?

“Hoang tin - cùi bắp” và công cuộc xóa nạn “mù họ” ảnh 2

Mạn đàm về "sự im lặng của những người tử tế!"

Nguyên nhân của “hoang tin” là do “có sai sót trong khâu soạn thảo văn bản” còn của “cùi bắp” là do “in nhầm dữ liệu máy tính”.

Trong kho “thời trang lỗi” mà cơ quan chủ quản to nhất nước quản lý, lỗi của “cái vi tính” thật đa dạng như “lỗi phông chữ”, “lỗi đánh máy”, “lỗi tìm kiếm”… 

Trong nhóm “lỗi tìm kiếm”, có một lỗi khiến “đất nước đội sổ”, đó là lỗi “tìm người tài”.

Đến mức, có ý kiến cho rằng hễ cứ động đến “tìm người tài” là bị báo lỗi, là “không tìm thấy”, có lúc còn nhận được thông báo “bạn gõ sai từ khóa” hoặc “từ khóa “người tài” chưa có trong từ điển, bạn có muốn thêm từ này vào từ điển hay không”…?

Có một điều gần như chắc chắn không ít vị “thượng công bộc” không hề mắc lỗi như mấy ông Giáo sư – Tiến sĩ khi sử dụng công cụ “vi tính” để “tìm người nhà”, bằng chứng là báo chí đã đề cập đến “Họ Vũ ở Bộ Công thương”, hoặc “Cả huyện cửa đóng then cài đi dự đám tang…”.

“Hoang tin - cùi bắp” và công cuộc xóa nạn “mù họ” ảnh 3

Những sai lầm “vụn vặt”: Công tác cán bộ

Cả huyện đi dự đám tang vì không gần thì xa, đa số đều có họ, còn huyện nào thì xin hỏi “cái vi tính” sẽ tìm được hàng loạt kết quả.

Vì sao “cái vi tính” lúc thì dốt, lúc lại khôn thế?

Vì sao nó chỉ hiểu “tiếng anh, tiếng em” mà không chịu hiểu “tiếng dân”, vì sao môn ngoại ngữ “tiếng quan” thì “vi tính” giỏi thế?

Câu trả lời có lẽ phải tìm ở những người hỏi.

Khi vị Tiến sĩ đọc từ “file” - vốn là thuật ngữ cơ bản của cái “vi tính” - thành “phi le” thì lẽ ra “vi tính” phải hiểu ngay đó là “tệp” chứ không phải là phần lườn lọc ra từ hai bên con cá.

Cũng giống như khi vị Phó giáo sư bảo “Ta bờ le” (Table-tiếng Anh) thì phải hiểu ông ấy định nói “cái bàn” bằng tiếng “Ăng-lê” chứ không phải ngài định hô con cháu “tát bờ lẹ” khi tát cá ao nhà!

Đây là lúc cái “vi tính” lòi ra sự dốt của mình. 

Biếm họa công chức của vov.vn
Biếm họa công chức của vov.vn

Còn chuyện buôn bán “cùi bắp” biến thành buôn “ngoại tệ” thì rõ ràng là “vi tính” rất thông minh, rất hiểu “tiếng quan” nên mới cho ra những kết quả mà thường dân không đủ trình độ hiểu?

Có thể bạn đọc sẽ hỏi mấy tiếng Ăng lê của “vi tính” sao lại quy về cá?

Chẳng qua là những ngày này, tâm trí người Việt đều hướng về vùng biển bốn tỉnh miền Trung, ở nơi ấy đồng bào ngư dân mình bao nhiêu người vẫn đi đánh cá, nơi ấy cá có thể ăn cùng với cơm?

Và còn nữa, liệu “bữa cơm có cá” có còn là mơ ước của trẻ con vùng cao nếu chẳng may người làm từ thiện mua nhầm cá từ bốn kho đông lạnh bị nhiễm độc cadimi ở Hà Tĩnh mà chính quyền nơi này “không đủ kho để chứa và cũng không có kinh phí để thu gom” khiến chủ kho “buộc” phải bán gần hết số cá nhiễm độc ra thị trường?

Cái “bộ phận không nhỏ” thời nay, một bộ phận cũng không nhỏ “nguyên khí quốc gia” thời nay sao lại thế?

“Hoang tin - cùi bắp” và công cuộc xóa nạn “mù họ” ảnh 5

Đất nước của những người không rơi nước mắt

(GDVN) - Đã không “mắc” thì sợ gì mà không nói, nói mà người nghe cười sung sướng, chả ai rơi nước mắt thì tội gì mà không nói.

Đấy là bởi vì một bộ phận không nhỏ “thượng công bộc” tài năng đều thuộc hàng siêu việt, đặt vào vị trí nào cũng làm tốt, lãnh đạo tập đoàn hay lãnh đạo tỉnh, đi địa phương hay ngồi hành chính, làm thầy giáo hay hoạch định chính sách môi trường đều “không vấn đề”.

Cơ quan nào cũng thế, cứ đến kỳ tổng kết là phần đầu báo cáo bao giờ cũng đầy thành tích, thiếu sót nếu có thì cũng chỉ là vài dòng phía dưới.

Rủi có bị dân biểu chất vấn thì xin khất để … “nhiệm kỳ sau giải quyết”!

Cụ Hồ dạy rằng “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” thế nhưng ngày nay có một số người không làm theo lời Cụ, thậm chí họ còn biến báo lời dạy của Cụ thành triết lý sống cho bản thân, cho “nhóm lợi ích”, rằng làm lãnh đạo không khó, chỉ cần nhớ câu thần chú: “không có việc gì khó, chỉ cần trợ lý tài”!

Khổ nỗi ngày nay tìm đâu ra “trợ lý tài” khi nạn “mù họ” đã được xóa tận gốc?

Nào là “sở họ”, “huyện họ”, “xã họ” nhan nhản, tìm cái thấy ngay, chẳng hạn “Giám đốc sở bổ nhiệm con trai” (Vov.vn, 5/6/2016); “Giám đốc sở bổ nhiệm con gái” (Vnexpress.net, 1/3/2016) hay “Một xã có 12 họ hàng làm quan” (Tuoitre.vn, 5/1/2016).

Chuyện “bộ họ” thì mới thấy một ví dụ mà báo Laodong.com.vn ngày 12/8/2016 đề cập: “Họ Vũ ở Bộ Công, “trái bắp” nóng 2000 tỷ ở Đà Nẵng và vẫn như cũ rồi Bí thư Thăng ơi!”.

“Hoang tin - cùi bắp” và công cuộc xóa nạn “mù họ” ảnh 6

Quân vương - logic của nghịch lý

Trong trào lưu “xã họ, huyện họ, sở họ…” phát triển như “vũ bão” thì đương nhiên “trợ lý họ” cũng phổ cập không kém, thế nên không tìm ra “trợ lý tài” cũng là chuyện bình thường?

Điều đáng nói là những dẫn chứng nêu trên đều được báo chí đưa ra đầu năm 2016 này, thế nên mù chữ có thể còn một, hai phần trăm trăm chứ “mù họ” trong các “công bộc” chắc chỉ là chuyện của “những người thích đùa”?

Bên cạnh phong trào thi đua xóa nạn “mù họ” trong cơ quan công quyền, tạp chí Tuyên giáo ngày 4/6/2012 đăng lại bài “Chi bộ dòng họ” của tác giả Hồng Hải báo Quân đội Nhân dân, bài báo viết:

Đảng viên sinh hoạt trong chi bộ thường là người của 2-3 dòng họ trong làng, có quan hệ nội - ngoại nhiều chiều, tính ra đều là họ hàng của nhau”.

Hậu quả của “chi bộ họ” là “Tình trạng phê bình chung chung theo lối “bắn chỉ thiên” còn nhiều. Chi bộ không được quần chúng tín nhiệm…”. [1]

“Bắn chỉ thiên” không gây hậu quả nghiêm trọng thì tạm để vậy xem sao, nhưng có người được học bắn đàng hoàng mà bắn chỉ thiên lại trúng nơi không đáng thì cũng buồn.

“Hoang tin và cùi bắp” chẳng những khiến người dân bất an mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế như vụ hoang tin “cá điêu hồng” nhiễm chất cấm ở Nam Bộ. “Hoang tin” có thể chỉ vài tuần, vài tháng là chấm dứt.

“Hoang tin - cùi bắp” và công cuộc xóa nạn “mù họ” ảnh 7

Hiền tài như lá thu, tiểu nhân như cỏ dại

Chuyện xóa bỏ “mù họ” khiến cho câu hỏi “đồng chí này là con đồng chí nào” trở nên không cần thiết, vì không “đồng tông”, không “giống lông” thì cũng “giống cánh”.

Có phải vì thế nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải yêu cầu “tìm người tài, không tìm người nhà”?

Cũng cần nói rằng có trường hợp không phải là “người nhà”, hình như còn là “người dưng” hẳn hoi mà vẫn thăng tiến vù vù như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Công thương.

Kiểu này đã được cảnh báo trong loạt bài “Binh pháp quan trường”, đó là “kế thứ ba: bắt quàng làm họ”.

Hy vọng cùng với chủ trương làm trong sạch Đảng, Chính phủ đang được tiến hành, với quyết tâm “tìm người tài, không tìm người nhà”, những “người nhà” đã “trót tìm” theo kiểu “họ Vũ ở Bộ Công” sẽ sớm tìm được công ăn việc làm mới. Nói thế vì chủ trương nhân đạo của Nhà nước vẫn là không để tình trạng thất nghiệp phát triển.

Còn nếu chẳng cần tìm việc, chẳng cần dựa vào Nhà nước mà vẫn “đủ ăn”, thậm chí đã có “thẻ xanh” đâu đó thì không phải là việc của “phó thường dân”, dẫu bức xúc đến mấy cũng “không vội được đâu”?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.tuyengiao.vn/Home/Sinh-hoat-tu-tuong/42064/Chi-bo-dong-ho

Xuân Dương