Quan Tòa dựa vào đâu để thực thi công lý?

01/08/2016 07:53
Xuân Dương
(GDVN) - Tòa án - cụ thể là các thẩm phán - phải tạo được một thế “chân vạc”, nghĩa là cần thêm hai điểm tựa khác: Hiến pháp và Nhân Dân.

Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao:

Chăm lo xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, để nhân danh Nhà nước đưa ra những phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng”.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị: “Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường giám sát hoạt động của Tòa án các cấp”. 

Sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội và các vị Đại biểu Nhân dân là vô cùng quan trọng song quan trọng không kém là sự ủng hộ của nhân dân, của truyền thông bởi truyền thông chính chính là cầu nối giữa nhân dân và chính quyền.

Có thể coi lời hứa của ông Nguyễn Hòa Bình trước Quốc hội cũng là lời hứa trước nhân dân cả nước bởi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Tòa án cần thêm hai điểm tựa là Hiến pháp và Nhân dân (Ảnh nguồn: Vovgiaothong.vn).
Tòa án cần thêm hai điểm tựa là Hiến pháp và Nhân dân (Ảnh nguồn: Vovgiaothong.vn).

Đưa ra các “phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng” trong hoàn cảnh hiện nay không hề đơn giản khi các “nhóm lợi ích” không chỉ có quyền lực, sức mạnh mà còn tinh vi và lắm thủ đoạn. 

Điều thuận lợi cho hoạt động của Tòa án là Tổng Bí thư, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều quyết tâm lập lại kỷ cương, phép nước, đều mong muốn xây dựng một Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”.

Lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 

Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương;… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh [1] cho thấy người đứng đầu Chính phủ ý thức rất rõ trách nhiệm phải tuân thủ phát luật của cơ quan công quyền cũng như việc xử lý các sai phạm phải thật nghiêm minh.

Sẽ rất khó để “thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng” nếu Tòa án, cụ thể là các thẩm phán không thể độc lập xét xử, nhất là trong một số trường hợp Tòa phải tuân theo chỉ đạo của “Liên ngành tư pháp” như vụ án liên quan đến ông Phí Thái Bình và cộng sự.

Không thiếu dẫn chứng cho thấy, dưới áp lực từ khâu điều tra, từ cáo trạng của Kiểm sát, Tòa án đã phải thỏa hiệp, đã phải đưa ra các bản án oan sai như trường hợp Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, hoặc bản án khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi như vụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.

Nguyên tắc tối thượng của nền tư pháp Việt Nam là “bản án (được tuyên) phải trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. 

Điều này có nghĩa là Tòa án phải đứng vững trên “đôi chân” của mình, Tòa chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật chứ không thể bị chi phối bởi một “Liên ngành” nào đó.

Một khi còn tồn tại “Liên ngành tư pháp” thì hoặc là Tòa án tự nguyện tham gia “Liên ngành tư pháp”, nói theo cách dân gian là Tòa tự buộc chân mình lại, chỉ còn là “một chân” trong thành phần “Liên ngành”.

Quan Tòa dựa vào đâu để thực thi công lý? ảnh 2

Liên ngành tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế?

(GDVN) - Liệu có ai đó đang cố tình hiểu sai tinh thần Nghị quyết “phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước” trong việc thành lập nên “Liên ngành tư pháp"?

Khi điều đó xảy ra rất khó tránh phải có lúc Tòa phải thỏa hiệp với các “đối tác” là Điều tra và Kiểm sát.

Nói cách khác, “một chân” của Tòa sẽ trở thành thiểu số nếu Điều tra, Kiểm sát (và có thể thêm thành phần khác) không cùng quan điểm với Tòa án.

Cũng có thể Tòa án không tự nguyện mà miễn cưỡng phải trở thành thành viên “Liên ngành tư pháp”, nếu điều này là thực tế thì với trách nhiệm và lời hứa trước Quốc hội, lãnh đạo Tòa Tối cao nên cân nhắc có cần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bãi bỏ việc tổ chức các hội nghị “Liên ngành tư pháp” này bởi nó trái với Hiến pháp và pháp luật hiện hành. 

Còn một khả năng khác, trình độ đội ngũ thẩm phán (có thể) chưa đáp ứng việc độc lập xét xử, vẫn cần dựa vào các ý kiến chỉ đạo bên ngoài. Cũng có thể trong những vụ án khó, ý kiến của “Liên ngành tư pháp” được sử dụng như chỗ dựa nếu chẳng may phán quyết có vấn đề.

Việc Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu xem xét lại bản án đối với hai bị can Ôn Thành Tân (18 tuổi) và Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi) trong vụ án “cướp bánh mỳ” tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhận thức về cải cách tư pháp chưa lan tỏa trong đội ngũ thẩm phán.

Đã phạm tội cướp giật thì phải chịu hình phạt, điều đó không cần bàn luận, vấn đề là hình phạt với người vị thành niên nên theo chiều hướng giáo dục hay nặng về răn đe?

Khi phạm tội cả hai đều là vị thành niên (chưa đủ 18 tuổi). 

Việc Tòa án xử  bị cáo Tân hình thức tù 8 tháng 20 ngày (bằng đúng thời gian tạm giam) có gì đó khiến dư luận chưa tâm phục, khẩu phục.

Sao không phải là tám tháng hay chín tháng mà lại là 8 tháng lẻ 20 ngày?

Vụ án “Cướp bánh mỳ” liệu có phải là một minh chứng cho sự “thỏa hiệp” của Tòa án với các cáo buộc mà Điều tra, Kiểm sát đưa ra?

Phải chăng đây chỉ là sự hợp pháp hóa thời gian tạm giam mà bên Điều tra và Kiểm sát đã thực hiện? 

Liệu có chuyện nếu xử tù ít hơn thời gian tạm giam thì sẽ dẫn tới việc đền bù oan sai mà Tòa án quận Thủ Đức không muốn các “đối tác” bị phiền phức?

Một dẫn chứng khác là vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết, dù nhiều lần trả lại hồ sơ, dù nhận thấy còn nhiều khuất tất song cuối cũng Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải xử, vẫn tuyên Nguyễn Thị Bạch Tuyết tội chiếm đoạt tài sản với mức tù 12 năm?

Vấn đề bài viết quan tâm không phải là biện luận bà Tuyết có tội hay vô tội mà là khía cạnh pháp lý của quá trình tố tụng. 

Thứ nhất, có bao nhiêu nghi can liên quan đến vụ án, khi có hơn một nghi can thì ai là chủ mưu, ai là đồng phạm. 

Thứ hai, độ tin cậy của các chứng cứ thu thập như thế nào, có sự ngụy tạo chứng cứ hay không?

Thứ ba, tiến trình tố tụng có tuân thủ các quy định luật pháp hiện hành? 

Giả sử các chứng cứ điều tra đều xác nhận bà Tuyết có tội thì bà Tuyết là chủ mưu hay chỉ là đồng phạm, nếu là đồng phạm thì chủ mưu là ai?

Liên quan đến vụ án, những tờ báo uy tín nhất Việt Nam như Vietnamnet.vn, Dantri.com.vn, Laodong.com.vn, Tienphong.vn, Giaoduc.net.vn, Plo.vn, Kienthuc.net.vn, Nongnghiep.vn, Petrotimes.vn… đã có hàng loạt bài viết, một số bài nêu nghi vấn: “Cơ quan điều tra và Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình thức tạm giam quá lâu trong khi gia đình đã 8 lần xin bảo lãnh tại ngoại vẫn không được chấp nhận”? [2] 

Điều 104 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.

Việc bỏ lọt tội phạm sau thời gian dài điều tra, sau nhiều chứng cứ thuyết phục mà công luận phản ánh, việc Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không chịu khởi tố Yee Lip Chee đã buộc Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải khởi tố đối tượng Yee Lip Chee, Tổng Giám đốc Công ty L&M Việt Nam tại tòa.

Quan Tòa dựa vào đâu để thực thi công lý? ảnh 3

Bị khởi tố tại Tòa, kẻ chủ mưu Yee Lip Chee vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

Chính điều này cho thấy tính chất pháp lý trong cáo trạng của vụ án đã bị thay đổi. 

Vì sao Hội đồng Xét xử tại phiên tòa phải khởi tố đối tượng người nước ngoài Yee Lip Chee và vì sao Yee Lip Chee là đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ án lại không được xét xử cùng bà Tuyết mà tách thành vụ án khác?

Câu hỏi này liên quan đến vấn đề “án bỏ túi” mà dư luận nhiều lần đề cập, đó là các “phiên họp án” giữa các cơ quan tham gia tố tụng, điều mà pháp luật không cho phép.

Khi tách thành hai vụ án, đồng phạm (và cũng có thể là chủ mưu) không nằm trong cùng vụ án khiến Nguyễn Thị Bạch Tuyết trở thành can phạm duy nhất.

Vì là can phạm duy nhất nên bà Tuyết đương nhiên biến thành chủ mưu và chủ mưu bao giờ cũng lĩnh tội nặng hơn đồng phạm?

Việc Hội đồng Xét xử khởi tố Yee Lip Chee tại tòa là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy, Hội đồng Xét xử đã “phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”, bằng việc khởi tố Yee Lip Chee, Hội đồng Xét xử đã công khai thừa nhận nhận hành vi bỏ lọt tội phạm của Cơ quan điều tra và Kiểm sát cho đến trước khi phiên tòa được mở.

Một khi hành vi “bỏ lọt tội phạm” đã được xác lập thì phải khởi tố vụ án hình sự theo điều 294 Bộ Luật Hình sự năm 1999 “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, (nếu Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 không bị hoãn thi hành thì đây là điều 369 “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”).

Việc Hội đồng Xét xử, Kiểm sát thống nhất khởi tố Yee Lip Chee tại tòa cho dù có là “tình tiết giảm nhẹ” cho người hoặc đối tượng có “nhân thân tốt” thì cũng không thể bỏ qua không tiến hành các thủ tục tố tụng theo luật định.

Quan Tòa dựa vào đâu để thực thi công lý? ảnh 4

Nhận diện nhóm lợi ích "bán nước, hại dân”

Vấn đề là cơ quan nào sẽ thực hiện việc này để bảo đảm lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước nhân dân cả nước: “Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”?

Nếu các cơ quan bảo vệ pháp luật trung ương không thực hiện quy trình xem xét, liệu có một lần nữa hiện tượng “bỏ lọt tội phạm” lại tái diễn ở cấp cao hơn?

Một điều nữa cũng cần nhấn mạnh, khi đã phát hiện thêm tội phạm mới liên quan đến vụ án, khi đã tiến hành khởi tố “tội phạm mới” tại tòa thì lẽ ra phải đình chỉ xét xử đối với bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết để điều tra tiếp, vì sao Hội đồng Xét xử lại cố tuyên bị cáo Tuyết 12 năm tù mà không chờ kết quả điều tra đối với Yee Lip Chee?

Về điều này ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao, đã thẳng thắn phát biểu: 

Nhiều vụ án chứng cứ buộc tội yếu nhưng vì nể nang, vì muốn “cứu” cơ quan bạn nên tòa án không dám tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Việc tòa “không dám” tuyên bị cáo không phạm tội làm cho dư luận không thể không đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng quý tòa còn ngại Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, không muốn gây căng thẳng với cơ quan bạn”? [3]

Nêu một vài dẫn chứng để thấy một khi Tòa án - cơ quan thực thi Công lý - không giống Thần Công Lý bịt tai, bịt mắt trước bất kỳ tác động nào thì chuyện “quan luôn thắng dân” không phải là điều cá biệt, và còn nữa, chuyện dân bị oan sai cũng lại càng không cá biệt.

Quan Tòa dựa vào đâu để thực thi công lý? ảnh 5

“Thắng không cần làm vua, thua dân lập đền thờ”

Nếu Tòa không phải là nơi xử án, không phải là nơi tranh tụng mà chỉ là nơi công khai hóa các thỏa thuận sau cuộc họp thì hậu quả oan sai (nếu xảy ra) không phải chỉ người dân gánh chịu mà chính công chức trong ngành Tòa án cũng phải gánh chịu. 

Việc cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố là bằng chứng cho thấy khi Thẩm phán quá tin tưởng vào kết quả cơ quan Điều tra cung cấp và cáo trạng của Kiểm sát hoặc “muốn cứu cơ quan bạn” thì hậu quả đối với bản thân mình sẽ như thế nào.

Muốn đứng vững trước bất kỳ áp lực nào, chỉ dựa vào đôi chân của mình là chưa đủ, Tòa án - cụ thể là các thẩm phán - phải tạo được một thế “chân vạc” nghĩa là cần thêm hai điểm tựa khác: Hiến pháp và Nhân Dân.

Dựa vào những “chỗ khác” có thể yên tâm nhất thời, song không thể yên tâm suốt đời!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Nhung-tin-hieu-lac-quan-dau-nhiem-ky/20167/25144.vgp

[2] http://petrotimes.vn/su-that-ve-vu-an-nguyen-thi-bach-tuyet-ky-4-343486.html

[3] http://plo.vn/phap-luat/manh-dan-tuyen-vo-toi-de-bao-ve-cong-ly-643973.html


Xuân Dương