Khi tranh luận lạc đường

17/12/2017 07:35
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Rất hiếm khi thấy có sự phê phán hay sự cảnh tỉnh nào dành cho những người cũng chưa chi đã vội vàng đưa ra những lời khen vô tội vạ nhằm chứng tỏ bản thân.

LTS: Xung quanh các tranh luận học thuật trên truyền thông thời gian qua và việc một số trường học lựa chọn vấn đề này qua một số bài báo để đưa vào đề thi Văn, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ có bài chia sẻ góc nhìn của mình.

Để làm rõ bản chất của việc tranh luận học thuật, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và mong muốn tiếp tục nhận được các bài viết phân tích, trao đổi ngõ hầu làm lành mạnh thêm môi trường học thuật và văn hóa phản biện trên truyền thông.

Nội dung bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại từ tiêu đề gốc Không thể hiểu hời hợt về “văn hóa tranh luận”.

1. Đề thi “mở” – các thầy cô có thực sự hiểu mọi lẽ về “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện” chưa?

Cứ ngỡ câu chuyện tranh cãi xung quanh đề xuất cải tiến chữ viết của Phó giáo sư Bùi Hiền đã kết thúc, ngờ đâu mới đây câu chuyện này một lần nữa được khơi lại, trở thành mối quan tâm của một số thầy cô giáo và các em học sinh trên một số trường trung học khắp cả nước những ngày qua. 

Báo Thanh niên, số ra ngày 15/12/2017 có đăng tải bài viết nhan đề “Học sinh học cách phản biện qua đề thi Tiếng Việt thành Tiếq Việt”

Bài báo phản ánh hàng loạt trường trung học trên cả nước ra đề thi môn Văn học kỳ 1 đã đề cập đến sự kiện tranh cãi liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết của Phó giáo sư Bùi Hiền thời gian qua. 

Đặc biệt, có trường còn sử dụng cả văn bản là hai bài viết trên báo Thanh niên (“Nếu đủ sức thuyết phục, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt cũng có sao?” - Thanh niên Online ngày 25.11)  và VnExpress (“Ném đá” khoa học” ngày 1/12/2017) làm ngữ liệu cho các em học sinh trình bày quan điểm của mình xung quan vấn đề “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện” của người Việt hiện nay. 

Khi tranh luận lạc đường ảnh 1Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa"

Xin không bàn đến không bàn về vấn đề ngôn ngữ học chuyên sâu có liên quan, cũng không bàn về yếu tố “mở” mang tính “thời sự”“thực tế” trong các đề thi này;

Ở đây tôi muốn đặt vấn đề các thầy cô giáo ra những đề thi trên đã thực sự hiểu về “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện” chưa mà lại yêu câu các em nói về vấn đề này?

Nhất là việc tranh luận và phản biện liên quan đến những vấn đề mang tính học thuật chuyên sâu.

Khi sử dụng ngữ liệu là văn bản hai bài báo (như tôi vừa nói ở trên) phải chăng các thầy cô đã ngầm ủng hộ quan điểm cũng như cho rằng các tác giả trong hai bài báo trên có “văn hóa tranh luận”

2. “Văn hóa tranh luận” là gì?

Hiểu một cách nôm na, “văn hóa tranh luận” là sự tranh luận có văn hóa giữa một cá nhân này với cá nhân khác về một vấn đề nào đó. 

Nhưng như thế nào là tranh luận có văn hóa đặc biệt là tranh luận liên quan đến những vấn đề học thuật? Theo tôi có một vài nguyên tắc cơ bản sau đây: 

Một, người tham gia tranh luận (nhất là trong vấn đề học thuật chuyên sâu) trước hết phải có lòng tự trọng, “biết người biết ta”

Nghĩa là trước khi lên tiếng phát biểu về một vấn đề nào đó phải tự nhìn lại xem đó có phải là lĩnh vực (khoa học) mình am tường hay không, có phải sở trường của mình hay không? 

Nếu như anh là Tiến sĩ bên lĩnh vực Kinh tế hay lĩnh vực Giáo dục học mà nhảy vào tham gia tranh luận về vấn đề Ngôn ngữ học là “đá lộn sân”, là “múa rìu qua mắt tiêu phu” hay “vuốt mặt không nể mũi”... 

Trong khoa học, việc “đá lộn sân” như thế này rất nguy hiểm vì dễ gây ra những hiểu lầm không đáng có; người “đá lộn sân” bị xem là người thiếu tự trọng thậm chí không có đạo đức khoa học… 

Hai, tôn trọng người tham gia tranh luận với mình; không công kích cá nhân; đặc biệt không được chụp mũ chính trị, không dùng lời lẽ thô tục không phù hợp với ngữ cảnh…để hạ bệ “đối phương” …

Ba, khi tranh luận phải vô tư, khách quan bàn trực tiếp vào vấn đề chưa đồng thuận trên tinh thần khoa học chứ không nên ngụy biện và đánh tráo khái niệm, đánh tráo vấn đề tranh luận... 

Nói nôm na là không nên từ chuyện nọ xọ chuyện kia làm cho vấn đề đang tranh luận không những không được giải quyết mà còn trở nên rắc rối hơn, loạn xì ngầu cả lên…

3. Mọi sự khen, chê trong vội vàng đều nguy hại như nhau và đều vi phạm những nguyên tắc trong “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện”

Có thể thấy, từ khi có mạng xã hội đến nay, mỗi khi có vấn đề nào đó gây tranh cãi, nhiều người thường hay lên tiếng phê phán những người chưa chi đã vội chê bai và “ném đá” người khác mà không chịu tìm hiểu hết ngọn nguồn sự việc. 

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, rất hiếm khi thấy có sự phê phán hay sự cảnh tỉnh nào dành cho những người cũng chưa chi đã vội vàng đưa ra những lời khen vô tội vạ nhằm chứng tỏ bản thân mình “cấp tiến” và luôn ủng hộ cái mới. 

Hoặc những người trước một vấn đề nào đó hầu như chỉ dám khen, chê theo kiểu tư duy nước đôi, chỗ này khen một tẹo chỗ kia chê một tí thành ra cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì. 

Thực ra mà nói, trong tranh luận, mọi sự khen hay chê vội vàng đều nguy hại như nhau và đều vi phạm những nguyên tắc trong “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện”.

Thậm chí trong nhiều trường hợp những lời khen vội vàng có khi còn nguy hại hơn cả những lời chê rất nhiều. Bởi vì khen như thế dễ tạo ra sự ảo tưởng cho đối tượng được khen, gây ra sự rối loạn, “vàng thau lẫn lộn”... 

Hay nói khác đi, trên thực tế lời khen của người Việt thực ra cũng có lắm vấn đề để bàn. 

Ví như có những chỗ đáng bàn thì không thấy ai bàn, chỗ đáng khen thì không thấy ai khen, ngược lại chỗ không đáng thì lại vội vàng khen và tâng bốc đến tận mây xanh. 

Hay cũng có trường hợp khen người khác nhưng kỳ thực là nhằm chứng tỏ, cho thấy mình là “bậc bề trên”, chuyện gì biết, chuyện gì cũng cũng am tường, chuyện gì cũng thông suốt; 

Hoặc tuy cũng khen nhưng là khen cho có, khen xã giao, khen lấy lòng, khen để sau này người ta sẽ khen lại;… 

Và dù khen để tâng bốc nhau nhưng cũng không hẳn là đã thực sự tôn trọng nhau. 

Thậm chí có không ít người, ngoài miệng thì khen nhưng trong lòng thì coi khinh, chờ cơ hội là sẵn sàng ra tay để hạ bệ nhau.

Khen như thế dân gian gọi là là “khen đểu”... hay nói như cố nhà văn Nguyễn Khải là “khen cho nó chết”.

Từ đây, nếu nhìn ở giác độ lịch sử - văn hóa, nếu phải chỉ ra một trong những “tính xấu” làm cho xã hội và đất nước Việt Nam trì trệ thì theo tôi, đó chính là sự bảo thủ trong lời khen chứ không phải ở tiếng chê của người Việt. 

Hãy ngẫm lại xem, chẳng phải mấy ngàn năm qua lúc nào chúng ta cũng khen dân tộc mình là thông minh, cần cù, dũng cảm…đó sao? 

Nhưng thực tế có đúng vậy không? Nếu vậy thì tại sao một dân tộc với những đức tính tốt đẹp như thế nhưng đến nay vẫn mãi lẹt đẹt, đi sau thiên hạ…?

4. Nhìn lại cuộc tranh luận liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết của Phó giáo sư Bùi Hiền 

Nếu bình tĩnh tìm hiểu và xem xét một cách toàn diện và thấu đáo câu chuyện này sẽ thấy, nguyên nhân cụ thể và trực tiếp nhất tạo ra cuộc tranh cãi này là:

Do một số cá nhân tuy hoàn toàn không có chuyên môn về ngôn ngữ học nhưng lại vội vàng và nhất là bất chấp những bài viết của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp lẫn các chuyên gia văn hóa; chưa chi đã tung hô và tán dương ý tưởng của Phó giáo sư Bùi Hiền;

Khi tranh luận lạc đường ảnh 2Cây đa, cây đề

Họ cho đây là những ý tưởng mới rồi tự cho mình cái quyền đứng ra làm “trọng tài” phân xử, lên tiếng phê phán những người không ủng hộ Phó giáo sư Bùi Hiền bằng những lời lẽ không những ngụy biện mà còn rất trịch thượng (trường hợp Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương…). 

Thậm chí, có nhiều người cho đến nay vẫn cứ “chấp mê bất ngộ” dù rằng các nhà ngôn ngữ học với hiểu biết chuyên sâu đã có nhiều bài phân tích rất công phu và nghiêm túc qua đó chỉ ra những điểm bất hợp lý và không có gì mới trong công trình của Phó giáo sư Bùi Hiền.

Có thể kể đến hàng loạt bài viết và ý kiến các nhà nghiên cứu nhất là nhà ngôn ngữ học hàng đầu như: Giáo sư Hoàng Dũng, Giáo sư Nguyễn Đức Dân, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tiến sĩ Hữu Đạt; 

Một số bài viết trên các trang cá nhân của tác giả như Bác Văn Vương, Giáo sư Trần Đình Sử, Tiến sĩ Châu Minh Hùng (Chu Mộng Long), nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Đức…

Nói khác đi, nhìn một cách tổng thể cho đến nay không một chuyên gia ngôn ngữ hay văn hóa nào (trên báo chính thống lẫn mạng xã hội) “ném đá” cá nhân Phó giáo sư Bùi Hiền. 

Cũng chẳng có ai cấm không cho Phó giáo sư Bùi Hiền tiếp tục nghiên cứu (mà có người bảo là làm hạn chế “tự do học thuật”). 

Có chăng những người “ném đá” Phó giáo sư Bùi Hiền là hầu hết là những độc giả bình dân đã bình luận, bình phẩm dưới dạng các comment sau mỗi bài viết mà thôi. 

Hoặc không thì chọ chế giễu, bông đùa trên tài khoản cá nhân của họ với mục đích đùa giỡn với bè bạn chứ cũng chẳng có ác ý hay tư thù gì cá nhân Phó giáo sư Bùi Hiền.

Nhưng nói cho cùng đây là chuyện rất bình thường, xã hội nào mà không như vậy. Là một nhà khoa học nếu có bản lĩnh thì cũng không nên bận tâm những chuyện cỏn con thế này? 

Tóm lại, có thể nói cho đến nay, theo quan sát của tôi không một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và chuyên gia văn hóa nào trong khi tranh luận và phản biện lại công kích, cá nhân Phó giáo sư Bùi Hiền. 

Ngược lại, chính những người ủng hộ do không có chuyện môn đã vội vàng tung hô và tự cho mình cái quyền phán xét đánh giá tất cả mọi vấn đề có liên quan. 

Thậm chí có người còn đánh tráo khái niệm và suy diễn vô căn cứ khi lái vấn đề sang chuyện “tự do học thuật”, “kỳ thị cái mới” hay chuyện tuổi tác của Phó giáo sư Bùi Hiền để bào chữa và bênh vực cho ông. 

5. Thử phân tích “văn hóa tranh luận” trong hai bài báo

Bây giờ chúng ta thử phân tích hai bài báo (được trích dẫn và đưa vào đề thi môn văn cho học sinh bàn về văn hóa tranh luận và phản biện) để xem vấn đề này thực ra được hiểu như thế nào.

Khi tranh luận lạc đường ảnh 3Đừng xem anh Nguyễn Sóng Hiền là “kẻ đốt đền”

Trước hết, xin nói về bài viết trên báo Thanh niên. Đây có thể nói là một trong những bài viết sớm nhất bàn về đề xuất cải tiến chữ viết của Phó giáo sư Bùi Hiền. 

Thế nhưng đáng tiếc thay, bài báo lại đi phỏng vấn Tiến sĩ Kinh tế Lương Hoài Nam – một người hoàn toàn không có chuyên môn về Ngôn ngữ học. 

Cá nhân tôi dù rất quý Tiến sĩ Lương Hoài Nam (trước đây anh Nam có những bài viết sắc sảo được tập hợp in thành sách nhan đề “Kẻ trăn trở") nhưng riêng trong chuyện này tôi buộc phải nói rằng tôi lấy làm tiếc cho anh Nam. 

Tôi cho rằng, anh đã quá vội vàng khi đưa ra quan điểm của mình về công trình của Phó giáo sư Bùi Hiền - một lĩnh vực vốn không phải sở trường của anh. 

Thế nên, anh đã vi phạm nguyên tắc thứ nhất trong “văn hóa tranh luận” (mà tôi trình bày ở trên). 

Nói khác đi, có thể thấy những lời khen mà anh Nam dành cho Phó giáo sư Bùi Hiền là dựa trên cảm tính vì bản thân anh hoàn toàn không đủ năng lực chuyên môn để có thể nhận ra sự bất hợp lý và không có gì mới trong toàn bộ đề xuất cải tiến chữ viết của Phó giáo sư Bùi Hiền. 

Nếu bình tĩnh và biết kiểm soát bản thân tốt hơn, theo tôi anh Nam phải chờ và nghe ý kiến của các nhà ngôn ngữ học thực thụ trước. 

Đằng này chưa chi anh đã khẳng định cho rằng đề xuất của ông Hiền là ý tưởng mới. Đây cũng là nguyên nhân làm cho những người không ủng hộ Phó giáo sư Bùi Hiền hiểu lầm và phản ứng mạnh mẽ hơn.

Nếu anh Nam phê phán những người chưa chi đã vội vàng chê bai Phó giáo sư Bùi Hiền thì chính anh chứ không phải ai khác cũng chẳng khác gì họ: chưa chi đã vội vàng khen ngợi và tung hô! 

Không những vậy, anh Nam còn đánh tráo vấn đề khi cho rằng những người không ủng hộ Phó giáo sư Bùi Hiền là “kỳ thị cái mới”, làm hạn chế môi trường “tự do học thuật”… 

Lên tiếng chê bai công trình của Phó giáo sư Bùi Hiền thì bị kết tội là “kỳ thị cái mới” hay sao? Tôi không nghĩ như vậy vì không có cơ sở nào để khẳng định điều ấy.

Hơn nữa người khác vội vàng chê thì anh bảo là “ném đá” vậy anh vội vàng khen và khen sai thì phải gọi là gì đây? “Ném…vàng” Phó giáo sư Bùi Hiền chăng?

Đối với bài viết thứ hai trên Vnexpress của Tiến sĩ Giáo dục học Trần Thị Tuyết. Tôi cho rằng đây cũng là bài viết vi phạm hầu như tất cả những nguyên tắc trong “văn hóa tranh luận” và phản biện. 

Trước hết, bài viết này ra đời vào ngày 1/12/2017, nghĩa là sau khi đã có nhiều bài viết phản biện từ các nhà ngôn ngữ học hàng đầu. 

Thế nhưng, không hiểu sao Tiến sĩ Giáo dục học Trần Thị Tuyết lại “chấp mê bất ngộ” không chịu tìm hiểu và lắng nghe tiếng nói của họ.

Đã vậy còn lên tiếng chụp mũ những người không ủng hộ Phó giáo sư Bùi Hiền là “ném đá khoa học” như thế này: 

“…Khi nhiều người, trong đó có cả những trí thức, dồn dập "ném đá" nghiên cứu của ông, lăng mạ ông bằng những từ ngữ xấu xí nhất, tôi thấy xót xa và nhận ra một điều gì đó rất không ổn.”

Tôi xin khẳng định một lần nữa, cho đến nay không một chuyên gia ngôn ngữ nào “ném đá” hay “lăng mạ” Phó giáo sư Bùi Hiền như Tiến sĩ Tuyết nói đặc biệt là các phương tiện truyền thông chính thống. 

Nhân đây, cũng xin được nói thêm, trên thực tế cũng không có từ ngữ nào trong tiếng Việt là “xấu xí” hết. Mọi từ ngữ đều bình đẳng và có vai trò vị trí quan trọng như nhau.

Xấu xí hay không là do người sử dụng.  

Thứ nữa, đọc kỹ toàn bộ bài viết của Tiến sĩ Trần Thị Tuyết sẽ thấy tác giả không những ấu trĩ mà còn rất mâu thuẫn trong tư duy là lập luận; đặc biệt là cố tình đánh tráo vấn đề tranh luận bằng những con chữ mượt mà, ma mị nhưng đánh lừa cảm xúc người đọc. 

Cụ thể, trong toàn bộ bài viết của mình, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết khi thi bảo rằng đề xuất của Phó giáo sư Bùi Hiền cho thấy sự tìm tòi cái mới, “không đi theo lối mòn”, “có cơ sở khoa học”…khi thì lại nói: 

“Việc cải cách chữ Quốc ngữ ở Việt Nam cũng không phải là vấn đề mới, trước đây Hồ chủ tịch cũng đã dùng "kách mệnh" hay "zân tộc" thay cho "cách mệnh" và "dân tộc". 

Nhiều văn sĩ và nhà khoa học trước như ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Nguiễn Ngu Í, ông Nguyễn Vĩ… cũng đã đề xuất và cổ động việc cải cách chữ quốc ngữ nhưng đều không thành”. 

Nói như vậy rồi chị lại tiếp tục so sánh (rất khập khiễng) việc làm của Phó giáo sư Bùi Hiền với nhà thiên văn học “Galileo với lý thuyết Trái đất quay xung quanh Mặt trời”

Chưa hết, để bảo vệ “ý tưởng mới” (nhưng thật ra không có gì mới) của Phó giáo sư Bùi Hiền, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết còn đánh tráo vấn đề sang chuyện ông là Thầy giáo cũ của mình bằng giọng điệu ma mị như sau:

“Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, với tôi, người học trò của ông ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), luôn là một hình mẫu về đạo đức, trí tuệ và sự cống hiến hết mình cho khoa học. 

Lần này, những gì ông đã làm - nghiên cứu khoa học nghiêm túc, thầm lặng trong suốt 40 năm; không tiêu tốn một đồng tiền thuế nào của nhân dân - tiếp tục là một lao động chân chính, đáng trọng”.  

Thật lạ lùng làm sao, thử hỏi, người lớn tuổi thì được quyền ưu ái kể cả khi anh làm sai à? Và thậm chí cái sai của anh nếu không quyết liệt và kịp thời ngăn chặn sẽ dẫn đến nguy cơ gây tổn hại cho cả dân tộc?

Đây là gì nếu không phải là sự ngụy biện trong khi tranh luận? Tranh luận học thuật như thế này thì là có văn hóa hay sao?

6. Thay lời kết

Như đã nói ở trên, bài viết này tôi không chủ ý bàn về cách ra đề thi theo lối “mở” mang tính thời sự hay tính thực tế trong đề thi môn Văn của một số trường học trên cả nước. 

Tôi cũng đồng cảm với quan điểm của một số thầy cô giáo trong vấn đề cần giáo dục cho các em học sinh hiểu thêm về “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện”, hay phải biết tôn trọng sự khác biệt trong tư duy và nhận thức của mỗi cá nhân trong cuộc sống. 

Thế nhưng, tôi có hơi hoang mang vì một số thấy cô lại trích dẫn hai bài báo mà tôi đã phân tích và trình bày ở trên để cho các em học sinh phát biểu suy nghĩ của mình. 

Vì hai bài báo này, về mặt quan điểm liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của Phó giáo sư Bùi Hiền là hoàn toàn vội vã và sai lầm. 

Và quan trọng hơn nữa, chính những người tham gia kiến tạo nên hai bài báo ấy lại là những người vi phạm tất cả những nguyên tắc trong văn hóa tranh luận, văn hóa phản biện. 

Thế nên, theo tôi việc ra những đề thi như thế này không khéo sẽ trở nên lợi bất cập hại. 

Nó vừa vô tình cổ súy cho một quan điểm sai lầm vừa gây ra sự nhầm lẫn và tù mù hơn cho các em học sinh liên quan đến “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện”. Đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học chuyên sâu.

Nguồn tham khảo

1.  “Nếu đủ sức thuyết phục, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt cũng có sao?”.  Xem tại: https://thanhnien.vn/giao-duc/neu-du-suc-thuyet-phuc-tieng-viet-viet-thanh-tieq-viet-cung-co-sao-903688.html

2. “Học sinh học cách phản biện qua đề thi Tiếng Việt thành Tiếq Việt”. Xem tại: https://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-sinh-hoc-cach-phan-bien-qua-de-thi-tieng-viet-thanh-tieq-viet-910126.html

3. Hoàng Dũng, “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” – về một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Xem tại: 
https://www.facebook.com/dzung.hoang.501 

4. Chu Mộng Long, “Về cải tiến chữ Quốc Ngữ theo sáng kiến của Bùi Hiền”. Xem tại https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1942481972432703

5. Chu Mộng Long, “Vì sao thiên hạ chửi ông Bùi Hiền”. Xem tại: https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1943664548981112

6. Trần Đình Sử, “Một đề xuất có tính hủy hoại văn hóa”. Xem tại: https://www.facebook.com/profile.php?id=100005255232519

7. Paul Nguyễn Hoàng Đức, “Ngôn ngữ đứng ngoài ngữ pháp là ma cà bông”. Xem tại: https://www.facebook.com/profile.php?id=100005255232519

8. Hiền Hòa, “Tiếng Việt mà thành Tiếq Việt sẽ đứt gãy văn hóa dần dần”. Xem tại: https://tuoitre.vn/tieng-viet-ma-thanh-tieq-viet-se-dut-gay-van-hoa-dan-dan-20171127112804828.htm

9. “Ném đá khoa học”. Xem tại: https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nem-da-khoa-hoc-3678191.html

Nguyễn Trọng Bình