Từ "dấu ấn" tân Thứ trưởng tới kỳ vọng Bộ Giáo dục kiến tạo - phục vụ

21/10/2017 09:06
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Với một hệ thống tham mưu, giúp việc đồ sộ như vậy nhưng việc điều hành chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại “vất vả” và “lúng túng” thế?

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết mới của nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ về đề tài làm sao xây dựng Bộ Giáo dục và đào tạo theo tinh thần kiến tạo - phục vụ của Chính phủ.

Tòa soạn trân trọng cảm ơn nhà giáo Nguyễn Trọng Bình và xin giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

1. “Dấu ấn” của tân Thứ trưởng

Ngày 22 tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định điều động (quyết định 1438/QĐ-TTg), bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Độ làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.  

Như vậy là trong vòng chưa đầy một tháng kể từ ngày nhậm chức, ông tân Thứ trưởng cũng đã kịp thời ghi “dấu ấn” của mình trên cương vị mới bằng một công văn gây xôn xao dự luận. [1]

Trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/10/2017, tác giả Nguyễn Quốc Vương  đã có bài phân tích và bình luận về vấn đề này

Theo đó, Nguyễn Quốc Vương khẳng định, qua công văn trên cho thấy có một sự “lúng túng”, “giằng x锓mâu thuẫn trong tư duy chỉ đạo” của những người làm công tác quản lý và điều hành nền giáo dục nước nhà. [2]

Cá nhân tôi cho đây là những nhận xét rất xác đáng, nhưng thực ra cũng không phải là vấn đề mới. 

Hình minh họa, nguồn: UPS Store Locater.
Hình minh họa, nguồn: UPS Store Locater.

Nói khác đi, sự “mâu thuẫn” này là biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy một sự trì trệ trong tư duy và nhận thức của đội ngũ những người làm công tác quản lý vốn đã tồn tại từ nhiều lãnh đạo cơ quan này trước đó; 

Đó là một trong những nguyên nhân cốt tử nhất gây nên sự trì trệ chung của nền giáo dục nước nhà hiện nay. 

Không những vậy, đọc công văn của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngoài những điều anh Nguyễn Quốc Vương đã chỉ ra, cá nhân tôi thấy:

Dường như những người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự quan tâm đến thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua liên quan đến vấn đề xây dựng một Chính phủ “kiến tạo và phục vụ”. [3]

Điều này thể hiện rõ hơn nếu chúng ta so sánh với tinh thần làm việc của Bộ Công thương thời gian gần đây. 

Tuy mọi việc vẫn còn “ở phía trước”, nhưng dù sao với việc rà soát và cho đến nay Bộ Công thương đã mạnh tay cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh (gây khó cho các doanh nghiệp).

Ít nhiều điều này đã cho thấy quyết tâm của Bộ Công Thương trong vấn đề hiện thực hóa thông điệp xây dựng một “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. [4]

Trong khi đó, cho đến nay tinh thần này ở Bộ Giáo dục và Đào tạo có lẽ chỉ mới dừng lại ở việc “cơ cấu”“sắp xếp” lại bộ máy từ chỗ có 27 (thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) đơn vị trực thuộc xuống thành…26 mà thôi. 

Và thật lạ lùng làm sao, với một hệ thống tham mưu, giúp việc đồ sộ như vậy nhưng việc điều hành chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại “vất vả”“lúng túng” thế? 

2. Các nhà quản lý giáo dục xin hãy chân thành và nghiêm túc “tự vấn” chính mình

Công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nước nhà (đặc biệt là đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông) đang được gấp rút triển khai. 

Từ "dấu ấn" tân Thứ trưởng tới kỳ vọng Bộ Giáo dục kiến tạo - phục vụ ảnh 2

Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô

Thời gian qua có không ít ý kiến cho rằng sự thành hay bại của  lần đổi mới này tất cả phụ thuộc vào đội ngũ các thầy cô giáo. 

Tuy nhiên, qua vụ việc này, có thể thấy quan điểm trên hoàn toàn không có cơ sở để đứng vững.  

Nên nhớ rằng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - người trực tiếp ký công văn gây “hiểu nhầm” vừa qua vốn từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội. 

Nói điều này để thấy, dù có biện minh thế nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tự “phơi bày” một sự thật về những bất cập liên quan đến việc chỉ đạo và điều hành quản lý của mình.

Thời gian qua nổi cộm lên vấn đề dạy học theo quan điểm “tích hợp” trong toàn bộ đề án “đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” hiện nay.

Hay trước đó là những vấn đề liên quan đến mô hình dạy học VNEN… 

Nếu như tôi nhớ không lầm thì khoảng hơn chục năm trở lại đây, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong toàn ngành là “đổi mới công tác quản lý giáo dục các cấp".  

Điều này cho thấy, không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhận ra những yếu kém trong lĩnh vực này.

Nhưng phải chăng cái khoảng cách giữa lời nói và hành động của những người triển khai và thực thi vấn đề này hiện vẫn còn rất xa. 

Hay nói như hai câu thơ trong bài “Khoảng cách giữa lời” của nhà thơ Bằng Việt là:

“Biết làm sao vì ta quá nhiều lời
Ngay ở chỗ lẽ ra, cần nói ngắn!”

Từ đây, thiết nghĩ những người đang nắm giữ vai trò và trọng trách này hãy nghiêm túc “tự vấn” lại bản thân mình. 

Thật khó có thể chấp nhận chuyện với một bộ máy quản lý và điều hành đồ sộ thế kia nhưng khi có vấn đề “trục trặc” nào đó thì bảo do “nhầm lẫn”

Hoặc không thì lại đổ hết lên đầu các thầy cô giáo – những người tuy có vai trò tối quan trọng trong hoạt động giáo dục nhưng trên thực tế chỉ là cái mắc xích cuối cùng, "có tiếng mà không có miếng”.

Nói cách khác, tôi cho rằng công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà muốn thành công thì trước hết những người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các sở, phòng giáo dục địa phương, phải làm sao chứng minh được năng lực và tầm nhìn thực sự của bản thân để lấy lại niềm tin nơi xã hội.

Chính quý vị phải thể hiện rõ điều này trong vai trò tham mưu và giúp việc cho Thủ tướng nhằm hiện thực hóa thông điệp “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”;

Chính quý vị phải làm sao tạo sự đồng thuận và “tâm phục khẩu phục” từ phía các thầy cô giáo. 

3. Thay lời kết

Thời gian qua chúng ta đã nói quá nhiều về vấn đề “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà. 

Có thể nói, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn không có vấn đề nào là không được mang ra mổ xẻ và “cày đi xới lại”. Tuy nhiên giáo dục nước nhà vẫn cứ mãi giẫm chân tại chỗ? Vì sao lại như vậy? 

Mượn ý và lời của Tiến sĩ Alan Phan trong một bài viết trước đây (khi ông còn sống) tôi cho rằng, phải chăng vì chúng ta đang bị quá nhiều những “lý thuyết” cùng những “thành kiến” bủa vây? 

“Trong khi đó, sự thật có thể vô cùng đơn giản đến độ không ai thực sự là là không biết giải pháp? Nhưng phải làm ngược lại với thói quen đã được uốn nắn?”

“Chúng ta bàn luận liên miên về những rào cản và thách thức ... Chúng ta có quá nhiều chìa khóa.  

Nhưng ai sẽ là người chỉ đơn thuần hành động, đẩy cánh cửa mở rộng của thế giới” thì cho đến bây giờ vẫn chưa/không tìm thấy? [6]

                                                                  Cần Thơ, 18/10/2017
------------
Nguồn tham khảo:
[1]: “Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03 tháng 10 năm 2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh từ năm học 2017 – 2018”. Xem tại: http://hcm.edu.vn/ke-hoach-chuong-trinh-hd/cong-van-so-4612bgddt-gdtrh-ngay-03-thang-10-nam-2017-ve-viec-huong-dan-thuc-hi-c41302-58647.aspx

[2]: “Mâu thuẫn trong tư duy cấm dạy ngoài nội dung sách giáo khoa”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mau-thuan-tu-duy-trong-chi-dao-cam-day-ngoai-noi-dung-sach-giao-khoa-post180464.gd

[3] “Thủ tướng: Sẽ là Chính phủ kiến tạo và phục vụ” . Xem tại: http://vneconomy.vn/thoi-su/thu-tuong-se-la-chinh-phu-kien-tao-va-phuc-vu-20160504105050759.htm

[4]: “Bộ Công thương quyết định cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bo-cong-thuong-quyet-dinh-cat-bo-675-dieu-kien-kinh-doanh-400116.html

[5]: “Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thanh-bai-cua-chuong-trinh-moi-xin-dung-voi-da-trach-nhiem-xuong-cac-thay-co-post180398.gd

[6]: “Cánh cửa mở rộng của thế giới?. Xem tại: ttp://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/cnh-ca-rng-ca-gii.html

Nguyễn Trọng Bình