Vốn là nhà giáo nên với tôi, đóng góp cho giáo dục qua các bài viết không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm.
Được lãnh đạo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ưu ái trở thành “người nhà”, chặng đường viết báo tuy ngắn nhưng đầy ắp niềm vui và cũng không ít ưu phiền.
Nhận xét về nền giáo dục nước nhà, trong một bài đăng trên Dân trí năm 2011, tôi đã viết một câu thế này: “Suốt thời gian qua, chúng ta đã gieo mầm cho ngành Giáo dục bởi những “hạt lép” nên cánh đồng Giáo dục mới không cho mùa vàng”.
Biên tập của Dân trí chuyển câu này thành một dòng tít: “Không có “mùa vàng” vì gieo những “hạt lép” trên cánh đồng giáo dục”.
Một lần trao đổi công việc, TS. Đặng Văn Định, Trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đề nghị tôi gửi bài cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - tờ báo do Hiệp hội quản lý.
Nhận lời nhưng ngại, một phần vì chưa biết tôn chỉ, mục đích tờ báo và quan điểm của Ban biên tập thế nào, phần khác cũng do lúc đó bài viết của tôi chủ yếu đăng trên chuyên mục Tuần Việt Nam của Vietnamnet.vn.
Cùng với mấy trăm bài viết đến được với bạn đọc là hàng loạt bài lưu trữ trong thư mục “bài chưa đăng” trên máy tính cá nhân, chưa kể một số bài đăng được vài tiếng rồi lại phải hạ xuống...
Đôi lúc nản muốn thôi viết nhưng lãnh đạo báo và các phóng viên trẻ mang chai “cuốc… không lủi” sang nhà động viên, rằng bác nên “sống, chiến đấu, lao động và học tập” theo gương các vị tiền bối, thế là lại ngồi vào bàn.
Chơi câu đối trong ngày Tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt. (Ảnh minh họa trên baoquangngai.vn) |
Viết nhiều mới thấy vì sao người xưa lại sáng tạo nên những từ kép như “dân gian, quan tham, viết lách, …”. Liệu chuyện “viết” và “lách” các cụ nói luôn đúng hay đã lạc hậu trong thời đại @?
Có ông bạn cao niên góp ý rất chân tình “bác viết gì thì viết nhưng cái kiểu bão bên tây chết cây nhà bọ” là phải tránh.
Một lần gửi bài cho tòa soạn kèm mấy dòng:
"Kính gửi hai Sếp
Đây là bài theo đơn đặt hàng của Sếp về chủ đề… Bọ ngồi viết bài này bên một cốc trà đá nửa lít với hơn chục viên đá. Mỗi lần cầm cốc trà lại hô ba lần "lạnh mát, lạnh mát, lạnh mát".
Không biết "lạnh, mát" như thế đã làm "vừa tay" hai sếp và "bạn bè" chưa?
Nếu vừa thì tốt nếu không thì cũng như kê khai tài sản, bọ sẽ cất "ngăn kéo" làm của để dành. "Mát" thế này mà chưa "vừa tay" thì có lẽ Bọ sẽ chuyển sang buôn hàng "Si đa …" một thời gian".
Phó Tổng biên tập Đào Ngọc Tước trả lời: “Đọc thư ông trẻ, con cười suýt rụng răng ạ!”.
Nghề “giáo” là nghề kiếm cơm, nói như bạn đồng nghiệp ngày xưa là nghề “bán cháo phổi”.
Viết bài đăng báo tuy cũng có liên quan đến vần “áo” nhưng lại không phải vì “áo” hay cơm, một phần muốn tìm lại đam mê viết văn thời trẻ, một phần cũng do muốn được làm điều gì đó có ích cho đời, giống như con tằm được chăm sóc đến cuối hành trình thì nhả tơ trả công cho người một nắng hai sương.
Nói là đam mê thời trẻ vì học hết lớp 10, nhận giấy báo đi học Bách Khoa Hà Nội là một vinh dự, không có lựa chọn, học mới được 2 năm đã bị “bắt” chuẩn bị để làm giảng viên đại học, cũng không có lựa chọn.
Mọi quyết định đều do tổ chức, học gì, làm gì, công tác ở đâu nhất nhất đều do tổ chức phân công, miễn trình bày nguyện vọng, lại càng không được phản đối. Điều ấy, cũng là một phần của lịch sử đã qua...
Cứ theo phân công mà làm, mỗi năm ngót nghìn tiết, gần gấp ba lần định mức, làm cho đến khi cầm sổ hưu bởi một chữ “nhẫn”, như lời người xưa dạy “nhẫn nại, nhẫn nhịn nhưng không nhẫn nhục”.
Có lúc lang thang trên cánh đồng, thấy những bông lúa lép vươn thẳng lên cao, những bông trĩu hạt lại “cúi đầu” xuống, chợt nghiệm ra rằng “cúi đầu” như bông lúa kia đâu phải là sự thấp hèn.
Nếu chỉ có những bông lúa “ngẩng cao đầu”, nếu không có những bông lúa chịu “cúi đầu” cuộc sống loài người sẽ ra sao?
Niềm vui của người viết chính là những dòng bình luận, trao đổi của bạn đọc, bởi những góp ý, tranh biện dù có được biết đến, dù có khen hay chê thì cũng chẳng bao giờ thấy được phản hồi, có đâu chục lần nhận được phản hồi thì lại chẳng mấy vui vẻ.
Một bạn đọc nữ gửi thư về tòa soạn, thư có đoạn: “Tôi thường đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và đặc biệt thích chuyên mục Góc nhìn bởi trong chuyên mục này có những bài viết của phóng viên Xuân Dương.
Nếu không phải giữ bí mật nghề nghiệp, Tòa soạn có thể giúp tôi trực tiếp nói chuyện với phóng viên Xuân Dương qua điện thoại được không?”.
Tòa soạn chuyển cho bức thư kèm theo lời bình của cánh phóng viên trẻ: “Chị này còn trẻ lắm, mà đặc biệt hâm mộ ông trẻ, chết dở...”‼!
Những bài được đăng, có người khen mà cũng không ít người chê, bình luận bài “Quân sư … con cóc” bạn đọc Ngô Thanh Tuấn viết “Dạo này báo Giáo Dục toàn bài viết chất. Like mạnh”.
Đáp lại bình luận này, bạn đọc Minh Mẫn viết: “Ôi giời ! Được mỗi lão già gàn dở Xuân Dương nói nhăng nói cuội thôi mà bác khen cả làng thế này thì Báo Giáo Dục ... ngại chết!"
Một bạn đọc (địa chỉ nguyen.thanh_bk@...) sau khi đọc bình luận của độc giả Minh Mẫn đã gửi tòa soạn ý kiến cá nhân, vì báo không đăng nên bạn nguyen.thanh_bk@ đã gửi trực tiếp cho tác giả:
“BAO THANH THIÊN @” - BTT@, 05/01/2017. Khi đọc được “bình luận” của “cái lão” “Minh Mẫn” nào đó (vào lúc 10:48, ngày 05/01/17, …. BTT@ đang rất cần nhận diện, đối diện với “cái lão” “Minh Mẫn” này xem sao… Quý Báo điện tử GDVN có thể làm “cầu nối” được chăng? Xin trân trọng cảm ơn Quý Báo”.
Đương nhiên cả “Quý báo” và người viết đều không muốn làm “cầu nối” trong trường hợp này, bởi phát biểu ý kiến cá nhân là quyền của mỗi người, khi đã vượt qua ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận” thì ai nói thế nào cũng được (nhĩ thuận), miễn là không vượt quá các chuẩn mực giao tiếp thông thường.
Xuân Dương cảm ơn và xin lỗi bạn nguyen.thanh_bk@ vì không thể trích dẫn toàn bộ ý kiến của bạn trong bài viết này.
Một trong những ý kiến khiến người viết rất cảm động là thư của GS. TS Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam gửi tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 1/9/2015:
“Bài: Làm chủ cuộc chơi khi nước lớn "đi đêm" của Xuân Dương rất hay. Xuân Dương có rất nhiều bài rất chất lượng, rất có tầm. THQ”.
Được bác Trần Hồng Quân khen đâm ra cũng có lúc hơi “phổng mũi”, nhìn giọt nắng trên bàn hình tròn lại cứ tưởng khe hở cũng tròn, thế là “viết nhăng viết cuội”, viết một loạt đến chín bài với tiêu đề chung là “9 diệu kế của “Binh pháp quan trường” ”.
Những bình luận của bạn đọc Phương Nguyễn, Nguyễn Phú Chiến, Trần Thanh Hùng, Khai Nguyên, Tô Quốc Q, Văn Trung Thành, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thanh Quảng,…và rất nhiều bạn đọc khác mà người viết rất tiếc không thể nêu hết tên chính là nguồn động viên, an ủi người cầm bút.
Có được những bài viết chất lượng một phần là nhờ sự dũng cảm của lãnh đạo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, phần khác chính là nhờ bạn đọc đã góp ý, đôi khi là cả gợi ý các chủ đề mang tính thời sự.
Một bình luận rất hóm của bạn Vân Nam (trong bài “Nhận diện nhóm lợi ích bán nước hại dân”) khiến người viết không thể quên:
“Bài viết hay đọc mà như có máu rỉ ở trong tim, mọi người ơi, có nghe Xuân Dương nói gì ko, huhu”.
Bài báo nêu trên có 7 vạn like và hơn 5 triệu lượt truy cập cho thấy Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực sự chiếm được cảm tình của bạn đọc, nhận định này không phải của Xuân Dương mà do chính độc giả viết:
“Trong tất cả các báo nhà nước mà tôi đã xem chỉ có báo Giáo dục mới thực sự mạnh dạn nói lên những gì mà người dân mong muốn, góp ý và xây dựng cho xã hội phát triển tích cực hơn…” (bình luận của bạn Thiện Ngôn).
Có một bí mật nho nhỏ là cho đến lúc này, Xuân Dương chưa bao giờ nhận mình là “nhà báo”, bởi đó là một danh hiệu cao quý, phải được công nhận là hội viên, phải được cấp thẻ.
Đã “gàn dở” lại “viết nhăng viết cuội” mà tự nhận là “nhà báo” thì thật không biết lượng sức mình.
Là thường dân, người viết mong muốn một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đó chính là những điều trái tim hằng ấp ủ.
Thế nhưng khối óc lại luôn mách bảo, rằng tử cổ chí kim, một xã hội không tồn tại bất công chỉ là mơ ước, là lý tưởng của nhân loại.
Một khi đã là “lý tưởng” thì luôn ở phía chân trời, đi vòng quanh trái đất cả triệu lần, vẫn luôn thấy chân trời ở phía trước.
Sẽ chẳng bao giờ có một xã hội công bằng bởi vũ trụ sinh ra vốn đã không công bằng, mặt trời rất nóng, mặt trăng rất lạnh, người sống ở xích đạo da đen, người sống gần vùng cực da lại trắng.
Chính sự tồn tại của loài người cũng là một sự không công bằng, loài người tự cho mình quyền chúa tể, tiêu diệt các loại sinh vật khác, độc chiếm hành tinh xanh.
Bill Gates - người giàu nhất thế giới - không phải là không có lý khi nói:
"Thế giới không bao giờ công bằng. Bạn không bao giờ có thể thay đổi cả thế giới.
Sự bất công luôn tồn tại trong xã hội hiện tại, vì thế hãy cố gắng thích nghi”.
Sống trong một thế giới mà “Sự bất công luôn tồn tại” không có nghĩa là để cho bất công hoành hành, để cho 8 người giàu sở hữu khối tài sản bằng 3,6 tỷ người, để những kẻ thất đức, bất tài trở thành người lãnh đạo chỉ vì họ là con ông nọ, cháu bà kia.
Sau năm Dậu là năm Tuất, Xuân Dương xin tặng bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam câu đối:
Gà gáy đón xuân sang, kê cân, cân sâu mọt.
Nghĩ mãi chưa ra vế đối, có người bạn đối như sau:
Cún tranh bú tí mẹ, cẩu trảm, trảm quan tham.
Lấy “gáy đón xuân” đối với “tranh bú tí” - một đằng là đất trời, một đằng là sự sống, “kê cân” đối với “cẩu trảm” một tích lấy trong Tam Quốc liên quan đến đại gian hùng Tào Tháo, một tích lấy trong Bao công (cẩu đầu trảm) liên quan đến vị quan được người đời suy tôn là Bao Thanh Thiên.
Tuy vế đối khá hay song người ra câu đối vẫn chưa thật ưng ý, rất mong bạn đọc xa gần cho người viết xin một vế đối.
Hy vọng một vế đối hay tạo nên đôi câu đối hoàn chỉnh sẽ được Ban Biên tập chọn đưa lên trang chủ mừng đất nước, dân tộc vào xuân.
Ngày Tết, mọi người thường thắp trên bàn thờ gia tiên ba nén nhang tượng trưng cho “thiên, địa, nhân” và lời chúc đầu năm thường là ba điều “phúc, lộc, thọ”.
Xuân Dương xin chúc bạn đọc xa gần ba chữ “sống vui, sống khỏe, sống an bình”, không muốn nói đến “sống lâu” bởi dẫu có sống cả thế kỷ mà không “an bình” thì cũng chả ai mong muốn.
Từ biệt năm con Khỉ, đón năm con Gà, viết đôi dòng tâm sự cùng bạn đọc, cũng là để cảm ơn sự đồng hành của quý bạn với những bài viết của Xuân Dương trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cùng nhau nâng chén rượu đầy,
Chào xuân, mừng bạn, đợi ngày nắng lên.
(Hà Nội, những ngày cuối năm Bính Thân - 2016 - Xuân Dương)