Ngày 31/12, tại lễ kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trao tặng danh hiệu “công dân Đà Nẵng tiêu biểu” cho 20 cá nhân xuất sắc.
Trước đó, có 29 cá nhân tiêu biểu được các địa phương, đơn vị đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý nói trên. Qua quá trình bình chọn đã chọn ra 20 công dân tiêu biểu.
Trong số những “công dân Đà Nẵng tiêu biểu”, có nhiều người là nhà giáo đã nghỉ hưu hoặc đang giảng dạy tại các trường.
Trao tặng danh hiệu "công dân Đà Nẵng tiêu biểu" cho 20 cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: K.H |
Chấp nhận đánh đổi và thế chấp toàn bộ gia sản để đặt cọc vào việc thành lập trường đại học tư thục, một mô hình chưa có tiền lệ, nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ (Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân) đã lèo lái “con thuyền” Duy Tân vượt qua những năm tháng khó khăn.
Hai ngư dân được đề nghị xét tặng công dân tiêu biểu của “Thành phố đáng sống” |
Hơn 20 năm đã trôi qua, thương hiệu Duy Tân ngày càng bay cao, bay xa với khát vọng trở thành một trường đại học danh tiếng, uy tín trong ngành giáo dục đại học.
Ông còn được nhiều người biết đến với cái tên Lê Phương Thảo, là một trong những người đi đầu trong phong trào sinh viên đấu tranh ở đô thị miền Nam trước năm 1975.
Với thành tích đặc biệt này, ông được Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng trao tặng danh hiệu “công dân Đà Nẵng tiêu biểu”.
Một nhà giáo ưu tú khác là thầy Nguyễn Hữu Ái, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng cũng được trao tặng danh hiệu này.
Thầy được đồng nghiệp, học trò quý mến bởi sự tận tâm yêu nghề, gương mẫu, say mê lao động, sáng tạo không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục của Đảng.
Năm nay, tuy đã bước sang tuổi 73 tuổi, nhưng thầy vẫn luôn xông xáo, dành tâm huyết cho hoạt động của Hội Cựu giáo chức quận Sơn Trà.
Ngoài ra, thầy Phan Văn Hòa (giảng viên cao cấp, Đại học Đà Nẵng) và thầy Nguyễn Duy Quy (Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai) cũng được trao tặng danh hiệu “công dân Đà Nẵng tiêu biểu”.
Thầy Hòa được xem là một trong những nhân tố góp phần quan trọng trong việc phát triển ngoại ngữ trên địa bàn thành phố.
Còn thầy Quy là người đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và giải pháp kỹ thuật giúp các em khiếm thị hòa nhập với cuộc sống.
Hai ngư dân từng nhiều năm xông pha giữa sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa để vừa đánh bắt, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo là Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) và Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cũng được bình chọn trao tặng "công dân Đà Nẵng tiêu biểu".
Hai người được xem là "sói biển" ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mấy chục năm qua.