Thứ sáu, các tầng lớp khác
Chương trình Táo quân 2016, đạo diễn đã dành cho nghệ sĩ hài Chí Trung câu phát ngôn nổi tiếng: “giàu thì nó ghét, đói rét nó khinh, mà thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”.
“Nó” ở đây chỉ là một bộ phận không nhỏ hay là nét đặc trưng của mọi tầng lớp cư dân?
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một Phó tiến sĩ nộp quyết định phân công về giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Ông chưa quen biết ai và cũng chưa “gây thù chuốc oán” với ai. Người ta không cho ông về bộ môn giảng dạy với lý do: “vì chú là Phó tiến sĩ nên tôi không thể nhận chú về bộ môn, nếu chú là kỹ sư thì không có gì khó”.
Một vị Vụ trưởng hiện đang công tác tại văn phòng Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn nhớ câu chuyện này.
Nhiều người hôi bia khi xe chở bia gặp nạn. (Ảnh: Zing.vn) |
Chuẩn bị tiêu hủy hàng bị tịch thu tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, bất chấp ống kính phóng viên đang ghi hình, “nó” nhao vào “tiêu hủy” bằng cách ôm hàng chạy đi chỗ khác.
Ở Bình Phước, “nó” vác cốc bia “choảng nhau” ngoài quán karaoke khiến một phó sở mất chức, phó sở thứ hai bị cảnh cáo.
Ông Nguyễn Trường Tô, cựu Chủ tịch Hà Giang bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức Chu tịch tỉnh vì “sống không lành mạnh”.
Ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương đang khiến chúng ta phải bối rối vì không biết xử lý ông ta thế nào ngay cả khi Quốc hội chính thức khẳng định ông Hoàng “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội”.
Xe chở hàng bị tai nạn, “nó” lao vào cướp hàng hóa vương vãi, điển hình là vụ “Xe chở bia gặp nạn, hàng trăm người dân đổ ra hôi của” (Laodong.com.vn 4/12/2013) và mới nhất là vụ “Cháy xe chở hàng, dân 'hôi của', tài xế bật khóc: 'Họ là kẻ cướp đường trắng trợn'” (Vtc.vn 3/11/2016).
Nhận xét về “nó”, Vietnamnet.vn ngày 1/11/2013 chạy tít: “Xấu mặt cảnh gào thét, tranh cướp đồ ăn khuyến mãi”.
Người Việt, Nhất và Bét |
Bài báo mô tả các “thế võ” đặc trưng được “trình diễn” như: “Hỗn chiến để ăn sushi miễn phí; Gào thét tranh cướp suất ăn 100.000 đồng; Giẫm đạp lên nhau mua hàng giảm giá; Bỏ mặc người gặp nạn để hôi của; Giành nhau từ chiếc áo mưa;…”.
Tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=9sIf1W3BcW4 ngày 19/4/2015 xuất hiện video clip mô tả “nó” rất vô tư “Vượt rào vào tắm miễn phí công viên nước Hồ Tây (tuột cả … chip)”
Xem ra “nó” không chỉ là người dân lao động nhận thức chưa cao, mà còn có thể là một bộ phận cán bộ, công chức được học hành đến nơi đến chốn.
Tạm gác chuyện “nó” để nói về “tương lai của đất nước” là đội ngũ học sinh, sinh viên. Hai câu chuyện sau đây là những trải nghiệm khó quên của ông giáo già có hơn 40 năm đứng trên bục giảng.
Trong một buổi lên lớp tại một học viện, nhìn xuống cuối lớp thấy hai sinh viên một nam một nữ, họ không có vở ghi bài, không trò chuyện gây mất trật tự, họ chỉ vô tình “vung tay chạm… vòng 1, chụm môi nhưng… chưa hôn” (giống câu thành ngữ mới xuất hiện: “vung tay chạm má, đá chưa trúng người”).
Cuối buổi học cả hai giơ điện thoại di động chụp những gì còn lại trên bảng rồi nắm tay nhau đi ra, họ quên hoặc chưa được học câu chào thầy!
Một lần, đang giờ học, một cô giáo chạy lên văn phòng khoa đề nghị “thày cho em chuyển sang dạy lớp khác”, hỏi mãi cô mới nói lý do, một nam sinh viên lớp cô bị bắt gặp đặt điện thoại di động trên mũi giày dưới sàn quay video lúc cô đi lại giữa các hàng ghế (cô mặc váy)!
Một quán chơi game 60 - 70 máy, có lúc học trò ngồi gần kín các phòng, nhìn vào thấy đa số mặc đồng phục học sinh phổ thông. Học sinh các trường tư thục chiếm tỷ lệ cao hơn công lập.
Một kỹ sư không biết canh cua đồng nấu với rau gì hay El Nino là hiện tượng gì liệu có phải là kém hiểu biết so với một quan chức cấp vụ thể hiện trình độ pháp luật của mình qua câu nói:
“Tôi không biết anh có phải là nhà báo chân chính hay không. Anh gọi tôi giờ này là không còn giờ làm việc nhá, anh coi lại Luật Báo chí đi”. [11]
Dù đã “coi lại” rất kỹ Luật Báo chí, người viết cũng không tìm thấy điều khoản nào quy định phóng viên không được phép gọi điện phỏng vấn quan chức ngoài giờ làm việc?
Điều đáng nói nhất không phải lớp trẻ ngày nay không hiểu những khái niệm hiện đại như El Nino là gì mà là không biết đến lịch sử dân tộc.
Quay lưng với môn học Lịch sử có phải là biểu hiện nhận thức sai lệch về chuẩn văn hóa của công dân hiện đại.
Tiếc thay đó không phải là cá biệt khi “Lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong nhà trường phổ thông” (Tuoitre.vn 9/4/2013).
Một tầng lớp cư dân xuất hiện ngày càng đông đảo mấy chục năm nay được gọi là giới Showbiz (Show Business - công nghiệp giải trí, giới trình diễn).
Showbiz Việt ngày nay không kém bất kỳ nước nào trên thế giới về khoản thiếu… vải hoặc “ứng xử không hay, thiếu văn hóa” (Laodong.com.vn 3/8/2015) nhưng lại rất thừa những vụ cãi vã, lăng mạ nhau trên mạng xã hội.
Bài trên báo Lao động viết nguyên văn như sau: “ca sĩ Quang Lê bình thản cho rằng: “Càng nhiều scandal càng tốt cho tôi. Nhờ đó, cátsê của tôi mỗi ngày mỗi lên chứ không có dấu hiệu giảm”. [12]
"Văn hóa Việt đang xuống dốc vì nhiều vấn đề phát triển... lộn ngược"(GDVN) - “Cái chính khiến người ta cảm thấy văn hóa nước ta xuống dốc là do nhiều vấn đề đang phát triển lộn ngược”, họa sĩ, nhà nghiên cứu (NNC) văn hóa mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh. |
Một trong những thần tượng của giới trẻ là ca sĩ họ Đàm đã tạo nên vụ tai tiếng khiến truyền thông dậy sóng và Vov.vn buộc phải viết:
“Phần lớn đều ủng hộ, đồng tình với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và cho rằng, nền giải trí Việt Nam thiếu những lời nói thẳng nói thật và bị những chiêu trò làm mất đi giá trị thực. Đồng thời, phản đối cách ứng xử thiếu lễ phép của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng”. [13]
Không phải giới showbiz chỉ thiếu “những lời nói thẳng nói thật” mà không hiếm khi sự thiếu vắng văn hóa tối thiểu khiến người ta trở nên lố bịch như một cô gái đặt cho mình “nghệ danh” là “Bà Tưng”.
Vì sao mạng xã hội lại cứ phải gọi người đó là “Bà Tưng” khi mà “Loạt ảnh hở hang, thiếu vải của Bà Tưng - Lê Thị Huyền Anh bị rò rỉ” trên mạng xã hội. [14]
Một số nghệ sĩ nổi tiếng, kết hợp với một số kênh truyền hình đang trắng trợn lừa dối người xem quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo bột giặt.
Vtc.vn trong bài “Quảng cáo bột giặt kiểu 'dìm hàng': Người nổi tiếng bị lợi dụng” đăng ngày 19/12/2013 viết: “Đại sứ” của thương hiệu này chính là cô ca sỹ Mỹ Linh.
Và, nàng diva nổi tiếng trong giới showbiz đã không ngần ngại công kích sản phẩm của đối thủ cạnh tranh”.
“Dìm hàng” đối thủ chỉ là một phần trong quảng cáo, với một ít bột giặt có thể tẩy trắng hoàn toàn tấm áo bị cả cốc cà phê đổ vào là sự thật 100% hay chỉ là sự lừa đảo mà những nghệ sĩ có chút sĩ diện không thể nhắm mắt làm ngơ?
Mấy trẻ em đẩy giúp xe ô tô chết máy bị dầu mỡ phun đầy quần áo, cho ít bột giặt vào là sạch bong như mới không chỉ là lừa đảo mà còn thiếu văn hóa trầm trọng khi chiếc xe nổ máy chạy mất hút không một lời cảm ơn bọn trẻ?
Nền âm nhạc nước nhà thời nay bao giờ mới mang lại được cho người nghe những ca khúc bất tử như Bài ca hy vọng, Xa khơi, Mẹ yêu con, Du kích sông Thao, Người Hà Nội, Lên ngàn…?
Và đến bao giờ, những màn múa tập thể trong hầu hết các chương trình khai mạc hoành tráng mới hết sự nguềnh ngoàng trong động tác nhảy đá chân, đứng một chân xoay vòng của Ba lê cổ điển?
Thói “ăn may, ỷ lại” có phải là một trong những biểu hiện phổ biến của cư dân Việt thời nay?.
Nền Nông nghiệp Việt Nam năm 2015 xuất khẩu 6,568 triệu tấn gạo thu về 2,68 tỷ USD (Hanoimoi.com.vn 14/1/2016).
Thế nhưng cũng năm 2015, người Việt đã chơi xổ số hết hơn 3 tỷ USD (cả nước chơi hết 69.500 tỷ đồng, miền Bắc và miền Trung là 7.500 tỷ đồng; các tỉnh thành phía Nam là 62.000 tỷ đồng (trong đó, riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 6.000 tỷ đồng)? [15]
TS Nguyễn Nhã: Nền tảng của văn hóa Việt là “yêu nước trong xây dựng” |
Nếu toàn bộ số tiền xổ số ấy được quản lý để xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, giáo dục thì không có gì phải bàn.
Nhưng bao nhiêu tiền rơi vào túi quan chức ngành xổ số và tiêu xài vào những chuyến công tác nước ngoài nhằm học tập kinh nghiệm “bán vé số” hay “tri ân” các quan chức trong những chuyến xả láng tại nước ngoài trước khi nhận sổ hưu?
Chưa nói, “ăn may” luôn đi kèm ỷ lại (lười biếng), số người giả vờ tàn tật, đóng giả nhà sư đi ăn xin có thể thấy ở hầu hết các thành phố, thị xã, tuy nhiên đó chỉ là một số rất nhỏ không đáng kể.
Năm 2004, lần đầu tiên Quốc hội đã trực tiếp phân bổ ngân sách cho 61 tỉnh thành, trong đó 15 địa phương tự cân đối được thu chi - nghĩa là số tỉnh phải xin trợ cấp từ TƯ chiếm khoảng 75%.
Năm 2015 con số này là 80%, tại sao đất nước trở thành nước có thu nhập trung bình mà số tỉnh không tự nuôi được mình lại tăng thêm 5%?
Trả lời câu hỏi này không khó, chỉ cần 30 phút chạy xe từ Hà Nội về Hải Dương, thăm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này, nơi biên chế có 46 người thì 44 người là lãnh đạo sẽ rõ.
Một biểu hiện khác cũng phổ biến không kém thói “ăn may, ỷ lại” là mê tín dị đoan.
Dân thường cũng như công chức, trong đó có không ít cán bộ lãnh đạo đua nhau đi lễ đền Bà Chúa Kho, đền các ông Hoàng…
Người ta dẫm đạp nhau cướp lộc, vung tiền mua ấn đền Trần đến nỗi Bưu điện thành phố Nam Định đã “nhanh chân” nghĩ ra sáng kiến làm đại lý mua hộ ấn và chuyển phát nhanh đến tận tay người/cơ quan có nhu cầu! [17]
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, bình quân mỗi ngày có 22 lễ hội, số lễ hội tại Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng năng suất lao động thuộc hạng nào?
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.
So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan.
Số lễ hội nhiều khủng khiếp không phải là lỗi của “bộ phận không nhỏ”, đây là “thành tựu” của tất cả người Việt từ Bắc vào Nam, từ biển lên rừng, từ nhà quê ra thành phố.
Để kết thúc bài viết, xin nêu câu hỏi: “đâu là nguyên nhân khiến người Việt “nhất và bét” như vậy”?
Theo lý luận kinh điển, vật chất có trước, tinh thần có sau vì thế bài viết chỉ đề cập đến hai nguyên nhân gắn với “vật chất và tinh thần” còn nhiều nguyên nhân xác đáng khác song sẽ không đề cập ở đây.
Nguyên nhân thứ nhất bắt nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp cho đến nay vẫn là nguồn sống chính của phần lớn cư dân, tâm lý nông nghiệp đang là rào cản dù rằng nông nghiệp đã góp phần giúp thế giới biết đến Việt Nam như là quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu nông sản.
Chiều 28/11 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2016.
Thủ tướng yêu cầu: “Không để tình trạng tháng Giêng là tháng ăn chơi” cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã không thể yên lòng trước thực trạng “chơi bời” của công chức, viên chức.
Điều mà Thủ tướng yêu cầu liệu có thể áp dụng cho mọi tầng lớp cư dân chứ không chỉ người trong cơ quan nhà nước.
Tâm lý “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” đã khiến người Việt có lúc xem mình là “đỉnh cao chói lọi”, không muốn, không cần những gì thế giới xem là khoa học, là tiến bộ.
Tâm lý “bờ vùng, bờ thửa” mang theo vào chốn công quyền khiến tình trạng cát cứ, trên bảo dưới không nghe hoặc nghe xong để đấy đã trở thành vấn nạn. Đó phải chăng là nguyên nhân khiến Việt Nam “63 tỉnh là 63 nền kinh tế”?
Tâm lý “trông trời trông đất trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm” khiến cho có tới 50 tỉnh năm nào cũng “trông” vào “chùm khế ngân sách”.
Tâm lý “một giọt máu đào hơn ao nước lã” khiến “đồng chí này là con đồng chí nào” trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của không ít tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ.
Tâm lý “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại” đã thấm nhuần đến mức Thủ tướng phải chỉ đạo:
“Rút kinh nghiệm vụ việc tại Thanh tra Chính phủ, không thể có cán bộ phát ngôn như vậy, không thể che giấu, bưng bít, "xấu xa đậy lại"”. [18]
Để loại bỏ tâm lý nông nghiệp khỏi đời sống xã hội, cách duy nhất là chuyển dịch cơ cấu, giảm số người sống bằng nghề nông, tăng tỷ lệ cư dân trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nghiên cứu khoa học… thực hiện bằng được tầm nhìn chiến lược đưa Việt Nam thành nước công nghiệp vào năm 2035 như Chính phủ và Ngân hàng thế giới WB đã đề cập trong “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035”.
Nguyên nhân thứ hai là lĩnh vực tinh thần.
Cụ Phan Bội Châu “Đông du”, Cụ Hồ Chí Minh “Tây du” chính là tìm con đường khai phóng, đưa dân tộc thoát khỏi rào cản tâm lý của dân tộc bị nô dịch nhiều thế kỷ.
Tên nước mà quốc dân đồng bào đặt sau khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Xây dựng một nền Dân Chủ sao cho “người dân được mở miệng” chính là điều Cụ Hồ đã tâm niệm và là điều Cụ Hồ dặn lại đội ngũ lãnh đạo đất nước.
Nếu đội ngũ 20.000 nhà báo, những người thay mặt nhân dân cất lên tiếng nói cũng bị bị xem là “nó” - như lời được cho là của ông quyền Vụ trưởng thuộc Thanh tra Chính phủ (“tôi nói thật với anh Đạt và các anh lãnh đạo, báo chí lúc này nhiều quá, hơn 20.000 nhà báo mà nó xâu xía vào thì không có lịch mà tiếp đâu nên tôi đề nghị trong quá trình đoàn thanh tra làm việc các đồng chí không tiếp, trừ báo Đảng vào tuyên truyền giúp đỡ nhà trường…”) thì “người dân được mở miệng” như thế nào?
Đường lối lãnh đạo của Đảng là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, nếu điều đầu tiên là “dân biết” chưa được thực hiện - hay như Cụ Hồ từng nói “bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi...” thì sẽ không có “dân bàn” vì “dân biết gì mà bàn” và đương nhiên sẽ không có “dân kiểm tra”!
Khi “Dân Chủ” được thực thi toàn diện, triệt để thì tự khắc sẽ có minh bạch, sẽ có công bằng và hệ quả kèm theo là niềm tin của người dân sẽ trở lại.
Người viết cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là Dân Chủ.
Tài liệu tham khảo:
[13] http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/ne-phuc-cach-hanh-xu-cua-nhac-si-nguyen-anh-9-277918.vov
[14] http://news24htoday.blogspot.com/2014/06/loat-anh-ho-hang-thieu-vai-cua-ba-tung.html
[15]http://video.vnexpress.net/tin-tuc/kinh-doanh/tp-hcm-choi-xo-so-nhieu-nhat-nuoc-3498871.html
[17] http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/dich-vu-chuyen-phat-nhanh-an-den-tran-gay-soc-290747.html
[18] http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/rut-kinh-nghiem-vu-viec-tai-thanh-tra-chinh-phu-khong-the-che-giau-bung-bit-xau-xa-day-lai-615741.bld