Như đã đề cập trong bài trước, trụ cột thứ 3 “Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình” và có lẽ là vấn đề cần phải tìm hiểu nhiều nhất trong Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035.
Nhà nước, theo quan điểm của học thuyết Mác - Lênin là một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị, được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình.
Nhà nước vì thế mang bản chất giai cấp, đó là quan điểm hàng trăm năm trước.
Đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, theo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (khoản 2 điều 2).
Như vậy quan điểm “Nhà nước mang bản chất giai cấp” đã có những thay đổi căn bản, Hiến pháp không đề cập đến “quyền lực chính trị của giai cấp thống trị” - tức là vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân - mà là “quyền lực của Nhân dân” với sự liên minh của ba lực lượng công nhân, nông dân, trí thức.
Có thể thấy còn một lực lượng mà vai trò càng ngày càng quan trọng nhưng chưa được đề cập là tầng lớp doanh nhân - đội ngũ này ngày càng đông đảo và đang hình thành khả năng chi phối mọi hoạt động kinh tế nội địa cũng như kinh tế đối ngoại.
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế (Ảnh: Báo Đầu tư). |
Mục tiêu đến 2035 là hoàn thiện một “Nhà nước pháp quyền hiệu quả”. (Tr. 21)
Khi nói đến “Nhà nước pháp quyền” tức là nói về quyền lực Nhà nước, không phải những quyền cụ thể của công dân hay quyền con người…
Một “Nhà nước pháp quyền” theo nghĩa phổ quát, được tất cả các thể chế chính trị công nhận là quyền lực nằm trong tay Nhà nước phải được phân định sao cho có sự giám sát để không thể lộng quyền.
Việt Nam - giấc mơ 2035 |
Nói cách khác “Nhà nước pháp quyền” phải minh bạch các quy định về quyền của chính mình dựa trên “Luật về quyền” (lập pháp, hành pháp và tư pháp), tuy nhiên cho đến nay chúng ta chưa có “Luật về quyền” ngoại trừ những quy định trong Hiến pháp.
Các “quyền” này (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải độc lập với nhau như cái cách mà phương Tây gọi là “Tam quyền phân lập”.
Sự ràng buộc chồng chéo cả ba “quyền” này trong một cơ chế mơ hồ kiểu “Liên ngành” khiến cho nhà nước khó vận hành, khiến cho hiện tượng “cát cứ” có điều kiện nảy sinh và không thể kiểm soát.
Chính vì thế báo cáo đã nhấn mạnh đến “rào cản thể chế đối với sự phát triển tại Việt Nam” (Tr. 98), theo đó hoạt động của Nhà nước đang rơi vào tình trạng:
“Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế; cấu trúc Nhà nước cát cứ và manh mún; còn ít sự kiểm soát và cân bằng - chưa phát huy tiếng nói và sự tham gia của người dân”.
Có vẻ như chúng ta đang nhấn mạnh đến “Nhà nước pháp quyền” trong khi lại chưa có nhận thức chính xác về “Nhà nước pháp trị”.
Có ý kiến cho rằng chúng ta đang thực thi “pháp trị” theo nghĩa là dùng pháp luật để cai trị?
Với Nhà nước pháp quyền thì quyền lực tối thượng thuộc về pháp luật, người dân, quan chức hay các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan quyền lực đều bị pháp luật quản lý.
Trước pháp luật, công dân, quan chức hay cơ quan công quyền đều bình đẳng, tuy nhiên chuyện “quan luôn thắng dân” vẫn là một thực tế diễn ra hàng ngày.
Nếu “pháp trị” được hiểu là sự “cai trị bằng pháp luật” thì pháp luật (lúc này) trở thành công cụ mà chủ thể nắm quyền cai trị sử dụng để điều hành Nhà nước.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 (bên trái) và ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB công bố Báo cáo Việt Nam 2035 (Ảnh: Báo Đầu tư). |
Một khi luật pháp biến thành công cụ cai trị thì khả năng dễ xảy ra là đến một lúc nào đó, sẽ xuất hiện một lực lượng thâu tóm hết quyền lực, đứng trên quyền lực Nhà nước và trở thành độc quyền.
Các nước tư bản hiểu “pháp trị” là “pháp luật cai trị” tức là pháp luật giữ địa vị thống trị, như thế “pháp trị” đã tiệm cận với “pháp quyền”.
Người viết đồng tình với một ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng đăng trên tạp chí Tia sáng của Bộ Khoa học và Công nghệ:
“Với ý nghĩa bình đẳng trước pháp luật, tất cả các công dân đều ngang quyền với Nhà nước. Không thể có chuyện, mọi vi phạm của người dân đều bị trừng trị, còn mọi vi phạm của Nhà nước (hoặc của các quan chức Nhà nước) đều được cho qua.
Không thể có chuyện, cấm người dân đi xe máy để những người đi ô tô có đường đi thông thoáng hơn”. [1]
Làm thế nào để xây dựng một Nhà nước pháp quyền “hiệu quả” khi mà “Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế”?
Câu hỏi này có thể diễn giải cách khác, một khi Nhà nước dành quỹ thời gian và nguồn lực cho hoạt động kinh doanh, buôn bán thì vai trò quản lý của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Nhận thức về điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”!
Cũng cần phải nói thêm rằng “Chính phủ không dạy Đại học, không buôn tiền, không buôn điện, xăng dầu, ga nấu bếp…” nghĩa là các Đại học, các ngân hàng, các đơn vị kinh tế phải tự chủ, phải kinh doanh dưới sự giám sát của Nhà nước.
Ngân sách Nhà nước và phúc lợi xã hội phải được hình thành chủ yếu từ nguồn thu thuế chứ không phải từ lãi mà các doanh nghiệp Nhà nước mang lại.
Chính vì thương trường là chiến trường nên khi Nhà nước tham gia thương trường thì phần ưu ái sẽ nghiêng về Nhà nước - tức là các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh và phần thiệt sẽ dành cho khu vực tư nhân.
Thế nhưng rủi ro mà Nhà nước gánh chịu lại là rủi ro của toàn dân, đó là nghịch lý không khó nhận ra nhưng lại không dễ khắc phục.
Trong hoàn cảnh đó, núp bóng Nhà nước để kinh doanh là chiến lược được khu vực tư nhân vận dụng triệt để, đó là nguyên nhân hình thành nhóm lợi ích đặc quyền mà người viết đã đặt tên là nhóm lợi ích Quan - Doanh (quan chức - doanh nghiệp) và “quan hệ của nhóm này với Nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường”. (Tr. 99)
Làm sao có được sự bình đẳng trong kinh doanh khi quan chức Nhà nước có vợ, chồng, người thân sở hữu các doanh nghiệp tư nhân?
Việc một quan chức chính quyền cấp tỉnh phản bác ý kiến của lãnh đạo tỉnh khác liên quan đến doanh nghiệp của vợ mình liệu đã phải là minh chứng cho sự đan xen quyền hành pháp (của Nhà nước) và quyền lợi kinh tế của tư nhân?
Khi “Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế” nhưng lại chưa (hoặc không) tuân theo một cách đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường thì lấy gì đảm bảo sự thành công?
Một khi lương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không bằng lương kế toán doanh nghiệp (Nhà nước) thì có phải chúng ta đang thực hiện đúng khẩu hiệu “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”?
Dựa vào đâu để khẳng định sản phẩm lao động của nhân viên kế toán doanh nghiệp Nhà nước cao hơn sản phẩm lao động của Chủ tịch nước?
Hỏi thế nhưng cũng phải hỏi lại, tại sao chủ trương khoán xe công có từ 10 năm nay vẫn không thành hiện thực, vì sao phải bỏ hàng trăm triệu chạy việc, người ta vẫn lao vào để có một chân công chức, viên chức?
Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”?(GDVN) - Muốn tiêu diệt “xã hội nhóm lợi ích” thì phải tiêu diệt các “tế bào” tạo nên xã hội đó. Liệu có cơ chế nào hữu hiệu để cách ly quan trường và thương trường? |
Vì sao một nguyên Bí thư tỉnh khuyên con trai đang làm Phó Giám đốc một công ty, rằng “tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng Nhà nước”? [2]
Sự méo mó về điều hành kinh tế kéo theo sự méo mó về ý thức quyền lực bởi, như học thuyết Mác - Lênin khẳng định: “Vật chất quyết định ý thức, ý thức là sự phản ánh đối với vật chất, điều kiện vật chất như thế nào thì ý thức như thế đó”…
Một đất nước “63 tỉnh là 63 nền kinh tế” có phải là nguyên nhân chính dẫn đến nhận định của Chính phủ trong báo cáo: “cấu trúc Nhà nước cát cứ và manh mún”?
Bản thân Chính phủ đã thể hiện sự “cát cứ” của mình qua việc ban hành Nghị định 51/2013/NĐ-CP, theo đó (Phụ lục 2) Kế toán trưởng công ty, tập đoàn do Chính phủ quản lý có mức lương dao động từ 16 đến 29 triệu đồng một tháng, cao hơn mức lương các chức danh lãnh đạo (cao nhất) Đảng, Quốc hội và Nhà nước?
Chính phủ Hoa Kỳ nhiều phen lao đao vì Quốc hội chậm phê duyệt kinh phí hoạt động trong khi “giỏ tiền” tại Việt Nam lại nằm trong tay Chính phủ?
Có phải vì nắm kinh tế nên khi Chính phủ không trình dự thảo luật thì Quốc hội cũng không thể thảo luận dù Quốc hội theo Hiến pháp là cơ quan lập pháp? Thực tế cho thấy Quốc hội chỉ là cơ quan phê duyệt, mọi dự thảo luật đều do Chính phủ soạn thảo.
Xuống đến địa phương, sự “cát cứ và manh mún” có thể thấy trong chuyện chính quyền tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ 8 Phó Giám đốc sở Nông nghiệp dù Thủ tướng đã hai lần có ý kiến chỉ đạo hay thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cho thành phố này tự biên soạn Sách giáo khoa và tổ chức Kỳ thi Quốc gia Tốt nghiệp Trung học Phổ thông riêng trong khi các tỉnh nghèo chẳng tỉnh nào dám đòi hỏi “quyền” như vậy!
Bản thân báo cáo Việt Nam 2035 cũng cho thấy biểu hiện chồng chéo, cát cứ của các bộ phận cấu thành Nhà nước bởi khi cho rằng “chỉ số trọng lượng tiếng nói của người dân giảm sút” thì có nghĩa một cách gián tiếp, Chính phủ cho rằng Quốc hội chưa thể hiện đúng vai trò là cơ quan duyền lực cao nhất của nhân dân.
Lẽ ra những nhận định sau đây:
“Quốc hội nên bao gồm chủ yếu là các đại biểu chuyên trách được trợ giúp bởi bộ máy giúp việc được đào tạo bài bản và có năng lực thực sự. Đồng thời, cần có cơ chế giải quyết tình trạng xung đột vai trò, xung đột lợi ích làm giảm khả năng giám sát của mỗi đại biểu Quốc hội và có cơ chế để cử tri truy trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội”.
Hoặc:
Những sai lầm “vụn vặt”: Chính sách tiền tệ |
“Quốc hội sẽ bao gồm các đại biểu chuyên trách với trình độ chuyên môn cao và có khả năng tự chủ về thể chế để đại diện cho nhân dân, thực hiện giám sát về hành pháp; phê chuẩn và ban hành các bộ luật có chất lượng”… phải do Đảng hoặc chính Quốc hội đưa ra chứ không phải do Chính phủ góp ý.
Báo cáo 2035 đề cập vấn đề “Tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước”, một trong những “giải trình” cần làm rõ là “tính minh bạch của Nhà nước” hay tính “minh bạch thể chế”.
Liệu nhận định ngày 13/10/2016 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “Cộng sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không thấy một chút hơi thở của Chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam" [3] là một nhận định theo “thuyết âm mưu” hay từ ngoài nhìn vào, người ta thấy rõ hơn chúng ta là người trong cuộc?
Ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng (Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 30/9/2015 đã phản ánh phần nào thực tế này:
“Những hạn chế của đổi mới chính trị trong mọi quan hệ với đổi mới kinh tế này đã cản trở quá trình đổi mới kinh tế, thậm chí kìm hãm kinh tế phát triển.
Vấn đề đổi mới chính trị chưa thực sự có hiệu quả một phần do chúng ta chưa làm rõ và phân định dứt khoát chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của Nhà nước.
Mặt khác, trong đổi mới chính trị chúng ta mới chỉ tập trung nhấn mạnh ý nghĩa của đổi mới tư duy về chính trị chứ chưa thực sự tiến hành đổi mới ở con người chính trị - chủ thể hoạt động chính trị và cơ chế hoạt động có hiệu quả của hệ thống chính trị”. [4]
Những sai lầm “vụn vặt”: Công tác cán bộ |
Khoảng đầu thế kỷ 19, Việt Nam từng là nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia, hoặc Philippine, giờ đây chúng ta tụt hậu hơn họ hàng chục năm.
Sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu tập trung vào kiểm điểm quy trách nhiệm, khát vọng giành lại vị thế của người Việt từng có trong quá khứ là rất lớn và vì thế người viết đồng tình với quan điểm, rằng để xây dựng một “Nhà nước pháp quyền hiệu quả” cần thực sự tiến hành đổi mới ở “chủ thể hoạt động chính trị” chứ không phải là “tư duy chính trị” bởi tư duy chỉ là sản phẩm của vật chất phát triển cao - bộ não của con người.
Sự chuyển động của Chính phủ khi xây dựng báo cảo tổng quan 2035 là một hoạt động đáng ghi nhận, nhưng liệu có thành công nếu Nhà nước vẫn hoạt động như một doanh nghiệp và các nhánh quyền lực vẫn không được phân định rõ ràng, thể chế vẫn theo con đường cát cứ và manh mún?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=257&CategoryID=3
[3] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37646535
[4] http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/lich-su-dang/doc-2930201510101046.html