Quyết định bù giờ 1.839.600 phút của “trọng tài chính”

26/12/2014 13:45
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Nói với các lão thành, lãnh đạo bậc cao nhất tỉnh cho biết, việc bổ nhiệm đúng quy trình; nhưng chỉ 3 ngày sau, cấp dưới họp lại, thu béng cái quyết định ấy...

Chiều 19/12, ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong cuộc gặp mặt các vị nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh đã giải thích việc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo hơn 3,5 năm đối với bác sĩ  Đặng Bé Nam (Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau) thực hiện theo đúng quy trình.

Ba ngày sau, tối ngày 22/12/2014, Sở Y tế Cà Mau lại có buổi họp Ban Giám đốc khẩn, thống nhất rút lại quyết định bổ nhiệm bác sĩ Nam. [1]

Vậy đây là chuyện người lớn hay chuyện trẻ con? 

Nếu việc bổ nhiệm là đúng quy trình thì tai sao lại phải rút?

Hơn nữa, việc rút lại quyết định bổ nhiệm cũng phải đúng quy trình, nghĩa là phải công bố lý do, phải dựa vào điều này luật kia chứ không thể dựa vào cảm tính.  

Điều cần thiết là Cà Mau nên công bố cho dư luận được biết lý do rút lại quyết định bổ nhiệm. Sinh mệnh chính trị, uy tín của một đảng viên, một nữ cán bộ không thể xem như quả bóng chuyền đi chuyền lại, thích thế nào là tùy ý lãnh đạo!

Với sự việc này, liệu người dân có thể tin tưởng vào các quyết định của lãnh đạo tỉnh Cà Mau từ trước đến nay?

Quyết định bù giờ 1.839.600 phút của “trọng tài chính” ảnh 1“Săn tham nhũng” – Tìm thợ săn ở đâu?

(GDVN) - Vì sao tham nhũng vẫn không bị đẩy lùi mà lại trở nên nguy hiểm hơn, từ chỗ đơn lẻ nay đã “trở thành bè cánh, bao che cho nhau”?

Truyền thông và người dân chẳng lạ gì các quyết định bổ nhiệm nhân sự ở phút 89 của các vị giữ trọng trách như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền hay nguyên Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Rum.

Trong báo cáo số 157/BC-UBND gửi Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thi hành kỷ luật công chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ghi “thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với hình thức phê bình rút kinh nghiệm”.

Quyết định kỷ luật ông Rum của UBND thành phố Hồ Chí Minh có thể nói là một sự nhìn xa trông rộng, ít nơi nghĩ ra được. Nói là nhìn xa trông rộng vì có thể UBND TP Hồ Chí Minh đã đề phòng trường hợp sau khi về hưu, ông Rum chỉ còn chức vụ  “thường dân”, nhưng  biết đâu ông lại tiếp tục bổ nhiệm các “phó thường dân” vào các chức “dân phòng” hay “trật tự viên” ngõ xóm nên ông mới phải “rút kinh nghiệm” chứ nếu chỉ ngồi nhà an phận “hiu hiu”  thì ông phải “rút kinh nghiệm” cái gì?

Ông Tươi sinh ngày 15/5/1955 nghĩa là theo luật ông còn tại vị được 5 tháng nữa vậy nên nếu ông có theo gương các bậc đàn anh âu cũng là chuyện thường ngày ở huyện, nói đi nói lại, nói tái nói hồi cũng vẫn thế nên có lẽ bà con đừng quan tâm làm gì, hãy dành thời gian cho việc khác thiết thực hơn.

Nhưng mà chẳng lẽ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” nên đành phải viết mấy dòng, dù không phải là tâm tư của nhiều người thì cũng là để buổi chiều bưng bát cơm khỏi cảm thấy nghèn nghẹn trong cổ.

Ông Tươi khẳng định rằng ông và cấp dưới đã thực hiện “đúng quy trình” nên cần phải xem các vị ở Cà Mau đúng quy trình như thế nào. 

Không thể nói ông Tươi không biết đến Nghị định 71/2000/NĐ-CP (Nghị định 71), thứ nhất là vì trước buổi họp ngày 19/12 của tỉnh Cà Mau, báo chí đã nhắc đến nghị định này quá nhiều, thứ hai là hồ sơ mà Cổng thông tin điện tử Chính phủ công bố ông Tươi có trình độ đại học (hai năm học tại Trường sĩ quan lục quân 2 và chưa đến hai năm học ở Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Với người có trình độ đại học như ông Tươi, chắc phải đọc hiểu khoản 2 điều 3 nghị định 71/2000/NĐ-CP: “trong thời gian công tác kéo dài thêm, cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”.

Cũng xin nhấn mạnh Điều 10 nghị định này quy định: “Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này”.

Với điều 10 của nghị định 71, quyết định cuối cùng cho phép kéo dài thời gian làm việc của bác sĩ Đặng Bé Nam không phải là Giám đốc sở Y tế mà là Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo ông Tươi, ông và cấp dưới “đã thực hiện theo đúng quy trình” nghĩa là có xin ý kiến các cấp có liên quan, chỉ có điều các cấp tham mưu cho ông không biết đến nghị định 71 của Chính phủ, hay là đối với ông Tươi và cấp dưới Nghị định 71/2000/NĐ-CP không có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Cà Mau?. Còn nếu có văn bản mới ban hành nào đó cho phép ông Tươi bác bỏ Nghị định 71 sao ông không công bố cho mọi người cùng biết?

Quyết định bù giờ 1.839.600 phút của “trọng tài chính” ảnh 2An ninh quốc gia – lãnh đạo giỏi golf và gửi trứng cho ác

(GDVN) - Nhiều phương tiện truyền thông đã lên tiếng về dự án khu nghỉ mát 5 sao do Công ty TNHH World Shine Hong Kong - Trung Quốc triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với quyết định “bù giờ” cho bác sĩ Đặng Bé Nam 3,5 năm (Congan.com.vn 20/12/2014), vị chi là 1.839.600 phút, các “fan hâm mộ” của ông Tươi hoàn toàn có thể lý luận rằng theo luật của FIFA trọng tài chính là người có quyền quyết định bù bao nhiêu phút mà không cần quan tâm tới thông báo của giám sát trận đấu, vậy nên ông cứ mạnh dạn quyết định đi, chẳng việc gì phải sợ. 

Rủi có muốn kỷ luật ông Tươi thì cũng khó tìm được mức nào có thể áp dụng cho phải đạo, nói thế là vì ông Truyền bổ nhiệm tới 60 người ở phút 89, trong đó có những người chưa đủ tiêu chuẩn, ông Rum bổ nhiệm 21 người mà sau đó phải hủy toàn bộ quyết định, thế nhưng ông Truyền chỉ bị đề nghị cảnh cáo còn ông Rum thì “phê bình, rút kinh nghiệm”.  

Trong khi đó ông Tươi chỉ đồng ý cho sở Y tế bổ nhiệm có mỗi một nữ bác sĩ (mà cấp dưới của ông đã khẳng định là trông còn trẻ lắm, chưa thể đến tuổi về hưu được) thì làm sao lại có thể kỷ luật ông với mức cao hơn “rút kinh nghiệm”! Có chăng phải ban hành một quy định mới về hình thức kỷ luật thấp hơn mức “rút kinh nghiệm” thì may ra mới có thể áp dụng cho trường hợp thế này, và muốn vậy thì phải chờ bên tổ chức và nội vụ chứ hiện chưa thể vội vàng.

Về phía đương sự, chắc hẳn bác sĩ Bé Nam cũng phải có năng lực điều hành “lãnh đạo” nên mới khiến cho các vị lãnh đạo Cà Mau tin tưởng đến mức khẳng định Cà Mau chưa thể tìm được người khác thay thế? 

Thật tội cho các sản phụ và trẻ em Cà Mau, bao giờ tỉnh nhà mới xuất hiện con người tài đức sánh ngang bác sĩ Bé Nam để cáng đáng công việc liên quan đến sinh mạng của hàng nghìn bà mẹ và trẻ sơ sinh?

Lại còn nghe nói bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau đang xây dựng dở dang nên cần Bác sĩ Đặng Bé Nam tiếp tục lãnh đạo để hoàn tất xây dựng, như vậy chắc ngoài chuyên môn y tế, bác sĩ Bé Nam còn rất am hiểu các ngóc ngách của việc xây dựng cơ bản. 

Nếu quả vậy thì không phải chỉ ở Cà Mau mà toàn quốc cũng khó mà tìm được người vừa giỏi về y lại cũng giỏi về xây dựng! Việc giữ những người trẻ trung, đa tài như vậy tiếp tục lãnh đạo dù có trái luật tí chút nhưng lại có lợi cho nhiều người, tại sao lại không mạnh dạn thực hiện?

Ngược dòng lịch sử, năm 2001 Bộ Chính trị có quyết định cách chức ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đề nghị Chính phủ cách chức chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau của ông Lê Công Nghiệp; cảnh cáo về mặt Đảng và đề nghị cho thôi giữ chức chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau với ông Phạm Thạnh Trị. [2]

Còn mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xử lý kỷ luật bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Chung Ngọc Nhãn; về chính quyền, đề nghị cách chức Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau. [3]

Sóng biển đang hàng ngày xói mòn bờ biển Cà Mau, thế còn quyết định của ông Tươi và cấp dưới có làm xói mòn lòng tin của người dân Đất Mũi với lãnh đạo tỉnh?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tai-bo-nhiem-giam-doc-benh-vien-sap-nghi-huu-so-y-te-hop-khan-519657.html

[2] http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Ky-luat-3-can-bo-lanh-dao-tinh-Ca-Mau-va-Quang-Ngai/10716451/218/

[3] http://news.zing.vn/Uy-ban-Kiem-tra-Trung-uong-ky-luat-nhieu-can-bo-post442325.html

XUÂN DƯƠNG