Đại học vùng có cấu trúc chẳng giống ai, liệu chúng ta có thể hội nhập quốc tế?

06/04/2024 06:12
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học chưa có được sức mạnh tổng hợp.

Thực trạng về mô hình đại học vùng

Ở nước ta, các đại học vùng đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, dựa trên quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 4 Ban chấp hành Trung ương Khóa 7 (1993) về việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển cả 3 đại học vùng đều có những bước đi vững chắc, những tiến bộ vượt bậc và đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung cũng như cho từng vùng kinh tế nói riêng.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, các đại học vùng của chúng ta cho tới nay vẫn chưa thực sự “mạnh” như kỳ vọng.

Theo quan niệm phổ biến “đại học vùng” là cơ sở giáo dục đại học được thành lập ra chỉ tại một số vùng lãnh thổ cụ thể, thường là ở những vùng chậm phát triển về kinh tế - xã hội, để ưu tiên đào tạo ra nguồn nhân lực trực tiếp đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng , giúp cho vùng đó nhanh chóng đuổi kịp các vùng khác của đất nước, nhằm đảm bảo tiêu chí “công bằng xã hội”.

Từ lâu Đảng và Nhà nước đã chủ trương thành lập nhiều cơ sở giáo dục đại học mang tính chất vùng như vậy.

Ví dụ, tại vùng núi phía Bắc đã có các trường: Đại học Nông nghiệp 3, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Y Việt Bắc. Tại vùng núi Tây Bắc có Trường Cao đẳng sư phạm Tây Bắc; Tại khu vực Tây Nguyên có Trường Đại học Tây Nguyên; Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long có Trường Đại học Cần Thơ;…

Như vậy, khái niệm “trường vùng” không có gì quá xa lạ đối với Việt Nam. Cái mới ở 3 đại học vùng ở nước ta cũng như ở 2 đại học quốc gia được thành lập cách đây 30 năm, từ khi đất nước đi vào thời kỳ đổi mới, là ở chỗ chúng đều có cấu trúc đa lĩnh vực, một kiểu cấu trúc cơ sở giáo dục đại học rất phổ biến trên thế giới.

Kiểu cấu trúc này hoàn toàn khác với kiểu cấu trúc đơn lĩnh vực (theo mô hình Liên xô cũ) của các trường vùng có tại Việt Nam trước đó.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đại học đa lĩnh vực có những ưu việt mà các kiểu trường khác không thể có như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một đại học, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)...

9614.jpg
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu không có Đại học Thái Nguyên thì làm sao các trường thành viên có Trung tâm học liệu (Trung tâm số) với tổng kinh phí đầu tư hơn 7.250 nghìn USD do Tổ chức AP tài trợ để sử dụng. (Ảnh: Website của Đại học Thái Nguyên)

Để các đại học vùng có cấu trúc kiểu đa lĩnh vực năm 1994 Hội đồng bộ trưởng (hiện nay là Chính phủ) đã chọn giải pháp gom các đại học vùng đơn lĩnh vực, sắp xếp lại thành đại học vùng đa lĩnh vực với yêu cầu đại học vùng đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: đại học (University), trường thành viên (College) và khoa (Deparment).

Tuy nhiên thực tế đã không diễn ra như mục tiêu đặt ra ban đầu và cho tới nay, các đại học vùng cũng như các đại học quốc gia vẫn chỉ tồn tại dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành” với cấu trúc “đại học hai cấp”.

Do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học chưa có được sức mạnh tổng hợp như xã hội và người học vẫn mong đợi.

“… Ngành Giáo dục và Đào tạo đang cần giải một bài toán rất khó là phải thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn hẹp.

Bài toán này cũng khó như bài toán chung hiện nay của đất nước là phải tạo ra một sự tăng trưởng nhanh chóng từ một điểm xuất phát rất thấp, hoặc bài toán của thời kỳ kháng chiến trước đây là một nước nghèo mà phải đánh thắng kẻ thù giàu mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Kinh nghiệm cho thấy muốn giải được bài toán khó đó phải rất sáng tạo, phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.

Trong trường hợp của giáo dục đào tạo, phải dựa vào sự hợp đồng tác chiến của các “binh chủng” giáo dục khác nhau, các loại hình đào tạo khác nhau, các loại trường khác nhau.

Phải phối hợp hài hòa các đơn vị khác nhau trong một nhà trường, các trường khác nhau trên một địa bàn, các mô hình trường khác nhau trong cả hệ thống giáo dục.

Để làm được điều đó phải có quan điểm toàn cục, chống các xu hướng bản vị, cục bộ...”


(Trích: Bài nói chuyện của Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu với đội ngũ cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/2/1998).

Một số kiến nghị

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới cho các đại học quốc gia và đại học vùng, trong đó cần chỉ rõ sứ mệnh của từng loại đại học, quy định các đại học này phải thay đổi cơ cấu theo hướng chuyển đổi ngay từ mô hình Liên hiệp các trường đại học chuyên ngành qua mô hình đại học đa lĩnh vực đích thực, có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa đại học và các trường thành viên, bảo đảm phát huy tính chủ động và thế mạnh của từng trường, cùng với sức mạnh tổng hợp chung của cả đại học.

Thứ hai, do các đại học vùng chỉ thành lập ở những vùng chậm phát triển về kinh tế - xã hội nên chúng phải được ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước. Hạn chế vận dụng Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính cho loại hình đại học này.

Thứ ba, chiến lược phát triển của đại học vùng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đại học vùng và vùng cùng phát triển song hành với nhau. Chỉ khi vùng đạt được trình độ phát triển chung của cả nước Nhà nước mới nên đặt vấn đề chuyển đổi sứ mệnh cho đại học vùng.

Thứ tư, các đại học vùng phải được tự chủ hoàn toàn về cả 3 phương diện: học thuật, tổ chức –nhân sự, tài chính.

Thứ năm, để tránh nhầm lẫn nên dùng thuật ngữ “Viện đại học” thay cho thuật ngữ “Đại học”.

“…Đại học Việt Nam vẫn được tổ chức như là những ốc đảo, ốc đảo về tổ chức và ốc đảo về địa lý (theo nghĩa trường nhân văn ở một nơi, trường luật ở một nơi, trường khoa học tự nhiên, như toán, vật lý, hoá học, sinh học, ở một nơi khác).

Khi đại học Việt Nam được tổ chức lại thành các đại học quốc gia hoặc đại học vùng thì việc tổ chức lại chỉ ở cái tên, với một tầng quản lý cao hơn ở phía trên, chương trình của đại học đã không tổng hợp lại, học sinh ở trường này không thể lấy tín chỉ ở trường khác và địa điểm khác biệt cũng làm cho việc lấy tín chỉ khó khăn.

Ốc đảo về tổ chức cũng không cho phép thầy giáo kết hợp, trao đổi và nghiên cứu chung.

Việc tổ chức ốc đảo này còn tiếp tục vì triết lý “khai thác sức mạnh tổng hợp” không được thể hiện trong chương trình giảng dạy ở mỗi trường.

Thí dụ, nếu trường kinh tế rút ra khỏi đại học quốc gia/đại học vùng thành một trường độc lập thì việc học toán chẳng hạn, nếu vẫn học ở những thầy dạy kinh tế thì rõ ràng là sẽ học từ một người chỉ biết sơ về toán.

Ngược lại, muốn dạy về kinh tế môi trường mà không biết gì về hoá học hoặc nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc không có cơ hội giao lưu với những người ở những ngành này thì điều đó cũng chẳng khác gì chỉ nhằm tạo ra những con người “khiếm thị”…”

(Trích: Vũ Quang Việt - Đại học Hoa Kỳ - So sánh đại học Hoa Kỳ và Việt Nam. Sách: Festschrift-Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010 ) - Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam; Nhà xuất bản Tri thức-2014).

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến