Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày có đoạn:
“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước;
Là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Vấn đề là ở chỗ, nếu không uyển chuyển, linh hoạt, chúng ta sẽ khó dung hòa một nền kinh tế “vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường” trong khi phải“bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Hiện thời, Nhà nước đang kêu gọi các quốc gia, nhóm quốc gia theo thể chế tư bản, các định chế tài chính quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Cải cách thể chế, nhóm lợi ích và bè cánh. (Ảnh minh họa trên Tapchitaichinh.vn) |
Vấn đề là nếu các nước có thiện chí công nhận thì họ sẽ phải theo các tiêu chí của chúng ta hay theo chuẩn mực mà đa số quốc gia đang áp dụng?
Để tháo gỡ nút thắt này, Tổng Bí thư đưa ra một gợi mở, đó là định hướng phải “phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Theo tinh thần đó, nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là phải tìm xem “giai đoạn phát triển của đất nước” hiện nay phù hợp với cơ chế thị trường nào?
Nói cách khác, thể chế kinh tế hiện nay đã phù hợp các chuẩn mực để thế giới công nhận nền kinh tế của ta là “kinh tế thị trường” hay chúng ta cần “cải cách thể chế kinh tế”?
Trong trường hợp các nhà hoạch định chính sách thấy rằng, cải cách thể chế kinh tế là bức xúc không thể trì hoãn thì có cần “giãn tiến độ định hướng” để hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới?
Khi nền kinh tế đủ mạnh, có thể vài năm hoặc vài chục năm nữa chúng ta sẽ có những điều chỉnh chiến lược theo định hướng?
Mặt khác, nếu quả thật cải cách thể chế kinh tế là bức xúc không thể trì hoãn thì cải cách luật pháp - một cách nói khác của cải cách thể chế chính trị có cần thiết?
Về vấn đề này, xin nêu một vài ý kiến.
Trong nền kinh tế thị trường, doanh nhân, doanh nghiệp có thể làm bất kỳ điều gì mà pháp luật không cấm.
Để tránh xung đột lợi ích, công chức không được phép trực tiếp kinh doanh, nhiều quốc gia đã có những đạo luật quy định cụ thể.
Chính phủ nói thẳng, nói thật, quyết liệt chống nhóm lợi ích |
Tại Việt Nam, có công chức nắm vị trí quan trọng trong bộ máy hành pháp nhưng lại bằng cách này hay cách khác đồng thời là chủ sở hữu các doanh nghiệp tư nhân hoặc giữ cổ phần chi phối trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch Nghệ An Lê Ngọc Hoa là những ví dụ cho nhận định này.
Sẽ thật ngây thơ nếu cho rằng, một công chức nhà nước sẽ không bao giờ hỗ trợ vợ, con, người thân trong việc kinh doanh của gia đình mình.
Báo Laodong.com.vn ngày viết: “Trước khi đặt những câu hỏi về việc liệu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) - chủ đầu tư dự án BOT cầu Bến Thủy - có được tỉnh Nghệ An “ưu ái” trong các loạt bài trước đây của Lao Động, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ hơn về Cienco4 và nhận thấy: Ảnh hưởng của gia đình Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đối với Cienco4 là rất lớn”. [1]
Báo chí đã đề cập quá nhiều về vấn đề công chức đồng thời là doanh nhân, chẳng hạn “Vào công chức để làm giàu dễ phạm tội” (Vietnamnet.vn 13/10/2016);
“Anh đã làm công chức thì hãy xác định là phục vụ cho nhân dân, đừng bao giờ anh mơ tưởng đến làm giàu. Muốn làm giàu thì hãy ra khu vực tư nhân mà làm” (cand.com.vn 1/1/2014 );
“Đã làm công chức đừng mong làm giàu” (Tienphong.vn 11/11/2013);…
Ít nhất, vấn đề công chức làm giàu đã được đề cập 5 năm nay, đó là khoảng thời gian đủ dài để các nhà hoạch định chính sách xem xét.
Vì sao nhà nước vẫn chưa ban hành một đạo luật về “Xung đột quyền lợi” trong hoạt động kinh doanh như Hoa Kỳ và nhiều nước khác?
Có những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nguy cơ khó lường, chẳng hạn Luật Giáo dục đại học và một số văn bản dưới luật quy định chính quyền địa phương có quyền đưa công chức tham gia Hội đồng quản trị các đại học ngoài công lập.
Việc một công chức nhà nước tham gia Hội đồng quản trị một cơ sở tư nhân, nghĩa là tham gia điều hành hoạt động của cơ sở đó trở nên hợp pháp theo Luật Giáo dục đại học nhưng bất hợp pháp theo Luật Cán bộ, công chức nói lên điều gì?
Xung đột lợi ích là khái niệm không mới cả ở Việt Nam và thế giới, liệu có phải quá trình làm luật bị “nhóm lợi ích” chi phối hoặc ít nhất là trì hoãn nhằm hợp thức hóa sự việc đã rồi?
Nói cách khác, nếu có một đạo luật như vậy được ban hành thì nguyên tắc không hồi tố sẽ đảm bảo cho các công chức - doanh nhân bảo toàn nguyên vẹn cả tài sản lẫn danh tiếng?
Những khuyết điểm của ông Đinh La Thăng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu lên, chủ yếu thuộc phạm trù “thể chế kinh tế” nhưng có lẽ không hoàn toàn là như vậy.
Việc vận dụng một cách vội vã, thiếu các đánh giá khoa học mô hình Cheabol Hàn Quốc vào Việt Nam có lẽ mới là nguyên nhân căn bản.
Cheabol là các tập đoàn kinh tế gia đình, với kinh tế tư nhân, bào toàn và phát triển vốn là nhiệm vụ sống còn trong khi các tập đoàn, tổng công ty của chúng ta lại tuân theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Một khi lãnh đạo là quyền của “tập thể” thì ông Thăng có sai cũng không “sai một mình”, quanh ông có “tập thể” và trên ông còn lãnh đạo cấp Bộ, Chính phủ vì thế kỷ luật một mình ông là chưa đủ.
Lợi ích nhóm thao túng, doanh nghiệp nhà nước sẽ bị "vắt" đến kiệt quệ |
Thậm chí chỉ kỷ luật những chuyện khi ông Thăng phụ trách bên Dầu khí cũng chưa đủ mà còn cần xem xét thêm cả những bất cập trong ngành Giao thông, khi ông Thăng giữ vai trò “tư lệnh”.
Cải cách “thể chế kinh tế” nhất thiết phải đi kèm với cải cách “thể chế quyền lực”, phải thực sự coi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.
Sai phạm trong quản lý, điều hành kinh tế chỉ là hệ quả của tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách hay cũng là hệ quả của công tác cán bộ?
Những người năng lực yếu nắm trong tay quyền quản lý tài nguyên, vốn, nhân lực… đồng thời lại là người quản lý doanh nghiệp hoặc có liên quan đến các “nhóm lợi ích” không tránh khỏi việc ban hành chủ trương sai hoặc chỉ đạo, điều hành kém.
Bên cạnh đó không ít người nếu không phải là vì “nhóm lợi ích” thì cũng vì các mục tiêu cục bộ, địa phương.
Cũng nên nói thẳng, đặt lợi ích địa phương lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc cũng là một dạng “lợi ích nhóm” và sự nguy hiểm của nó không hề kém các “nhóm lợi ích” khác.
Câu chuyện bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng là một ví dụ. Năm 1977, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về rừng cấm Sơn Trà, đến năm 1992 khu vực này trở thành “Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” với diện tích 4.439 ha.
Gần đây, theo quy hoạch mới, tại bán đảo Sơn Trà sẽ hình thành Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, diện tích dành cho khu tập trung phát triển là 1.056 ha, chiếm 1/4 tổng diện tích toàn bán đảo.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” do Trung tâm nghiên cứu con người và thiên nhiên, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (greenViet) và nhóm nghiên cứu-giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thực chất “khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” đã mất 41% diện tích. [2]
Ai cũng hiểu “khu bảo tồn thiên nhiên” là tài sản mà thế hệ hôm nay để dành cho con cháu mai sau, đó không chỉ đơn thuần là cảnh quan thiên nhiên mà còn là việc bảo vệ các hệ động - thực vật hoang dã, các nguồn gen quý có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Lợi ích mà các khu bảo tồn thiên nhiên mang lại là chung cho đất nước và nhân loại, không riêng cho địa phương nào.
Trong khi đó “khu du lịch quốc gia” dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều nhằm đến mục tiêu kinh tế, mục tiêu thu lợi từ hoạt động du lịch và đương nhiên địa phương quản lý trực tiếp sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất.
Sử dụng, khai thác một cách tùy tiện nguồn tài nguyên thiên nhiên mà bao thế hệ người Việt hy sinh xương máu giành lại chính là có tội với hậu thế, không đơn thuần chỉ là lợi ích cục bộ, địa phương.
Việc nhanh chóng phê duyệt cho công ty gang thép Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh thời gian 70 năm đã gây hậu quả ngay lập tức.
Lợi chưa thấy nhưng môi trường biển bị hủy hoại không biết bao nhiêu năm mới khắc phục được.
Cán bộ công chức phải liêm chính, không được nhũng nhiễu |
Phải chăng chính vì tồn tại những nhận thức sai lầm về sự “vô hạn” của nguồn lực tự nhiên mà nhiệm vụ đầu tiên trong 5 nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập là:
“Hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia”. [3]
“Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực” là cách nói tổng quát, cần phải hiểu trong đề xuất này bao gồm cả việc bảo vệ, tăng cường “nguồn lực” chứ không phải chỉ là “sử dụng”.
Báo chí, các nhà lý luận nói nhiều đến “cải cách thể chế kinh tế”, “cải cách nền hành chính quốc gia”.
Một số công bố gần đây đề cập đến “cải cách thể chế chính trị” của Trung Quốc như “Cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay” [4] hoặc “Kinh nghiệm cải cách thể chế của Trung Quốc và bài học đối với Việt Nam” (Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm; Tiến sĩ Hoàng Thế Anh - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). [5]
Không khó để nhận thấy sự thận trọng khi sử dụng ngôn từ của giới học thuật Việt Nam, nhưng có lẽ điều này không quá quan trọng, điều cần quan tâm là nội hàm của các “cải cách” đó chứ không phải gọi tên nó như thế nào.
Lâu nay, có một xu hướng sai lầm xem những gì gắn với “nhóm lợi ích” đều là không tốt, nói đây là sai lầm bởi thực tế cho thấy không phải cứ “nhóm lợi ích” là xấu, là lũng đoạn kinh tế, pháp luật, chính trị,…
Vậy phải dùng tên gọi nào để thể hiện, rằng “chui” vào đó thì chẳng có gì tốt đẹp?
Cụm từ thay thế nên dùng là “bè cánh” lấy từ nhận định “kết bè, kéo cánh” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12) và Tổng Bí thư từng nhiều lần đề cập.
“Bè cánh” theo cách hiểu xưa nay của dân chúng không bao hàm ý nghĩa tích cực.
Nếu “nhóm lợi ích” chỉ mới đạt đến mức “thâu tóm, lũng đoạn nhà nước” thì “bè cánh” còn đi xa hơn, mục tiêu mà “bè cánh” hướng tới là nắm quyền lực (tuyệt đối) để khỏi phải “lũng đoạn” quyền lực.
Khi một “bè cánh” nắm quyền kiểm soát đất nước thì việc đầu tiên mà họ làm là thay đổi Hiến pháp, điều này có thể thấy ở Thái Lan, Myanmar, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ,…
Một khi đã nắm quyền lực trong tay thì người ta chỉ việc sử dụng quyền lực đó chứ không cần thâu tóm hoặc lũng đoạn nó, về điều này, các “nhóm lợi ích” dẫu có rất mạnh cũng khó làm được.
Nguy cơ về “nhóm lợi ích” đã được đề cập nhiều, đã được cảnh báo ở nhiều góc độ và cấp độ.
Nguy cơ “bè cánh” cũng đã được nhận diện song dường như chúng ta vẫn còn e ngại khi đề cập đến. Phải chăng sự nguy hiểm của “bè cánh” chưa đạt đến mức báo động đỏ hay còn lý do nào khác?
Việc một số cá nhân mắc khuyết điểm “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” vẫn được cơ cấu vào các vị trí quyền lực có phải là do những “lá phiếu” hay chỉ là chiến thuật ngắn hạn?
Chắc chắn Trung ương đã nhận thấy thực trạng và vì thế điểm thứ 5 trong phát biểu phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 của Tổng Bí thư là vô cùng quan trọng:
“Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị”.
Vấn đề là “hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực” cần phải được tiến hành đồng bộ, trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Để kiểm soát quyền lực thì cần phải giảm “đầu mối”, một trong những cách “giảm đầu mối” là “nhất thể hóa”.
Khi số lượng cán bộ, công chức, viên chức lên đến 2,8 triệu người thì khó khăn trong “kiểm soát cán bộ” là không tránh khỏi và hậu quả tất yếu sẽ dẫn tới khó khăn trong “kiểm soát quyền lực”.
Một trong những biện pháp “kiểm soát cán bộ” là “kê khai tài sản”, nhiều năm qua tài sản cán bộ kê khai không được công bố cho dân biết.
Khi “dân không biết” thì đương nhiên “dân không bàn, dân không kiểm tra” và việc kê khai đó trở nên không có tác dụng.
Thậm chí có nơi như thành phố Đà Nẵng còn coi bản kê khai tài sản của cán bộ là bí mật không được để lộ.
Không kiểm soát được cán bộ thì không thể kiểm soát quyền lực, điều này không biết có cần bàn luận thêm?
Rất nhiều ý kiến cho rằng chống tham nhũng chính là chống “lợi ích nhóm”.
Người viết cho rằng đã đến lúc phải quyết liệt chống “bè cánh”, xem “bè cánh” là nguy cơ cao nhất đe dọa sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của dân tộc.
Tài liệu tham khảo: