Thời văn minh, án mạng kiểu trung cổ và sự bất ổn xã hội

12/07/2015 08:24
Xuân Dương
(GDVN) - Thế giới văn minh cũng đang chứng kiến đây đó những hành động giết người kiểu trung cổ của những kẻ cuồng tín, mất hết tính người.

Ngày 2/7/2015 tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An, bốn người trong một gia đình nghèo bị sát hại, các nạn nhân đều bị nhiều vết chém trên người.

Đại tá Nguyễn Văn Hùng - Trưởng công an huyện Tương Dương (Nghệ An) cho hay, đây là vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Công an huyện và tỉnh đang phối hợp khẩn trương điều tra làm rõ.

Ngày 7/7/2015 lại xảy ra vụ sát hại sáu người trong một gia đình tại Công ty chế biến gỗ Quốc Anh xã Minh Hưng, Huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây đồng thời là nhà riêng của gia đình ông Lê Văn Mỹ, chủ cơ sở gỗ Quốc Anh.

Chỉ trong vài ngày một gia đình rất nghèo sống tại miền núi và một gia đình thuộc loại giàu có bị sát hại bởi các hình thức man rợ vốn chỉ có thể tồn tại ở thời mông muội. 

Thông tin chuẩn xác nhất về vụ thảm sát tại Bình Phước từ Bộ Công an

(GDVN) - Trong vụ án thảm sát 6 nạn nhân, hai nghi phạm Dương và Tiến có thể bị truy tố ở mức án cao nhất, nên cơ quan điều tra đề nghị có luật sư ngay từ đầu.

Thế giới văn minh cũng đang chứng kiến đây đó những hành động giết người kiểu trung cổ của những kẻ cuồng tín, mất hết tính người.

Ở Bình Phước, đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đến tận nơi chỉ đạo trực tiếp việc điều tra, với những điều tra viên giỏi nhất và sự vào cuộc của cả lực lượng, của quần chúng, ngay từ khi ấy, ai nấy đều tin chắc chắn bọn thủ ác sẽ bị bắt, sẽ bị đưa ra xét xử. 

Vì sao trong thế kỷ văn minh này, khắp thế giới, không riêng Việt Nam lại xuất hiện loại người man rợ với những tội ác trời không dung, đất không tha như vậy?

Nguyên nhân là do xung đột về tôn giáo, chính trị, tư tưởng, mâu thuẫn quyền lợi hay sự bế tắc của một bộ phận nhân loại trước thực trạng phân hóa giàu nghèo càng ngày càng trầm trọng? Hay còn nguyên do nào khác...?

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn tư liệu từ Tổ chức từ thiện chống nghèo Oxfam cho rằng “tài sản nhóm người giàu (chiếm 1% dân số thế giới) sẽ vượt tổng tài sản của 99% dân số còn lại của thế giới ở một thời điểm nào đó trong năm 2016”. [1]

Ở một thời điểm nào đó trong năm 2016 tài sản của 1% người giàu sẽ lớn hơn của 99% người còn lại trên toàn thế giới, nghĩa là chỉ trong vòng 20 tháng nữa điều này có thể xảy ra? 

Nghĩa là thế giới đang phải đối mặt với một sự thật, rằng loài người vượt qua thời kỳ mông muội không phải tiến tới thời đại văn minh mà là tiến tới thời đại bất công? 

Bằng cách hình thành một nhóm người đặc biệt giàu có, chiếm hết của cải thiên hạ, đẩy những người nghèo vào bước đường cùng, liệu có thể gọi xã hội ngày nay là xã hội văn minh?

Con người mông muội dựa vào thiên nhiên để sống, con người hiện đại dựa vào trí tuệ để bóc lột, tàn phá thiên nhiên và cũng là để tước đi quyền sống của chính đồng loại của mình.

Tội ác không phải là hiện tượng sinh ra bởi sự ngẫu nhiên mà sinh ra trong lòng xã hội, bởi chính cách hành xử của con người với nhau.

Trên bình diện toàn cầu, các nước lớn, các nước mạnh về kinh tế, quốc phòng vẫn không ngừng tàn phá, xâm lược các nước nhỏ, chiếm đoạt đất đai, tài nguyên của nước khác, mở rộng không gian sống cho chủng tộc mình. 

Kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, thế giới chưa bao giờ ngớt tiếng bom đạn, chưa bao giờ im tiếng súng.

Cuộc chiến ngày nay không đơn giản chỉ là tranh giành tài nguyên và không gian sống mà còn mang nhiều yếu tố khác, vì thế sự tàn bạo của chiến tranh vượt quá những gì mà nhân loại từng chứng kiến trong quá khứ.

Trong một số quốc gia, các nhóm lợi ích chính trị, các tập đoàn kinh tế đang liên kết với nhau tạo thành các “siêu nhóm kinh tế - chính trị” khống chế ngành lập pháp để đưa ra các đạo luật có lợi cho nhóm của mình, bất chấp nó có thể đi ngược lại lợi ích của số đông.

Điều này được chính những nhà lý luận từ các nước tư bản phát hiện và lý giải.

Xin trích dẫn một số nhận định trong bài viết của Voatiengviet.com

Các công ty lớn nay có quá nhiều quyền vận động lập pháp...”.

“Cùng với các lập luận về đạo đức và kinh tế, còn có những liên hệ giữa sự bất bình đẳng về tài sản và bạo lực – trong đó có khủng bố…”.

“Tình trạng bất bình đẳng về của cải đã thúc đẩy bất ổn xã hội…
”. [1]

Phân tích tình hình kinh tế chính trị thế giới cho thấy không có một quốc gia nào tránh được tình trạng phân hóa giàu nghèo và đó nguyên nhân dẫn tới “bạo lực - khủng bố - bất ổn xã hội”, đó cũng chính là mặt trái của nền kinh tế tư bản, là điều mà hiện thời nhân loại chưa có cách loại bỏ hoặc ít nhất cũng là điều mà giới thống trị không muốn loại bỏ.

Nêu lên để thấy, tội ác xảy ra tại Nghệ An, Bình Phước là tiếng chuông cấp báo cho các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, rằng đã và đang xuất hiện những kẻ vô nhân tính, coi thường mạng sống của chính bản thân vì chắc chắn chúng biết cái giá phải trả cho tội ác của chúng là án tử hình.

Hồ Mạnh Cường nghênh ngang tạo dáng và tuyên bố "tử hình đây cũng không sợ!" (Ảnh: Doisongphapluat.com )
Hồ Mạnh Cường nghênh ngang tạo dáng và tuyên bố "tử hình đây cũng không sợ!" (Ảnh: Doisongphapluat.com )

Vụ án tại Bình Phước bước đầu đã tìm được hai can phạm, nguyên nhân tội ác sẽ được làm sáng tỏ nhưng còn vụ án tại Nghệ An, vì sao chúng đang tâm giết hại cả cháu bé chưa đầy một tuổi cùng ba người khác trong một gia đình người dân tộc Tày Poọng rất nghèo?

Phải chăng có một âm mưu gây hoang mang cho đồng bào vùng biên giới, gây bất ổn xã hội?

Bất kể động cơ của chúng là cướp của hay còn nguyên nhân ẩn giấu nào khác, những kẻ nhẫn tâm cướp đi mạng sống của người khác không còn là con người, chúng phải bị loại trừ vĩnh viễn.

Nhân đạo với chúng là không nhân đạo với bộ phận cư dân còn lại, nói cách khác những con thú đội lốt người đó cần phải bị tiêu diệt kể cả khi chúng là thú non mới lớn. 

Liệu đã đến lúc cần các hình phạt nghiêm khắc hơn là xử bắn hoặc tiêm thuốc độc với những kẻ không còn là người như vậy?

Đã đến lúc các nhà tâm lý học, những người nghiên cứu tâm lý tội phạm phải tìm hiểu, vì sao điều đó xảy ra, xu hướng phát triển của chúng là thế nào. 

Và cũng không còn sớm để các nhà lập pháp, hành pháp, tư pháp hệ thống lại các khung hình phạt đối với tội phạm. Có nên nghiêm túc xem xét lại ý kiến một số người đưa ra như bỏ án tử hình với các tội tham nhũng, vận chuyển ma túy, tội gây chiến tranh, chống lại loài người, …? 

Phải chăng các ý kiến đó thể hiện sự nhân đạo của pháp luật hay còn ẩn chứa những toan tính mà người ta đã “nhìn rất xa, trông rất rộng”?

Kết luận rất có lý của Oxfam “Tình trạng bất bình đẳng về của cải đã thúc đẩy bất ổn xã hội” phải chăng là điều chúng ta cần quan tâm?

Trừng trị bọn tội phạm không phải chỉ là xóa đi mầm họa cho dân lành mà còn là lời cảnh cáo nghiêm khắc những kẻ sống đang có ý định phạm tội.

Vấn đề nằm ở chỗ, không phải chỉ là hình phạt nghiêm khắc với những kẻ cầm dao giết người mà còn với cả những kẻ gián tiếp giết người, những kẻ đang tàn phá rừng xanh, bức tử các dòng sông, thải chất độc ra môi trường,…, đẩy người dân vào cảnh nghèo đói, bệnh tật, chết dần chết mòn.

Nước và rác sủi bọt, bốc mùi ở thác Cam Ly, Đà Lạt (Ảnh: Phunuonline.com.vn)
Nước và rác sủi bọt, bốc mùi ở thác Cam Ly, Đà Lạt (Ảnh: Phunuonline.com.vn)

Câu khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” được kẻ vẽ khắp nơi, nhưng không khó để thấy mọi khẩu hiệu đều là sáo rỗng nếu không đi được vào cuộc sống. 

Mọi lý thuyết đều là màu xám” nếu nó làm cho “cây đời” trụi lá chết khô. Thế nên để có một xã hội ổn định, cần phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng về của cải như nhận định của Tổ chức chống nghèo đói và bất công Oxfam. 

Cũng xin nói thêm tổ chức Oxfam đầu tiên xuất hiện ở Vương quốc Anh, còn bài viết đã dẫn là của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, đó là hai nước tư bản hàng đầu thế giới. Chính những học giả tư bản đã nhận diện được nguyên nhân gây bất ổn xã hội. 


Nhà nông dân 2 luống rau, có cần tới máy đo 'độ sạch của cán bộ'?

Nhà nông dân 2 luống rau, có cần tới máy đo "độ sạch của cán bộ"?

(GDVN) - Trong khi chờ đợi, người nhiều tiền mua máy lọc nước, trồng rau trong nhà, chẳng lẽ nên quay lại thời kỳ bao cấp, mỗi gia đình nên nuôi thêm con lợn?

Chúng ta, cả người dân lẫn truyền thông đôi khi vẫn e ngại khi đề cập đến sự “giàu lên rất nhanh của một bộ phận quan chức”, càng e ngại khi gắn sự giàu có của quan chức với các hiện tượng không bình thường trong xã hội.

Giải quyết tình trạng bất bình đẳng về của cải không có nghĩa là lấy của người giàu chia cho người nghèo.

Chữ “giải quyết” ở đây phải hiểu theo nghĩa là sự giàu có của từng cá nhân hay nhóm người phải đi kèm với tài năng, trí tuệ, cống hiến cho xã hội và sự minh bạch về nguồn gốc tài sản.

Không thể cào bằng giữa người làm ra cho xã hội rất nhiều của cải với người chỉ biết hưởng thụ, không bỏ công sức mà vẫn đầy rẫy tài sản. 

Chừng nào sự bất bình đẳng về của cải hiểu theo nghĩa là sự không minh bạch về của cải của  các “nhóm lợi ích” còn tồn tại thì bất ổn xã hội không thể loại bỏ bởi lẽ không thể dựa vào sự bất bình đẳng để trấn áp tội phạm.

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://www.voatiengviet.com/content/oxfam-1-phan-tram-nguoi-giau-nhat-so-huu-phan-nua-tai-san-toan-cau/2606218.html

Xuân Dương