Trường ĐH Thăng Long chính thức trả lời về các phản ánh, băn khoăn của độc giả

05/11/2024 06:38
Thanh Thuý
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong vòng 5 năm trở lại đây, trường có tổng số 43 giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, GS đã nghỉ việc do tuổi cao và theo nguyện vọng cá nhân.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết: “Có băn khoăn thông tin về đội ngũ GV, được hỏi, Trường ĐH Thăng Long "im lặng"!” trong đó nêu phản ánh của bạn đọc về việc nhà trường không công khai chuyên môn đào tạo của giảng viên, nhiều thầy/cô lớn tuổi không đủ sức khỏe để giảng dạy vẫn được kê khai vào danh sách giảng viên cơ hữu…Những thầy cô lớn tuổi có tham gia giảng dạy hay không là vấn đề được bạn đọc băn khoăn. Trước khi bài viết này đăng tải, ngày 27/08/2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi giấy giới thiệu kèm nội dung câu hỏi đến Trường Đại học Thăng Long nhưng trường không phản hồi.

Vừa qua, Trường Đại học Thăng Long đã có văn bản do Quyền Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đăng ký phản hồi các câu hỏi được Tạp chí gửi ngày 27/08. Để đảm bảo thông tin khách quan, Tạp chí đăng tải nội dung câu hỏi của Tạp chí và phần trả lời từ Nhà trường.

Câu 1: Theo phản ánh, tài liệu của độc giả gửi đến Tạp chí cho thấy, thời gian qua, đã có gần 100 GV rời bỏ trường (trong đó có gần 50 GV có trình độ TS, PGS, TS) khiến cho đội ngũ GV bị thiếu hụt nghiêm trọng. Để có chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều GV không có chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo như GV có chuyên môn về máy bay; tên lửa; hầu hết giáo viên thể chất đều được kê khai tham gia một số ngành đào tạo.

Liên quan đến nội dung này, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thăng Long cho thấy, thông tin về chuyên môn đào tạo của giảng viên toàn thời gian lại không được kê khai theo yêu cầu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Nhà trường chia sẻ gì về phản ánh trên của độc giả? Con số 50 GV có trình độ TS nghỉ làm việc ở nhà trường có đúng?

Đề nghị nhà trường cho biết, tại sao nhà trường không kê khai chuyên môn đào tạo của giảng viên cơ hữu theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT?

Trường Đại học Thăng Long: Thứ nhất, về việc phản ánh để có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều giảng viên không có chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo như chuyên môn về máy bay; tên lửa đều được kê khai tham gia một số ngành đào tạo là không đúng sự thật.

Trong vòng 05 năm trở lại đây, nhà trường đã thực hiện rà soát đội ngũ giảng viên để có cơ sở đề xuất các biện pháp nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng quy định về năng lực đội ngũ giảng viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì thế, đội ngũ giảng viên mà nhà trường đã kê khai trong trang ba công khai và trong phần mềm Hemis của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đảm bảo đúng quy định. Nhà trường có 01 giảng viên trình độ Phó giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành cơ hàng không đã từng tham gia giảng dạy phương pháp nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, về con số 50 giảng viên có trình độ Tiến sĩ nghỉ làm việc ở nhà trường. Trường Đại học Thăng Long cho biết, việc một trường đại học tư thục có biến động về đội ngũ giảng viên là hoàn toàn bình thường trong các trường đại học tư thục trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và Trường Đại học Thăng Long cũng không thể tránh khỏi việc biến động về đội ngũ giảng viên.

Trong vòng 05 năm trở lại đây, trường có tổng số 43 giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đã nghỉ việc do tuổi cao và theo nguyện vọng cá nhân. Nhà trường luôn có chính sách thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên về công tác tại trường và để hỗ trợ giảng viên của trường theo học các khoa đào tạo tiến sĩ.

Trường đã nhanh chóng tuyển dụng thêm được 06 Phó giáo sư, 20 tiến sĩ; trong năm 2025 sẽ có 15 giảng viên hoàn thành khóa học tiến sĩ và có 19 giảng viên đang học khóa đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước sẽ tốt nghiệp trong thời gian sau 2025 đến năm 2027.

Như vậy, đến năm 2025, trường có đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 40% và đến năm 2030 nhà trường cũng sẽ đạt tỉ lệ 50%, đáp ứng yêu cầu của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.

Thứ ba, liên quan đến việc nhà trường không kê khai chuyên môn đào tạo của giảng viên cơ hữu theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Hàng năm, trường đều thực hiện ba công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu theo đúng quy định tại biểu mẫu 20, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiện nay, biểu mẫu 20, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT được thay bằng biểu mẫu tại phụ lục II, Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/06/2024 quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Như vậy, năm 2024-2035, Nhà trường sẽ thực hiện thống kê theo biểu mẫu được quy định tại Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT ngày 3/6/2024.

Bên cạnh đó, khi xây dựng đề án tuyển sinh, nhà trường đều kê khai theo mẫu và nhập lên phần mềm Hemis của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó nêu rõ thông tin của đội ngũ giảng viên bao gồm các thông tin quy định trong biểu mẫu 03 kê khai đội ngũ giảng viên của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/06/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non và Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ các thông tin về đội ngũ được kê khai trong phần mềm Hemis để phê duyệt đề án tuyển sinh của trường.

Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: Website nhà trường
Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: Website nhà trường

Câu 2: Có một số thầy/cô được kê khai nhiều lần trong danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy như thầy Đỗ Văn Lưu đã được kê khai ở trình độ đào tạo tiến sĩ, số thứ tự 1, chuyên ngành giảng dạy Toán ứng dụng. Tuy nhiên thầy cũng được kê khai ở trình độ đào tạo thạc sĩ, số thứ tự 33, cũng là chuyên ngành giảng dạy Toán ứng dụng và kê khai tại trình độ giảng dạy đại học số thứ tự 65, chuyên ngành giảng dạy là Quản trị kinh doanh.

Thầy Đặng Cảnh Khanh, được kê khai tại trình độ giảng dạy thạc sĩ, số thứ tự 75, chuyên ngành giảng dạy Quản lý bệnh viện. Thầy cũng được kê khai tại trình độ giảng dạy đại học, số thứ tự 305, chuyên ngành giảng dạy là Công tác xã hội (10%) cũng được kê khai tại số thứ tự 330, chuyên ngành giảng dạy Truyền thông đa phương tiện.

Xin nhà trường chia sẻ vì sao có những thầy cô được kê khai nhiều lần như vậy? Các giảng viên này tính được kê khai tính chỉ tiêu ở ngành nào?

Trường Đại học Thăng Long: Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Trong đó, khoản 1 Điều 5 quy định rõ: "Mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 10% ở mỗi trình độ đào tạo. Đối với các đại học, một giảng viên có thể được sắp xếp vào một hoặc nhiều đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc đại học với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 10% ở mỗi trình độ đào tạo. Theo đó, trong thực tế, các giảng viên trong thực tế kê khai 03 học phần đúng chuyên môn được đào tạo."

Theo đó khi kê khai đội ngũ giảng viên, nhà trường tuân thủ theo đúng quy định nêu trên, cụ thể: Mỗi giảng viên có thể tham gia/đứng tên giảng dạy khoảng 3 học phần (có cùng chuyên môn đào tạo) trong cùng ngành đào tạo hoặc ở 3 ngành đào tạo khác nhau trong cùng trình độ đào tạo. Vì thế, trong bảng kê khai ba công khai mới có tình trạng như trên.

Ví dụ: Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Lưu chuyên ngành đào tạo Toán học, giảng dạy học phần Toán ứng dụng của trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ; học phần Logic suy luận toán và kỹ thuật đếm ở trình độ đại học ngành Quản trị kinh doanh. Nhà trường đã phân công thầy hoạt động giảng dạy tại bộ môn Quản trị kinh doanh và Marketing (với trọng số là 90%). Do đó, thầy được kê khai tính chỉ tiêu tuyển sinh ở ngành Quản trị kinh doanh trình độ đại học.

Như vậy, theo Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo thì nhà trường đã liệt kê đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các học phần ở mỗi trình độ đào tạo với các học phần ở các ngành khác nhau đúng với chuyên môn được đào tạo và theo đúng quy định.

Câu 3: Cũng tại mục danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy tại trường có một số giảng viên khá lớn tuổi như: Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quỳnh, sinh năm 1933; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Huy Hiền, sinh năm 1943; Giáo sư, Tiến Sĩ Lâm Quang Thiệp sinh năm 1939; Tính đến thời điểm hiện tại thầy Quỳnh đã 91 tuổi còn thầy Hiền đã 81 tuổi; thầy Thiệp đã 85 tuổi.

Đề nghị nhà trường cho biết, những giảng viên này có tham gia giảng dạy không? Nếu các giảng viên này có tham gia giảng dạy, đề nghị nhà trường cung cấp thời khóa biểu minh chứng cụ thể?

Trường Đại học Thăng Long: Thầy Đoàn Quỳnh, thầy Bùi Huy Hiền, thầy Lâm Quang Thiệp được trường tuyển dụng với chức danh giảng viên cơ hữu của Trường (được thể hiện trong quyết định tuyển dụng giảng viên), ngoài ra, thầy Lâm Quang Thiệp còn là thành viên của Hội đồng trường.

Cả 03 thầy là những người đã gắn bó với trường từ khi thành lập trường đến nay. Các thầy là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ trong lĩnh vực toán học nên hiện nay tuy đã có tuổi nhưng các thầy giữ trọng trách làm đội ngũ cốt cán, đầu ngành về phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa và trong đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành Toán học/Toán ứng dụng.

Đồng thời vẫn hỗ trợ các giảng viên trẻ của trường trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ của giảng viên được quy định rõ trong Luật Giáo dục đại học và Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 Quy định chế độ làm việc của giảng viên. Vì thế, nhà trường vẫn thực hiện kê khai trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường.

Câu 4: Theo tìm hiểu của PV, có nhiều thầy/cô có trình độ đào tạo bằng đại học cũng được kê khai vào danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy. Nhiều thầy, cô còn rất trẻ như cô Bùi Thị Hà Tú, sinh năm 2000, chuyên ngành giảng dạy là Ngôn ngữ Anh, có trình độ đào tạo là đại học cũng được kê khai vào danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy. Theo quy định Luật Giáo dục đại học, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ. Đề nghị nhà trường thông tin về nội dung này?

Trường Đại học Thăng Long: Cô Bùi Thị Hà Tú được tuyển dụng vào trường với chức danh trợ giảng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định “Chức danh giảng viên bao gồm: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính...”. Do đó, Nhà trường kê khai trong đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường là đúng quy định. Cô Tú hiện đang có nhiệm vụ trợ giảng chuyên ngành ngôn ngữ Anh đối với các học phần tiếng Anh không chuyên.

Câu 5: Theo tài liệu độc giả cung cấp, phần mềm đăng ký học của trường đã bị sập từ nhiều tháng. Toàn bộ dữ liệu điểm của SV cũng bị mất theo máy chủ của phần mềm đăng ký học. Dữ liệu điểm của sinh viên hiện tại đang còn không biết đúng hay sai, nhân viên đào tạo rất dễ chỉnh sửa, làm sai lệch, không thể loại trừ xảy ra sửa chữa, dẫn đến tiêu cực. Đề nghị nhà trường thông tin cụ thể về nội dung này?

Trường Đại học Thăng Long: Trường có một số phần mềm để quản lý đào tạo trong đó có phần mềm đăng ký học. Phần mềm này có thời điểm bị sập và đã được phục hồi ngay đề phục vụ kịp thời cho việc đăng ký học của sinh viên. Các phần mềm còn lại để quản lý hoạt động giảng dạy, quản lý điểm đã được Nhà trường đầu tư xây dựng và nâng cấp đảm bảo an toàn, chính xác và bảo mật theo quy định nên không có việc như phản ánh của độc giả nêu trên.

Theo Thông tư số 01/24/TT.BGDĐT, tại Tiêu chí 2.3b của Tiêu chuẩn 2 quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như sau:

b) Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Theo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhà trường có 126 giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên hiện tại, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đạt khoảng 29,3% trên tổng số giảng viên cơ hữu. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Tiêu chí 2.3b của Tiêu chuẩn 2, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT.

Về nội dung này, Trường Đại học Thăng Long cho biết, tính thời đến thời điểm triển khai đề án tuyển sinh năm học 2024-2025, tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường chiếm 43,8% trên tổng số giảng viên cơ hữu.

Do có sự chuyển đơn vị công tác nên tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại thời điểm trả lời này là 39%.

Theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024 ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, thì đến năm 2025, tỷ lệ giảng viên trình độ Tiến sĩ không thấp hơn 40% và với tỉ lệ này, nhà trường đảm bảo sẽ đạt được vì hiện nay nhà trường có 34 nghiên cứu sinh đi đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước, trong đó sẽ có 15 giảng viên tốt nghiệp và đạt bằng tiến sĩ vào năm 2025; số còn lại là 19 giảng viên là nghiên cứu sinh sẽ lần lượt tốt nghiệp các năm tiếp theo.

Như vậy, đến năm 2030, trường sẽ đạt được tỷ lệ 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, nhà trường cũng đang có chính sách thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư về trường công tác với ưu đãi hấp dẫn để đảm bảo đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đáp ứng yêu cầu của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.

Thanh Thuý