Trọng dụng trí thức lớn tuổi không hợp lí cũng là sự lãng phí tài nguyên

05/11/2024 06:21
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Cần có quy định rõ ràng về tuổi nghỉ hưu với từng loại lao động, thay vì quy định về “điều kiện kéo dài thời gian làm việc”.

Chính sách trọng dụng trí thức lớn tuổi, có trình độ cao, có đạo đức và còn sức khỏe là một trong những giải pháp đáng được khuyến khích khai thác, sử dụng ở các cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu. Lực lượng giảng viên, nhà khoa học lớn tuổi không những sở hữu kiến thức chuyên môn sâu rộng, mà còn là nguồn cảm hứng và tấm gương về đạo đức, sự dấn thân… rất cần cho thế hệ trẻ học hỏi, phấn đấu và cống hiến.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc khai thác, sử dụng đội ngũ này đang gặp khó khăn do các quy định, chính sách thiếu nhất quán cũng như có nơi, có lúc áp dụng chưa hợp lí; dẫn đến tình trạng giảng viên có trình độ, đạo đức tốt buộc phải nghỉ hoặc vì tự trọng mà xin nghỉ, trong khi một số trường hợp khác thì “kéo dài thời gian làm việc” dù không còn phù hợp, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu, mà thậm chí còn làm cản trở các ý tưởng đột phá, sáng tạo...

Trí thức bậc cao - “gừng càng già càng cay”

Giảng viên, nhà khoa học thực thụ là những người trải qua quá trình đào tạo bài bản, miệt mài nghiên cứu; tham gia giảng dạy, đào tạo trong môi trường học thuật chuyên nghiệp… khi càng về già càng thấu hiểu sâu sắc về nguyên lí, tích lũy nhiều kinh nghiệm sống cũng như chuyên môn. Những bài giảng, những định hướng nghiên cứu là những tư tưởng lớn, rất cần cho người học và thế hệ giảng viên trẻ học tập. Người trẻ có thể tiếp cận nhanh về thông tin, công nghệ mới,… nhưng chiều sâu về học thuật cũng như những nhận định, phán đoán… khó thể nào bằng, nhất là “hóa giải” các tình huống. Tất nhiên, người nhiều tuổi không đồng nghĩa với người nhiều kinh nghiệm. Song nếu là trí thức bậc cao thì “gừng càng già càng cay”.

tien_si.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Qua nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên lớn tuổi sẽ tích lũy được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc. Kiến thức đó không dễ dàng có được thông qua đọc sách, các khóa ngắn hạn, tập huấn, tọa đàm… mà cần qua nhiều năm trải nghiệm và học hỏi thực tế. Nếu tiếp cận đánh giá năng lực giảng viên chỉ thông qua số bài báo trên tạp chí uy tín, hay hiệu suất công bố/ năm… thì cũng chỉ là bề nổi. Ngược lại ở chiều sâu, có lĩnh vực có khi cả đời chỉ để đúc kết xuất bản một vài bài báo hay một cuốn sách khi không còn cần đến chức danh gì, đó mới là đỉnh cao giá trị. Cái sâu sắc, quý giá cần nhiều ở sự đúc kết thực sự và khi không còn bị chi phối bởi bất cứ điều gì. Chính vì vậy việc “trọng dụng” trí thực thực thụ được xem là rất quan trọng.

Những người học hành bài bản, được tôi luyện qua môi trường khoa học và giáo dục, trải qua hàng chục năm công tác, kiên trì theo đuổi chuyên môn, gắn bó với trường, với đơn vị thì chứng tỏ là những người có phẩm chất; những người được giới chuyên môn, đồng môn, đồng nghiệp, học trò yêu quý, tôn vinh thì chắc chắn là những người có giá trị. Vì vậy, họ chính là người truyền cảm hứng tốt nhất cho thế hệ trẻ về tình yêu nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội… nếu không khai thác là một sự lãng phí cũng vô cùng lớn.

Trong thực tế để phát huy lợi thế, tiềm năng của các giảng viên lớn tuổi, chính sách trọng dụng là vô cùng cần thiết, cần có những quy định rõ ràng, linh hoạt và đảm bảo sử dụng đúng người đúng việc. Sức khỏe và tuổi tác có quan hệ với nhau, nhưng mỗi người cũng mỗi khác. Do vậy, một cái khung chung cho tất cả cũng khó phù hợp cho cả người sử dụng lẫn người được trọng dụng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần mở rộng khung quy định và rất cần nâng tầm quản trị lực lượng lao động trí thức, hơn là bó buộc theo kiểu chặn người gian quàng luôn người tài giỏi.

Trọng dụng nhân tài như hiện nay là việc rất khó

Trong khi Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định: “Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao…”, thế nhưng các quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện kéo dài thời gian làm việc và quyền lợi của giảng viên lớn tuổi tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa nhất quán. Dẫn đến có nơi thiếu công bằng, thậm chí gây ra bất bình trong nội bộ các cơ sở giáo dục đại học.

Một số trường hợp giảng viên lớn tuổi tiếp tục làm việc nhưng không còn đủ khả năng để đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy hay nghiên cứu một cách hiệu quả. Tuy nhiên, do không có cơ chế đánh giá rõ ràng và định kì, việc kéo dài thời gian làm việc không được dựa trên năng lực thực tế, mà nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Bên cạnh đó, có một số trường hợp, việc kéo dài thời gian làm việc của giảng viên lớn tuổi không phải vì năng lực, nhu cầu mà vì lợi ích riêng hoặc yếu tố “quan hệ”, dẫn đến tình trạng những người có năng lực thực sự lại không được trọng dụng, trong khi những người không phù hợp lại vẫn được tiếp tục làm việc.

“Trọng dụng” không đồng nghĩa với sử dụng

Với trí thức thực thụ, quản lí bằng những giải pháp hành chính hay “đãi ngộ” bằng tiền thông qua các chỉ số đo đếm khô cứng, được báo cáo định kì bằng bảng kiểm điểm và thành tích… thực sự rất khó mong đợi đạt được giá trị đích thực.

Có lẽ quản trị lao động, việc cần nhất là phải phân loại giá trị lao động. Trí thức thực thụ - “gừng càng già càng cay” cần sử dụng vào những việc có giá trị tương xứng để “trọng-dụng” đúng nghĩa. Không nên sử dụng cùng một thang đo, để so đo và đánh giá kết quả... Trí thức khi dụng mà không trọng thì rất khó đạt kết quả tốt, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Trước hết, ở tầm vĩ mô, cần nhất quán về nhận thức, và cần có quy định rõ ràng về tuổi nghỉ hưu với từng loại lao động, thay vì quy định về “điều kiện kéo dài thời gian làm việc”, để có nơi hiểu là “ân huệ”, có người lo ngại việc “cản trở”… Chính sách trọng dụng người trí thức cần được quy định rõ ràng, nhất quán trên toàn hệ thống giáo dục đại học. Các tiêu chí về tuổi tác, sức khỏe, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn… cần được xác định, nhưng quan trọng hơn vẫn là phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm đối với người sử dụng lao động. Việc sử dụng không “đúng người đúng việc” hay “dụng mà không trọng” gây nên bức xúc thì người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm.

Xét về tuổi nghỉ hưu, nên có 1 khung chung phù hợp với tình trạng sức khỏe của người Việt Nam tại một thời điểm; thời gian tăng giảm có độ cộng/ trừ đối với các loại hình lao động khác nhau và cũng thể theo nguyện vọng của từng cá nhân. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động, không nên quá cứng nhắc, buộc phải làm việc hay phải nghỉ hưu… Đối với các cơ quan, đơn vị, việc sử dụng lao động phải đúng việc, đúng người; đảm bảo công khai, minh bạch, không để vì “quan hệ” hay “nhân thân” ảnh hưởng đến quyết định. Không nên cứng nhắc vì một số cơ quan, đơn vị không quản lí được lao động, gây bức xúc mà ban hành quy định chung, trói buộc tất cả cùng phải thực hiện.

Thứ hai, đối với các cơ sở giáo dục đại học cần phải thiết lập cơ chế phân loại, đánh giá theo các phân hạng khác nhau để vừa sử dụng lao động hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Công khai, minh bạch đối với tất cả các bên liên quan sẽ là cách giám sát tối ưu nhất; để người tốt xứng đáng được vinh danh, và tự hào về sự cống hiến; còn người không còn phù hợp tự rút lui mà không cần phải sử dụng các giải pháp hành chính hay chế tài…

Thứ ba, đối với các trí thức bậc cao, cần khuyến khích vai trò cố vấn và bồi dưỡng đội ngũ hơn là giao những nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực tập hay các chỉ tiêu đề tài, bài báo tương tự như các giảng viên trẻ… Cần xây dựng các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm; tạo môi trường làm việc thân thiện và gắn kết giữa các thế hệ. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để giảng viên lớn tuổi tham gia chủ trì các dự án nghiên cứu lớn, với vai trò cố vấn, định hướng của người có kinh nghiệm, sẽ là cơ hội tốt để giảng viên lớn tuổi tiếp tục đóng góp và truyền đạt kiến thức; giảng viên trẻ có điều kiện tiếp cận các công trình lớn, để nâng tầm và nâng cao năng lực.

Thứ tư, khi trọng dụng thì cần phải tạo ra các điều kiện làm việc linh hoạt, cho phép giảng viên lớn tuổi có thể làm việc theo điều kiện của mình và có chế độ phù hợp với yêu cầu công việc. Điều đó giúp họ giảm bớt áp lực và cống hiến hết mình. Chăm sóc sức khỏe đặc biệt cả tinh thần và thể chất cũng là cách tạo động lực để tất cả cùng làm việc tốt. Môi trường làm việc hài hòa, tôn trọng trước sau, trên dưới cũng như đảm bảo dân chủ, khoa học… chính là yếu tố then chốt để trọng dụng trí thức thực thụ, bậc cao.

Tóm lại, chính sách trọng dụng người lớn tuổi có trình độ cao, đạo đức tốt và còn khỏe hay nôm na là những trí thức thụ, là chính sách quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quy mô đào tạo ngày một gia tăng trong khi đội ngũ trí thức bậc cao ngày càng hiếm dần. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như mong đợi, cần có những quy định rõ ràng và nhất quán; đồng thời phải phân cấp và nâng tầm quản trị nhân sự ở các cơ sở giáo dục, để bảo đảm trọng dụng đúng người đúng việc.

Việc áp dụng chính sách một cách hợp lí sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học giữ được nhân tài, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời tạo môi trường học tập và làm việc tích cực cho các thế hệ giảng viên trẻ. Điều đó không chỉ có lợi cho các cơ sở giáo dục đại học mà còn góp phần tạo dựng nền giáo dục đại học vững mạnh và phát triển bền vững.

Hướng Sáng