Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu 10 sự kiện, vấn đề kinh tế nổi bật năm 2017:
1. Việt Nam tổ chức thành công rực rỡ APEC 2017.
Hội nghị Cấp cao APEC, sự kiện quan trọng nhất trong tuần lễ cấp cao APEC, đã thành công tốt đẹp, với việc lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung.
Việt Nam đã thể hiện được quyết tâm cao trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện vào cộng đồng quốc tế, chứng tỏ bản thân là một thành viên tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của APEC cũng như trên thế giới.
Những kết quả đạt được trong kỳ APEC 2017 không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chụp ảnh chung với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và Phu nhân. Ảnh: apec2017.vn |
2. Khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô thương hiệu Việt
Ngày 2/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát lệnh khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (TP Hải Phòng) do Tập đoàn Vingroup triển khai thực hiện.
Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô của Tập đoàn Vingroup được thực hiện theo tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ, hứa hẹn mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp cơ giới tại Việt Nam.
Ngoài ra, dự án cũng mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt sở hữu xe ô tô với giá cả hợp lý, thân thiện với môi trường mang thương hiệu Việt. Đồng thời, đưa Việt Nam vào danh sách các nhà sản xuất ô tô trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là một trong những sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 72 năm Quốc khánh.
Trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước, khi thu nhập bình quân của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng ô tô sẽ phổ biến. Theo xu hướng thế giới, những nước có trên 50 triệu dân thường có thương hiệu ô tô quốc gia.
Với tinh thần đó, Thủ tướng biểu dương dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đi theo sản xuất ô tô là hàng trăm nhà máy, xí nghiệp phụ trợ.
Dự án có thể giải quyết 20.000 lao động và trong tương lai không xa dự kiến sẽ đóng góp cho ngân sách Thành phố Hải Phòng bằng tổng mức thu nội địa hiện nay của thành phố.
Một mẫu xe của VINFAST được giới thiệu và lấy ý kiến tham khảo từ người tiêu dùng. Ảnh: Vinfast. |
3. Ban hành Nghị quyết xác định vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường.
Theo đó, Nghị quyết số 10 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 98 của Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước nhằm tạo đà cho kinh tế tư nhân thật sự phát triển lành mạnh, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.
Chính phủ yêu cầu tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: THP. |
4. Thị trường Chứng khoán lập kỷ lục cao nhất trong 10 năm
Điểm nổi bật nhất Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2017 chính là kỷ lục cao nhất 10 năm qua của chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 970 điểm (kết thúc phiên giao dịch 4/12/2017). Chỉ còn thấp hơn mức kỷ lục lịch sử 1.179 điểm thiết lập hồi năm 2007.
Năm qua cũng ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đã đưa cổ phiếu lên sàn khiến Thị trường Chứng khoán Việt Nam trở thành tâm điểm trên thị trường tài chính quốc tế.
Vốn hóa HOSE lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Nếu tính cả 2 sàn HNX và UPCOM thì quy mô vốn Thị trường Chứng khoán Việt Nam đã lên tới khoảng 135 tỷ Đô la Mỹ (tương đương 74,6% GDP), vượt chỉ tiêu đặt ra cho 2020...
Năm 2017, thị heo rớt giá thảm hại khiến nhiều người chăn nuôi, doanh nghiệp điêu đứng. Ảnh: Tuổi trẻ. |
5. Khủng hoảng thịt lợn người chăn nuôi thiệt hại nặng
Năm 2017, nhiều doanh nghiệp, người chăn nuôi lợn chìm trong khủng hoảng do cung vượt cầu, giá heo giảm mạnh và kéo dài trong nhiều ngày. Nguyên nhân được cho rằng thiếu định hướng, người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn, trong khi xuất sang Trung Quốc bị hạn chế.
Theo đó, từ đầu năm, khắp cả nước, giá thịt lợn đồng loạt giảm kỷ lục, nhiều người so sánh giá thịt lợn rẻ hơn khoai, lợn con thì cho không ai nuôi. Người chăn nuôi lợn điêu đứng, đối diện với nợ nần, nhiều doanh nghiệp trắng tay. Giá lợn xuất chuồng chạm đáy ở mức kỷ lục mà không ai nghĩ đến chỉ từ 15.000-17.000 đồng/kg. Cả xã hội lại phải lao vào “giải cứu” thịt lợn.
6. Khaisilk bị vạch mặt “khăn ta lẫn khăn tàu”
Sự kiện Khaisilk làm ăn gian dối bị vạch mặt xuất phát từ một khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã “tố” khăn lụa của thương hiệu này có hai mác “made in Việt Nam” và “Made in China” trên cùng 1 sản phẩm.
Doanh nhân Hoàng Khải (ông chủ của Khaisilk) lên tiếng thừa nhận đã cắt mác lụa Trung Quốc để hô biến thành “Khaisilk Made in Vietnam” trong nhiều năm qua. Còn kết quả kiểm tra giám định cho thấy khăn lụa của Khaisilk không có thành phần lụa.
Bộ Công Thương cho biết, căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
7. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát thấp, tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ, ngoại hối tăng cao kỷ lục
Năm 2017 tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Cả nền kinh tế chuyển biến tích cực trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu, toàn diện ở cả 3 khu vực, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ-du lịch, với dẫn dắt quan trọng của công nghiệp chế biến chế tạo. Động lực tăng trưởng đồng đều ở cả đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2017 tỉnh hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng tốt. Việc ổn định tỷ giá đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.
Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục lên đến 51,5 tỷ Đô la Mỹ (kể cả số tiền thu được từ bán vốn tại Sabeco). Năm nay là năm thứ 2 Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội.
Quy mô nền kinh tế năm 2017 đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục trên, lạm phát năm nay tăng thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12 chỉ tăng 0,21% so với tháng trước. CPI bình quân năm tăng 3,53% so với bình quân 2016.
Tính đến ngày 20/12/2017, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt mức kỷ lục là 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm ngoái.
Kim ngạch kuất khẩu năm 2017 đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua trên 213 tỷ Đô la Mỹ. Ảnh: NTNN. |
8. Xuất khẩu tăng mức kỷ lục
Năm 2017 ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa cả 2 chiều xuất nhập khẩu ước tính đạt gần 425 tỷ Đô la Mỹ. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ Đô la Mỹ (tăng 21,1% so với năm ngoái), đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt xuất khẩu thủy sản và rau, củ, quả đạt mức ấn tượng trên 41%. Xuất khẩu nông sản cũng tăng kỷ lục. Ước tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ Đô la Mỹ, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,97 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành rau củ quả của Việt Nam đã xuất khẩu vượt lúa gạo, vượt cả dầu khí, đạt 3,5 tỷ Đô la Mỹ.
9. Vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng mức kỷ lục
Năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới tại Việt Nam tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 35,88 tỉ Đô la Mỹ (tăng 44,4% so với năm 2016).
Số vốn này đã tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước (năm 2014 đạt 20 tỷ Đô la Mỹ). Không những đạt kỷ lục về vốn thu hút, số vốn FDI cũng cao nhất từ trước tới nay với con số 17,5 tỷ Đô la Mỹ.
Theo đó, hàng loạt dự án ngành sản xuất phân phối điện, công nghiệp chế biến chế tạo hút dòng vốn FDI tỷ Đô la Mỹ về Việt Nam như dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) vốn đầu tư 2,79 tỷ Đô la Mỹ; dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2,58 tỷ Đô la Mỹ…
Quốc hội đã bấm nút trao cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá, phát triển. Ảnh: Quốc hội |
10. Trao cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh
Với 93,69% ĐB đồng ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện 4 nhóm cơ chế đặc thù để tạo động lực bứt phá.
Quyết định của Quốc hội “cởi trói” cho thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố mang tên Bác phát huy được mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà còn là cơ hội lớn để Thành phố Hồ Chí Minh tiến về phía trước, với một tốc độ phát triển nhanh, bền vững và mạnh mẽ hơn.